Kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn trên địa bàn tỉnh Nam Định

THS. TRẦN PHƯƠNG THÚY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Kinh doanh dịch vụ khách sạn được xem là ngành công nghiệp không khói giàu tiềm năng. Thực hiện tốt các vấn đề về môi trường sẽ đem lại lợi ích cho kinh doanh, cho môi trường và cho cộng đồng từ tiết kiệm năng lượng đến việc đảm bảo môi trường tại điểm đến.

Sử dụng kế toán quản trị môi trường được xem là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đạt được 2 mục tiêu, đó là lợi nhuận và phát triển bền vững. Bài viết bàn về thực trạng kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy và hoàn thiện công tác kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp này.

Từ khóa: Kế toán quản trị môi trường, dịch vụ khách sạn, tỉnh Nam Định.

1. Đặt vấn đề

Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), “Kế toán quản trị môi trường là quá trình quản lý hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường thông qua sự phát triển và ứng dụng hệ thống kế toán phù hợp với các vấn đề môi trường”. Kế toán quản trị môi trường là một bộ phận của kế toán quản trị, nhằm thu thập, xử lý, phân tích, sử dụng các thông tin tiền tệ và hiện vật liên quan tới các tác động của doanh nghiệp (DN) đến môi trường, từ đó cải thiện hoạt động của DN ở cả khía cạnh tài chính và môi trường.

Nội dung của kế toán quản trị môi trường bao gồm:

- Thứ nhất, kế toán chi phí môi trường trên cơ sở kiểm soát và áp dụng các phương pháp xác định chi phí môi trường thích hợp.

- Thứ hai, kế toán các khoản doanh thu, thu nhập hay lợi ích môi trường phục vụ cho dự toán và kiểm soát thực hiện dự toán.

-Thứ ba, kiểm soát rác thải, phế thải và tập trung quản lý hiệu quả các nguồn lực.

Ngày nay, với chức năng là một bộ phận của hệ thống kế toán DN, kế toán quản trị môi trường trở thành công cụ quản lý không thể thiếu trong DN giúp các nhà quản trị kiểm soát chi phí, lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu và đầu tư hiệu quả, đáp ứng được cả tiêu chuẩn kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, ứng dụng kế toán quản trị môi trường chưa được triển khai thực hiện nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn.

2. Đặc điểm của hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn ảnh hưởng đến kế toán quản trị môi trường

Hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn là sự kết hợp của nhiều hoạt động dịch vụ mang tính chất khác nhau.

Một là, dịch vụ cho thuê buồng ngủ: Cho thuê buồng ngủ là lĩnh vực kinh doanh quan trọng của khách sạn và là căn cứ cơ bản để đánh giá chất lượng cũng như tiêu chuẩn của một khách sạn.

 Hai là, dịch vụ ăn uống: Dịch vụ ăn uống là hoạt động phụ trợ của khách sạn nhưng cũng giữ vị trí quan trọng. Trong đó, kinh doanh tiệc cưới, hội nghị, hội thảo đối với các khách sạn hiện nay đang có xu hướng phát triển tốt.

Ba là, các dịch vụ liên quan: Các dịch vụ liên quan của khách sạn là các dịch vụ nhằm tăng thêm doanh thu cho khách sạn và đảm bảo nhu cầu đa dạng, phong phú của khách hàng khi nghỉ tại khách sạn. Các dịch vụ bổ sung thường bao gồm: massage, karaoke, tennis, thể dục thẩm mỹ, bể bơi…

Sản phẩm của dịch vụ kinh doanh khách sạn không thể lưu kho, không có hình thái vật chất, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm diễn ra đồng thời. Hoạt động kinh doanh khách sạn mang tính thời vụ cao, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa lịch sử. Do vậy, kế toán quản trị cần chú ý đến đặc điểm này để xác định các mức chi phí cho phù hợp.

3. Thực trạng áp dụng kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn trên địa bàn tỉnh Nam Định

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành thành phố phát triển về dịch vụ, hiện nay ở Nam Định, hàng trăm khách sạn được xây dựng và đi vào hoạt động với quy mô từ nhỏ đến lớn. 100% khách sạn sử dụng các thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc kinh doanh. Có thể kể đến như máy điều hòa để tạo sự thoải mái cho khách du lịch, nhưng lại là tác nhân gây ô nhiễm không khí, làm thay đổi nhiệt độ môi trường.

Việc sử dụng nước cho nhu cầu ở các hồ bơi, bãi cỏ, sân golf có thể làm suy thoái hay hủy hoại nguồn nước, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước thường xuyên ở Nam Định. Môi trường phải hứng chịu lượng nước thải lớn từ máy giặt, bồn rửa tay, vòi sen, nhà tắm và nước từ máng xối, hoặc nước thải từ các nhà vệ sinh và nước rửa chén bát của nhà bếp. Bên cạnh đó, cũng có một lượng lớn là chất thải rắn, bao bì, các loại thức ăn thừa, các vật liệu sử dụng trong công việc vệ sinh và bảo trì, một vài trong số này là rất độc hại.

Trong nhiều trường hợp, chất thải còn được tập trung tại các thùng rác không thích hợp và  không tiến hành phân loại ngay từ đầu, nhiều khi còn được thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên. 

Tuy nhiên, theo khảo sát tại Nam Định, có rất ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn am hiểu và vận dụng kế toán quản trị môi trường vào công tác quản lý nói chung và công tác kế toán nói riêng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do các yếu tố sau:

Một là, các quy định về thực hiện kế toán quản trị môi trường chưa được ban hành tại Việt Nam. Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường. Triển khai Nghị định này, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC… Nhìn chung, các quy định trên chưa liên quan trực tiếp đến việc áp dụng kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ khách sạn.

Trong DN kinh doanh dịch vụ khách sạn có rất nhiều chi phí liên quan đến môi trường như: chi phí sử dụng năng lượng, chi phí sử dụng nước, chi phí quản lý rác thải, chi phí quản lý nước thải, chi phí quản lý hóa chất,… Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các quy định về chế độ kế toán hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi chi phí liên quan đến việc bảo vệ môi trường và cũng chưa có tài khoản để theo dõi các khoản chi phí này. Do đó, các DN rất lúng túng khi thu thập thông tin, nhận diện các khoản chi phí, doanh thu và thu nhập liên quan đến môi trường và cũng chưa biết cách thức hạch toán sao cho phù hợp.

Hai là, trình độ và năng lực của người làm công tác kế toán quản trị môi trường còn rất hạn chế. Tổ chức kế toán quản trị trong doanh nghiệp là điều cần thiết, nhưng phải cân nhắc đến vấn đề chi phí và lợi ích. Vì vậy, khi áp dụng kế toán quản trị môi trường, DN còn cân nhắc tính phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Hầu hết, các kế toán viên chỉ đảm nhận vai trò là nhân viên kế toán tài chính, nên việc triển khai kế toán quản trị môi trường gần như là không có.

4. Giải pháp nhằm thúc đẩy và hoàn thiện công tác kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn trên địa bàn tỉnh Nam Định

4.1. Về phía Bộ tài chính

Bộ Tài chính cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài doanh nghiệp, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN nghiên cứu các vấn đề về kế toán quản trị môi trường và khuyến khích các DN áp dụng kế toán quản trị môi trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần cung cấp cho các DN những tài liệu hướng dẫn chi tiết, cụ thể nội dung và phương pháp thực hiện để các doanh nhiệp dễ dàng triển khai công tác kế toán quản trị môi trường trong thời gian tới.

4.2. Về phía các doanh nghiệp

Các DN cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện kế toán quản trị môi trường. Cụ thể là thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ, bao gồm: đào tạo chuyên môn kế toán quản trị và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong kế toán. Quá trình thu thập, xử lý, phân tích thông tin môi trường cho các quyết định của nhà quản trị các cấp khá phức tạp, đòi hỏi người làm kế toán có nhiều kỹ thuật khó, phải thực sự am hiểu toàn diện về quy trình công nghệ sản xuất, các tác động môi trường và chuyên môn kế toán nên quá trình đào tạo chuyên sâu càng trở nên cần thiết hơn.

Các DN cũng cần thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội của mình đối với vấn đề môi trường. Các nhà quản trị cần thường xuyên quan tâm, cập nhật và thực hiện kế toán quản trị môi trường trong các DN, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn.

4.3. Về phía các cơ sở đào tạo chuyên ngành kế toán

Mặc dù đã có một số trường đại học, học viện đưa vào giảng dạy kế toán quản trị môi trường nhưng các chương trình giảng dạy mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ sài và nằm trong chương trình của ngành Quản lý môi trường. Trong chương trình đào tạo ngành Kế toán - kiểm toán của tất cả các trường đại học tại Việt Nam đều không có nội dung của chương trình này.

Thời gian tới, các trường đại học, học viện có chuyên ngành kế toán cần đưa kế toán quản trị môi trường vào giảng dạy như một học phần chuyên sâu, tổ chức thành các chuyên đề để sinh viên trao đổi, thảo luận và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Qua đó, tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác kế toán phục vụ cho các DN nói chung và các DN kinh doanh dịch vụ khách sạn nói riêng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, mang đến sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.

5. Kết luận

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này thì trong quá trình phát triển kinh tế, không thể xem nhẹ vấn đề môi trường. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu về việc ứng dụng nhiều hơn nữa kế toán quản trị môi trường trong hoạt động DN. Do vậy, việc cập nhật và thực hiện kế toán quản trị môi trường trong các DN, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn tại tỉnh Nam Định là vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, kế toán quản trị môi trường còn mới mẻ ở Việt Nam, vì vậy, các DN có thể lựa chọn vận dụng kinh nghiệm kế toán quản trị môi trường từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, sao cho phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp.    

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Thị Lan Anh (2016), Kế toán quản trị môi trường, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Số tháng 4/2016.
  2. Ngô Thị Hoài Nam (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Thương mại.
  3. Giang Thị Trang (2019), Phát triển kế toán quản trị môi trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Số tháng 2/2019.

 The environmental management accounting implementation of hotel businesses in Nam Dinh Province

Master. Tran Phuong Thuy

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Hotel business is considered one of the potential smoke-free businesses. Tacking well environmental issues will bring benefits to the environment, communities and businesses, such as energy saving and ensuring the destination environment. One of the effective management tools is environmental management accounting. A survey shows that few hotel businesses in Nam Dinh province know and apply the environmental management accounting in their accounting systems. This article presents the situation of implementing the environmental management accounting of hotel businesses in Nam Dinh province, thereby proposing some solutions to promote and perfect the environmental management accounting implementation of these enterprises.

Keywords: Environmental management accounting, hotel services, Nam Dinh province.