Công nghiệp hỗ trợ là ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước. Có thể nói, trong những năm gần đây đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực này đã tạo được những bước phát triển mới đáng kể, từng bước đẩy mạnh được hoạt động sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo môi trường văn minh thương mại, đa dạng hóa sản phẩm thị trường…
Trong bối cảnh đó, các đề án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai cũng đã tạo được những dấu ấn quan trọng. Cụ thể, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nội địa đã được nâng cao đáng kể; đẩy mạnh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử; gia tăng giá trị xuất khẩu.
Chương trình Hội thảo kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa, tiếp cận nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp, thông qua việc hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước.
Cụ thể, hơn 20 doanh nghiệp lắp ráp hoàn chỉnh các sản phẩm điện tử, ô tô, da giầy, dệt may đại diện bên mua và hơn 60 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, phụ kiện đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác để cung cấp sản phẩm đã tham gia gặp gỡ và làm việc tại Hội thảo.
Theo Ban tổ chức, đây là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quảng bá, trưng bày và giới thiệu chi tiết, linh kiện, phụ tùng phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, từ đó tìm hiểu, tương tác trực tiếp và kết nối cung cầu B2B, hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Nam Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp cho biết, triển khai nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, IDC cũng như Bộ Công Thương đã và đang từng bước triển khai các chương trình một cách bài bản và hướng tới các doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm 2019, IDC đã hoàn thành đề án đào tạo nhân lực hợp tác với Samsung, cung cấp cho ngành công nghiệp hơn 200 chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất có chất lượng được hỗ trợ đào tạo từ các chuyên gia Hàn Quốc. 62 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên toàn quốc đã và đang trực tiếp được tư vấn cải tiến sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nam Bình, việc quan trọng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp đó là tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp với doanh số ổn định, giá bán hợp lý đảm bảo doanh nghiệp cung ứng ổn định về sản xuất và liên tục phát triển.
“Đó là mục tiêu chính của buổi lễ kết nối ngày hôm nay. Với vai trò đầu chuỗi, tôi hy vọng các nhà lắp ráp hoàn chỉnh có mặt hôm nay như Samsung, Toyota, Ford, Trường Hải, May 10, Bảo Minh, … sẽ tìm được nhiều nhà cung cấp với chất lượng sản phẩm và giá thành đáp ứng nhu cầu của mình để buổi lễ kết nối hôm nay đạt được nhiều kết quả như mục tiêu đề ra”, ông Đỗ Nam Bình bày tỏ, đồng thời khẳng định mong muốn thiết lập được nhiều giao dịch cung ứng thành công sau sự kiện, hướng đến môi trường kinh doanh theo mô hình B2B trong tương lai.
Một số hình ảnh tại sự kiện: