Khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành công nghiệp

Ngành Công nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, hiện có nhiều công trình, dự án đang được tập trung đầu tư xây dựng. Bộ Công nghiệp đã tập trung chỉ đạo, với nhiều giải phá

PV: Xin ông cho biết khái quát tình hình đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Công nghiệp trong thời gian qua.
Ông Lê Văn Được
: Năm 2004, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song ngành Công nghiệp đã đạt mức tăng trưởng 16% về giá trị sản xuất so với năm 2003. Một trong những nguyên nhân góp phần làm nên sự tăng trưởng đó là công tác đầu tư xây dựng của các DN trong toàn Ngành những năm qua đã thực hiện tốt, tạo thêm năng lực sản xuất mới.
Tính riêng các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp, năm 2004 vốn đầu tư thực hiện đạt 47.304,1 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2003. Trong đó, các Tổng công ty 91 đạt 44.974,1 tỷ đồng, tăng 34%; các Tổng công ty 90 và doanh nghiệp trực thuộc Bộ thực hiện 2.235,2  tỷ đồng, tăng 45,5%.
Về nguồn vốn, vốn ngân sách đạt 9.248,8 tỷ đồng, tăng 67%; vốn tín dụng nhà nước 2.564,5 tỷ đồng, bằng 59,6%; vốn khấu hao cơ bản 9.795,5 tỷ đồng, tăng 54,1%; vốn vay nước ngoài 4.497,6 tỷ đồng, bằng 90%; vốn tín dụng thương mại 25.595,5 tỷ đồng, tăng 55,3%; vốn tự bổ sung 2.675,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần và các nguồn khác 2.926,6 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2003.
Trong năm 2004 và những tháng đầu năm 2005, do tác động của thị trường thế giới, giá xăng dầu và nhiều loại vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng tăng, làm ảnh hưởng tới tiến độ nhiều công trình. Được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công nghiệp nhằm triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp thực hiện kế hoạch 2004, 2005, đặc biệt tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/ 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã rà soát lại kế hoạch đầu tư, rà soát tiến độ từng dự án, bố trí vốn tập trung cho những dự án có đầy đủ điều kiện và khả năng hoàn thành trong năm; lãnh đạo Bộ đã thường xuyên kiểm tra tiến độ những dự án trọng điểm, chỉ đạo các biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc. Do đó, trong năm 2004, nhiều dự án thuộc các ngành đã được đưa vào hoạt động như: Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 4, các tuyến đường dây 500 kV Pleiku-Đà Nẵng, tuyến 220 kV Nhà Bè - Tao Đàn và trạm 220 kV Tao Đàn, tuyến 220 kV Bắc Giang - Thái Nguyên... (TCT Điện lực Việt Nam), Dự án mở rộng, nâng cao công suất mỏ than Núi Béo, Khe Chàm (TCT Than VN); Dự án cán thép Phú Mỹ, dự án cán thép Thái Nguyên (TCT Thép Việt Nam); dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ (TCT Dầu khí Việt Nam); Dự án chuyển đổi công nghệ nâng cao năng suất của CADIVI (TCT Thiết bị kỹ thuật điện) và  một số dự án đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm của Tổng Công ty Bia-Bượu-Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Bia-Bượu-Nước giải khát Sài Gòn, Công ty CP Sữa Việt Nam ... 
Bên cạnh đó, đối với những dự án trọng điểm quốc gia như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau, Thuỷ điện Sơn La và một số dự án lớn khác như Dự án sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) Hải Phòng, Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hóa,  Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên có thời hạn đầu tư dài, đã được Bộ Công nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết tích cực những vấn đề đặt ra để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, nhằm tăng thêm năng lực sản xuất trong những năm tới.
PV: Có những ý kiến cho rằng, đầu tư xây dựng cơ bản ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập như: có một số công trình sai ngay từ khâu quyết định đầu tư hay vấn đề giải ngân luôn gặp khó khăn, việc quản lý đầu tư còn quá lỏng lẻo đã gây nên những thất thoát lớn. Vậy, với tư cách là người quản lý đầu tư của Bộ Công nghiệp, Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề này?
Ông Lê Văn Được:
Đầu tư xây dựng là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh tế của một đất nước, yêu cầu phải được quản lý chặt chẽ, bởi nó gắn liền với việc tuân thủ quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn của ngành, vùng; gắn với việc thực hiện những mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm… nhưng lại là một lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cũng như yêu cầu của mục tiêu nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, nhìn lại công tác quản lý đầu tư xây dựng của chúng ta, còn nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện. Theo ý kiến cá nhân tôi, cần tập trung vào những nội dung sau:
- Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi để tiến tới thống nhất một cơ chế quản lý về đầu tư xây dựng các dự án tiến hành đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt chủ đầu tư thuộc thành phần kinh tế nào.
- Phân cấp, gắn với trách nhiệm cho các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trong việc phê duyệt dự án đầu tư trên cơ sở tuân thủ quy hoạch phát triển ngành, vùng lãnh thổ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tiếp tục nghiên cứu đơn giản hoá các thủ tục và trình tự xem xét phê duyệt các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế xã hội của dự án làm thước đo đánh giá cuối cùng.
- Nâng cao năng lực các cơ quan tư vấn, quản lý, thực hiện và giám sát dự án nhằm hạn chế tới mức tối đa những sai sót trong quá trình tính toán chi phí, hiệu quả dự án cũng như đảm bảo thực hiện đúng các khoản mục đã được phê duyệt trong thiết kế và dự toán.
- Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và gắn trách nhiệm của các cơ quan tài chính, ngân hàng, bảo đảm đủ và cung cấp đúng tiến độ nguồn vốn cho dự án triển khai theo nhu cầu của chủ đầu tư, nhằm thực hiện tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động vốn trong xã hội tập trung cho đầu tư phát triển.
- Cần tiếp tục phân định quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng cho các chủ thể tham gia trong quá trình xây dựng và triển khai dự án, có như vậy mới tạo nên được sự thống nhất giữa các chủ thể, nhằm thực hiện một mục tiêu chung là đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ, có hiệu quả, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.
PV: Bộ Công nghiệp đã có những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế chung hiện nay ?
Ông Lê Văn Được:
Thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTG ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước và Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19/5/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo các TCT, Công ty, các đơn vị trực thuộc rà soát lại kế hoạch đầu tư để bảo đảm tính phù hợp của các dự án đang triển khai với quy hoạch phát triển của các ngành đã được phê duyệt hoặc xây dựng. Yêu cầu các đơn vị cần tập  trung nguồn lực và sự chỉ đạo, tổ chức giao ban định kỳ đối với các dự án trọng điểm của ngành mình, đơn vị mình; tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư; đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, kiểm toán và quyết toán những hạng mục công trình, công trình đã hoàn thành. Đối với các đơn vị mà năng lực quản lý dự án thiếu và yếu cần có kế hoạch tăng cường thêm. Đồng thời, Bộ cũng đã thành lập Tổ giám sát, đánh giá đầu tư, triển khai thực hiện định kỳ công tác giám sát tổng thể đầu tư và giám sát một số dự án quan trọng theo kế hoạch hàng năm được phê duyệt, kịp thời chấn chỉnh các đơn vị thực hiện đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng và báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một trong yêu cầu cần tăng cường quản lý đầu tư là chống bố trí kế hoạch dàn trải, gây nợ đọng xấu, cũng đã được các đơn vị chú ý. Trong năm 2004, số lượng dự án được các đơn vị bố trí tập trung hơn. Số dự án thụ hưởng vốn ngân sách nhà nước cũng giảm hơn năm 2003, không còn để tình trạng dự án bị kéo dài như trước đây. Kiên quyết không phê duyệt những dự án còn thiếu về thủ tục đầu tư và không đảm bảo tính khả thi. Mặt khác, tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với những dự án cần hoàn thành theo tiến độ quy định (4 năm đối với dự án nhóm B và 2 năm với các dự án nhóm C). Bộ đã tổ chức rà soát lại công tác quản lý đầu tư và triển khai dự án của các đơn vị sự nghiệp (Trường, Viện thuộc Bộ), nhằm chấn chỉnh những mặt còn hạn chế của các đơn vị.
Trước tình hình sản xuất, đầu tư quí I/2005 chưa đạt yêu cầu đề ra, Bộ Công nghiệp đã kịp thời yêu cầu các đơn vị triển khai ngay những giải pháp sau đây:
- Khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án, hợp đồng vay vốn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị giải phóng mặt bằng, tổ chức tốt công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trong kế hoạch năm 2005.
- Các Tổng công ty, doanh nghiệp cần giao ban hàng tuần đối với các dự án trọng điểm, huy động nguồn lực để hoàn thành khối lượng theo đúng tiến độ.
-  Tăng cường năng lực bộ máy thực hiện và quản lý đầu tư để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt đầu tư. Tăng cường các biện pháp quản lý, nhất là trong giám sát thi công, bảo đảm đúng quy trình, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Thực hiện tốt yêu cầu về công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước. Nghiêm túc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát đầu tư  các công trình xây dựng cơ bản của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý và các Tổng Công ty, doanh nghiệp.
- Chủ động tìm các biện pháp huy động vốn khác nhau, phát triển hình thức huy động vốn cổ phần của tư nhân, vốn liên doanh liên kết với doanh nghiệp khác, vốn của người cung cấp nguyên liệu vào sản xuất sản phẩm... nhằm huy động được nhiều nguồn và chia xẻ bớt rủi ro; có kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong việc sử dụng nguồn vốn tự bổ sung của doanh nghiệp.
PV: Dự kiến đến cuối năm 2005, công trình Thủy điện Sơn La sẽ được khởi công. Xin Ông cho biết việc quản lý đầu tư và tổ chức thực hiện công trình này được chuẩn bị như thế nào, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì để nâng cao hiệu quả đầu tư của công trình trọng điểm này.
Ông Lê Văn Được: Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và nhất là từ khi có Quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đã được triển khai đồng bộ, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ và yêu cầu của Quốc hội đề ra đối với Dự án. Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo và ban hành nhiều quyết định quan trọng để thực hiện dự án như: thành lập Ban chỉ đạo nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La và ban hành Qui chế hoạt động của Ban;  phê duyệt tổ hợp gồm 13 nhà thầu tham gia xây dựng dự án do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu xây dựng; ban hành quy định về bồi thường, di dân, tái định cư; cơ chế quản lý và thực hiện dự án…
 Dự án Thuỷ điện Sơn La có công suất 2.400 MW, khi đi vào vận hành hàng năm sẽ cung cấp khoảng 9.5 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia, ngoài ra việc đầu tư dự án còn có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Chính vì vậy, để đảm bảo dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, đạt hiệu quả, mọi hoạt động có liên quan tới dự án đều cần được các đơn vị tham gia thực hiện một csh tích cực, đồng bộ.
Đến nay, các hạng mục công việc phục vụ cho việc khởi công và ngăn sông đang được công trường triển khai tích cực và bám sát tiến độ đã đề ra, đã huy động trên 5.000 cán bộ, công nhân viên và trên 300 đầu xe máy các loại; đã hoàn thành công tác đào hố móng kênh và cống dẫn dòng với khối lượng trên 4 triệu m3 đất đá các loại và đã tiến hành xây dựng các hạng mục phụ trợ, lán trại đáp ứng yêu cầu tiến độ phục vụ khởi công công trình. Hiện nay, công trường đang đẩy nhanh tiến độ đổ bê tông cống dẫn dòng với cường độ bình quân 30.000 m3/tháng, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác bê tông cống dẫn dòng với khối lượng trên 200.000 m3 trong tháng 10/2005...
Công tác tư vấn thiết kế cũng được các cơ quan phối hợp triển khai tích cực: Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn thiết kế công trình chính; Bộ Công nghiệp đang thẩm định thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 (TKKT-1), phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác thẩm định vào cuối tháng 5.2005 và phê duyệt vào tháng 6.2005; Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã kịp thời phê duyệt thiết kế BVTC các hạng mục gia cố kênh và cống dẫn dòng, thiết kế - dự toán các hạng mục phụ trợ và đã thực hiện thường xuyên công tác giám sát tác giả;  công trường đang tiến hành các thí nghiệm chuyên ngành như khoan phun chống thấm và chọn vật liệu phụ gia phụ trợ cho bê tông...
Công tác triển khai các Dự án di dân tái định cư của các địa phương liên quan tới dự án Nhà máy Thủy điện (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) cũng đã và đang được thực thi tích cực. Công tác này có vai trò hết sức quan trọng, liên quan đến sự thành công của Dự án và sự ổn định đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân, nhất là các tỉnh biên giới có điều kiện kinh tế, an ninh chính trị đặc thù như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Dự án các công trình giao thông tránh ngập đã được Bộ Giao thông vận tải lập và báo cáo Ban chỉ đạo nhà nước xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban chỉ đạo nhà nước đã chỉ đạo và giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị tham gia Dự án, đảm bảo cho dự án được triển khai thuận lợi, đồng bộ đáp ứng mục tiêu khởi công công trình chính và ngăn sông Đà vào cuối năm 2005, phát điện tổ máy số 1 sớm hơn so với thời hạn đã được phê duyệt trong Quyết định đầu tư từ 1-2 năm.
Với sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Nhà nước, sự đồng tâm hiệp sức của các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị tham gia Dự án, chúng ta tin tưởng rằng, Dự án sẽ được triển khai đáp ứng được yêu cầu tiến độ đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.

  • Tags: