Xây dựng mô hình khu hợp tác kinh tế biên giới

Khu hợp tác kinh tế giữa các quốc gia có chung biên giới là khu kinh tế mở về không gian và thể chế kinh tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các quốc gia trong việc phát triển kinh tế trong xu thế hội

1. Sự cần thiết và các điều kiện cơ bản
a. Sự cần thiết: Các xu thế hợp tác kinh tế thúc đẩy các quốc gia láng giềng mở thị trường, ngoài việc xuất nhập khẩu thông thường, cần có khu vực hợp tác kinh tế gần biên giới, nơi có thể giới thiệu hình ảnh quốc gia, giới thiệu với du khách quốc tế, tiếp nhận, xuất nhập khẩu và hoàn chỉnh các nhu cầu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,... là một điểm giao lưu quốc tế; Do nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm khai thác thế mạnh của mỗi bên, bù đắp những thiếu hụt về hàng hóa, công nghệ,... và yêu cầu của các nước thứ ba về giao thương. Các khu hợp tác kinh tế hình thành theo nhu cầu khách quan của sản xuất và lưu thông giữa các địa phương vùng biên giới, là nơi tác động tới sản xuất, lưu thông trong nước một cách nhanh nhất.

b. Căn cứ pháp lý: Đó là chủ trương, chính sách của chính phủ các bên được ghi nhận trong các văn kiện hợp tác, giao cho chính quyền địa phương thực hiện, là các cam kết hỗ trợ pháp lý, tài chính, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tiếp đến là các quy hoạch được công bố tạo hiệu ứng thu hút đầu tư, giao thương, để dân chúng địa phương đồng thuận,...

c. Khảo sát khu vực và thỏa thuận phát triển: Có nhiều cấp độ khảo sát theo quy hoạch vùng địa lý của khu hợp tác kinh tế, do vậy, việc khảo sát theo nhiều bước và cập nhật thường xuyên với các nội dung chính: (1) Khảo sát nguồn lực địa lý trong khu vực quy ước (có thể là cấp huyện, tỉnh biên giới của hai bên) bao gồm điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, đặc điểm về dân tộc, văn hóa,... các hạn chế, ưu thế, nét tương đồng và đặc điểm riêng của mỗi bên; (2) Cơ chế chính sách của mỗi bên của cấp địa phương về kinh tế - xã hội, đặc biệt các ý kiến của chính quyền và nhân dân có khu hợp tác, mức độ đồng thuận. Các chính sách cụ thể cần công bố cho nhau: Về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh người và phương tiện, đầu tư, bảo vệ môi trường, quy định về an ninh, an toàn, quy định về biên giới, hệ thống pháp lý của mỗi bên ảnh hưởng trực tiếp đến khu hợp tác, các mô hình tương tự đã áp dụng với nước khác,... (3) Cơ chế chính sách chung của hai quốc gia đó là các văn kiện hợp tác đã ký,... (4) Thỏa thuận ký kết xây dựng khu hợp tác, các đối tác đầu tư đã được cấp phép, đang kêu gọi,...

2. Mô hình phát triển
a. Thể chế chính sách: Khu hợp tác kinh tế chấp thuận những phương thức tự do thương mại và đầu tư của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập. Những rào cản từ một bên nào đó đều có thể cản trở sự phát triển. Khi xây dựng thể chế, cần công khai trong nước, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, bởi nơi đây sẽ là vùng tập trung các hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ, du lịch,...

Thể chế chính sách có tính bảo hiểm cao cho các rủi ro để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, các thay đổi chính sách gây thiệt hại cho doanh nghiệp phải được bồi hoàn.

Tính linh hoạt của thể chế là hoàn thiện định kỳ, thống nhất cách giải quyết cho phù hợp với những thay đổi môi trường đầu tư của quốc gia, quốc tế, khu vực; Không quá lệ thuộc, thụ động vào tăng trưởng kinh tế mỗi bên, mà chủ động để hợp tác với các bên thứ ba, khuyến khích các dịch vụ du lịch, tiêu dùng miễn thuế... Các thay đổi chính sách kinh tế mỗi bên đều được thông báo kịp thời để sửa đổi quy ước chung của các khu hợp tác kinh tế.

Sự thống nhất của thể chế chính sách của khu hợp tác kinh tế thể hiện bằng bản “Quy ước hợp tác” giữa các bên theo nguyên tắc tôn trọng các quy định riêng của mỗi bên, tôn trọng độc lập chủ quyền và an ninh lãnh thổ. Thực chất là giải quyết tốt nhất sự có mặt và qua lại của hàng hóa, con người và các hoạt động sản xuất, dịch vụ trong khu hợp tác kinh tế. Do vậy, không có sự áp đặt phải theo quy chế của bên nào, ví dụ hàng hóa và con người vào khu hợp tác của mỗi bên thuận lợi, nhưng việc nhập khẩu vào nội địa mỗi quốc gia có quy định riêng. Vấn đề sử dụng đồng tiền trong giao dịch tại khu cần phải linh hoạt với các đồng tiền tự do chuyển đổi trong khu áp dụng đối với doanh nghiệp và du khách qua lại. Các mức giá thuê đất, giá điện, nước, vận tải, lưu kho bãi, lệ phí đầu tư, danh mục ngành nghề thu hút đầu tư, lệ phí liên quan đến người và hàng hóa cần công khai và đạt sự thống nhất về mức giá và chất lượng dịch vụ.

b. Không gian lãnh thổ: Có hai loại mô hình không gian đều giữ vững nguyên tắc không thay đổi chủ quyền lãnh thổ mỗi quốc gia, tôn trọng các quy ước về đường biên giới lãnh thổ, không làm thay đổi các mốc biên giới, bảo đảm cảnh quan, gìn giữ môi trường...

Mô hình đối xứng: Theo thỏa thuận, mỗi bên xây dựng khu kinh tế hợp tác với các phân khu chức năng đối xứng như khu sản xuất, khu thương mại và dịch vụ, khu hành chính và các cửa kiểm soát (Sơ đồ 1). 

 



Về diện tích khu vực: Lấy sơ đồ 1 là khu trung tâm, quy ước không có dân, có hàng rào để bảo vệ an ninh trật tự, vùng bên ngoài được quy định rõ để có chính sách phát triển hạ tầng, ưu đãi riêng... hỗ trợ khu trung tâm.

Mô hình liên kết: Mô hình khu hợp tác kinh tế liên kết (có tài liệu gọi là là khu kinh tế mở xuyên biên giới, nên thống nhất gọi là khu hợp tác kinh tế biên giới) được hình hành trên cơ sở pháp lý: Thỏa thuận giữa chính phủ hai nước; Khu trung tâm có hàng rào, không có dân thường trú, hoạt động của Khu do một Ban điều hành liên quốc gia, trong Khu có: Một hoặc hai công ty thuê đất để phát triển hạ tầng, cho các doanh nghiệp thuê đất kinh doanh (sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ), việc sử dụng các dịch vụ như điện, nước được đấu thầu hoặc chỉ định cho doanh nghiệp của mỗi bên. 


                                                    Sơ đồ 2: Trung tâm khu hợp tác kinh tế


Mô hình liên kết gồm 4 cửa: Mỗi bên có một cặp cửa gồm cửa vào ra tự do đối với người và hàng hóa chỉ phải nộp lệ phí và kê khai hàng hóa vào, một cửa kiểm soát khi hàng hóa nhập khẩu vào nội địa. Khách đến vào một cửa là đến được vùng lãnh thổ của nước láng giềng, lệ phí thu một lần gồm: Phí sử dụng các dịch vụ công cộng, phí gửi xe nếu có, phí vào khu công viên... miễn thuế hàng hóa cá nhân xách tay khi vào cũng như khi ra.

Khi khu trung tâm mở rộng có xu hướng hình thành một đặc khu kinh tế ảnh hưởng mạnh đến khu hợp tác kinh tế trong nội địa mỗi bên.

Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước thứ ba có thể thuê đất kinh doanh làm nhà máy lắp ráp, gia công, hoàn chỉnh sản phẩm, hoặc kinh doanh siêu thị, mở chi nhánh ngân hàng, bảo hiểm, thuê cửa hàng, làm khu vui chơi giải trí, triển lãm, hội thảo... Toàn bộ việc mua bán trong khu được miễn thuế. Các doanh nghiệp phải trả tiền thuê đất, phí dịch vụ, chỉ nộp thuế nhập khẩu khi đưa hàng vào nội địa mỗi bên.

c. Sự phối hợp: Dù áp dụng mô hình đối xứng hay liên kết, để khu hợp tác kinh tế phát triển, cần có sự phối hợp tích cực của các bên tham gia theo quy ước đã ký, hay theo điều lệ công tác của Ban điều hành chung. Các vấn đề kinh tế thuận lợi nhưng vấn đề an ninh trật tự, an toàn, môi trường và kiểm dịch, kiểm hóa,... rất quan trọng. Sự phối hợp cần thiện chí và hoàn thiện khi khu hợp tác hoạt động.

3. Lộ trình: Theo thỏa thuận và quy hoạch mở, trước hết, mỗi bên xây dựng một khu trung tâm theo kiểu đối xứng, khi đủ điều kiện và thấy cần thiết thì áp lại thành khu liên kết cùng với việc mở rộng không gian khu trung tâm.

Quốc gia có biên giới với nhiều nước láng giềng cần xây dựng một số mô hình thí điểm với mỗi nước, nếu có cả biên giới trên biển và đất liền, có thể xây dựng hải cảng tự do, hoặc sân bay quốc tế gần khu hợp tác phát triển.

Các bên ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nội địa dẫn tới khu hợp tác cùng với quy hoạch các hành lang phát triển trên các trục giao thông chính từ khu dẫn vào nội địa hoặc tới các cảng biển, sân bay quốc tế. Tiếp đến phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu trong khu, như cung cấp thực phẩm, nước sạch, bảo vệ môi trường, sản xuất các sản phẩm và bán thành phẩm đưa vào trung tâm, nhập khẩu từ trung tâm; Vận động tiếp thị đầu tư và xúc tiến thương mại, du lịch...

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam có chủ trương xây dựng các khu hợp tác kinh tế ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Quảng Tây); Khu hợp tác biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây); Khu hợp tác kinh tế Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Vân Nam). Trong tương lai, chúng ta có thể xây dựng khu hợp tác kinh tế với nước bạn Lào, Campuchia để hội nhập với tiến trình phát triển hành lang Đông Tây – thuộc tiểu vùng sông Mê – Kông và khu vực Đông Nam Á theo hướng thịnh vượng bền vững.

Tài liệu tham khảo:
- Phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam, Nxb. Công Thương, 2010
- Khuyến khích đầu tư – thương mại vào các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam, Nxb.Thống kê, 2000
- Kỷ yếu Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội- Hải Phòng – Quảng Ninh lần thứ IV, 2009
- Cổng thông tin điện tử: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai