Khan hiếm nguồn cung mặt bằng bán lẻ, cổ phiếu VRE của Vincom Retail bật tăng

Tình trạng khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm nay đã tăng từ 9% - 13% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản bán lẻ.

Khan hiếm nguồn cung thúc đẩy giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng

Vincom Retail Tạp chí Công Thương
Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE – sàn HoSE) đang tiếp tục dẫn đầu thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ với tổng diện tích sàn là 1,75 triệu m2, gấp 5 lần đối thủ gần nhất.

Theo hãng tư vấn thị trường bất động sản CBRE, chỉ có 6.600 m2 diện tích mặt sàn bán lẻ mới được cung cấp tại Hà Nội và không có nguồn cung mới nào tại TP.Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm nay. Sự khan hiếm nguồn cung mới đã giúp giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng lần lượt 13% và 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo CBRE, sự khan hiếm nguồn cung mặt bằng bán lẻ này có thể sẽ còn kéo dài cho đến năm 2025. Nguồn cung hạn chế tại hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản bán lẻ như Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE – sàn HoSE) tối ưu hoá hiệu quả hoạt động tại các trung tâm thương mại hiện có, thúc đẩy giá thuê trung bình duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại thuộc các khu vực trung tâm.

Doanh thu cho thuê Vincom Retail
Doanh thu cho thuê và giá thuê bình quân mặt bằng bán lẻ của Vincom Retail qua các quý. (Nguồn: Vincom Retail, SSI Research)

Còn theo nhận định của SSI Research, mặc dù bị ảnh hưởng bởi sức tiêu dùng yếu, Vincom Retail vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh với 80% doanh thu cho thuê đến từ các hợp đồng cố định giá thuê với thời hạn thuê trung bình là 3,8 năm, dự kiến sẽ giữ ổn định trong thời gian tới và đảm bảo cho tăng trưởng vững chắc mặc dù doanh số bán hàng của khách thuê có thể có biến động trong ngắn hạn.

Về việc mở rộng danh mục dự án, Vincom Retail hiện vẫn duy trì kế hoạch khai trương trung tâm thương mại Vincom Plaza Hà Giang với tổng diện tích sàn (GFA) 9.500 m2 trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, dời thời điểm khai trương Vincom Mega Mall Grand Park tại TP.Hồ Chí Minh (45.700 m2 GFA) sang tháng 4/2024, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu là khai trương vào tháng 10/2023, chủ yếu là do tâm lý tiêu dùng yếu.

Quy mô trung tâm thương mại Vincom Retail
Quy mô của các doanh nghiệp vận hành trung tâm thương mại chính ở Việt Nam (số trung tâm và tổng diện tích mặt sàn). (Nguồn: SSI Research)

Tuy nhiên, mặc dù tiến độ mở rộng giảm tốc, Vincom Retail vẫn đang dẫn đầu thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ với tổng GFA là 1,75 triệu m2, cao hơn gần 5 lần so với đối thủ gần nhất.

Vincom Retail đã có một số dự án đang trong giai đoạn phát triển như Vincom Plaza ở tỉnh Bắc Giang, TP.Vinh, TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Quảng Trị, TP.Biên Hòa, huyện Đan Phượng (Hà Nội), Vincom Mega Mall Vũ Yên (TP. Hải Phòng) và một trung tâm thương mại lớn khác nằm trong dự án Vinhomes Ocean Park 2 để mở mới tại thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản bán lẻ này cũng đã thu xếp được quỹ đất tại các tỉnh như Hưng Yên, Long An… đủ để phát triển đến năm 2028, theo SSI Research.

Xem thêm: "Kỳ vọng biên lợi nhuận của Tập đoàn Hoà Phát sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các chỉ số hoạt động được cải thiện, cổ phiếu VRE bật tăng  

Tỷ lệ lấp đầy tại Vincom Retail cổ phiếu VRE
Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương hiệu của Vincom Retail. (Nguồn: Vincom Retail, SSI Research)

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Vincom Retail, các khách thuê lớn vẫn cam kết mở rộng lâu dài tại Việt Nam. Trong dài hạn, với vị thế là doanh nghiệp vận hành trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, Vincom Retail có thể sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và triển vọng mở rộng hệ thống cửa hàng của các thương hiệu bán lẻ trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

Đáng chú ý, các chỉ số hoạt động của Vincom Retail tiếp tục được cải thiện trong quý 2/2023. Trong đó, tỷ lệ phủ lấp đạt 85,5% trong quý 2/2023, tăng 3 điểm phần trăm so với quý 2/2022; phản ánh hiệu quả của chiến lược tập trung vào việc nâng cấp cơ cấu khách thuê cua Vincom Retail.

Lượng khách đến các trung tâm thương mại của Vincom Retail trong quý 2/2023 đạt 48,4 triệu lượt khách, gần như tương đương với mức trước dịch COVID-19 (tương đương khoảng 97% so với mức quý 2/2019).

Kết quả này một phần đến từ việc công ty đã tập trung vào việc mở rộng phạm vi phủ sóng trên mạng xã hội để thúc đẩy chuyển đổi lượt theo dõi trực tuyến sang tham quan mua sắm trực tiếp. Ngoài ra, Vincom Retail cũng đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác để mang đến những trải nghiệm đa dạng hơn ngoài mua sắm, như các lễ hội âm nhạc hay tuần lễ thời trang.

Giá cổ phiếu VRE Vincom Retail Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VRE của Vincom Retail từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xét về góc độ tài chính, tính chung 6 tháng đầu năm nay, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần 4.116 tỷ đồng và lãi ròng 2.025 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 76% so với mức cơ bản thấp trong nửa đầu năm 2022 (do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong quý 1/2022).

Đặc biệt, biên lợi nhuận thuần từ hoạt động cho thuê, kinh doanh trung tâm thương mại trong nửa đầu năm nay đã đạt 76%, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Bảng cân đối kế toán duy trì lành mạnh với số dư tiền mặt ở mức cao với 7.600 tỷ đồng (chiếm 17% tổng tài sản) sau khi Vincom Retail đã thanh toán khoản trái phiếu 1.000 tỷ đồng đáo hạn trong tháng 4/2023. Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, Vincom Retail duy trì trạng thái tiền mặt ròng dương, đủ để tài trợ cho tăng trưởng trong tương lai trong điều kiện thị trường vẫn còn nhiều thách thức.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, giá cổ phiếu VRE bật tăng 2,3% lên mức 30.750 đồng/cổ phiếu. Kể từ cuối tháng 6/2023 đến nay, cổ phiếu VRE đã có nhịp tăng khá tích cực với mức tăng khoảng 15% cùng với đó là thanh khoản tăng đột biến so với thông thường.

Duy Quang