Khi doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khủng hoảng truyền thông

Ngày 17/8, Bộ Công Thương chính thức công bố kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùn

Theo đó, về cơ bản, doanh nghiệp (DN) đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Để đi đến kết luận này, Con Cưng đã đi qua một chặng đường gần 3 tháng. Sự cố của Con Cưng bùng phát lên từ một việc tưởng như “không có gì phải ầm ĩ”, khi ông Trương Đình Công Vĩnh, một khách hàng mua 7 sản phẩm ở một siêu thị thuộc hệ thống Con Cưng và phát hiện bộ quần áo màu hồng có dấu hiệu bị cắt tem, được thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion) ghi xuất xứ Made in Thailand.

Mặc dù sau đó, trong một buổi làm việc, Con Cưng đồng ý với các yêu cầu của khách hàng Trương Đình Công Vĩnh. Ngày hôm sau (7/6), Công ty Con Cưng đã cho thu hồi sản phẩm trên toàn bộ siêu thị trong cả nước.

Tiếp đến, tại buổi làm việc ngày 13/6, Con Cưng và khách hàng thống nhất một số nội dung: Thu hồi sản phẩn lỗi đang bán tại cửa hàng (đã xử lý xong 7/6); Thu hồi sản phẩm lỗi khách hàng đã mua bằng cách gửi tin nhắn thu hồi và bồi thường cho khách hàng; Gửi trả lại sản phẩm lỗi cho nhà cung cấp, xem xét không nhập các sản phẩm tương tự trong tương lai.

Ngày 14/6, Con Cưng gửi thư cho ông Vĩnh, ngoài việc xin lỗi và cảm ơn, công ty gửi tặng ông một phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng, tuy nhiên, ông Vĩnh không chấp nhận phương án xin lỗi và bồi thường của phía Công ty Con Cưng.

Sự việc đẩy lên cao trào khi ông Vĩnh khiếu lại đến cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, cộng đồng dấy lên những nghi vấn và Con Cưng đã kịp thời giải thích. Thử điểm qua một số nghi vấn:

- Về nghi vấn “nhãn chồng lên nhãn”: Miếng giấy dán ghi “Sản xuất bởi Công ty Mỹ phẩm TitiOne” chồng lên thông tin in trên hộp “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C”. Con Cưng đã giải thích do nhà sản xuất đổi tên, trước là Công ty TNHH G&C, từ ngày 24 tháng 1 năm 2018 đổi thành Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne. Con Cưng cũng đính kèm thông báo từ Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne gửi đến khách hàng và đối tác Con Cưng về việc thay đổi tên. Đồng thời cho biết từ ngày 24/1/2018 đến cuối năm 2019, sản phẩm mang thương hiệu TiTiOne sẽ tồn tại song song bao bì sản phẩm mang tên Công ty TNHH G&C. Thực tế, trên hệ thống của Tổng cục Thuế, Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne và Công ty TNHH G&C có cùng một mã số thuế.

- Một nghi ngờ khác, bộ quần áo ông Vĩnh mua có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ, thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion). Con Cưng phản hồi rằng đó là lỗi của nhà sản xuất ở Thái Lan, và trưng ra bằng chứng: thư xác nhận từ nhà sản xuất Thái Lan WWW International Incorporated Co.(Thailand). Đối tác Thái Lan đã xác nhận hợp đồng lô sản phẩm có bộ quần áo bé gái bị lỗi được sản xuất bởi Công ty này cho Con Cưng dưới thương hiệu CF.

- Tiếp theo là nghi vấn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hơn 5.000 sản phẩm. Con Cưng giải thích do chỉ có một bộ chứng từ gốc của từng lô hàng nên không thể đưa ra được khi cơ quan chức năng kiểm tra đồng loạt. Con Cưng đã đề nghị Chi cục QLTT TP.HCM cho phép được nộp và giải trình hồ sơ tại một đầu mối và đã được Chi cục đồng ý.

- Đối với những hàng hóa bị cơ quan chức tạm giữ do sai quy định về việc ghi thông tin nhãn mác, cụ thể không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định đối với một số sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Philippines, Malaysia; không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa... Con Cưng cho biết đang tiếp tục phối hợp với nhà cung cấp nước ngoài để giải trình với cơ quan chức năng.

Đầu tháng 8, sau khi nỗ lực làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, Công ty cổ phần Con Cưng đưa ra giấy chứng nhận phân phối hàng chính hãng cho 22 đối tác trong và ngoài nước kèm theo thông điệp cho thấy “đang nỗ lực mang tới những sản phẩm có chất lượng tốt”.

Trên tinh thần cầu thị, sau khi được “minh oan”, Con Cưng đã dành cho khách hàng những lời tri ân qua Thư cảm ơn: “Thưa Quý khách hàng, Con Cưng hiểu rằng trong thời gian vừa qua, Quý khách hàng có thể cảm thấy lo lắng và thậm chí là cả sự tổn thương khi tiếp nhận những thông tin thiếu tích cực về hàng hóa, sản phẩm của Con Cưng. Dù những thông tin này được đến từ đâu và theo cách thức nào, đó cũng là việc Con Cưng chưa thực hiện tốt vấn đề quản trị doanh nghiệp của mình. Với tất cả sự cầu thị, chúng tôi thành thật xin lỗi Quý khách hàng!

Chúng tôi luôn hiểu rằng sức khỏe, sự an toàn của bé và niềm vui của ba mẹ là điều quý giá nhất trong mỗi gia đình. Chính vì vậy, việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và các bé bằng các sản phẩm an toàn cũng chính là kim chỉ nam trong suốt những năm hoạt động kinh doanh của Con Cưng.

Kính mong Quý khách hàng thấu hiểu Con Cưng trân quý niềm tin và tình cảm của Quý khách hàng và luôn coi đó là tài sản lớn nhất của mình”.

Nội dung bức thư này cho chúng ta thấy sự chân thành, những nỗ lực không mệt mỏi của Công ty cổ phần Con Cưng trong xử lý khủng hoảng truyền thông, lấy lại niềm tin của khách hàng vốn đã dành cho Con Cưng suốt thời gian qua.


Phương Thúy