Khi giới trẻ lười đọc sách

Hầu hết các em học sinh không hề đọc sách báo! Vậy nên vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, nói năng cộc lốc, vụng về.

Khoảng 30 năm về trước, lúc đó việc đọc sách, đọc truyện trở thành thói quen của đông đảo mọi người, nhất là đối với lớp thanh niên lứa tuổi học trò. Họ háo hức chuyền tay nhau những cuốn sách sờn rách, thậm chí thiếu trang, mất chữ, ngấu nghiến đọc rồi hả hê cùng túm năm, tụm ba tranh luân với nhau về những gì vừa đọc. Có lẽ đó là những kỷ niệm đẹp còn in đậm nét trong tâm trí nhiều người thuộc các thế hệ 5X, 6X thời ấy. Tôi cứ nghĩ cái phông văn hoá của lớp người ngày ấy hầu như cũng được tạo dựng lên từ những trang sách, cuốn truyện sờn cũ đó!

Tôi nhớ ngày còn bé, thi thoảng mẹ cho vài hào tiền lẻ, anh em tôi đều dành dụm cất kín, thi thoảng lấy ra đếm và ngắm nghía rồi lại cất đi. Đến tết mới lấy ra, được bao nhiêu đều bỏ vào mua sách, truyện về đọc.

Đọc sách thời đó đâu có được thoải mái, nhà nông bộn bề với bao công việc, chả mấy lúc ngơi tay, phải tới khuya khi đã dọn dẹp và học bài xong tôi mới chong đèn đọc sách. Nhưng dầu hoả thời đó cũng khan hiếm và được coi như một thứ hàng xa xỉ đối với nhà nông, nên thấy tôi đọc khuya, mẹ tôi lại mắng mỏ, cấm đoán, cho là tốn dầu! Vậy là mỗi khi mua hay mượn được cuốn sách nào, tôi phải tranh thủ đọc ngay cả khi đi chăn trâu, lúc giã gạo hay lúc ngồi thổi cơm... Tôi bị cuốn theo số phận từng nhân vật trong truyện, cũng hồi hộp, lo lắng, cũng xót xa, căm giận, thậm chí còn khóc...

Những cuốn sách của Dumas, La Fontaine, của Victor Hugo, Herto Malo, của Jack London, rồi Marcim Gorki, Aitmatov, La Quán Trung, Ngô Thừa Ân... đã thật sự cuốn hút tâm hồn tôi suốt những tháng năm của tuổi trẻ. Phải nói rằng, sách thật sự là người thầy lớn dạy cho tôi rất nhiều điều, giúp tôi tự rèn luyện nhân cách, tạo cho tôi cái nhìn rộng lớn về mọi mặt của cuộc sống.

Đó là chuyện của ba, bốn chục năm về trước. Còn ngày nay, sách báo với lứa tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi học trò ở vùng quê ra sao? Họ có còn say mê với việc đọc sách hay không? Những câu hỏi đó thật sự đã gây cho tôi sự tò mò.

Qua tìm hiểu thực tế, tôi thấy buồn vì hầu như lớp trẻ nông thôn ngày nay, kể cả các cô cậu học trò, họ hoàn toàn không “quen” đọc sách! Họ thờ ơ với sách báo. Thật hiếm khi thấy ở những nhà nông có được một giá sách nhỏ, thậm chí nhiều nhà không hề có một cuốn truyện, một tờ báo nào, ngoại trừ mấy cuốn sách giáo khoa của con cái họ!

Đó là một thực trạng buồn đáng báo động đối với đông đảo nam, nữ thanh niên ở nông thôn hiện nay. Còn đối với học sinh thành thị, tình hình cũng ảm đạm vô cùng! Các thầy cô giáo cho biết hầu hết học sinh giờ đây không có thói quen đọc sách. Các em trở nên lười nhác đối với sách. Cùng lắm các em cũng chỉ đọc vài cuốn sách tham khảo hoặc nâng cao phục vụ cho việc học của mình mà thôi! Khi hỏi các em có hay đọc sách không, các em thích những loại sách nào, câu trả lời tôi nhận được là “không, vì đọc sách tốn thời gian”. Có vài em trả lời có đọc, nhưng chỉ đọc mấy cuốn truyện tranh như: “Đô rê môn”, “Dũng sĩ Herman” hay “Bảy viên ngọc rồng”... Còn với sách văn học, hầu hết các em đều trả lời: “không!”.

Có lẽ chính sự lười nhác của các em nên chất lượng giảng dạy môn Văn ở nhà trường hiện nay trở nên yếu kém, sa sút đến độ đáng lo ngại. Một thầy giáo dạy văn ở một trường trung học cơ sở vốn rất tâm huyết với nghề, buồn rầu nói với tôi: “Hầu hết các em học sinh không hề đọc sách báo gì cả! Vậy nên vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, nói năng cộc lốc, vụng về. Viết một bài văn trong 2 tiết học mà nhiều em cố “nặn” mãi mới viết được hơn chục dòng! Đã vậy ngôn từ lại hết sức ngây ngô vụng dại, chưa nói đến cách diễn đạt vừa lủng củng vừa thiếu logic, còn lỗi chính tả và sai ngữ pháp thì nhiều vô kể! Nghĩ mà buồn ông ạ!”.

Anh lắc đầu vẻ ngao ngán rồi nói tiếp: “Thực tế bây giờ nhiều thầy cô cũng “quên” thói quen đọc sách, họ chỉ loay hoay sao chép và đọc thuộc mấy cuốn bài soạn thế rồi lên lớp ào ào, nên bài giảng cứ theo một cái khuôn chung sáo rỗng mà chẳng thấy “hồn cốt” của tác phẩm đâu cả! Họ dường như cũng không quan tâm gì tới đời sống văn học hiện tại. Nhiều khi tôi mua được cuốn sách hay, hoặc đọc được một bài viết thấy tâm đắc, vội tìm đến mấy thầy cô giáo trẻ cùng tổ văn định đưa cho họ xem để cùng trao đổi, vậy mà họ thờ ơ, có người lặng lẽ bỏ đi, có người nửa đùa, nửa thật nói: “Thôi anh đem về cùng chị nhà “ngâm cứu”! Bọn trẻ chúng em giờ chỉ thích làm ra nhiều tiền, chứ văn chương, sách báo có ích gì?!” Mình đâm cụt hứng, buồn thế đấy anh ạ! Giáo viên còn thế nói gì đến học sinh!? Vậy nên dạy văn, học văn càng ngày, càng chán! Tôi dám cam đoan với anh có nhiều giáo viên cả năm không xem một tờ báo, vài năm không đọc một cuốn sách mới!”.

Nghe anh nói vậy tôi thật sự giật mình, không biết có nên tin đó là sự thật hay không?! Nhưng quả thật, giới trẻ ở nông thôn hiện nay lười đọc thật sự. Họ bao biện là nghe đài và xem tivi là quá đủ cần gì phải đọc sách báo cho mất thời gian và tốn tiền! Có rất nhiều lý do và nguyên nhân khiến giới trẻ lười đọc sách. Nhưng dù lý do gì, nguyên nhân gì đi nữa ta vẫn thấy buồn khi cơ chế kinh tế thị trường như một ma lực đã cuốn lớp trẻ vào vòng xoáy làm mất dần đi những thói quen, những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông bao đời gây dựng nên.

Để khơi gợi, kích thích lớp trẻ ham mê đọc sách là cả một vấn đề lớn và vô cùng khó khăn, nó cần được cả xã hội quan tâm. Bởi đọc sách cũng chính là tự trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho mỗi người, là con đường tốt nhất để ta hình thành nhân cách, hướng tới cái chân, thiện, mĩ của cuộc sống

  • Tags: