Khối ngoại mạnh tay gom cổ phiếu VPB, room ngoại của VPBank sắp kín chỗ

Dự kiến với tốc độ mua ròng hiện nay của khối ngoại, room ngoại của Ngân hàng VPBank sẽ kín chỗ chỉ trong vài phiên giao dịch nữa ngay trước thềm ngân hàng này phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho đối tác chiến lược SMBC.

Khối ngoại đẩy mạnh mua vào cổ phiếu VPB

Đóng cửa thị trường ngày 8/9, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank) tăng 0,2% lên 21.800 đồng/cổ phiếu; trở thành một trong số ít các cổ phiếu ngân hàng duy trì được “sắc xanh”.

Chỉ trong vòng 7 ngày giao dịch trở lại đây, cổ phiếu VPB đã tăng 7% với thanh khoản có xu hướng tăng dần qua các phiên. Không chỉ có diễn biến tích cực về giá mà cổ phiếu ngân hàng này đang ghi nhận sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên giao dịch gần đây.

Giá cổ phiếu VPB Ngân hàng VPBank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Cụ thể, trong ngày 8/9, khối ngoại đã mua ròng 24 triệu cổ phiếu VPB với tổng giá trị gần 530 tỷ đồng. Trước đó, trong ngày 6/9, khối ngoại cũng chi ra 421 tỷ đồng để gom mua vào ròng vào hơn 20 triệu cổ phiếu VPB. Theo dữ liệu thống kê, phần lớn các giao dịch này được thực hiện theo phương thức thoả thuận. Trong khi đó, các mã cổ phiếu ngân hàng khác không ghi nhận giá trị giao dịch quá lớn từ khối ngoại.

Room ngoại tối đa hiện nay của Ngân hàng VPBank là 17,5%. Tính đến hết ngày 8/9, room ngoại của ngân hàng này mới đạt 16,6%; như vậy, room ngoại còn trống là 0,9%. Với tốc độ mua như hiện nay của khối ngoại thì room ngoại của Ngân hàng VPBank sẽ được lấp đầy chỉ trong vài phiên giao dịch nữa.  

Giao dịch của khối ngoại đối với mã cổ phiếu VPB trở nên sôi động trong bối cảnh Hội đồng Quản trị Ngân hàng VPBank vừa công bố thông tin về việc sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên tối đa 30% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Ngân hàng này cũng cho biết thời điểm chính thức điều chỉnh sẽ được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo thực hiện phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.

Xem thêm: "Ngân hàng LPBank (LPB) có bị ảnh hưởng nếu Phòng giao dịch Bưu điện không được nhận tiền gửi?" trên Tạp chí Công Thương.

Ngân hàng VPBank chuẩn bị đón đối tác chiến lược nước ngoài

Ngân hàng VPBank bán vốn SMBC
Ngân hàng VPBank chuẩn bị thu về hơn 1,5 tỷ USD từ việc chào bán riêng lẻ gần 1,2 tỷ cổ phiếu VPB cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Sumimoto Mitsui Banking Corp.

Việc Ngân hàng VPBank nâng mức room ngoại tối đa lên mức 30% là động thái nhằm chuẩn bị phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu VPB để chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tập đoàn Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC). Lượng cổ phiếu này tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của Ngân hàng VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công.

Số cổ phiếu riêng lẻ này dự kiến sẽ được Ngân hàng VPBank chào bán ở mức 30.159 đồng/cổ phiếu (cao hơn 38% so với mức thị giá hiện tại), giúp ngân hàng này thu về hơn 35.900 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) vốn cấp 1. Qua đó, nâng tổng vốn chủ sở hữu của Ngân hàng VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại lớn nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam năm 2023.

Việc phát hành dự kiến diễn ra trong quý 3 hoặc quý 4/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của Ngân hàng VPBank và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Toàn bộ số cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày đăng ký bổ sung số cổ phiếu này tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng VPBank, thoả thuận đầu tư lần này với SMBC là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được ngân hàng thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.

Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết với nhau Thỏa thuận Hợp tác kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC - công ty con của SMFG - cũng đã mua 49% cổ phần FE Credit - công ty con của Ngân hàng VPBank. SMBC cũng giúp Ngân hàng VPBank thu xếp nhiều khoản huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế.

Duy Quang