Không được bồi thường thoả đáng, kiến nghị bỏ xử phạt không mua bảo hiểm xe máy

Liên quan đến kiến nghị bỏ xử phạt không mua bảo hiểm xe máy của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời cụ thể.

Cử tri TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy là bắt buộc nhưng khi có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng. Trong khi đó, nhiều đơn vị lợi dụng vụ việc để trục lợi.

Cụ thể, cử tri TP. Hồ Chí Minh phản ánh theo điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông có mức xử phạt với xe mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng.

Từ thực tế, cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị bỏ quy định xử phạt với người tham gia giao thông không mua bảo hiểm xe máy.

Sau khi tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 9521/BGTVT-PC về việc trả lời kiến nghị cử tri TP. Hồ Chí Minh liên quan đến các vấn đề quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy.

bảo hiểm xe máy
Sau hơn 10 năm thực hiện, tỉ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp

Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải cho biết tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

  1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
  2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm: a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
  3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai...

Trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.

Như vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đối với kiến nghị này cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

Ngọc Châm