Kiểm tra, xử lý doanh nghiệp bán hàng trên facebook, zalo có dấu hiệu vi phạm

Vừa qua Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Qua theo dõi các hoạt động trên trang facebook cá nhân, ứng dụng Zalo và nắm tình hình thực tế tại địa điểm kinh doanh, ngày 04/7/2018, Đội Quản lý thị trường số 7 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng điện thoại Phương Linh Mobile thuộc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ kỹ thuật Phương Linh Mobile, địa chỉ: Số 47A, đường Trần Đăng Ninh, Phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là bà Hoàng Thị Bích Thuận. Kiểm tra thực tế phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 06 loại ốp lưng điện thoại di động gồm 85 cái, trên mặt sau của sản phẩm có in biểu tượng “quả táo khuyết” và chữ iPhone, có dấu hiện là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu APPLE đã được bảo hộ tại Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện của cửa hàng không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên hoặc giấy tờ cho phép, ủy quyền phân phối các sản phẩm mang nhãn hiệu APPLE của chủ sở hữu quyền nhãn hiệu APPLE tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan để xử lý theo quy định.

Làm việc với cơ quan chức năng đại diện cửa hàng cũng thừa nhận: Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại cửa hàng, Công ty Phương Linh Mobile cũng sử dụng trang facebook cá nhân là facebook.com/ Phương Linh Mobile và ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động Zalo mang tên “Quang Hưng Phương Linh Mobile” để đăng bán các loại hàng hóa của Công ty trong đó có ốp lưng điện thoại di động mang nhãn hiệu APPLE nêu trên.

Hiện nay, việc sử dụng các website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, các ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động để quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, dần trở thành một trong những kênh thương mại quan trọng, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Để góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hành vi nêu trên, trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 7 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các hình thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thương mại. Trong đó tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng website thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động để quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa vi phạm, đặc biệt là các vi phạm trong lĩnh vực chuyên trách được giao là chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.