Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số khuyến nghị đối với tỉnh Quảng Ninh

ĐỖ ANH ĐỨC (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) LÊ HÙNG SƠN (Tỉnh đoàn Quảng Ninh)

TÓM TẮT:

Bài viết này tổng hợp kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm các nước: Singapore, Indonesia, Malaysia) để đưa ra các khuyến nghị cho tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Từ khóa: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nước trong khu vực Đông Nam Á, kinh nghiệm, tỉnh Quảng Ninh.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, đơn vị hành chính loại I; nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc với vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược; có diện tích đất liền hơn 6.100 km2 và diện tích biển tương đương, với 2.077 đảo lớn nhỏ; dân số gần 1,2 triệu, với 22 dân tộc; có 04 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện; 186 xã, phường, thị trấn; 1.567 thôn, bản, khu phố.

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ những đối tác tin cậy tại các nước có nền kinh tế phát triển với thế mạnh là: “Hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ, ngành công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường; tập trung vào các khu công nghiệp và khu kinh tế”. Do đó, theo sau sự cắt giảm của nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance - ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment - FDI) từ những quốc gia phát triển sẽ là một trong những nguồn vốn quan trọng có tính chiến lược trong tiến trình thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế của Quảng Ninh trong tương lai. Tuy nhiên, kể từ khi Quảng Ninh thu hút được dự án FDI đầu tiên năm 1990 đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn thực hiện đạt thấp (khoảng 20%), các dự án FDI chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư của những doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và lượng vốn có quy mô lớn.

Vì vậy, việc tổng hợp kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm các nước: Singapore, Indonesia, Malaysia) để đưa ra các khuyến nghị cho tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là cần thiết.

2. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực Đông Nam Á

2.1. Kinh nghiệm của Singapore

Trong khi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về tài nguyên và con người… nhưng vẫn luẩn quẩn trong vòng thu nhập trung bình, thì Singapore lại có những bước phát triển thần kỳ, dù trở thành một nhà nước tự chủ từ năm 1959. Có được điều này một phần quan trọng là nhờ vào nguồn vốn FDI quy mô lớn, liên tục chảy vào quốc đảo ngay cả trong những năm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Nhìn lại những chính sách có hiệu quả trong thu hút vốn FDI Singapore đã khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn là điểm đến hấp dẫn để họ đầu tư, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, Singapore đã xác định rõ việc thu hút nguồn vốn FDI tập trung vào 3 lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, Singapore chủ trương thu hút vốn FDI vào các ngành thích hợp. Ban đầu, do cơ sở kinh tế ở điểm xuất phát thấp, Singapore chủ trương sử dụng vốn FDI vào các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu, như: dệt may, lắp ráp các thiết bị điện và phương tiện giao thông… Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện tử và một số công nghệ tiên tiến khác, hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung vào những ngành, như: sản xuất máy vi tính, điện tử, hàng bán dân dụng, công nghiệp lọc dầu và kỹ thuật khai thác mỏ… Để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hướng ra xuất khẩu, Singapore thành lập Hội đồng Phát triển Kinh tế (Economic Development Board - EDB), là cơ quan độc lập của Chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc một cửa, nghiên cứu, cân nhắc những yêu cầu của nhà đầu tư và có định hướng vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước (ví dụ như sửa chữa tàu biển, gia công kim loại, hóa chất, thiết bị và linh kiện).

Gần đây hơn, EDB đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào những công ty thuộc các ngành điện tử - bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút vốn FDI, đồng thời tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa. Để khai thác ưu thế về vị trí địa lý, cũng như khắc phục sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với trình độ phát triển cao của nền kinh tế, thu hút vốn FDI còn hướng vào việc tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.

Thứ hai, Chính phủ Singapore đã tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã công khai khẳng định, không quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Singapore cũng rất chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ cho hoạt động sản xuất. Thủ tục cấp giấy phép đơn giản, thuận tiện, có những dự án xin cấp giấy phép rồi đi vào sản xuất chỉ trong vòng vài tháng, có những dự án chỉ trong vòng 49 ngày đã có thể đi vào sản xuất.

Hiện tượng này được gọi là “kỳ tích 49 ngày” ở Singapore. Đặc biệt, Singapore đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Tệ nạn tham nhũng được xét xử rất nghiêm, tất cả các doanh nghiệp không kể trong nước, ngoài nước đều được đối xử như nhau, mọi người đều làm việc, tuân thủ theo pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước trả lương rất cao cho viên chức. Hàng tháng họ phải trích lại một phần lương coi như là một khoản tiền tiết kiệm khi về hưu, nếu trong quá trình công tác mà phạm tội tham ô thì sẽ bị cắt khoản tích lũy này và cách chức. Họ không những mất số tiền do mình tích cóp nhiều năm, mà có thể phải chịu hình phạt tù. Nhiều người gọi đây là quỹ dưỡng liêm cho quan chức.

Thứ ba, Chính phủ Singapore đã ban hành những chính sách khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư. Singapore áp dụng chính sách ưu đãi rất đặc biệt, đó là: Khi kinh doanh có lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận về nước; Nhà đầu tư có quyền cư trú nhập cảnh (đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch); Nhà đầu tư nào có số vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 đô la Singapore trở lên và có dự án đầu tư thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore.

2.2. Kinh nghiệm của Indonesia

Trong những năm vừa qua, Indonesia liên tục cải thiện các quy định trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Cụ thể, báo cáo về Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2009 cho biết, Indonesia đã có những cải cách đáng kể trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và bảo vệ nhà đầu tư. Do vậy, Indonesia được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những nước tích cực nhất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Một điểm đáng lưu ý là song song với việc đơn giản hóa thủ tục, Indonesia cũng tìm cách để quản lý tốt hơn các nguồn tiền nóng do kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng 1997. Nhìn lại những chính sách mà Indonesia đã thực hiện để thu hút vốn FDI, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, kinh nghiệm về thu hút vốn FDI và phát triển vùng: Sau cuộc khủng hoảng năm 1997, Indonesia đứng trước thách thức cần nguồn vốn để phục hồi nền kinh tế. Do nợ công của Indonesia lúc đó đã ở mức cao khiến khả năng vay nước ngoài thấp và nguồn vốn trong nước cạn kiệt, giải pháp khả thi nhất là thu hút vốn FDI để phục hồi nền kinh tế. Điều đó dẫn đến việc Indonesia đứng trước thách thức quản lý nguồn vốn FDI đổ vào nước này, trong đó nổi bật là thách thức duy trì phát triển đồng đều giữa các vùng miền và phân cấp quản lý hiệu quả.

Quá trình phát triển dựa vào nguồn vốn FDI có thể làm tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và tăng nguy cơ gây bất ổn, xung đột do nguồn vốn FDI có xu hướng tập trung vào một số địa phương ít có lợi thế về nguồn lực và tập trung đông dân. Để đảm bảo ổn định chính trị do sự đa dạng và cách biệt văn hóa của nhiều nhóm sắc tộc thì việc đảm bảo phát triển đồng đều giữa các vùng là vấn đề hết sức quan trọng đối với Indonesia. Chính vì vậy, một số biện pháp đã được Indonesia triển khai như sau:

- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, kết nối các vùng miền với nhau. Với từng loại hình FDI chính sách này có tác động, ảnh hưởng khác nhau. Các dự án FDI cần sử dụng nguồn lực giá rẻ có thể sẽ trải ra đều hơn trên các địa phương do tính kết nối về cơ sở hạ tầng gia tăng. Còn các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa thì sẽ tập trung sản xuất tại một địa phương, thay vì dàn trải nhiều địa bàn, vì họ có thể vận chuyển hàng hóa một cách thuận tiện đến mọi miền do giao thông đã thuận lợi. Do vậy, việc lựa chọn chính sách này cần tính đến đặc điểm của loại hình FDI.

- Tiếp tục quá trình tự do hóa thương mại và kết nối với thị trường quốc tế. Lý do là khi việc sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung ở những nơi gần khách hàng. Trong khi đó, nếu khả năng xuất khẩu cao, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào tính toán chi phí sản xuất thay vì vị trí đặt nhà máy. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ hướng tới các địa phương có nguồn nhân lực và giá thuê đất rẻ, thay vì chỉ tập trung vào các khu công nghiệp lớn.

- Hài hòa giữa quyền tự chủ của địa phương và khả năng điều phối nguồn thu của chính phủ, trung ương. Lý do là cho dù các biện pháp trên có được thực hiện, sẽ vẫn có một số địa phương không thể cạnh tranh nổi trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Do vậy, chính quyền trung ương vẫn cần giữ thẩm quyền quản lý thu chi ngân sách ở một mức nhất định để phân bổ cho các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa khó có khả năng thu hút vốn FDI.

Thứ hai, kinh nghiệm về phân cấp quản lý: Bên cạnh thách thức về phát triển đồng đều giữa vùng, miền, Indonesia cũng gặp thách thức về phân cấp quản lý nguồn vốn FDI. Quá trình phân quyền từ trung ương đến địa phương từ năm 1999 khiến các nhà đầu tư có phần lo ngại về sự không thống nhất về chính sách giữa chính quyền trung ương và địa phương. Đó là do sự phân quyền ở Indonesia không chỉ nhằm mục đích tăng tính chủ động và hiệu quả điều hành ở cấp địa phương mà còn là một biện pháp để làm dịu đi các phong trào đòi quyền độc lập hoàn toàn ở một số địa phương như Aceh và Papua. Do vậy, quá trình phân quyền mạnh mẽ mang đến một số rủi ro, như:

- Chính sách thu hút và quy định về vốn FDI sẽ có sự “vênh” nhau giữa các địa phương, giữa địa phương với trung ương, giữa cấp tỉnh và cấp quận tại địa phương. Thực tế đã xảy ra khiếu kiện của một số công ty như Caltex, PT Semen Gresik-Cemex và Kaltim Prima Coal do sự thiếu thống nhất về chính sách giữa chính quyền trung ương và địa phương. Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (United States Agency for International Development - USAID), nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thiếu sự nhất quán và rõ ràng trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tính chịu trách nhiệm của các cấp. Như vậy, bài học kinh nghiệm của Indonesia là cùng với quá trình phân quyền mạnh mẽ, cần sự thống nhất, đồng thuận và cẩn trọng trong việc xây dựng hoàn thiện các quy định pháp lý, cơ chế phối hợp và quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rõ ràng giữa các cấp. Theo Ngân hàng Thế giới, tính chịu trách nhiệm có hai khía cạnh chính là tính chịu trách nhiệm lên trên (đối với chính quyền cấp cao hơn) và tính chịu trách nhiệm xuống dưới (đối với chính quyền cấp thấp hơn và/ hoặc trực tiếp với người dân).

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu phân quyền tại Indonesia, có chỉ trích cho rằng sự phân quyền thực sự chỉ là chia sẻ lợi ích từ trung ương xuống địa phương và củng cố thêm quyền lực của các nhóm lợi ích ở địa phương. Kinh nghiệm cho thấy điều này chỉ diễn ra khi việc phân quyền không đi kèm với nâng cao năng lực cán bộ của các địa phương và hoàn thiện các thể chế quản lý và nâng cao vai trò lãnh đạo liêm khiết, cho thấy yếu tố lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả làm việc và ngăn chặn tham nhũng.

2.3. Kinh nghiệm của Malaysia

Trong các nước đang phát triển, Malaysia được đánh giá là nước thành công trong thu hút vốn FDI để thực hiện công nghiệp hoóa. Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, đa sắc tộc, tích luũy nội địa thấp nên Malaysia luôn coi trọng nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế đất nước, vì coi đây là yếu tố then chốt để thực hiện công nghiệp hoóa. Xuất phát từ quan điểm như vậy, Malaysia luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư của mình để thu hút vốn FDI. Nhờ đó, dòng vốn FDI đổ vào Malaysia ngày càng nhiều và đã góp phần to lớn tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Nhờ vào chính sách đầu tư thông thoáng, đầu tư nước ngoài của Malaysia năm 1991 đạt 6,4 tỷ USD và đến năm 1996 chiếm hơn 1/2 tổng số vốn đầu tư trong cả nước.

Các nước đầu tư lớn nhất vào Malaysia là Nhật Bản, Đài Loan tương ứng đạt 7,02 tỷ USD và 2,29 tỷ USD. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development - UNCTAD), thu hút vốn FDI của Malaysia năm 2005 là 3,97 tỷ USD, năm 2006 là 6,05 tỷ USD và đến năm 2007 là 8,4 tỷ USD cho thấy tốc độ thu hút nguồn vốn FDI của Malaysia là cao, năm 2008 Malaysia đã thu hút FDI tới 7,3 tỉ USD. Thế nhưng, năm 2009, do tác động của khủng hoảng tiền tệ tín dụng thế giới, nước này chỉ thu hút gần 2 tỉ USD FDI. Năm 2010, kinh tế Malaysia khởi sắc với mức tăng trưởng GDP 5%, nên FDI đổ vào tăng lên đáng kể đạt 9,1 tỉ USD và đến năm 2011 mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng Malaysia vẫn thu hút được 11,6 tỷ USD. Kinh nghiệm thu hút vốn FDI của Malaysia chủ yếu tập trung vào:

- Malaysia đã xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định và đoàn kết dân tộc cao mặc dù Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc.

- Có kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu rõ ràng. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư ngắn hạn nhằm để các nhà đầu tư ngắn hạn ở Malaysia ước tính được chính xác chi phí đầu tư tại Malaysia. Đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhằm khuyến khích và ổn định môi trường đầu tư dài hạn.

- Đối với vấn đề sở hữu và đảm bảo vốn FDI, để tăng lòng tin cho các nhà ĐTNN, chính phủ Malaysia cam kết không tịch thu hoặc quốc hữu hoóa đối với tài sản hợp pháp của người nước ngoài và không đòi bên nước ngoài phải điều chỉnh tỷ lệ góp vốn trong các dự án đã được cấp phép. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ ĐTNN chuyển lợi nhuận, vốn và các tài sản khác của mình về nước. Những cam kết này được ghi rõ trong các hiệp định bảo đảm đầu tư và các hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Malaysia.

- Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, các dự án đầu tư lớn, công nghệ cao và hướng vào xuất khẩu. Malaysia đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới, thời gian qua do thiếu hụt lao động trong nước nên chính phủ nước này đã đưa ra một số tiêu chí đối với việc cấp phép đầu tư như vốn đầu tư trên lao động phải lớn hơn 18.300 USD thì mới được coi là dự án ít sử dụng lao động..., điều này cho thấy Malaysia đã chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động đầu tư phù hợp với thực tế.

- Malaysia cũng đã thực hiện nhiều biện pháp ưu đãi để đẩy mạnh thu hút vốn FDI như ưu đãi về thuế cho những doanh nghiệp đi tiên phong trong vòng 5 năm, theo đó những doanh nghiệp này chỉ phải nộp 30% số thu nhập chịu thuế bắt đầu từ ngày đi vào sản xuất với số lượng sản phẩm đạt ít nhất 30% công suất, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, các dự án có tính chất liên kết công nghiệp, các dự án có tầm quan trọng quốc gia. Đặc biệt, Malaysia khuyến khích đầu tư vào các loại hình khu công nghiệp, thúc đẩy tư nhân đầu tư vào các khu công nghiệp, có nhiều dự án lớn nhằm thu hút đầu tư như dự án “Tầm nhìn 2020” (Akami, 2008).

3. Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Quảng Ninh

Từ những kinh nghiệm của các nước trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể là tại các nước Singapore, Indonesia và Malaysia, chúng ta có thể rút ra những khuyến nghị cho tỉnh Quảng Ninh trong việc tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư: Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đã cam kết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả các loại thị trường (công nghiệp, bất động sản, dịch vụ, du lịch, lao động, khoa học công nghệ…). Nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số cam kết chưa có cách hiểu thống nhất.

Thứ hai, tập trung các nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, lựa chọn địa điểm và lĩnh vực đầu tư: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận, xem xét, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường. Thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất; tránh lập dự án lớn để giữ đất, không triển khai; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế thu hút đầu tư và thực hiện áp dụng hàng rào kỹ thuật (điều kiện) đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực hạn chế đầu tư.

Các điều kiện đầu tư được áp dụng khi đầu tư vào các lĩnh vực hạn chế nêu trên bao gồm: điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu; điều kiện về suất đầu tư tối thiểu theo quy định chung của tỉnh; điều kiện về công nghệ sử dụng trong dự án, theo đó nhà đầu tư phải có hồ sơ giải trình về công nghệ sử dụng đảm bảo là công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường… Đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển, điện, nước, các ngành công nghiệp phụ trợ và hạ tầng xã hội, dịch vụ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành hoạt động đầu tư tại Quảng Ninh. Bố trí, sắp xếp các dự án theo quy hoạch về đất đai cũng như quy hoạch ngành; trong quá trình lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế đặc biệt chú ý đến các vấn đề về môi trường, cấp thoát nước.

Thứ ba, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp: Nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao trình độ lao động, đặc biệt lưu ý tới việc đào tạo các ngành nghề hiện đang thiếu hụt lao động và đào tạo tại các khu vực tập trung các khu công nghiệp, các dự án lớn có nhu cầu cao về số lượng lao động; quan tâm chuyển đổi nghề cho người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tăng cường việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các giải pháp hạn chế đình công xảy ra không đúng trình tự pháp luật quy định. Thường xuyên giáo dục và tuyên truyền pháp luật lao động, đưa pháp luật lao động vào cuộc sống thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2018), “Dự thảo Chiến lược và định hướng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030”, Hà Nội.
  2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh (2017), “Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Quảng Ninh”.

The experience of attracting foreign direct investment of Southeast Asian countries and recommendations for Quang Ninh province

Ph.D Do Anh Duc

National Economics University

Ph.D’s student Le Hung Son

Ho Chi Minh Communist Youth Union of Quang Ninh Province

ABSTRACT:

This article summarizes the experience of attracting foreign direct investment of Southeast Asian countries including Singapore, Indonesia and Malaysia to make recommendations for Quang Ninh province in luring foreign direct investment.

Keywords: Attracting foreign direct investment, countries in Southeast Asia, experience, Quang Ninh province.