Kinh tế Việt Nam 2017: Vượt cạn & khởi sắc

Kinh tế Việt Nam đã có một năm 2017 với nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ. Trải qua những tháng đầu năm khó khăn, bức tranh kinh tế năm 2017 đã chuyển biến tích cực với một loạt điểm sáng từ nông nghiệp tới x

Điểm sáng và những bước tiến mới

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn rất khó khăn, tăng trưởng thấp, nợ xấu nhiều, nợ công lớn, doanh nghiệp nhà nước cải cách chậm, tài chính ngân sách căng thẳng, sức mua giảm thấp, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hàng loạt dự án đầu tư lớn rơi vào bế tắc… Thiên tai bão lũ lụt nặng nề liên tiếp xảy ra. Thị trường thế giới chưa hồi phục và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt do khuynh hướng bảo hộ trỗi dậy. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa nhanh vừa tạo cơ hội vừa tạo thách thức rất lớn cho các nước đang phát triển trong đó có nước ta. Môi trường địa chính trị khu vực có những diễn biến mới phức tạp tiếp tục đặt ra yêu cầu lớn về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, nhiều dự báo e ngại về việc thực hiện những mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế đặt ra cho năm 2017 rất khó đạt. Tuy nhiên, thật đáng mừng, những e ngại đó đã được giải tỏa. Bức tranh kinh tế năm 2017 đã được phác họa với không ít sắc màu tươi sáng làm cho nhiều người, kể cả bạn bè quốc tế không khỏi ngỡ ngàng.

Trước hết là lần đầu tiên sau nhiều năm, đã hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP khởi sắc nhảy vọt, đạt 6,81% nhờ sự đóng góp khá đồng đều ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Đi đôi với tăng trưởng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất có phần giảm nhẹ, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng đạt mức kỷ lục (trên 51 tỷ USD). Có được mối quan hệ hợp lý giữa tăng trưởng và ổn định như vậy là điều không dễ dàng.

Điểm sáng đáng nói nhất là nông nghiệp phục hồi và đạt mức tăng trưởng hơn gấp đôi năm 2016, trong điều kiện rất nhiều khó khăn do thiên tai nặng trên tất cả các vùng và biến đổi khí hậu đến nhanh hơn dự báo.

Một động lực không thể thiếu, đặc biệt trong tình hình kinh tế nhiều khó khăn hiện nay là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đến đúng lúc và tăng mạnh, đạt 29,7 tỉ USD cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, lớn nhất trong gần 10 năm qua, tăng 44,2% so với năm 2016, và quan trọng hơn là giải ngân vốn đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD.

Xuất khẩu vẫn là mũi nhọn trong tăng trưởng và hội nhập, năm 2017 tăng mạnh trên 21% (loại trừ yếu tố giá tăng 17,6%), vượt xa mức kế hoạch là 6-7%, đạt trên 213,7 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản tăng 18,5% và rau củ quả tăng 43,1% thể hiện cả sự chuyển đổi trong cơ cấu nông nghiệp mà chúng ta rất mong đợi, đem lại lợi ích đáng quý cho bà con nông dân.

Điểm nhấn nữa của tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu được thể hiện rõ ở khu vực dịch vụ, nhất là du lịch, tài chính ngân hàng, bán lẻ…, năm 2017 tăng 7,44% so với mức dưới 7% của năm 2016. Du lịch tăng ấn tượng, đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam, tăng gần 30% so với năm 2016.

Thị trường chứng khoán tăng khoảng 50%, là mức tăng cao nhất trong các thị trường ở châu Á, tỷ lệ vốn hóa đạt mức kỷ lục gần 70% GDP.

Không thể không nêu bật một điểm sáng nữa là môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Cải cách thể chế có bước tiến rõ, tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh và 5 bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia… Chính phủ đã ra tay hành động quyết liệt tháo gỡ rào cản và áp lực về thuế và phí cho doanh nghiệp. Các ngành tập trung vào giảm bớt điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trong đó ngành Công Thương đi đầu cắt giảm ngay 675 hạng mục. Gần 127 ngàn doanh nghiệp mới ra đời là con số chưa từng có, ngoài ra còn có gần 26,4 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình phát huy mạnh vai trò động lực quan trọng, đóng góp phần vốn lớn nhất vào tăng trưởng trong khi đầu tư công bị hạn chế.

Năm 2017, hội nhập quốc tế đã tiến thêm một bước, tiếp tục đàm phán ký kết các Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương thế hệ mới. Đặc biệt đã tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017, với tuyên bố chung cấp cao khẳng định khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư, toàn cầu hóa, là động lực tăng trưởng bền vững, bao trùm, được dư luận quốc tế đánh giá cao khi mà đã có không ít những sự trái chiều và chưa đồng thuận trước và ngay trong quá trình bàn thảo.

Thế giới đang sôi động một dòng chảy mới là cách mạng công nghiệp 4.0. Hòa trong dòng chảy đó Việt Nam đã có bước khởi động cần thiết trong nhận thức và triển khai các công việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Kinh tế 2018 chờ tiếp tục tỏa sáng

Những mặt sáng của bức tranh kinh tế 2017 khá nhiều, nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít “khoảng tối” như nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; nợ công vẫn lớn và chứa đựng nhiều rủi ro; cải cách doanh nghiệp nhà nước còn ỳ ạch; số doanh nghiệp trong nền kinh tế ngừng hoạt động và giải thể còn lớn; cân đối tài chính ngân sách còn rất căng thẳng… Một lần nữa cũng cần nhấn mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm trong nhiều vướng mắc và chưa đủ quyết tâm. Nhịp điệu cải cách chưa đồng bộ, trong đó khâu thực thi luôn day dứt khi đã nói rất nhiều về một bộ máy phải hành động quyết liệt, liêm chính, nhưng nơi nơi lại đang là “trên nóng dưới lạnh”. Tình trạng đó đang gây trở ngại lớn cho cải cách và phát triển.

Một điều đáng tiếc là trong đời sống kinh tế xã hội năm qua đã nảy sinh những vấn đề nổi cộm như không ít dự án BOT giao thông không được xây dựng và quản lý đúng (BOT Cai Lậy…), khiếu kiện đất đai vẫn kéo dài và tình trạng gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái, dược phẩm xấu tràn lan thật sự đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội khá nặng nề…

Năm 2017 đánh dấu một bước chuyển của nền kinh tế sang một trạng thái mới khởi động quá trình tăng trưởng mới tích cực, hợp lý và bền vững, đi mạnh vào năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu thực chất hơn. Điều đó cần được khẳng định và minh chứng rõ hơn trong thực tiễn đời sống kinh tế năm 2018, một năm có ý nghĩa bản lề của kế hoạch 5 năm, một năm hội nhập có những sự kiện rất quan trọng Việt Nam sẽ được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường hay không, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có ký được không, và nhất là phải thực hiện đầy đủ các FTA và hiệp định thương mại song phương, đa phương khác đã cam kết theo tiến độ đi cùng với thích ứng các chiêu sách bảo hộ mới...

Những hạn chế và vấn đề tồn tại trong nền kinh tế và bối cảnh quốc tế nói trên cũng là những thách thức rất lớn trước mắt đối với tăng trưởng phát triển không thể không vượt qua nếu muốn tiếp tục tiến bước, mà cơ hội chỉ đến được khi vượt qua thách thức.

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đất nước đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định. Điểm nhấn trong đó là tiếp tục tăng trưởng cao, hợp lý trong thế giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công và bội chi ngân sách trong giới hạn cho phép, khắc phục nhanh nợ xấu, cải cách nhanh doanh nghiệp nhà nước đi cùng với phát triển mạnh kinh tế tư nhân và kinh tế sở hữu hỗn hợp (cổ phần), nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế… Đó cũng là tăng trưởng và phát triển gắn chặt với tái cơ cấu kinh tế thực chất, trong đó động lực quan trọng nhất là đổi mới hoàn thiện thể chế đưa nhanh vào cuộc sống và tiến mạnh vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng cách mạng công nghiệp.4.0, phát triển bền vững bao trùm.

Bức tranh kinh tế Năm mới 2018 đang chờ tiếp tục tỏa sáng nếu chúng ta quyết tâm nỗ lực đẩy lùi trở ngại, vượt qua thách thức, đồng tâm nhất trí tiến lên phía trước.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 có thể khái quát bằng một câu: Vượt cạn, khởi sắc, tỏa sáng và hướng tới bền vững.