Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê vừa tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý III và 9 tháng năm 2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, khu vực dịch vụ tăng 1,37%.
Với mức tăng này, Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, thì đây là “một thành công lớn” của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế. Nhất là sau khi Covid-19 quay trở lại, nhiều dự báo cho rằng, kinh tế Quý III sẽ gặp nhiều khó khăn, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Trong mức tăng này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,62% vào tăng trưởng GDP cả nước, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 53,35%, khu vực dịch vụ đóng góp 28,03%.
Tính riêng trong Quý III, tăng trưởng GDP đạt 2,62%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, khu vực dịch vụ tăng 2,75%.
Cũng theo bà Hương, trong tháng 9/2020 cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký là 203.300 tỉ đồng, giảm 29,6%, số lao động đăng ký 83.000 lao động, giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.428.500 tỉ đồng, tổng số lao động đăng ký 777.900 lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký, giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14,4 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về xu hướng kinh doanh, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 27.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Bên cạnh đó, có 32,2% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh Quý III tốt hơn Quý II, có 31,9% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh ổn định. Đồng thời có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên.
Với những tín hiệu tích cực vừa nêu, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong Quý IV nhờ những yếu tố như: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai...