Lạ lùng “Nghĩa địa treo” ở Kon Tum

Không phải là cảnh đẹp của đại ngàn Tây Nguyên với các ngọn thác hùng vĩ, ngôi nhà Rông đẹp hay rừng thông mát lành, mà nơi này khá kỳ bí và ma mị thích hợp cho những ai đam mê khám phá, mạo hiểm và muốn tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Giẻ Triêng đó là ‘Nghĩa địa treo’.

Như bao ngôi làng của núi rừng Tây Nguyên, Vai Trang (xã Đăk Long, Đăk Glei, Kon Tum) mang vẻ đẹp mộc mạc, đặc trưng của đồng bào Giẻ Triêng sinh sống ở đây. Nếu sáng sớm làng lặng chìm trong màn sương mù đặc quánh thì trong ánh chiều tà, Vai Trang lại ánh lên màu vàng như rót mật trên khắp các mái nhà.

Theo con đường mòn đất đỏ tung bụi mịt mù về đến tận làng, bạn sẽ thấy lác đác vài người phụ nữ Giẻ Triêng gùi củi trên lưng trở về từ nương rẫy. Không chỉ cuốn hút bởi vẻ đẹp yên bình của cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với cuộc sống lao động cần cù chất phác, Vai Trang còn nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh kỳ bí.Nằm ở phía Tây của làng, ‘Nghĩa địa treo’ ở Vai Trang là một khu rừng cách làng chưa đầy 2km nhưng tĩnh mịch đến lạ thường.

NGhĩa địa treo
Đặt chân đến khu ‘Rừng ma’ này nhiều người không khỏi gợn tóc gáy bởi sự ma mị

Từ phía ngoài, ‘Nghĩa địa treo’ không có những cây cổ thụ nhưng âm u bởi cây bụi rậm rạp, um tùm che khuất với diện tích chỉ hơn 200m2. Vào những ngày mây mù, cả khu rừng như được bao trùm một không khí liêu trai, bí ẩn. Chỉ cần cơn gió thổi qua cũng đủ để cây lá xào xạc và nhiều người phải giật mình, thậm chí nổi da gà, chân lông dựng ngược.

Theo như lời kể của dân làng Vai Trang thì ‘Nghĩa địa treo’ Kon Tum là nơi an táng của người Giẻ Triêng xưa. Trong khu rừng chỉ vỏn vẹn 200m2 ấy là hàng chục cổ áo quan treo lủng lẳng rải rác khắp nơi. Đặt chân đến khu ‘Rừng ma’ này nhiều người không khỏi gợn tóc gáy bởi sự ma mị nhưng trên tất cả, đổi lại du khách đến đây sẽ được hiểu thêm một phần văn hóa cổ xưa của đồng bào Giẻ Triêng một thời.

Nghĩa địa treo
Theo như lời kể của dân làng Vai Trang thì ‘Nghĩa địa treo’ Kon Tum là nơi an táng của người Giẻ Triêng xưa. 

Với người Giẻ Triêng xưa, người chết thuộc gia đình giàu có, quyền quý đều không phải chôn mà được treo lơ lửng trong một khu rừng rậm rạp, vắng bóng người. Ngày nay, khi đến thăm làng, người ta thường tìm đến khu nghĩa địa treo mà người dân địa phương thường gọi là “rừng ma”.

Đi vào sâu khoảng vài chục mét, những chiếc quan tài treo sẽ dần hiện ra trước mắt. Ở đây, người Giẻ Triêng thay vì dùng dây treo, họ dùng 2 hoặc 4 cọc gỗ nâng quan tài lên lơ lửng. Hầu hết quan tài được làm bằng gỗ tròn, nặng đến cả tấn và treo cách đất chừng 70cm. Tất cả đều là gỗ quý. Nhiều cỗ quan tài trong bị trúc đầu xuống đất do cọc đỡ đã mục nát. Các cỗ quan tài vợ chồng được treo cạnh nhau, vợ bên trái còn chồng bên phải. Cháu chắt sẽ được đặt dưới hòm của ông bà, con cái thì treo xung quanh.

Quan tài treo
Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, người chết cũng cần đồ dùng để sử dụng ở thế giới bên kia. Vì vậy, người thân sẽ treo những đồ vật cần thiết ở phía dưới quan tài. 

Để vào bên trong khu táng, bất cứ ai cũng phải vạch cây, luồn lá, có khi phải mang theo dao để phạt cây bụi, dây leo. Vào những ngày mây mù, cả khu rừng như được bao trùm một không khí liêu trai, bí ẩn. Một vài ngôi mộ được xây bằng gạch đá, xi măng của người Kinh được đặt ở bên ngoài.

Nổi bật trong số các cổ quan tài đó là 2 chiếc quan tài được làm bằng nhôm, đặt song song cạnh nhau và được treo bằng 4 cọc gỗ kiên cố to bằng bắp đùi người lớn. Phía dưới của quan tài lỉnh kỉnh những đồ vật mà gia đình chia cho người chết đem về thế giới bên kia sử dụng, gây chú ý nhất là hai chiếc ghè rượu cổ, một cái còn khá nguyên vẹn.

Phần lớn những cỗ quan tài trong khu “rừng ma” này trước đây đều được làm bằng những loại gỗ tốt. Khi gỗ rừng bắt đầu khan hiếm và bị cấm khai thác, người dân Vai Trang bắt đầu mua những cỗ quan tài đắt tiền bằng nhôm hoặc tự chế bằng tôn sắt. Và 2 cổ quan tài này là của vợ chồng ông A Brót.

Theo ông A Blă một người dân trong làng Vai Trang cho biết, con cháu của vợ chồng ông A Brót là những người giàu có và họ đặt mua cặp quan tài cho ông bà với giá hàng chục triệu đồng. Đây cũng là hai người cuối cùng của cộng đồng Giẻ Triêng ở làng Vai Trang được an táng theo tục lệ này.

Nghĩa địa treo
Khi gỗ rừng bắt đầu khan hiếm và bị cấm khai thác, người dân Vai Trang bắt đầu mua những cỗ quan tài đắt tiền bằng nhôm.

Người Giẻ Triêng quan niệm, người chết cũng cần làm ăn, sinh sống nên đây chính là phần của cải mà người còn sống chia cho người đã khuất để họ không phải "sống" cuộc đời nghèo khổ, túng thiếu. Và cứ thế, những linh hồn Giẻ Triêng được che chở dưới tán rừng già và những bụi le, lồ ô dựng đứng.

Và các cổ quan tài đều được treo cách xa mặt đất là để các “con ma” tiện bề đi lại – theo một số người lớn tuổi làng Vai Trang cho hay. Ngày nay, người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên không còn duy trì tục thiên táng. Người chết mặc dù không bị lấp xuống lòng đất nhưng được xây gạch bao quanh quan tài để nổi trên mặt đất.

Cuộc sống hiện đại đã thổi vào làng Vai Trang những luồn sinh khí mới của cuộc sống văn minh. Thế nhưng, trong tiềm thức của người Giẻ Triêng nơi đây “rừng ma” và thế giới người chết vẫn rất linh thiêng, kỳ bí. Nếu bạn là người có hứng thú với thế giới tâm linh, khi đến Kon Tum bạn hãy đến làng Vai Trang để được hiểu rõ hơn về tục lệ độc đáo này nhé.

Nguyên Vy t/h