Lạm phát tại Hàn Quốc nhìn từ bát cơm trắng

“Giờ người ta còn chẳng miễn phí cơm, tính thêm 1.000, 2.000 won mỗi bát!”, cậu em du học sinh tại Seoul càm ràm khi được tôi hỏi về tình hình sinh hoạt tại Hàn Quốc.
hàn quốc
Chi phí cao khiến nhiều nhà hàng tại Hàn Quốc phải thay đổi giá món ăn hoặc ngưng phục vụ các món không đem lại lợi nhuận

Để dễ so sánh, tiền lương làm thêm của du học sinh Hàn Quốc là trên dưới 9.000 won/tiếng, “trừ tiền tàu xe* đi làm, ăn thêm bát cơm là không để dành được mấy”, cậu em tôi chia sẻ.

Chỉ thêm 1.000 - 2.000 won, nhưng lại gây sốc với nhiều người, khi trước đây cơm trắng luôn được phục vụ miễn phí hoặc chỉ tính tượng trưng 500 won. 

Tôi đem chuyện này kể với một người anh vốn làm việc lâu năm cho một công ty đa quốc gia tại Seoul. “Giá cơm trưa văn phòng giờ chẳng có món nào ra hồn mà dưới 12.000 won nữa”, người anh gật gù, “có chỗ còn ngưng bán món gimbap* hoặc kim chi”.

Giá cả là một trong những điều tôi nhớ nhất trong chuyến đi Hàn Quốc cuối tháng 9 vừa qua. Dạo một vòng quanh khu trung tâm Seoul, không khó để thấy những tấm biển đỏ, dán nổi bật trước cửa các nhà hàng với nội dung xin lỗi khách hàng vì phải tăng giá tất cả món ăn do chi phí đầu vào tăng vọt. Một số nhà hàng sử dụng cơm trắng, kim chi và trứng là đòn bẩy, tặng miễn phí khi khách hàng gọi các món đắt tiền.

Gạo là loại thực phẩm quan trọng trong đời sống Hàn Quốc, đến mức câu chào hỏi xã giao hàng ngày là “Bạn đã ăn cơm chưa”. Còn bây giờ, nó cũng phản ánh tình trạng lạm phát Hàn Quốc đang ở quanh mức cao nhất 13 năm trở lại đây.

Thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, trong tháng 9/2023, giá bán lẻ gạo tại nước này đã tăng 20%, giá đường tăng 17% và giá trứng tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chức Hàn Quốc cho biết đã làm tất cả những gì có thể để ghìm vật giá leo thang trong bối cảnh giá năng lượng tăng, nguồn cung các loại nông sản chủ chốt bị siết chặt, và xung đột địa chính trị phức tạp. Hiện phải nhập khẩu khoảng 60% lương thực, Hàn Quốc là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trong an ninh lương thực.

Nhiều chủ nhà hàng cho biết, việc tăng giá là phương sách cuối cùng trong cuộc đua với lạm phát do lo ngại mất khách nhưng trong bối cảnh giá thực phẩm tăng vọt, giá điện lên mức cao nhất 40 năm, và lãi suất vay kinh doanh chạm đỉnh 15 năm thì thà “mất ít khách còn hơn phải đóng cửa”.

Nhưng chính các thực khách cũng cảm thấy áp lực khi phải dành thời gian nghỉ trưa ít ỏi để tìm chỗ ăn trưa vừa túi tiền nhất. “Lạm phát bữa trưa” trở thành cụm từ phổ biến được báo chí Hàn Quốc dùng trong một năm trở lại đây.

Ở một góc độ khác, lạm phát thực phẩm tăng vọt đang giúp hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp thuận lợi hơn. Doanh số của các chuỗi cửa hàng tiện lợi như GS25, CU, và 7-Eleven đều tăng vọt, chủ yếu nhờ các hộp cơm trưa chế biến sẵn có giá dưới 6.000 won. Nhờ lợi thế về quy mô, các chuỗi cửa hàng này có thể hạ giá thành các suất ăn xuống mức thấp nhất.

Chuỗi GS25 hợp tác với nữ diễn viên gạo cội Kim Hye-ja, người chuyên đóng các vai bà mẹ khắc khổ trên màn ảnh, để ra mắt dòng cơm hộp giá rẻ “Kim Hye-ja Lunch Box” có giá chỉ 4.500 won với mục tiêu “ai cũng có thể ăn bữa trưa nóng sốt, no bụng!”. Doanh số bán đạt trung bình 1,5 triệu hộp/tháng!

Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng khác bố trí chỗ ăn tại chỗ rộng rãi hơn để đón lượng khách tăng vọt. Ngoài ra, các hãng sản xuất kiosk thanh toán - đặt hàng tự động cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn khi các nhà hàng tìm phương án cắt giảm lao động.

Việc giá thực phẩm tăng với tốc độ nhanh nhất 29 năm khiến lạm phát tại Hàn Quốc trong tháng 10/2023 tăng tháng thứ ba liên tiếp. Ngân hàng Trung ương nước này nhận định lạm phát đã ở vùng đỉnh và dần hạ nhiệt nhưng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, người dân Hàn Quốc tiếp tục tìm cách cắt giảm các khoản chi tiêu như ăn nhậu, cà phê, du lịch.

________________________

* Tại Seoul, chi phí đi tàu điện ngầm hoặc xe bus là 1.550 won/lượt. 

* Gimbap là món cơm cuộn rong biển, rất được yêu thích của người Hàn Quốc.

Duy Quang