Lan tỏa tình yêu trong chiến tranh qua những kỷ vật của người lính

Ngày 20/11 vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp, tổ chức lễ tiếp nhận kỷ vật của các gia đình Liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Sự kiện do Tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” . Những kỷ vật này sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam  cùng Trung tâm Tư liệu và không gian Văn hóa “Trái tim người lính” nhằm phục vụ cho công tác trưng bày trong những dịp lễ lớn của đất nước và là tài liệu hết sức có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta.

Lan tỏa tình yêu chiến tranh qua những kỷ vật của người lính
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật của các gia đình Liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ

Tại buổi lễ nhiều lá thư, giấy báo tử, sổ nhật kí... đã được các thân nhân gia đình Liệt sĩ trao tận tay cho Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, những kỉ vật quý giá cần được lưu giữ và tuyên truyền cho các thế hệ trẻ hiểu thêm giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha ta đã không tiếc máu xương để bảo vệ nền Độc lập nước nhà. Song bên cạnh đó vẫn có những bức thư, cuốn nhật kí của các liệt sĩ mà ở đó chứa đầy tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, gia đình…

Ông Lê Văn Thắng - em ruột của liệt sĩ Lê Công Tấn (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) chia sẻ, việc quyên tặng kỷ vật của các liệt sỹ là một việc làm rất ý nghĩa. Những kỷ vật này không chỉ là kỷ vật, mà nó đã trở thành tri kỷ, xương máu, thành một phần không thể thiếu của mỗi gia đình, do vậy, ông Thắng mong rằng các hiện vật này sẽ được Ban tổ chức bảo quản thật tốt tránh hư hỏng để làm tư liệu giáo dục cho các thế hệ mai sau tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đi trước…

Lan tỏa tình yêu chiến tranh qua những kỷ vật của người lính
Kí kết thỏa thuận ra mắt Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”

Trong buổi lễ tiếp nhận kỷ vật của các gia đình Liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Ban tổ chức cũng đã kí kết thỏa thuận ra mắt Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” với mong muốn lan tỏa những năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội, đồng thời hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên.

“Tủ sách Đặng Thùy Trâm” được khởi xướng từ đầu năm 2023, do Hội đồng họ Đặng Việt Nam phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính”; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng thực hiện.

Đây là chương trình mang tính cộng đồng xã hội sâu sắc, góp phần hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường qua đó thúc đẩy văn hóa đọc bằng việc đưa trẻ em đến với sách, đến với nguồn tri thức nhân loại.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính” và là người khởi xướng chương trình ý nghĩa này cho biết, điểm khác biệt của “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” so với nhiều tủ sách khác là sách sẽ được bổ sung sách hàng năm vào các tủ sách và sẽ được chăm sóc thường xuyên, với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc, trao thưởng cho “Bạn đọc thông minh và sáng tạo”…

Lan tỏa tình yêu chiến tranh qua những kỷ vật của người lính
Lan tỏa tình yêu chiến tranh qua những kỷ vật của người lính
Lan tỏa tình yêu chiến tranh qua những kỷ vật của người lính
Những kỷ vật của các liệt sỹ được gia đình quyên tặng cho Bảo tàng tàng Phụ nữ Việt Nam

"Tủ sách Đặng Thùy Trâm” lần đầu tiên được triển khai tại Trường THCS Kinh Bắc (Bắc Ninh) do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung Đoàn 272 trao tặng cho Trường THCS Kinh Bắc gồm trên 600 cuốn sách của 125 đầu sách, trong đó có cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm và một số cuốn sách hay do nhà thơ Thanh Thảo trực tiếp lựa chọn, dành tặng các em học sinh.

Mặc dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, nhưng trong 3 tháng qua, đã có tới 6 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” được trao tặng cho các trường THCS Bắc Ninh- Bắc Giang- Lạng Sơn- Thủ Đức- TPHCM- Ninh Bình.

 Tiếp theo sẽ có 2 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” sẽ được trao tặng tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - Nơi người nữ Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã hi sinh hơn 50 năm trước. Đó là Trường THCS xã Phổ Cường và Trường THCS Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ nâng tổng số 8 “Tủ Sách Đặng Thùy Trâm” được hoàn thành.

Thông qua hoạt động trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm một lần nữa khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý chí quật cường của dân tộc cũng như những trang sử vẻ vang một thời qua tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Đồng thời, mang đến cho các em học sinh có thêm cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách hay, chứa đựng nhiều giá trị và ý nghĩa. Tủ sách cũng khuyến khích, tạo sức lan tỏa phong trào đọc sách và tình yêu đọc sách, nâng cao tri thức, góp phần xây dựng văn hóa đọc cho các em học sinh.

Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng giới thiệu và tiếp nhận 1000 cuốn sách với tựa đề “Á Hậu Lọ Lem” trị giá 200 triệu đồng của chính tác giả Á Hậu Doanh nhân Việt 2023 Lê  Thy Bình để gửi tặng thư viện, tủ sách của các nhà trường và bệnh viện trong dự án phát triển “ Tủ sách Đặng Thùy Trâm”.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận xét về cuốn sách “Á Hậu Lọ Lem” của tác giả Lê Thy Bình rằng: “Cuốn tự truyện của Thy Bình không chỉ cho bạn đọc biết được những thân phận đàn bà xưa với nhiều gian truân, cơ cực, đói khát và thất bại, để rồi đã chiến thắng số phận. Ngoài ra “Á Hậu Lọ Lem” còn cho chúng ta biết phép ứng xử tình người, biết vị tha yêu thương con người, biết đứng lên mỗi khi thất bại với câu nói của nàng Lọ Lem “khi thất bại không dừng lại mà phải đứng lên”.

Nguyên Vỵ