Lặng thầm công nhân truyền tải

Cần mẫn, chăm chỉ, không quản ngại đêm đông giá rét hay những ngày hè nắng như đổ lửa - đó là những người thợ đường dây truyền tải điện. Họ - những người đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hệ

Âm thầm tỏa sáng

Theo chân những công nhân Truyền tải điện Hòa Bình (Công ty truyền tải điện 1) để tận mắt chứng kiến họ sửa chữa đường dây 220 kV Hòa Bình - Chèm tại huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả, cơ cực mà các anh đang gánh vác. Nắng nóng như muốn "rang sống" những người ở ngoài đường, đến cả cây cối như cũng khô héo. Vậy nhưng, giữa cái nắng như đổ lửa đó, những người thợ, những công nhân truyền tải điện vẫn miệt mài làm việc để kịp sửa chữa đường dây theo kế hoạch.

Anh Phan Đông Minh - Phó giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình, Tổng chỉ huy trên công trường cho biết: Để chuẩn bị cho phương án sữa chữa đường dây, chúng tôi phải chuẩn bị trước đó 2 ngày. Ngày thứ nhất chuyển vật tư, thiết bị xuống công trường; ngày thứ 2 lắp đặt tời cối xay và chuẩn bị đầy đủ thiết bị cần thiết nhất, đến ngày hôm nay (25/5) mới thi công. Anh em phải dậy trước 4 giờ sáng, sau đó ra nhận lệnh lúc 4h30 phút, đến 5h30 phút giao lưới thì bắt đầu làm việc.   

Giữa cái nóng ngoài trời lên đến 39  độ c, "Anh em phải làm việc trên cột điện cao hơn 40 mét và sẽ ở đó khoảng 12 tiếng (từ 5h30 phút đến 17h30 phút) để làm nhiệm vụ đến khi nào xong việc thì anh em mới xuống" - vừa kể, anh Minh vừa chỉ tay về phía khoảng cột 36-37 thuộc khoảng néo 28-38 cách đó không xa.

Những công nhân truyền tải tời dây cáp lên cột điện. Ảnh: Xuân Tiến

11h30 phút!

Khi nắng đã đứng bóng người, anh em công nhân truyền tải vẫn miệt mài làm việc. Cùng 3 công nhân khác đang đu chiếc cối xay tự chế để đưa dây dẫn lên đỉnh cột điện, anh Trần Hồng Cường - Đội trưởng Đội đường dây Xuân Mai lau vội những giọt mồ hôi trên trán rồi thổ lộ: "Vất vả nhất chính là công việc tời dây dẫn, nâng hạ dây dẫn. Ở nước mình vẫn còn khó khăn nên phải dùng tời thủ công, cần huy động nhiều người mới đủ sức để đưa dây lên được".

Ông Phạm Lê Phú - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết thêm: Do đặc thù nghề vất vả, nặng nhọc, nên chỉ có nam giới mới theo được và chỉ làm tốt được nghề khi còn trẻ khoẻ. Khi tuyển vào làm nghề đường dây, ngoài việc phải tốt nghiệp các trường đào tạo về điện phải có đủ sức khỏe, có đủ chiều cao, cân nặng, không có bệnh tim mạch, huyết áp. Trúng tuyển rồi phải được đào tạo thêm một khóa ngắn hạn chuyên ngành truyền tải điện trong thời gian 3 tháng, đồng thời phải biết bơi lội và phải thi để được cấp chứng chỉ bơi lội. Mỗi năm 2 lần công nhân đường dây phải được khám sức khỏe định kỳ, mỗi lần trèo cột điện làm việc phải đo huyết áp kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột. Có thể nói, nghề quản lý vận hành đường dây truyền tải điện ngốn sức và vất vả nhất trong công việc của ngành Điện.

Vất vả là thế, nguy hiểm là thế nhưng không phải ai cũng thấu hiểu. Ít người biết, có nhiều bữa cơm trưa của người lính truyền tải lại ở chính trên lưng cột điện bởi bữa trưa cũng hoàn toàn phụ thuộc vào công việc.

Anh Trần Hồng Cường - Đội trưởng Đội đường dây Xuân Mai kể lại: "Năm 2011, khi chúng tôi sửa  chữa đường dây 220 kV nằm trên đèo Thung Khe (huyện Mai Châu, Hòa Bình), để đi lên đến chân cột điện chúng tôi phải đi bộ mất hơn 1 tiếng đồng hồ, sau đó trèo lên cột điện cao hơn 40 mét. Để tận dụng thời gian, buổi trưa, chúng tôi dùng dây thừng kéo đồ ăn, nước uống lên tận đỉnh cột rồi anh em ngồi tại đó, ăn sao cho thật nhanh để tiếp tục làm việc,  hoàn thành công việc, trả điện sớm cho lưới điện quốc gia".

Những bữa trưa trên lưng cột điện là chuyện thường thấy của công nhân truyền tải. Nếu may mắn được sửa chữa khu vực gần dân cư thì việc ăn uống còn thuận lợi. Có đợt, thời gian thi công kéo dài ở những huyện vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên các đội phải mang theo cấp dưỡng nấu cơm tại công trường để đảm bảo sức khỏe cho anh em.

Bữa cơm trưa của "lính truyền tải". Ảnh: Xuân Tiến

"Người lính" đa di năng

Nghề đường dây khó khăn, vất vả là thế, đến những ngày lễ tết, khi mọi người sum vầy bên gia đình thì những người làm nghề đường dây vẫn lặng lẽ với đường dây, lo cho đường dây không xảy ra sự cố, duy trì dòng điện phục vụ lễ tết, phục vụ đất nước.

 Vất vả và có phần thiệt thòi, nhưng bù lại, những người thợ đường dây truyền tải điện được nhân dân rất yêu mến, gọi bằng cái tên trân trọng "lính truyền tải". Gọi là "lính truyền tải" bởi họ ăn ở, sinh hoạt, làm việc đâu có khác gì những người lính. Hơn thế, trong con mắt của những người cùng ngành, họ còn được gọi là người lính nhiều nghề.

"Khi phát dọn hành lang tuyến bảo vệ đường dây thì gọi là "thợ lâm nghiệp"; khi sửa chữa kè, móng cột thì gọi là "thợ xây dựng"; khi làm mương thoát nước thì gọi là "thợ thủy lợi"; khi sửa chữa đường công vụ vào tuyến thì gọi là "thợ cầu đường"... Trong một tuần, đơn vị đều triển khai công việc khác nhau, nhiều khi không dính dáng gì đến kỹ thuật chuyên môn, nhưng anh em công nhân không vì thế mà nản lòng và dù bận thế nào, buổi cuối tuần hay ngày trời mưa không làm việc trên tuyến được, thì họ lại trở thành những "học sinh" với những bài học quy trình an toàn, quy phạm kỹ thuật, chế độ vận hành..." - Nghe anh Phan Đông Minh kể về những nghề mà người lính truyền tải đang "kiêm nhiệm", chúng tôi càng thán phục các anh hơn.

Chưa hết, anh Bùi Minh Khoa, Truyền tải điện Hà Nội còn nói: "Lính truyền tải" khi cần thiết phải biết làm tuyên truyền viên để tuyên truyền những quy định trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Khi cần thiết nữa phải là những người làm công tác dân vận để thuyết phục bà con cho mình đặt máy móc, trang thiết bị trong vườn hay trên thửa ruộng của họ…

Nói tới "lính truyền tải" là nói tới gian nan, thử thách, hiểm nguy, nhưng cũng là nhắc tới những trái tim yêu đời, lạc quan và đầy trách nhiệm. Họ cùng chung chí hướng: Giữ cho dòng điện luôn thông suốt, để thành thị rực rỡ đèn hoa, để bản làng chan hoà ánh sáng. Đó là trọng trách nặng nề và cũng là vinh quang của họ….
 

Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN