Liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may tại Việt Nam trong bối cảnh mới

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương), ThS. VŨ THỊ KIM OANH (Phòng Quản lý Khoa học, Đại học Ngoại thương) và ThS. ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương)
TÓM TẮT:
Ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của các hiệp định thương mại tự do, việc tăng cường liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là nhiệm vụ cấp bách. Vì vậy, bài nghiên cứu sẽ phân tích vai trò của liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may, những cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may Việt Nam.
Từ khóa: Liên kết kinh doanh, ngành Dệt may, chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề
Ngành Dệt may Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành Dệt may nằm trong top 5 trên thế giới. Doanh thu xuất khẩu đạt mốc 19.4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhiều tập đoàn dệt may đã duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc hợp tác với các khách hàng hiện tại. Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã sẵn sàng tạo ra các hiệu ứng tốt cho ngành Dệt may. Với các yếu tố tích cực trong năm 2018, cùng các lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… có thể thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận thị trường ngành Dệt may tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang chiếm 70%, làm thế nào để DN dệt may Việt Nam có thể làm chủ được tình hình, gia tăng được giá trị xuất khẩu, phát triển bền vững là một vấn đề cấp thiết. Hơn nữa, cho đến nay, phát triển định hướng quy hoạch của ngành đến năm 2020 không còn phù hợp, cần giải pháp chiến lược để thực hiện phần cung thiếu hụt. Do đó, cần định hình giải pháp chiến lược giai đoạn 2035 - 2040; chính sách thuế VAT với các dự án đầu tư cần hợp lý hơn để khuyến khích đầu tư của các DN vào phần cung thiếu hụt.
Bên cạnh đó, DN dệt may Việt Nam có thể tận dụng ngay lợi thế ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang một số thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu chuẩn bị tốt về nguyên liệu sản xuất. Đường đi để chinh phục các thị trường CPTPP trong thời gian tới đã khá rõ ràng. Theo Hiệp định CPTPP, quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may được áp dụng là “từ sợi trở đi”, hay được gọi là quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP, thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Việc liên kết kinh doanh giữa các DN dệt may xuất khẩu tại Việt Nam là việc làm cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi các DN cần có chiến lược liên kết kinh doanh, chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành Dệt may nhằm thúc đẩy được liên kết kinh doanh, tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chính vì vậy, việc tăng cường liên kết kinh doanh là giải pháp tốt nhất cho các DN dệt may Việt Nam nhằm tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
2. Giới thiệu về liên kết kinh doanh và vai trò của liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may
2.1. Liên kết kinh doanh
Hiện nay, vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về “liên kết kinh doanh” (business linkages) mặc dù giới chính sách và nghiên cứu đã đề cập và nghiên cứu một số khái niệm tương tự như hợp tác kinh tế (economic cooperation), liên kết kinh tế (economic linkage), hội nhập kinh tế (economic integration) hay liên kết vùng (industrial cluster). Đứng trên các quan điểm khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau.
Quan điểm của UNCTAD thường giới hạn các liên kết kinh doanh giữa 2 đối tượng là DN đa quốc gia (MNEs) và DN nội địa. Theo đó, liên kết kinh doanh là các kết nối giữa DN đa quốc gia và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ giữa đối tượng thứ nhất sang đối tượng thứ hai. UNCTAD Và IFC nhấn mạnh rằng “Liên kết kinh doanh” là một công cụ để giải quyết hầu hết các vấn đề mà các DNNVV phải đối mặt. Nghiên cứu cũng cho thấy những mối liên kết này đã nâng cao năng suất của các DNNVV. Có thể nói tất cả các bên liên quan trong các mối liên kết kinh doanh đều là những người chiến thắng. Do đó, liên kết kinh doanh là một khía cạnh bình thường trong đời sống kinh doanh của các nền kinh tế theo định hướng thị trường.
Tóm lại, liên kết kinh doanh là hình thức hợp tác “làm ăn” mà DN thỏa thuận với DN có sản phẩm/dịch vụ, trong đó DN không mất tiền vốn hoặc nếu phải bỏ tiền thì không mất nhiều, nhưng DN sẽ phải chia lợi nhuận kinh doanh cho họ. Lý do là bởi vì DN đang phải phụ thuộc với họ. Liên kết kinh doanh giúp DN học hỏi được nhiều điều trong giai đoạn đầu kinh doanh, nếu sau này DN phát triển được kênh phân phối hiệu quả thì có thể tách riêng để kinh doanh.
2.2. Vai trò của liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may
Thứ nhất, liên kết kinh doanh giúp các DN dệt may tăng cường hội nhập: Liên kết kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề liên kết kinh doanh cũng đã được đưa ra ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo nhưng nhìn chung, nhận thức của các DN về tầm quan trọng của liên kết vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là DNNVV.
Thứ hai, liên kết kinh doanh là một nhân tố của phát triển bền vững ngành Dệt may: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào hệ thống thương mại quốc tế với nhiều chương trình hợp tác đa phương như là thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như đã ký kết hiệp định thương mại song phương với hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng làm chủ rất nhiều mặt hàng có thị phần lớn trên thị trường quốc tế, vậy đây sẽ là cơ hội tốt nhất cho việc tạo dựng thương hiệu quốc gia đủ chất và tín để sánh vai trên trường quốc tế.
3. Thực trạng liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may tại Việt Nam
3.1. Khái quát sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam
Ngành Dệt may Việt Nam gồm 3 ngành nhỏ là ngành: Sợi, Vải và May, với khoảng 6.000 DN, trong đó chủ yếu là DN gia công hàng may mặc (85%), DN sản xuất vải, nhộm (13%), và sản xuất chế biến xơ, sợi (2%) (Đỗ Khắc Dũng, 2018). Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc, tạo việc làm cho 2,7 triệu lao động, chiếm 25% tổng số lao động trong ngành công nghiệp (Tổng cục Thống kê, 2017).
Năm 2018, ngành Dệt may đã đạt được giá trị tăng trưởng đột biến với kim ngạch xuất khẩu trên 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017, vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới về giá trị xuất khẩu hàng dệt may chỉ sau Trung Quốc và Ấn độ (Lưu Quyên, 2018). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2018 đạt 30,4 tỷ USD tăng 16,6% so với năm 2017, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đó là Mỹ và EU, ngoài ra trong năm vừa qua Việt Nam cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga. Trong năm 2019, ngành Dệt may kỳ vọng sẽ xuất khẩu được 40 tỷ USD. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như FTA và CPTPP, ngành Dệt may Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu.
3.2. Thực tiễn liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may tại Việt Nam
3.2.1. Những kết quả đạt được
Quy hoạch phát triển ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã thể hiện được chính sách Nhà nước đó là hình thành các cụm dệt may, tạo mạng liên kết sản xuất giữa các DN trong ngành, phát triển chuỗi giá trị của ngành. Bên cạnh đó, liên kết dọc trong ngành Dệt may đã được nhiều DN Việt Nam quan tâm trong thời gian gầy đây. Các DN dệt may Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế như “Triển lãm quốc tế lần thứ 26 ngành công nghiệp dệt và may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2016”, “Hội nghị chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu 2019”… Tại các hội chợ, triển lãm, các DN sản xuất nguyên phụ liệu và DN may mặc đã gặp gỡ nhau, trao đổi nhằm tăng cường liên kết kinh doanh. Các DN dệt may xuất khẩu Việt Nam cũng đã nhìn nhận được xu hướng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nỗ lực liên kết và chủ động nguyên phụ liệu, giảm gia công và gia tăng giá trị sản xuất.
3.2.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù vấn đề liên kết kinh doanh giữa các DN dệt may đã trở nên cấp bách và được các DN, Hiệp hội dệt may và các cơ quan quản lý nhà nước dành nhiều sự quan tâm nhưng chưa thành hiện thực. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, mối liên kết giữa các DN dệt may và DN sản xuất nguyên liệu, phụ liệu còn yếu kém. Hiện DN may mặc trong nước vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, tuy sản xuất vải ở Việt Nam chưa mạnh, nhưng giá trị vải xuất khẩu hàng năm cũng đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Điều này chứng tỏ sự kết nối, liên kết giữa DN trong nước còn yếu kém nên mới có chuyện nơi thừa nơi thiếu. Chưa có sự liên kết giữa một hoặc nhiều giai đoạn từ thiết kế, phát triển sản phẩm, sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất hoàn thiện, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu.
Thứ hai, các DN trong ngành Dệt may chưa có động lực để liên kết chuỗi. Mặc dù nhận thấy được nhu cầu và lợi ích của liên kết chuỗi trong ngành Dệt may, nhưng các DN may mặc và DN sản xuất nguyên phụ liệu chưa có động lực để liên kết như: chưa sở hữu cổ phần của nhau; chưa có sự tin tưởng, lòng trung thành; chưa có những thỏa thuận về giảm giá, mua phần nguyên phụ liệu sử dụng không hết, yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng… Từ đó khiến cho các DN dệt may và DN sản xuất nguyên phụ liệu nội địa chưa liên kết kinh doanh hiệu quả.
Thứ ba, thiếu thông tin giúp đẩy mạnh liên kết trong ngành, chưa có sàn giao dịch điện tử để giúp các DN nắm bắt thông tin và phát triển cơ hội giao thương trong và ngoài nước. DN trong ngành chưa nắm được xem có bao nhiêu khâu nguyên phụ liệu mà Việt Nam đã sản xuất được, công suất bao nhiêu. Một số DN dệt may xuất khẩu mặc dù nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu từ DN nước ngoài (như Trung Quốc) nhưng lại không biết DN đó là ai, ở đâu, vì lại thông qua đối tác trung gian giao dịch, đặt hàng và chỉ định mà chưa chủ động được trong các khâu của chuỗi. Như vậy, có thể nhận thấy DN đang không thiết lập mối liên kết, cho nên không nhận biết được các đối tác cần tìm, không tiếp cận được các thông tin, không nhận biết những thay đổi trong ngành. Dẫn đến việc chưa thực hiện tốt cả hai chuỗi liên kết dọc, ngang nên chưa hình thành chuỗi cung ứng dệt may hiệu quả, chưa tạo sức mạnh chung cho toàn ngành Dệt may Việt Nam.
Những hạn chế trong liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may dẫn đến giá trị sản xuất trong ngành vẫn chủ yếu từ gia công với giá trị gia tăng thấp. Với việc thực hiện các đơn hàng gia công, DN chủ yếu xuất khẩu qua khâu trung gian và khách hàng lo toàn bộ phần nguyên phụ liệu. DN dệt may hiện nay có ít những đơn hàng FOB thực sự (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thay vì gia công. Ngành Dệt may mới chỉ dừng lại ở mức mua bán sản phẩm một cách đơn thuần, chưa có sự liên kết tạo chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
4. Một số giải pháp và kiến nghị thúc đẩy liên kết tư nhân trong ngành Dệt may
4.1. Giải pháp cho doanh nghiệp dệt may
Để liên kết DN dệt may, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân có trình độ và năng lực vững vàng để tạo nên cộng đồng DN lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. DN chính là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cần chú trọng vào các hoạt động liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng DN Việt Nam bằng cách tổ chức nhiều chương trình diễn đàn, hội thảo... để chia sẻ kinh nghiệm cũng như vận động và hỗ trợ các DN chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng và uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, dù thu hút nguồn lực FDI là điều cần thiết nhưng Việt Nam cần tính toán để tận dụng lợi thế trong hấp thụ nguồn đầu tư, tránh tình trạng chỉ hợp tác đơn thuần giữa bên bán và mua mà không có sự chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất. Cần chọn lọc những DN đầu tư với công nghệ cao, vào những phân khúc mà chuỗi cung ứng Việt Nam đang thiếu. Hiện nay, trong chuỗi cung ứng dệt may, Việt Nam còn thiếu khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu.
DN dệt may trong nước cần có những bước chuyển đổi kịp thời, đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Bên cạnh đó, DN dệt may cần làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như DN nguyên phụ liệu trong nước, liên kết chuỗi để cùng tận dụng cơ hội cũng như vượt qua khó khăn thách thức mà biến động thị trường có thể xảy ra. Hơn nữa, hiện nay trong bối cảnh cả thế giới dịch chuyển, thay đổi phương thức sản xuất - kinh doanh để thích hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó, ngành Dệt may Việt Nam phải đổi mới và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
4.2. Một số kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành Dệt may tầm nhìn 2035 - 2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm; Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành Công nghiệp dệt may, da giày; cần minh bạch để tạo nền tảng pháp lý và tích cực phổ biến nội dung của các Hiệp định thương mại, để doanh nghiệp triển khai được thuận lợi.
Về phía Hiệp hội Dệt may và các tổ chức xúc tiến thương mại: Hiệp hội cần triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho các DN về pháp luật kinh doanh, các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, các rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, Hiệp hội Dệt may, Cục Xúc tiến thương mại và các Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương cần tạo ra sự gắn kết trong chuỗi cung ứng từ khâu sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối. Mô hình cụm liên kết ngành phát triển các nguyên phụ liệu quan trọng, như: Sợi, chỉ, vải, da cùng vật liệu mới cần nhanh chóng được xây dựng và phát triển. Đồng thời, Hiệp hội Dệt may và Cục Xúc tiến thương mại cần xem xét đến việc xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử trong ngành Dệt may tại Việt Nam, nhằm đẩy mạnh liên kết kinh doanh trong và ngoài nước giữa các DN may mặc, DN sản xuất nguyên phụ liệu.
5. Kết luận
Mặc dù có lợi thế về nhân lực, chi phí gia công… nhưng những bất ổn về địa chính trị thế giới cùng sức ép cạnh tranh gia tăng, khiến lợi thế của ngành Dệt may đang bị giảm dần. Vậy, chỉ có liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị mới nâng tầm ngành Dệt may. Thay vì chỉ tập trung gia công như hiện nay, DN cần phải phát triển các khâu khác như nguyên phụ liệu, thiết kế, bán hàng. Đây là những khâu có giá trị gia tăng cao nhất trong ngành. Trước mắt, để thực hiện hiệu quả và đạt được mục tiêu trên, ngành Dệt may phải không ngừng đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến; đồng thời, tăng cường hợp tác, liên doanh kiên kết giữa các DN trong và ngoài nước để đẩy mạnh khai thác các thị trường mới.
Bên cạnh sự nỗ lực của DN, Chính phủ cũng cần hỗ trợ ngành này nhiều hơn, nhanh chóng có Đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác để thúc đẩy ngành Dệt May phát triển nhanh và bền vững, tăng sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Khắc Dũng (2018), Ngành Dệt may Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Công Thương, truy cập ngày 16/5/2019 tại http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nganh-det-may-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-56083.htm
2. Thanh Giang (2019), “Tìm giải pháp liên kết chuỗi cho dệt may”, Báo Đại đoàn kết ngày 12/04/2019 http://daidoanket.vn/thi-truong/tim-giai-phap-lien-ket-chuoi-cho-det-may-tintuc434505
3. Lạc Phong (2019), Bao giờ ngành Dệt may thoát cảnh gia công? Tạp chí Tài chính, truy cập ngày 15/5/2019 tại http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/bao-gio-nganh-det-may-thoat-canh-gia-cong-303393.html
4. Lưu Quyên (2018), 2018 - năm “đột biến” của Ngành Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương, truy cập ngày 15/5/2019 tại http://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/2018-nam-đot-bien-cua-nganh-det-may-viet-nam-13523-16.html
5. Tổng cục Thống kê (2017), truy cập ngày 20/5/2019 tại https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217.

BUSINESS LINKAGES OF VIETNAM'S TEXTILE AND GARMENT INDUSTRY IN THE CONTEXT OF NEW DEVELOPMENT PERIOD

Master. Nguyen Thi Hong Van
Faculty of Business Administrtion, Foreign Trade University
Master. Vu Thi Kim Oanh
Department of Scientific Management
Master. Do Thi Thanh Huong
Faculty of Business Administrtion, Foreign Trade University

ABSTRACT:
    Vietnam's textile and garment industry is facing opportunities and challenges from free trade agreements. As a result, it is necessary for Vietnam's textile and garment enterprises to strengthen their business links in order to boost their exports and engage more deeply in global value chains. This paper analyzes the role of business linkages in Vietnam's textile industry, opportunities and challenges for the country industry, and proposes solutions to strengthen business linkages in the country textile and garment industry.
Keywords: Business linkage, garment and textile industry, global value chain, Vietnam.