Lo ngại giá phân bón tăng cao, Hoa Kỳ âm thầm đẩy mạnh thu mua phân bón từ Nga

Hãng tin Bloomberg cho biết Hoa Kỳ đang âm thầm khuyến khích các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh thu mua phân bón từ Nga do lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung phân bón toàn cầu, khiến giá phân bón và các loại lương thực tiếp tục tăng cao.
Xuất khẩu phân bón từ Nga
 Tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón toàn cầu (Ảnh: Fast Company)

Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) dẫn lời các nguồn tin cho biết Chính phủ Hoa Kỳ đang âm thầm khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp và vận tải biển của nước này mua và vận chuyển nhiều hơn phân bón từ Nga. Hoa Kỳ hiện lo ngại các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sẽ khiến nguồn cung phân bón trên toàn cầu sụt giảm, đẩy giá phân bón cũng như giá các loại lương thực tiếp tục tăng cao.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) hiện áp dụng một số biện pháp miễn trừ trong các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga nhằm giúp hoạt động nhập khẩu phân bón từ Nga vẫn được duy trì. Trong năm 2020, Nga là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu.Đặc biệt, Nga chiếm khoảng 16% tổng lượng xuất khẩu phân đạm urea, 12% tổng lượng xuất khẩu phân bón DAP và MAP trên toàn cầu; đây là những loại phân bón quan trọng với hầu hết các loại cây trồng.

Tuy nhiên, nhiều hãng vận tải biển, ngân hàng và hãng bảo hiểm phương Tây đã hạn chế thực hiện các hoạt động giao thương với Nga do lo ngại có thể vô tình vi phạm các lệnh trừng phạt, khiến hoạt động nhập khẩu phân bón tư Nga của các doanh nghiệp phương Tây gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Nga hiện áp hạn ngạch xuất khẩu đối với nhiều loại phân bón cho đến cuối năm nay nhằm “đảm bảo nguồn cung nội địa”. Xuất khẩu phân bón của Nga trong năm nay đã giảm 24%, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón toàn cầu.

Giới quan sát nhận định nỗ lực của Hoa Kỳ hiện phản ánh thách thức mà các nước phương Tây phải đối mặt khi họ vừa muốn gia tăng sức ép lên Nga vừa muốn hạn chế tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu vốn có sự phụ thuộc lớn vào nguồn hàng hoá cơ bản do Nga cung cấp, từ khí đốt cho tới dầu mỏ, phân bón và ngũ cốc. Giá của tất cả các loại hàng hoá này đã tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua. Điều này khiến áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ và EU chạm mức cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây.

Hoa Kỳ và EU cáo buộc Nga đang vũ khí hoá lương thực bằng cách hạn chế xuất khẩu lương thực và các vật tư nông nghiệp thiết yếu cũng như ngăn chặn Ukraine xuất khẩu những mặt hàng này. Trong khi đó, Nga nhấn mạnh sự gián đoạn hoạt động xuất khẩu lương thực hiện nay là hệ quả từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Theo Bloomberg, Hoa Kỳ đã cử một đại diện tới cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc chủ trì ở Moscow (Nga) hồi đầu tháng này về vấn đề nguồn cung phân bón. Việc thiếu hụt phân bón sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ canh tác và sản lượng cây trồng trong năm nay và năm sau.

Một số chuyên gia nhận định Hoa Kỳ và EU thậm chí có thể huỷ bỏ các mức thuế suất đánh vào phân bón nhập khẩu từ Nga, bao gồm của thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng Urea của Nga vốn có hiệu lực từ cuối năm 2019 tại châu Âu và từ đầu năm 2022 tại Hoa Kỳ nhằm hạ nhiệt đà tăng giá mạnh của các loại phân bón.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón đã khiến giá phân bón tại Hoa Kỳ tăng 17% trong năm 2021. Điều này buộc nông dân Hoa Kỳ phải chuyển đổi cây trồng sang các loại cây cần ít phân bón hơn hoặc thu hẹp diện tích canh tác.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính từ đầu năm đến nay giá phân bón thế giới đã tăng gần 30%; trong năm 2021, giá mặt hàng này đã tăng tới 80%. Dữ liệu của WB cho thấy giá urea hiện đã vượt đỉnh năm 2008, giá phosphate và kali đang tiệm cận mức đỉnh hồi năm 2008.

WB cũng cảnh báo giá phân đạm urea sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao lịch sử nếu như giá khí tự nhiên và giá than vẫn ở mức cao. Tương tự, giá phân bón DAP sẽ chỉ hạ nhiệt khi giá amoniac và lưu huỳnh giảm xuống. Bên cạnh các yếu tố về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường phân bón thế giới còn đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung phân đạm urea và phân bón DAP từ Trung Quốc khi chưa rõ nước này có nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sau tháng 6 hay không.

Đối với phân bón kali, WB dự báo giá mặt hàng này sẽ vẫn neo ở mức cao lịch sử trong năm nay và thậm chí trong năm 2023 trừ khi nguồn cung từ Nga và Belarus được phục hồi.

Quỳnh Trang