Luật cạnh tranh và tác động của nó tới người tiêu dùng

Luật Cạnh tranh vừa được Quốc hội nước ta thông qua ngày 9/11/2004 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI. Đây là một sự kiện lớn không những đối với cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh, mà còn đối với

Chính sách thương mại và chính sách cạnh tranh đều có chung mục đích là tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, mang lại lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hai chính sách này có thể có những mục tiêu và tác dụng không giống nhau. Chính sách cạnh tranh tập trung tác động tới cách hành xử của các doanh nghiệp đối với nhau và đối với lợi ích người tiêu dùng. Trong khi đó, chính sách thương mại lại có xu hướng tập trung vào các lợi ích của doanh nghiệp và dễ bị những nhóm doanh nghiệp có lợi ích đặc biệt sử dụng để trục lợi. Có thể dễ dàng thấy rằng, chính sách cạnh tranh, trước hết, giành ưu tiên cho quan hệ giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp. Chính sách này bao gồm các biện pháp của Chính phủ, nhằm kiểm soát hạn chế cạnh tranh, mang tính tiêu cực, cục bộ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng chống lại sự độc quyền cũng như tác động của các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chính là khuyến khích các hành vi cạnh tranh lành mạnh. Mục đích cuối cùng của doanh nghiệp là lợi nhuận. Muốn tăng lợi nhuận, doanh nghiệp phải bán được nhiều hàng hoá, phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm cạnh tranh thắng lợi trên thị trường. Những biện pháp cạnh tranh lành mạnh phải nhằm không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, hạ giá bán sản phẩm, tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhằm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Có như vậy, người tiêu dùng mới có nhiều sự lựa chọn phong phú hơn. Các doanh nghiệp cũng qua đó mà sẽ phải cạnh tranh với nhau để thoả mãn người tiêu dùng, để bán được nhiều hàng hoá hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Vì vậy, nhờ có sự cạnh tranh lành mạnh mà người tiêu dùng được hưởng lợi, doanh nghiệp cạnh tranh thắng lợi cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn, và nền kinh tế cũng như xã hội sẽ phát triển hơn.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 37.000 công ty xuyên quốc gia với khoảng 17.000 chi nhánh. Đó là những tập đoàn lớn với thế lực rất mạnh, có khả năng khống chế thị trường, lạm dụng ưu thế, tạo thế độc quyền để áp đặt lên người tiêu dùng. Các công ty này có thể thực hiện hành động hạn chế cạnh tranh xuyên quốc gia như thoả thuận, câu kết với đối thủ cạnh tranh ở các nước, áp đặt giá, thoả thuận đấu thầu và phân chia thị trường. Những hành vi đó không những làm tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng, mà còn chèn ép, ngăn cản, thậm chí bóp chết các doanh nghiệp trong nước. Luật Cạnh tranh Việt Nam ra đời, những hành vi trên đây sẽ bị điều chỉnh khi họ tham gia thị trường nước ta, vì thế mà lợi ích người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trong nước được bảo vệ.
ở nước ta, Nhà nước độc quyền một số ngành như Điện, Nước, BCVT...  nhưng độc quyền nhà nước không có nghĩa là độc quyền doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp được Nhà nước giao cho thực hiện độc quyền đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, nên tuỳ tiện áp đặt giá cũng như quy định chất lượng của sản phẩm, dịch vụ lên người tiêu dùng. Điều này đã hạn chế đáng kể quyền được lựa chọn của người tiêu dùng.
Ngoài ra, những vấn đề bức xúc của người tiêu dùng nước ta có liên quan trực tiếp đến nội dung của Luật Cạnh tranh (điều chỉnh, bổ sung) bao gồm các vấn đề như: ấn định giá cả không hợp lý, thông tin không trung thực về hàng hoá, dịch vụ hậu mãi kém hơn nhiều so với những gì thể hiện trong quảng cáo, ghi nhãn sai và không đầy đủ, tình trạng tiếp thị và khuyến mại tràn lan, không kiểm soát được, cách bán hàng theo kiểu truyền tiêu đa cấp bất chính, nạn hàng giả, hàng nhái... Những hiện tượng trên đều liên quan đến việc hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh và Luật Cạnh tranh sẽ góp phần giải quyết tình trạng trên. Các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh sẽ lấy mục tiêu ngày càng thoả mãn người tiêu dùng làm tiêu chí phấn đấu trên con đường chinh phục khách hàng.
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh chỉ là công cụ để bảo vệ các lợi ích của người tiêu dùng, mà chưa phải là công cụ để đảm bảo cho tất cả các quyền của người tiêu dùng sẽ được thực hiện. Những quyền như: quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được lắng nghe, quyền được giáo dục về tiêu dùng và quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững... không có trong Luật Cạnh tranh. Như vậy có nghĩa là, tự thân Luật Cạnh tranh không thể bảo vệ người tiêu dùng một cách hoàn thiện. Mà cơ bản, người tiêu dùng cần phải tìm những quyền trên trong Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được ra đời hơn 5 năm). Nói cách khác, ngoài Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự ra đời của Luật Cạnh tranh một lần nữa đã giúp người tiêu dùng có thêm một công cụ sắc bén trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

  • Tags: