May Sông Hồng (MSH): Khởi công nhà máy mới với công suất 3 triệu sản phẩm/năm

Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH) vừa khởi công xây dựng nhà máy mới có công suất 3 triệu sản phẩm/năm và đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh tại tỉnh Nam Định.

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH - sàn HoSE) khởi công xây dựng Nhà máy Xuân Trường II tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nhà máy này có diện tích gần 9,6 ha, thiết kế theo tiêu chuẩn nhà máy xanh, với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Nhà máy Xuân Trường II có năng lực sản xuất 50 chuyền may, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm áo jacket quy chuẩn/năm. Dự kiến cuối năm 2024, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.000 lao động của địa phương, nâng tổng quy mô lao động của toàn công ty May Sông Hồng lên 15.000 người.

May Sông Hồng
Nhà máy Xuân Trường II được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho May Sông Hồng.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, Nhà máy Xuân Trường sẽ đạt công suất tối đa từ năm 2026; qua đó, đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu hàng năm của May Sông Hồng.

Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng cho biết, dự án đầu tư xây dựng nhà máy may Xuân Trường II là hình mẫu hoàn chỉnh nhất của công ty trong 35 năm phát triển vừa qua. Sau khi hoàn thiện, Nhà máy Xuân Trường II có thể tạo ra khoảng 6.500 - 7.000 tỷ đồng doanh thu và trên 300 triệu USD giá trị hàng hoá xuất khẩu mỗi năm.

Trước đó, Nhà máy Sông Hồng đã được May Sông Hồng đưa vào hoạt động từ tháng 3/2022 với công suất 40 chuyền may.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng và nhu cầu yếu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm, kết quả kinh doanh của May Sông Hồng cũng đã chịu ảnh hưởng đáng kể. Hiện thị trường Mỹ đang chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu hàng năm của May Sông Hồng.

Kết thúc quý 3/2023, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.206 tỷ đồng và lãi ròng hơn 51 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và giảm 54% so với quý 3/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, May Sông Hồng ghi nhận tổng doanh thu 3.385 tỷ đồng và lãi ròng gần 164 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết, tình hình đơn hàng quý 3/2023 vẫn gặp khó khăn nhưng dự kiến từ quý 4/2023 trở đi thì tình hình đơn hàng sẽ thuận lợi hơn.

Giá cổ phiếu MSH May Sông Hồng
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSH của May Sông Hồng từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Triển vọng ngành dệt may 2024 - Lạc quan trong thận trọng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

May Sông Hồng hiện có sức khỏe tài chính lành mạnh. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ vay & nợ thuê tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn là 1.033 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 719 tỷ đồng và nợ dài hạn là 314 tỷ đồng, tương ứng lần lượt là 19,1% và 8,3% vốn chủ sở hữu. Hệ số D/E của May Sồng Hồng ở mức 0,5 lần thấp hơn nhiều so với mức mức trung bình ngành dệt may là 7,7. Tuy nhiên, các khoản vay của May Sông Hồng đều bằng đồng USD, vì vậy sẽ chịu tác động tiêu cực khi tỷ giá biến động.

May Sông Hồng
Biên lợi nhuận gộp theo phương thức sản xuất của May Sông Hồng (bên trái) và so sánh biên lợi nhuận gộp của May Sông Hồng với một số doanh nghiệp cùng ngành (bên phải). (Nguồn: May Sông Hồng, ABS RResearch)

Bên cạnh đó, May Sông Hồng tập trung thực hiện các đơn hàng FOB (Free On Board) vốn có biên lợi nhuận tốt. Hiện các đơn FOB chiếm đến 75% tổng doanh thu xuất khẩu của May Sông Hồng giúp biên lợi nhuận của công ty luôn cao hơn so với các đối thủ cùng ngành. Ngoài ra, May Sông Hồng chủ động đến 60% tổng số lượng nguyên liệu, giúp công ty kiểm soát đầu vào dễ dàng và linh hoạt hơn.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 24/11, thị giá cổ phiếu MSH đạt 38.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 17% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang