Môi trường chính là sự thúc đẩy phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp

Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã trải qua nhiều sự phát triển và tiến bộ trong vài năm qua, yếu tố quan trọng nhất là cần tạo ra môi trường nuôi dưỡng và hạ tầng thuận lợi để giúp khởi nghiệp phát triển.

Chia sẻ trong buổi Tọa đàm “Thực trạng về giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia” do CLB Doanh nhân Và Khởi Nghiệp Việt Nam tổ chức. Ông Chu Quang Thái - Thường trực phía Nam, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới quốc gia NSSC cho biết về tầm quan trọng của hạ tầng và quản lý trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã trải qua nhiều sự phát triển và tiến bộ trong vài năm qua. Từ việc giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường quy định và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho startup, nước ta đang tạo ra một nền tảng tốt cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được vượt qua. Thủ tục pháp lý vẫn còn phức tạp đối với các doanh nghiệp trẻ, và việc tìm nguồn tài trợ và đầu tư vẫn còn khá khó khăn. Ngoài ra, hoạt động đào tạo cho các doanh nhân và người nghiên cứu, sáng tạo cũng còn hạn chế, và hệ thống hỗ trợ cơ bản vẫn còn phải phát triển.

Các giải pháp cần sớm hoàn thiện để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mạnh mẽ là: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới, tạo cơ hội hợp tác và kết nối.

Ông Chu Quang Thái - Thường trực phía Nam, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới quốc gia NSSC bày tỏ: “Đối với người đi dạy khởi nghiệp, việc họ tự trở thành tỷ phú không phải là mục tiêu chính. Thay vào đó, họ cần tạo ra môi trường và hạ tầng thuận lợi để giúp khởi nghiệp phát triển”.

Với quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ cùng với văn hóa khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ.

Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái.

Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh rằng: “Dù có sự hỗ trợ về kiến thức và điều kiện, sự thành công của một doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn phụ thuộc vào những người sáng lập (Founder và Co-Founder). Vì vậy, việc phát triển hạ tầng và môi trường thuận lợi là mấu chốt”.

Điển hình là Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao chủ trì thực hiện, đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay từ khi “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” và “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” còn là các khái niệm rất mới mẻ ở Việt Nam.

Một vấn đề khác được tiếp tục thảo luận tại Tọa đàm mà nhiều doanh nghiệp đang gặp ở Việt Nam khi khởi nghiệp, đó là vấn đề vốn. Ông Chu Quang Thái cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần tạo ra một hạ tầng điều kiện trong khởi nghiệp. Điều này có nghĩa là tạo ra cơ hội cho các startup phát triển trên nền tảng hạ tầng đã có sẵn, giúp họ hoạt động nhanh chóng và hiệu quả.

Trong chia sẻ của mình, ông Chu Quang Thái đưa ra ví dụ về tầm quan trọng của quản lý rủi ro trong quá trình khởi nghiệp và phát triển. “Quản lý rủi ro không chỉ là quản lý tài chính mà còn liên quan đến quản lý phát triển tổng thể của một dự án khởi nghiệp. Chính phải có sự hỗ trợ và thúc đẩy từ các cơ quan chính phủ và các bộ ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho khởi nghiệp.”

Năm 2016, Chính phủ giao cho Bộ KH&CN và các bộ ngành triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), đánh dấu một động thái quyết liệt hơn của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp theo đó là sự ra đời của các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).

Cuối cùng là đề xuất Việt Nam cần tập trung vào việc xây dựng hạ tầng và môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào quản lý rủi ro. Ông lưu ý rằng: “Việt Nam hiện đứng thứ 48 trên thế giới về số lượng đơn sáng chế quốc tế, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa.”

Những chia sẻ và phân tích của ông Chu Quang Thái - Thường trực phía Nam, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới quốc gia NSSC đã đặt ra những vấn đề quan trọng về khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, cần sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.

Cũng trong chương trình ông Chu Quang Thái đã đại diện ký kết hợp tác chiến lược cùng Câu lạc bộ Doanh nhân và Khởi nghiệp Việt Nam (VSBC) cùng triển khai nhân rộng HUB hỗ trợ khởi nghiệp tại các tỉnh thành. Ngoài ra, các chuyên gia có mặt trong buổi tọa đàm "Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia" cũng nói rõ được quan điểm của các đơn vị startup và cả hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam theo nhu cầu và thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp startup.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ ra mắt CLB Doanh nhân và Khởi nghiệp Việt Nam - VSBC và Lễ công bố Hệ sinh thái Vườn Ươm khởi nghiệp Việt Nam - VSBC HUB vừa diễn ra tại Hà Nội.

Mạnh Hùng