Một số điểm lưu ý khi thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố phổ biến các nội dung tại Nghị định 64/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa. Trong đó Tổng cục lưu ý một số nội dung cơ bản tại Nghị định.

Cụ thể, Nghị định 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả sổ tạm quản, bảo đảm thuế NK, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí đối với hàng hóa tạm quản theo công ước Istanbul.

Không áp dụng đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, hàng hóa quá cảnh.

Bên cạnh đó, các từ ngữ cũng được hướng dẫn cụ thể như: Tạm quản hàng hóa là chế độ quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ các sự kiện.

Sổ tạm quản (Sổ ATA) dùng để thay thế tờ khai khi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất, tái xuất, tái nhập. Sổ ATA do cơ quan đảm bảo cấp, ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp.

Về khoản đảm bảo, cơ quan đảm bảo có nghĩa vụ thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí phát sinh trong quá trình tạm quản hàng hóa theo giá trị khoản đảm bảo.

Khi làm thủ tục cấp sổ, chủ hàng phải có 1 khoản đảm bảo cho lô hàng tạm quản theo mức 110% tổng số tiền thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác cao nhất của quốc gia có hàng hóa tạm quản đi qua.

Sự kiện bao gồm: Triển lãm, hội chợ, trình diễn, trưng bày về thương mại, công nghệ; hội nghị, hội thảo quốc tế, các cuộc họp chính thức và các buổi tưởng niệm…

Hàng hóa tạm quản gồm hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 4 nghị định. Kết thúc sự kiện, hàng hóa tạm quản phải thực hiện thủ tục tái xuất, tái nhập hoặc thực hiện thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, thay đổi mục đích sử dụng theo quy định.

Về điều kiện áp dụng tạm quản được quy định như sau: Hàng hóa tạm quản phải tuân thủ các chính sách về quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; hàng hóa tạm quản được nhận diện bằng số seri hoặc đặc điểm, dấu hiệu nhận diện riêng.

Thời hạn tạm nhập tái xuất, thời hạn tạm xuất tái nhập là 12 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục tạm nhập nhưng phải trong thời hạn sử dụng sổ (bao gồm cả thời hạn của sổ thay thế).

Trường hợp không thể tái xuất ra khỏi quốc gia hàng đến (đối với hàng tạm xuất từ Việt Nam), người khai hải quan được thực hiện gia hạn thời hạn tại cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tạm xuất.

Trường hợp hàng hóa bị tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì trong thời hạn tạm giữ không bị xử lý vi phạm nếu quá thời hạn tạm nhập tái xuất.

Về thủ tục cấp sổ ATA (sổ ATA thay thế), hoàn trả sổ ATA (Điều 8, Điều 9, 10) thuộc chức năng nhiệm vụ của VCCI, trong đó Tổng cục lưu ý:

Trước khi sử dụng sổ ATA thay thế, chủ sổ xuất trình sổ cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tạm xuất tô hàng đầu tiên của sổ đã được thay thế để được xác nhận.

Trường hợp không đủ điều kiện xác nhận thông tin trên sổ ATA thay thế, hướng dẫn chủ sổ thực hiện thủ tục trên tờ khai hải quan giấy.

Về thủ tục hải quan và thông tin sổ và cách sử dụng sổ cũng được hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm quản thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu, chi cục hải quan chuyển phát nhanh.

Cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ (bao gồm sổ ATA) để thực hiện thủ tục hải quan; thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ hải quan; việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện trên nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro; thực hiện xác nhận thông tin trên sổ…