Một số giải pháp giảm nghèo bền vững ở Ninh Bình hiện nay

ThS. Đỗ Văn Hai (Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua hơn 25 năm (1992 - 2017) tái lập tỉnh Ninh Bình, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, Ninh Bình đã thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình về giảm nghèo, góp phần đảm an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động này ở Ninh Bình vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra một số giải pháp đồng bộ nhằm giảm nghèo bền vững ở tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Từ khóa: An sinh xã hội, tỉnh Ninh Bình, giảm nghèo, giảm nghèo bền vững.

1. Giảm nghèo - trụ cột và giải pháp đảm an sinh xã hội

Bảo đảm ASXH là tổng thể biện pháp về kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện nhằm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là những nhóm yếu thế dễ bị tổn thương vượt qua các khó khăn, rủi ro của cuộc sống để thực hiện công bằng xã hội trong phát triển kinh tế, thông qua phân phối lại thu nhập quốc dân. Mục tiêu của bảo đảm ASXH ở nước ta là bảo đảm đời sống cho nhân dân, góp phần tạo sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường. Để thực hiện được mục tiêu của bảo đảm ASXH thì giảm nghèo một trong những nội dung trụ cột, một giải pháp quan trọng hàng đầu.

Giảm nghèo là một quá trình chuyển một bộ phận dân cư nghèo lên một mức sống cao hơn, từng bước thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Mục tiêu của giảm nghèo là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.   

Như vậy, giảm nghèo và bảo đảm ASXH đều hướng tới phát triển con người, bảo đảm đời sống cho người dân. Tuy nhiên, đối tượng của bảo đảm ASXH là mọi người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội như người nghèo, người gặp rủi ro trong cuộc sống, đồng bào dân tộc, trẻ em, người già... còn đối tượng của giảm nghèo là người nghèo, hộ nghèo. Vì vậy, để bảo đảm ASXH thì phải thực hiện giảm nghèo. Giảm nghèo góp phần quan trọng nâng cao đời sống, trình độ dân trí và sức khỏe cho người nghèo; tạo cơ hội cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng, giảm khoảng cách và sự chênh lệch quá đáng về mức sống giữa nông thôn và thành thị, các nhóm dân cư; điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý hơn, từng bước thực hiện sự phân phối công bằng cả trong khâu phân phối tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất cho mỗi người.

Giảm nghèo là chủ trương nhất quan, xuyên xuốt của Đảng, Nhà nước ta để từng bước giảm chênh lệch giàu - nghèo trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện đại hội Đảng XII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững” [1].

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Ninh Bình đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo như: Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 15/10/2007 về “Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy, những năm qua Ninh Bình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động tốt các nguồn lực trong thực hiện công tác giảm nghèo.

2. Thực trạng công tác giảm nghèo ở Ninh Bình thời gian qua

Một là, công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo ở Ninh Bình được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Trong đó, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao... giúp người dân có thể vận dụng, học tập làm theo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm vừa qua đã giảm đáng kể từ 20,3% năm 1993 xuống còn gần 5,8% vào cuối năm 2016. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Bình giảm xuống còn 4,52%. Năm 2018, toàn tỉnh còn trên 12.500 hộ nghèo chiếm 4,17%  giảm 0,35% so với năm 2017 [3].

Hai là, Tỉnh đã huy động tốt nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Giai đoạn 2002 - 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã cho hộ nghèo vay 1.376.183 triệu đồng/168.113 lượt hộ; cho hộ cận nghèo vay 715.031 triệu đồng, với 23.950 lượt hộ cận nghèo được vay vốn, mức cho vay bình quân là 30 triệu đồng/1 hộ. Đã có trên 409 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó, có trên 168 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 61 ngàn hộ thoát nghèo. Chương trình cho vay hộ nghèo đã góp phân cùng các cấp, các ngành, các đoàn thế giúp cho 61.631 hộ thoát nghèo. Tính riêng giai đoạn 2012 - 2015, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Ninh Bình đã huy động được 2.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ chiếm 1,44%; vốn ngân sách tỉnh chiếm 2,1%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 75,4%; vốn huy động từ doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty chiếm 1,93%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chung chiếm trên 18% [4]. 

Ba là, Ninh Bình đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2010 - 2015, Tỉnh đã hỗ trợ học nghề cho 3.268 lao động là người có công, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất và 211 lao động hộ cận nghèo [3]. Trong năm 2017, Tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng trên 145 nghìn suất quà với tổng số tiền hơn 49,7 tỷ đồng cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh đã phát động “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội” được 46,8 tỷ đồng [5]. Bên cạnh hỗ trợ đào tạo nghề, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ về giáo dục và đào tạo. Trong 5 năm (2010 - 2015), Tỉnh đã hỗ trợ, miễn giảm học phí cho 243.076 học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo với kinh phí là 49.076 tỷ đồng; trợ cấp xã hội 411.867 học sinh với kinh phí 42.557 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực cho 403 học sinh với số lượng ước gần 60 tấn gạo. Về y tế, thực hiện Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm cho y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, trong giai đoạn 2010 - 2015 đã cấp 527.807 lượt thẻ BHYT cho các đối tượng với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng [3].

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình cũng đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp đặc biệt là ở các xã vùng miền núi, đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn Tỉnh vẫn còn 16.000 hộ nghèo và trên 18.000 hộ cận nghèo. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều chưa thật vững chắc vẫn còn tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn lớn ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở Gia Viễn, Nho Quan. Các chính sách trợ giúp xã hội cho người nghèo như: Đào tạo nghề, giải quyết việt làm... hiệu quả chưa cao.

3. Một số giải pháp giảm nghèo bền vững ở Ninh Bình thời gian tới

Để khắc phục những hạn chế trong công tác giảm nghèo và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thời gian tới Ninh Bình cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

Đây là giải pháp cơ bản để thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 về tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều và mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Tỉnh cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, để phục vụ lợi ích chung của xã hội và điều tiết cho người nghèo; phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình, đặc biệt là về du lịch, dịch vụ. Gắn mục tiêu giảm nghèo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các xã nghèo ở huyện Nho Quan, các xã ven biển ở huyện Kim Sơn. Có chính sách hộ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở giúp cho họ tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã nghèo, cần được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt. 

Hai là, huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo.

Giảm nghèo là nhiệm vụ rất khó khăn và lâu dài đòi hỏi các nguồn lực vật chất và tinh thần rất to lớn. Nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo là rất quan trọng, song không thể thụ động trông chờ vào đó vì ngân sách của Nhà nước là có hạn. Hơn nữa nguồn đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo chỉ có kết quả và ý nghĩa tích cực khi nó được đặt trong tổng thể các nguồn lực vật chất huy động từ sự đóng góp của toàn xã hội.

Để thực hiện tốt giải pháp này, Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân và các doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài) đóng góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo ”, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo đảm an sinh xã hội” của Tỉnh. Có chính sách định hướng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề phù hợp với người lao động ở các vùng nghèo, khu vực nghèo, góp phần tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Mở rộng quy mô vốn tín dụng của ngân hàng chính sách - xã hội phục vụ cho vay vốn đối với hộ nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Ba là, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo

Người nghèo là những người hạn chế về trình độ học vấn, thiếu vốn sản xuất kinh doanh họ rất khó tiếp cận và nắm bắt các cơ hội trong điều kiện kinh tế thị trường để có thể tự mình vươn lên thoát nghèo. Do đó, cần tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế. Tỉnh cần đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo về vốn, kiến thức khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tăng cường công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại hỗ trợ người nghèo tiếp cận nhanh hơn các yếu tố sản xuất.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo là gốc rễ để giải quyết vến đề giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, những người có học vấn cao, có trình độ tay nghề sẽ có cơ hội nhiều hơn trong tìm việc làm và thu nhập cũng cao hơn. Muốn tham gia thị trường sức lao động, người nghèo cần phải học nghề, thị trường sức lao động tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận việc làm. Do vậy, Ninh Bình cần có chính sách phát triển đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng công cuộc giảm nghèo. Mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo. Đi đôi với đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm cần phải dạy văn hóa cho họ để họ có năng lực, trí tuệ, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả cao hơn, khơi dậy cho họ ý chí vươn lên của người nghèo, xã nghèo, chống lại tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cộng đồng là vấn đề cấp bách hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, tr.300.
  2. Nguyễn Thị Thanh (2017), “Tỉnh Ninh Bình - Những dấu ấn nổi bật sau 25 năm tái lập” Tạp chí Cộng sản (123), tr.32-36.
  3. Hoàng Tươi (2017), “Ninh Bình từng bước giảm nghèo bền vững”, http://www.ttttninhbinh.gov.vn/index.aspx?view=tin&id=2040, ngày 16/3/2017.
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2017), Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2002 - 2017, ngày 05/12/2017.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2017), Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2017 và nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2018, ngày 15/12/2017.

SOME SOLUTIONS TO HELP NINH BINH’S PROVINCE ACHIEVE THE SUSTAINABLE POVERTY REDUCTION

Master. Do Van Hai

Political Academy, Ministry of Defense

ABSTRACT:

Poverty reduction is a key, regular and long-term task that always receive close attention from the Communist Party of Vietnam and Vietnamese Government to ensure social security, contributing to the achievement of the country’s development goal "Rich people, a strong country, an equitable, democratic and civilized society ". After over 25 years (1992 - 2017) of re-establishing Ninh Binh province, Ninh Binh province has effectively implemented objectives and programs on poverty reduction along with the provincial strong socio-economic development, contributing to ensuring the provinical social security . However, Ninh Binh province’s poverty reduction programs have shortcomings and limitations.  This study is to analyze the situation of Ninh Binh province’s poverty reduction programs, thereby proposing a number of synchronous solutions to help Ninh Binh province’s achieve the sustainable poverty reduction in the coming time.

Keywords: Social security, Ninh Binh province, poverty reduction, sustainable poverty reduction.