Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật thích ứng các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

THS. NGUYỄN KHẮC CHINH (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chương 18 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đặt ra những chuẩn mực bảo hộ mới, cũng như những cam kết cao hơn tiêu chuẩn hiện nay về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định CPTPP, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật SHTT. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Việt Nam cần đánh giá thực trạng pháp luật về SHTT hiện nay, đồng thời rà soát các quy định cụ thể nhằm đảm bảo tương thích với cam kết theo Hiệp định CPTPP. Bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật thích ứng các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định CPTPP.

Từ khóa: sở hữu trí tuệ, luật sở hữu trí tuệ, Hiệp định CPTPP.

1. Thực trạng và nhu cầu hoàn thiện pháp luật SHTT của Việt Nam

Kể từ năm 1991 cho đến nay, quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trong đó phải kể đến hệ thống pháp luật về SHTT. Theo đánh giá và chia sẻ của các chuyên gia, hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của WTO, vượt trên ngưỡng yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hoa Kỳ và đang trên đà hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của thế giới theo các cam kết trong các FTA thế hệ mới,  với các tiêu chí có lợi hơn cho chủ thể quyền([1]). Bảo hộ quyền SHTT không chỉ được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật SHTT năm 2005 (Sửa đổi năm 2009 và 2019) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, mà còn các Luật khác có liên quan như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hải quan, Luật Chuyển giao công nghệ,... Việt Nam cũng là thành viên của các điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất về SHTT như Hiệp định TRIPS về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới,…

Đối tượng quyền SHTT được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam gồm có: (i) các đối tượng của quyền tác giả (tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học) và quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền của người biểu diễn, tổ chức sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng); (ii) các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh); (iii) các đối tượng của quyền đối với giống cây trồng (giống cây trồng mới). Đối với từng đối tượng, pháp luật Việt Nam quy định rõ các điều kiện bảo hộ, cơ chế xác lập quyền, nội dung và giới hạn quyền, và cơ chế thực thi các quyền này khi xuất hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tóm lại, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam đã đáp ứng được những chuẩn mực của quốc tế như TRIPS. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các tiêu chuẩn bảo hộ của Hiệp định TRIPS chỉ đặt ra các tiêu chuẩn mang tính chất khung, định hướng cơ bản, để từ đó mỗi quốc gia tự xây dựng pháp luật SHTT cho riêng mình.

Thực tế, pháp luật về SHTT của Việt Nam vẫn còn cách một khoảng rất xa so với của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Trung Quốc. Quy định hiện tại của Việt Nam về SHTT vẫn chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống thực thi pháp luật. Điển hình là Tòa án Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT, như: thiếu các quy định cụ thể về xác định hành vi xâm phạm từng loại đối tượng SHTT; chưa phân biệt được loại hành vi xâm phạm trực tiếp và gián tiếp; cách thức xác định thiệt hại chưa rõ ràng; chế tài áp dụng đối với hành vi xâm phạm chưa đủ nặng, thiếu tính răn đe,... Vì vậy, tình trạng Tòa án phụ thuộc vào ý kiến của cơ quan chuyên môn về SHTT để giải quyết tranh chấp vẫn còn phổ biến, do các quy định chung của TRIPS đã được tiếp nhận trong Luật SHTT năm 2005 không thể đủ sức giải quyết các tranh chấp quyền SHTT vô cùng đa dạng, phong phú trong đời sống, trong khi hệ thống án lệ về SHTT để bổ sung cho các quy định pháp luật thành văn của Việt Nam còn tương đối ít([2]).

2. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật SHTT

Việc gia nhập CPTPP là một bước tiến lớn trong quá trình hoàn thiện pháp luật về SHTT, bởi nó chứa đựng các tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn và chi tiết, đầy đủ hơn so với Hiệp định TRIPS. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam trong quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng([3]). Vì vậy, để hoàn thiện pháp luật nhằm đáp ứng các cam kết của Hiệp định CPTPP, Việt Nam cần thực hiện những công việc trọng tâm dưới đây.

Một là, các quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả trong môi trường internet cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Hiệp định CPTPP đã quy định rất rõ về các quy định bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong môi trường internet (Internet Service Provider - ISP). Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định còn sơ sài khi vấn đề này chỉ được điều chỉnh tại Thông tư 07 năm 2012([4]). Về nguyên tắc, việc quy định trách nhiệm của các ISP phải bảo đảm cân bằng giữa 2 lợi ích: một là, thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ trung gian trực tuyến, hai là, cho phép các chủ thể quyền đối phó một cách hiệu quả với hành vi xâm phạm bản quyền xảy ra trong môi trường internet([5]). Chính vì vậy, các nước thành viên của CPTPP phải xây dựng pháp luật chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của ISP đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ trung gian do mình cung cấp, mặt khác phải quy định rõ những “giới hạn an toàn” cho phép ISP được miễn trừ trách nhiệm([6]). Pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định những trường hợp ISP phải chịu trách nhiệm, nhưng đối với các giới hạn an toàn thì chưa. Bên cạnh đó, Thông tư số 07 chỉ quy định ISP phải gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền internet, đường truyền viễn thông khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản, mà chưa quy định trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền, cũng như trách nhiệm bồi thường của người đã đưa ra yêu cầu gỡ bỏ hoặc cung cấp thông tin không đúng cho ISP([7]). Vì vậy, quy định hiện tại của Thông tư 07 cần được sửa đổi hoặc được đưa vào một văn bản mới, nhằm làm rõ trách nhiệm và giới hạn trách nhiệm của ISP trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với nội dung phù hợp với quy định của CPTPP. Ngoài ra, cần khuyến khích, hỗ trợ các tác giả chủ động áp dụng công nghệ để bảo vệ mình thay vì chỉ đơn thuần dựa vào pháp luật.

Hai là, pháp luật cần mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hộ quyền SHTT. Với sự phát triển nhanh chóng của tri thức, khoa học và công nghệ, sẽ dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng SHTT mới cần được bảo hộ. Để phù hợp với thực tiễn phát triển của pháp luật về SHTT trên thế giới, Việt Nam cần đưa ra các quy định bảo hộ đối với những đối tượng phi truyền thống (không nhìn thấy được như nhãn hiệu mùi hương, hay nhãn hiệu âm thanh)([8]) thay vì chỉ bảo hộ đối với các đối tượng truyền thống (có thể nhìn thấy được)([9]). Không chỉ Mỹ, các nước châu Âu, hay thậm chí Trung Quốc cũng đã có những thay đổi về mặt pháp luật để bảo hộ những đối tượng phi truyền thống này. Ví dụ, Luật Nhãn hiệu Trung Quốc sửa đổi năm 2013 đã xóa bỏ điều kiện nhãn hiệu phải là dấu hiệu “nhìn thấy được” và chính thức bảo hộ đối với nhãn hiệu âm thanh([10]). Theo quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam, nhãn hiệu được xác định là nổi tiếng được dựa theo 2 tiêu chí, bao gồm: việc xem xét số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu([11]) và số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng([12]). Tuy nhiên, hai tiêu chí này sẽ cần phải xem xét loại bỏ khi Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định việc có hay không bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đó([13]). Đối với sáng chế, Việt Nam mới chỉ bảo hộ đối với sáng chế dáng sản phẩm và quy trình([14]), trong khi Hiệp định CTTPP bảo hộ sáng chế dạng sử dụng, tức là những giải pháp đã được biết đến nếu như chúng được sử dụng theo một cách mới hoặc là phương pháp hay quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết đến([15]). Vì vậy, Việt Nam cần phải mở rộng đối tượng được bảo hộ đối với sáng chế. Ngoài ra, đối với kiểu dáng công nghiệp, Việt Nam cũng cần mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ đối với kiểu dáng được chứa đựng trong một phần sản phẩm, thay vì chỉ bảo hộ kiểu dáng tổng thể bên ngoài của sản phẩm([16]).

Ba là, quy định các chế tài xử phạt theo hướng đủ mạnh, đảm bảo tính răn đe và ngăn ngừa các hành vi tái phạm trong tương lai đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, các chế tài này vẫn phải đảm bảo việc tránh lạm dụng các thủ tục hành chính, tạo ra phiền hà, nhũng nhiễu đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đối với chế tài dân sự, quy định về bồi thường thiệt hại theo luật định trong những trường hợp khó xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại theo luật định này cần phải đủ lớn để bảo đảm tính răn đe. Ngoài ra, đối với các hành vi cố ý xâm phạm, hoặc vi phạm có chủ đích,Tòa án có thẩm quyền buộc bên xâm phạm phải trả một khoản tiền bồi thường bổ sung, bao gồm cả các khoản bồi thường mang tính chất trừng phạt, răn đe.

Nhằm đáp ứng yêu cầu trên, Việt Nam phải sửa đổi Điều 205 Luật SHTT, vì điều này chỉ quy định một cách chung chung về mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, nhưng không quá 500 triệu đồng và không có quy định về việc Tòa án có quyền tăng mức bồi thường đối với hành vi xâm phạm cố ý. Đối với chế tài hình sự, cần từng bước hình sự hóa thêm một số hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 có 2 điều quy định([17]) về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với rất ít loại hành vi. Vì vậy, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung các hành vi xâm phạm sẽ bị xử lý hình sự đã được liệt kê theo yêu cầu của Hiệp định CPTPP([18]).

Bốn là, hoàn thiện pháp luật về quy trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan như pháp luật về hợp đồng, giao dịch bảo đảm và chuyển giao công nghệ. Các quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với việc mở rộng phạm vi bảo hộ cho nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, kiểu dáng công nghiệp của một phần sản phẩm, sáng chế dạng sử dụng,… Những quy trình xác lập quyền phải đảm bảo tính hiệu quả, đơn giản, minh bạch và tạo thuận lợi cho bên nộp đơn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Pháp luật về giao dịch bảo đảm và pháp luật về chuyển giao công nghệ cần quy định rõ hơn về cơ chế nhận bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, nhận diện rõ các loại tài sản trí tuệ có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dễ dàng hơn khi tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần cân nhắc kinh nghiệm từ các nước phát triển, nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.

Năm là, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng cân bằng giữa lợi ích việc bảo hộ quyền SHTT, cụ thể là đối với Dữ liệu bí mật hoặc Các dữ liệu khác liên quan đến dược phẩm và quyền tiếp cận thuốc của cộng đồng. Tại Tuyên bố Doha 2001([19]), tất cả các thành viên WTO, bao gồm các quốc gia thành viên CPTPP([20]) đã ghi nhận tầm quan trọng, sự cần thiết và phù hợp đạo đức của việc áp dụng linh hoạt các quy định của TRIPS, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lạm dụng độc quyền sáng chế đối với dược phẩm đã vấp phải rất nhiều phản đối ngay từ những vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định TPP và sau này là CPTPP khi nó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thuốc của cộng đồng, đặc biệt tại các quốc gia nghèo, hoặc đang phát triển. Vì thế, trên cơ sở vận dụng linh hoạt các điều khoản tùy nghi của Hiệp định TRIPS, tinh thần của Tuyên bố Doha, trên cơ sở phù hợp với các cam kết trong CPTPP, Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn việc lạm dụng độc quyền sáng chế đối với dược phẩm.

Các quy định về chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bắt buộc trong lĩnh vực dược phẩm cần được nới lỏng. Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng linh hoạt Điều 18.40 của Hiệp định CPTPP nhằm cho phép chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện nay, Luật SHTT Việt Nam cũng đã quy định cụ thể các căn cứ bắt buộc chuyển giao sáng chế, như: áp dụng sáng chế vì mục đích công cộng, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội; chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế hoặc thực hiện hành vi phản cạnh tranh;… Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan có thẩm quyền cũng có đầy đủ căn cứ nhằm bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Đồng thời, người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế dược phẩm theo quyết định bắt buộc khi thực hiện sản xuất cũng bị hạn chế rất nhiều về quy mô sản xuất và phạm vi sử dụng.

Xây dựng cơ chế cho việc nhập khẩu song song dược phẩm sẽ là một giải pháp, vì đây là việc nhập khẩu các sản phẩm thuốc được đưa ra thị trường nước ngoài một cách hợp pháp. Tại Việt Nam, đối với các loại thuốc nước ngoài, đặc biệt là các loại thuốc được sản xuất theo quy định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, thường có giá thấp hơn so với thuốc được sản xuất theo sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế, mặc dù đã bao gồm thuế nhập khẩu. Mặc dù cơ chế này đã được tạo điều kiện thông qua Luật SHTT, tuy nhiên, việc cấp phép lưu hành, mức thuế áp dụng, hay cơ chế điều chỉnh giá thuốc,… vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp không mặn mà với chính sách nhập khẩu song song này.

Vì vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi thông qua các hành lang pháp lý, nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện việc nhập khẩu song song các loại dược phẩm. Việt Nam cũng nên xem xét việc quy định hành vi lạm dụng quyền SHTT là một trong những hành vi phản cạnh tranh, đặc biệt đối với trường hợp độc quyền sử dụng sáng chế. Trong thực tế, việc độc quyền sử dụng sáng chế không những đem về các lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu quyền, mà còn có rất nhiều đặc ân đi kèm. Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích giữa các chủ thể, pháp luật về SHTT vẫn trao cho chủ sở hữu quyền những độc quyền trong một thời gian nhất định - thời hạn đó là chấp nhận được khi nó đã được nghiên cứu kỹ dựa trên cơ sở cân bằng lợi ích của các bên, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giữa các chủ sở hữu. Vì vậy, các trường hợp cố tình, hoặc trì hoãn việc kết thúc thời gian độc quyền được ấn định, thì nên bị xem xét là hành vi lạm dụng quyền SHTT và gây hạn chế cạnh tranh một đáng kể. Tóm lại, pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam nên cân nhắc để bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về hành vi lạm dụng quyền SHTT và coi đó là một hành vi phản cạnh tranh.

Cuối cùng, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống án lệ về SHTT, bởi vì đây là một nhu cầu hết sức cấp thiết. Hệ thống án lệ không chỉ cho phép thẩm phán, các cán bộ thực thi, các luật sư, học giả và sinh viên luật có thể tiếp cận và nghiên cứu các bản án về SHTT, để có được một cái nhìn đầy đủ, toàn diện các khía cạnh biểu hiện của quyền SHTT trong thực tế, về thực trạng các giao dịch liên quan đến tài sản trí tuệ, cách giải quyết của Tòa án và cơ quan hành chính đối với các vụ xâm phạm quyền SHTT, mà còn hỗ trợ họ trong việc phát hiện những lỗ hổng, điểm chưa tương thích giữa thực tế và pháp luật, từ đó có kiến nghị, đề xuất các phương án hoàn thiện.

Qua đó, vô hình chung thúc đẩy việc áp dụng pháp Luật SHTT thống nhất hơn, khi lý luận về pháp luật SHTT sẽ không ngừng được bổ sung bởi hệ thống án lệ phong phú. Hơn nữa, việc công bố các bản án, các quyết định xử phạt hành chính về SHTT là một biện pháp gián tiếp để thu hút đầu tư nước ngoài, bởi nó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tuân thủ Hiệp định TRIPS và các FTA thế hệ mới, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong thực thi quyền SHTT. Việc phát triển hệ thống án lệ về SHTT cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc xét xử các tranh chấp quyền SHTT. Điều này sẽ đưa cơ chế thực thi quyền SHTT tại Việt Nam về đúng với bản chất của nó, đó là cơ chế khởi kiện dân sự. Bởi vì, chỉ khi các tranh chấp về quyền SHTT được thực hiện thông qua cơ chế này, các chủ thể quyền SHTT mới được bảo vệ đầy đủ, trọn vẹn, được hưởng các chế tài dân sự mà biện pháp hành chính không thể mang lại cho họ như chế tài bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, cơ chế khởi kiện dân sự sẽ đảm bảo tính minh bạch, dân chủ, công khai, chặt chẽ về thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Cơ chế này sẽ cho phép đánh giá đầy đủ các tình tiết, chứng cứ, lập luận của các bên để đưa ra quyết định chính xác, đúng với thực tế, bởi các hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp, có tổ chức và gây thiệt hại vô cùng lớn đối với chủ thể quyền.

3. Kết luận

Trải qua quá trình dài phát triển của Luật SHTT cho thấy, để bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT, cần phải thực hiện các biện pháp một cách đồng bộ và thống nhất. Trước hết, pháp luật cần phải được hoàn thiện một cách đồng bộ, tránh sự chồng chéo giữa các bộ luật, các văn bản pháp luật khác nhau, đặc biệt là các luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể, bao gồm: các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, đến các tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân trong xã hội. Lợi ích từ bảo hộ và thực thi quyền SHTT hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch dựa trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Đây là được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những mục tiêu trên sẽ đáp ứng được nhu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Bộ Khoa học và Công nghệ. “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam phải vươn lên thứ 2 ASEAN về sở hữu trí tuệ”, <https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/7078/pho-thu-tuong-vu-duc-dam--viet-nam-phai-vuon-len-thu-2-asean-ve-so-huu-tri-tue.aspx>.

(2) Hiện nay chỉ có 6 án lệ liên quan đến quyền SHTT, <https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/tong-hop-ban-an-ve-cac-vu-tranh-chap-lien-quan-den-so-huu-tri-tue-2233>.

(3) Báo Đầu tư online. “Không TPP, áp lực cải cách sẽ càng mạnh mẽ”, <https://baodautu.vn/khong-tpp-ap-luc-cai-cach-se-cang-manh-me-d55249.html>.

(4) Thông tư Liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông.

(5) Khoản 1 Điều 18.82 Hiệp định CPTPP

(6) Khoản 2 Điều 18.82 Hiệp định CPTPP

(7) Khoản 3 Điều 18.82 Hiệp định CPTPP

(8) Điều 18.18 Hiệp định CPTPP

(9) Khoản 1 Điều 72 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

(10) Điều 8 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc 2013, <http://www.chinaiplawyer.com/full-text-2013-china-trademark-law/>.

(11) Khoản 6 điều 75 Luật SHTT năm 2005

(12) Khoản 7 điều 75 Luật SHTT năm 2005

(13)  Điều 18.22 Hiệp định CPTPP

(14)  Khoản 12 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

(15) Điều 18.37 Hiệp định CPTPP

(16) Điều 18.55 Hiệp định CPTPP

(17) Điều 225 và 226 Bộ luật Hình sự năm 2015

(18) Điều 18.77 Hiệp định CPTPP

(19) Tuyên bố Doha 2001 về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng, <https://www.wto.org/english/res_e/booksp_e/ddec_e.pdf>.

(20) Điều 18.6 Hiệp định CPTPP.

 Some solutions to complete Vietnam’s regulations on intellectual property to meet the CPTPP’s commitments

Master. Nguyen Khac Chinh

Faculty of Law, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

The Chapter 18 on Intellectual Property in the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) sets new standards of intellectual property protection which are stricter than Vietnam’s current regulations on intellectual property. In order to meet the CPTPP’s requirements, it is essential for Vietnam to quickly complete its regulations on intellectual property. As a result, it is important for Vietnam to assess the current regulations on intellectual property and also review specific regulations to ensure the compatibility of these regulations with the CPTPP’s commitments. This paper proposes some solutions to complete Vietnam’s regulations on intellectual property to meet the CPTPP’s commitments.

Keywords: intellectual property, law on intellectual property, the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]