Một số giải pháp phát triển thương hiệu nước mắm Phan Thiết

ThS. NGUYỄN THỊ HOÀI THANH (Khoa Kinh tế Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu thực trạng thị trường nước mắm cho thấy: các cơ sở nước mắm hiện nay được sản xuất theo phương pháp truyền thống, tại các làng nghề, đa số hoạt động manh mún và đang gặp nhiều khó khăn. Giải pháp đề xuất nhằm phát triển thương hiệu nước mắm Phan Thiết được đặt ra trên cơ sở phân tích giá trị cốt lõi của thương hiệu, bề dày lịch sử, phương pháp sản xuất đặc thù của nước mắm Phan Thiết; vận dụng marketing địa phương, trên cơ sở nắm bắt xu thế tiêu dùng sạch, xanh, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, khai thác sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tạo nên sức mạnh cộng đồng để bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm sản xuất từ tự nhiên và có kiểm soát trong chuỗi cung ứng nước mắm an toàn.

Từ khóa: Nước mắm, nước mắm truyền thống, nước mắm Phan Thiết, làng nghề Phan Thiết.

1. Vài nét về thị trường nước mắm tại Việt Nam

Nước mắm là một loại gia vị, đồng thời cũng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Là biểu tượng rất riêng của văn hóa ẩm thực, trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam không thể thiếu nước mắm, dù chế biến bất cứ món ăn từ canh, xào, kho hay chấm, từ món ăn dân dã đến món ăn sang trọng, đa phần phải sử dụng đến. Vì lẽ đó, thị trường nước mắm được xem là một thị trường đầy tiềm năng.

Từ năm 2000 trở về trước, nước mắm chủ yếu do các nhà lều, các cơ sở, sản xuất theo phương pháp truyền thống gia đình, làng nghề, đưa ra thị trường, theo sự phân khúc khá rõ, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ cho người dân tại địa phương, những doanh nghiệp mạnh hơn từng bước cung cấp ra các thị trường tỉnh ngoài, tập trung nhiều vào 2 thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các loại nước mắm thượng hạng, nước mắm đặc biệt, loại một... cạnh tranh với nước mắm các vùng miền khác trong nội địa. Tại các vùng sâu vùng xa do điều kiện kinh tế người dân khó khăn, tiêu thụ nước mắm thấp đạm, giá rẻ. Nhìn chung, người tiêu dùng sử dụng nước mắm theo khẩu vị riêng và khả năng chi tiêu của mình mà lựa chọn loại nước mắm phù hợp. Tuy vậy, nước mắm do các cơ sở sản xuất nhỏ cung cấp ra thị trường thường có chất lượng không ổn định do khâu pha chế, đóng chai thành phẩm thực hiện bằng thủ công, việc pha đấu và sử dụng chất điều vị theo kinh nghiệm, không coi trọng phân tích kiểm soát chất lượng cho từng lô hàng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất nước mắm chủ yếu là hộ gia đình không có nhiều chi phí để đầu tư các hoạt động quảng bá thương hiệu. Thực trạng dẫn đến có những thời kỳ bế tắc về đầu ra cho sản phẩm, đặt bài toán cho lãnh đạo chính quyền địa phương giải quyết đầu ra cho sản phẩm mang tính chất làng nghề.

Từ năm 2002, Công ty TNHH Unilever Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất và đóng chai nước mắm đặt tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc với thiết bị hiện đại. Với việc đưa ra thương hiệu nước mắm Phú Quốc - Knorr, Unilever là doanh nghiệp đầu tiên định hình sản xuất và kinh doanh nước mắm theo hướng dây chuyền công nghiệp (dưới đây tạm gọi là nước mắm công nghiệp). Tuy nhiên, do định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp, nên mức giá không rẻ. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nước mắm mang thương hiệu này chưa tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường.

Năm 2007 - 2009, các nhãn hàng nước mắm công nghiệp đóng chai giá rẻ ChinsuNam Ngư của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan ổn định chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận. Thị phần nước mắm Chinsu và Nam Ngư gia tăng nhanh chóng nhờ quy mô sản xuất, lợi thế sản phẩm vị ít mặn, chất lượng ổn định, hương thơm dịu, chậm trở màu sau khi mở nắp chai. Masan kết hợp các phương thức quảng bá, phát sản phẩm miễn phí đến tận hộ dân. Giá bán lẻ sản phẩm chỉ bằng khoảng 1/2 giá nước mắm truyền thống chính hiệu của Phan Thiết, Phú Quốc dùng cho nhu cầu làm nước mắm chấm trực tiếp (giá bán nước mắm của Chinsu và Nam Ngư ngang với giá bán nước mắm dùng cho nhu cầu kho nấu - loại nước mắm có Nitơ toàn phần từ 10 đến 15 gr/lít của các hãng sản xuất nước mắm truyền thống).

Sự tăng trưởng nhanh chóng của loại nước mắm do Masan sản xuất đã kéo theo nhiều đơn vị khác tham gia vào sản xuất nước mắm công nghiệp. Năm 2009, Công ty CP Thực phẩm Hồng Phú đầu tư nhà máy sản xuất nước mắm quy mô lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, đặt tại khu Công nghiệp Hàm Kiệm 1 (Bình Thuận) cách Tp. Phan Thiết 8 km, năm 2010 đưa ra thị trường hai thương hiệu nước mắm Thái Long và Kabin. Cũng trong năm 2010, Acecook tham gia thị trường với nhãn hàng nước mắm Đệ Nhất. Năm 2012, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm châu Á (MICOEM) nhanh chóng cho ra mắt nước mắm Ông Tây... với giá rẻ. Nước mắm Ông Tây nhanh chóng có mặt tại các khu chợ truyền thống thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung, chuyển dần vào cả phía Nam. Năm 2018, Công ty Nestlé VN cũng chính thức tham gia thị trường nước mắm Việt Nam với sản phẩm nước mắm Maggi.

Năm 2008, Masan đã đầu tư nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc và đang hoạt động với quy mô lên đến 448 thùng chượp và tổng sức chứa 10.000 tấn cá, hằng năm cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm Chinsu và Nam Ngư. Ngoài ra, theo báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trong cả nước số 175/2016/ HTC&BVNTDVN ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu lớn trong sản xuất, Masan Consume hợp tác thu mua nước mắm cốt từ các hãng sản xuất nước mắm truyền thống. Ước tính hằng năm, công ty này mua khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm của các vùng sản xuất nước mắm chính ở Việt Nam (Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết…).

Sau các chiến dịch truyền thông rầm rộ cho sản phẩm nước mắm Đệ Nhất, tuy nhiên, đến cuối năm 2013, Acecook chuyển giao thương hiệu này cho Công ty Nam Phương Việt Nam. Sản phẩm sau đó cũng được đổi tên thành nước mắm Barona. Nước mắm Knorr đã vắng bóng ở nhiều siêu thị hay cửa hàng bán lẻ. Hai thương hiệu Kabin và Thái Long của Công ty CP Thực phẩm Hồng Phú đã được người tiêu dùng biết đến qua đại sứ thương hiệu là Vua đầu bếp Martin Yan. Thị phần nước mắm của Masan thường niên chiếm 63%, năm 2012 lên tới 70% doanh thu toàn thị trường. Những doanh nghiệp khác như Micoem, Hồng Phú… chỉ chiếm thị phần ở mức 1-5% (báo cáo số 175/2016/HTC &BVNTDVN của VINASTAS).

2. Thị phần khiêm tốn của nước mắm truyền thống

Theo Niên giám thống kê Việt Nam qua các năm, lượng nước mắm tiêu thụ tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000 trở về trước ổn định trong khoảng 160 triệu lít/năm (bình quân tiêu thụ 1,6 lít/người/năm); giai đoạn từ năm 2000 - 2007 khoảng 167 - 213 triệu lít/năm (bình quân tiêu thụ 2 - 2,5 lít/người/năm), chủ yếu là nước mắm thành phẩm do các hãng sản xuất theo phương pháp truyền thống đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nước mắm công nghiệp trong gần 20 năm qua, cùng với sự giảm sút nghiêm trọng của nguồn cá cơm trong tự nhiên, làm cho nước mắm truyền thống - đa số hoạt động khá manh mún, phải điêu đứng. Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, năm 2001, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 68 hộ sản xuất nước mắm; năm 2011-2012 tăng lên 100 hộ, nhưng đến đầu năm 2016 chỉ còn lại 56 hộ (giảm hơn 40%), sản lượng nước mắm Phú Quốc trên 30 triệu lít/năm. Ông Trương Quang Hiến - Chủ tịch Hội nước mắm Phan Thiết thông tin, từ 200 đơn vị sản xuất nước mắm năm 2005, đến nay trên địa bàn Phan Thiết chỉ còn 150 đơn vị sản xuất 25 đến 38 triệu lít/năm. Cũng như ở Phú Quốc, một số nhà lều tại Phan Thiết đã từng trực tiếp đưa sản phẩm ra các miền Bắc, Trung, Nam nay đã chuyển đổi sang nghề khác. Lý do, ngoài lượng cá nguyên liệu giảm sút, nguyên nhân chính vẫn là khó cạnh tranh với nước mắm công nghiệp. Chỉ có một số doanh nghiệp vốn có uy tín trong cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống đã định vị lại thương hiệu, thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để giữ chân khách hàng truyền thống và tiếp cận các kênh phân phối hiện đại như thâm nhập vào các siêu thị... còn tồn tại được ở Phan Thiết, Nha Trang (Khánh Hòa), Cát Hải (Hải Phòng)... ; còn những cơ sở nhỏ chủ yếu bán nguyên liệu cho Masan hoặc bán sỉ theo thùng nên doanh thu không cao. Năm 2012, sản lượng nước mắm cả nước có 306 triệu lít, năm 2013 đạt 325,8 lít trong đó nước mắm truyền thống chỉ chiếm 90 - 100 triệu lít (theo Niên giám thống kê Việt Nam). Theo số liệu của đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy quy mô thị trường nước mắm Việt Nam năm 2015 ở mức 11.300 tỷ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76% và nước mắm truyền thống chỉ đạt 24% thị phần. Đến năm 2018, Việt Nam có sản lượng khoảng 380 triệu lít nước mắm, nước nắm truyền thống vẫn khiêm tốn với sản lượng 120 lít (trong đó nước mắm Phan Thiết đạt khoảng 40 triệu lít bao gồm cả sản lượng nước mắm do Công ty CP Hồng Phú sản xuất theo quy trình và tính đặc thù về chất lượng của nước mắm mang thương hiệu Phan Thiết).

Trong khi thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, từ nay đến năm 2022, ngành hàng gia vị Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng từ 25 % - 32% mỗi năm, trong đó nước mắm sẽ là mặt hàng có mức cạnh tranh cao nhất. Nước mắm công nghiệp gần như áp đảo nước mắm truyền thống tại tất cả các kênh phân phối về số lượng, chủng loại. Theo Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Trong đó, nước mắm của các cơ sở sản xuất truyền thống chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít. Còn nước mắm sản xuất trên dây chuyền công nghiệp chiếm trên dưới 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa. Thống kê chưa đầy đủ của một số doanh nghiệp (2018) có khoảng gần 2.900 cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nước mắm với sản lượng khoảng 200 đến 300 triệu lít nước mắm mỗi năm. Giá trị thị trường nước mắm lên đến 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 20%. Vì vậy, bản đồ thị phần mặt hàng nước mắm trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không đề cập đến khái niệm “nước mắm truyền thống” hay “nước mắm công nghiệp”. Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02-16:2012/BNNPTNT “Cơ sở sản xuất Nước mắm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm”, giải thích nước mắm là dung dịch đạm trong (không vẩn đục) được tạo thành từ quá trình lên men hỗn hợp cá (hoặc thuỷ sản khác) và muối. Tiêu chuẩn Quốc gia nước mắm TCVN 5107-2018 giải thích nước mắm nguyên chất (genuine fish sauce) là sản phẩm dịch lỏng, trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối (chượp chín) đã được lên men tự nhiên trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng. Nước mắm (Fish sauce) là sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, điều chỉnh mùi. Trên phương diện khoa học, nước mắm là hỗn hợp muối với các axit amin được chuyển biến từ protein trong thịt cá qua một quá trình thuỷ phân có tác nhân là các hệ enzyme có sẵn trong ruột cá cùng với một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn.

Khi chất lượng cuộc sống càng nâng cao người tiêu dùng ngày càng có những lựa chọn khắt khe hơn, họ bắt đầu tìm hiểu kỹ về các thương hiệu nước mắm cũng như các tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm ngon, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, phải rất khó để nhận được sự tin tưởng và lòng trung thành thương hiệu từ người tiêu dùng.

3. Làng nghề nước mắm truyền thống Phan Thiết và giá trị cốt lõi của thương hiệu nước mắm Phan Thiết

Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn của cả nước với vùng biển rộng 52.000m2, đường bờ biển dài 192km. Tại đây, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt trên 200.000 tấn, là nguồn nguyên liệu chính để chế biến nước mắm truyền thống và tạo nên thương hiệu nước mắm Phan Thiết lâu đời. Theo “Địa chí Bình Thuận”, từ năm 1809 đến năm 1930, nghề sản xuất nước mắm Phan Thiết được xem là ngành công nghiệp độc đáo duy nhất của nền kinh tế địa phương. Đến nay, trên địa bàn Phan Thiết có khoảng 150 tổ chức, cá nhân sản xuất nước mắm.

Ba ưu điểm vốn có của nước mắm Phan Thiết, đó là nguyên liệu cá cơm dồi dào, lợi thế về chất lượng muối và bí quyết ủ chượp truyền thống độc đáo của người làm mắm Phan Thiết.

Trong cuộc chiến gay gắt trên thị trường nước mắm sản xuất trên dây chuyền công nghiệp và nước mắm truyền thống, để không bị thua ngay trên sân nhà, nước mắm Phan Thiết cũng đã có những trở mình đáng ghi nhận.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận đã có các hoạt động nhằm giữ vững thương hiệu nước mắm Phan Thiết như triển khai Dự án “ Xây dựng mô hình quản lý - Khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Phan Thiết cho sản phẩm nước mắm”. Dự án đã xây dựng được hệ thống nhận diện CDĐL. Bao gồm logo, tem và ban hành hệ thống văn bản phục vụ quản lý CDĐL. Tổ chức tuyên truyền, quản bá sản phẩm mang CDĐL thông qua làm phim tài liệu phát sóng trên tuyền hình tỉnh, dựng các Pano quãng cáo trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2019, đã có 57 đơn vị xuất sử dụng CDĐL nước mắm Phan Thiết (tổng sản lượng sản xuất hơn 51,2 triệu lít/năm). Trong đó có các cả Công ty CP Thực phẩm Hồng Phú cũng tham gia sản xuất sản phẩm nước mắm mang CDĐL “Phan Thiết” đối với dòng sản phẩm từ nước mắm cốt được thu mua của các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống đã được cấp chứng nhận sản xuất sản phẩm mang CDĐL Phan Thiết, để sản xuất ra dòng sản phẩm thương hiệu Kabin và Thái Long riêng có gắn tem nhận diện sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được kiểm soát.

Tuy nhiên, các hoạt động phát triển thương hiệu nước mắm Phan Thiết còn dựa vào các mô hình của dự án. Khi dự án kết thúc, việc duy trì và nhân rộng chưa mạnh. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy hết giá trị của việc gắn tem nhận diện sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và sợ tăng giá thành sản phẩm nên tem sử dụng CDĐL chưa được sử dụng rộng rãi, đa số cơ sở in dấu hiệu CDĐL chung với nhãn hiệu riêng nhưng kích cỡ nhỏ chưa hấp dẫn đến khách hàng.

Mặt khác, do hạn chế về nguồn vốn, sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ nên phần lớn doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phan Thiết chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo, không có những đoạn quảng cáo đẹp, thông điệp rõ ràng trên truyền hình và ngay cả nhãn mác, bao bì và bộ nhận diện thương hiệu cũng còn rất yếu. Nguyên nhân dễ thấy là các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống thiếu cả nhân lực và vật lực để làm chuyện này. Vai trò của tổ chức tập thể trong việc tuyên truyền, quảng bá chưa cao.

4. Giải pháp phát triển thương hiệu nước mắm Phan Thiết

Để được người tiêu dùng cả nước tin tưởng và cơ quan quản lý nhà nước cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”, cũng như đứng vững trên thị trường, một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phan Thiết đã có nhiều thay đổi để bắt kịp công nghệ sản xuất hiện đại, đồng thời vẫn giữ được nét truyền thống trong hương vị nước mắm quê nhà. Việc ứng dụng công nghệ mới đạt chuẩn quốc tế ISO 22 000, HACCP an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng thành phẩm vẫn là những giọt nước mắm giàu đạm tự nhiên nhất từ nguyên liệu cá tươi là một nỗ lực không dễ dàng. Đây cũng là cách mà các thương hiệu thành viên của nước mắm Phan Thiết giữ chân người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước thực trạng phần lớn cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn có quy mô nhỏ và sản xuất thủ công; chất lượng nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quan tâm… Từ làng nghề nước mắm cổ truyền hàng trăm năm tuổi... để đến vị trí số một trong lòng người tiêu dùng, thương hiệu hàng trăm năm tuổi này cần tiếp tục thực hiện giải pháp nào?

Vể phía cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương, cần phải có tiêu chuẩn các quy định về nước mắm không đủ độ đạm có nguồn gốc từ cá (hiện nay nhiều người thường sử dụng cụm từ “nước mắm công nghiệp”); Quy định xây dựng và hoạt động Tổ chức chứng nhận độc lập, nhằm hoạt động kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý độc lập với tổ chức tập thể những ngưởi sử dụng chỉ dẫn địa lý; Cần phải có chính sách hỗ trợ để thành lập được các tổ chức tập thể của những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có đủ năng lực kiểm soát chỉ dẫn địa lý trong thực tế.

Đối với chính quyền tỉnh Bình Thuận và Hiệp hội những người sản xuất kinh doanh nước mắm Phan Thiết, để phát triển thương hiệu địa phương, cần tận dụng xu thế tiêu dùng sạch, xanh và có nguồn gốc tự nhiên, địa phương, để duy trì, phát huy lợi thế nước mắm truyền thống với phương pháp ủ chượp đã có từ lâu đời, với nguồn nguyên liệu tự nhiên, không có sự can thiệp của hóa chất để khẳng định vị thế mạnh mẽ trên thị trường. Trước hết, cần khai thác, phát huy lợi thế của sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao được giá trị, uy tín của nước mắm mang thương hiệu "Phan Thiết". Nâng cao được giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội cho các hoạt động liên quan đến sản phẩm của vùng sản xuất và địa phương mang chỉ dẫn địa lí. Xây dựng được các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lí, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lí Phan Thiết cho sản phẩm nước mắm. Chỉ dẫn địa lí “Phan Thiết” phải được sử dụng và quản lí trên thực tế. Nước mắm mang chỉ dẫn địa lí Phan Thiết được quảng bá và giới thiệu rộng rãi và bố trí dấu hiệu để dễ nhận biết trên thị trường. Quy định về kiểm soát chỉ dẫn địa lí cần được xây dựng trên quan điểm trao quyền tối đa cho các tổ chức tập thể và các đơn vị sử dụng. Phối hợp các hoạt động quản lý VSAT thực phẩm, quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý với xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn, tạo liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: công đoạn khai thác, đánh bắt, thu gom, vận chuyển, chế biến, đóng gói và phân phối tiêu thụ. Từ đó, giúp hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng, tình trạng an toàn thực phẩm được kiểm soát. Ngoài ra, các cơ sở tham gia chuỗi còn được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, góp phần quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, thông qua logo nhận diện sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nước mắm an toàn, giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đến từ Phan Thiết đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác để lựa chọn sản phẩm.

Đối với các nhà sản xuất kinh doanh nước mắm Phan Thiết, đặc biệt là các doanh nghiệp còn hoạt động nhỏ lẻ, cần định vị lại thương hiệu riêng của mình, tham gia vào Hiệp hội để cùng hoạt động và dưới ô của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, để tập trung sức mạnh, cùng bảo vệ, chăm sóc và bồi dưỡng lâu dài, xây dựng chiến lược bảo vệ và phát triển thương hiệu nước mắm Phan Thiết, tham gia vào chuỗi cung ứng nước mắm an toàn và tổ chức kiểm soát nội bộ sản xuất nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phan Thiết hiệu quả, nhằm nâng cao uy tín, ảnh hưởng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do mình sản xuất đưa ra thị trường, cũng như uy tín của cộng đồng những nhà sản xuất nước mắm Phan Thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. TS. Phạm Thị Lan Hương - PGS.TS. Lê Thế Giới (2016), Giáo trình Quản trị thương hiệu, Nhà xuất bản Tài chính.
  2. Richard Moore, Đầu tư cho chiến lược hình ảnh thương hiệu (bản tiếng Việt), Khoa Marketing PTIT.
  3. UBND Tỉnh Bình Thuận, “Kết luận về báo cáo chuyên đề Hệ thống giải pháp giữ vững thương hiệu nước mắm Phan Thiết”, Số 615-KL/TU, ngày 12/01/2015.
  4. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), “Báo cáo khảo sát nước mắm”, số 175/2016/HTC&BVNTDVN, ngày 17/10/2016.
  5. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”.

SOLUTIONS TO DEVELOP THE PHAN THIET FISH SAUCE BRAND

Master. NGUYEN THI HOAI THANH

Department of Economics and Natural Resources

Ho Chi Minh City University for Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

The research on fish sauce market in Vietnam shows that fish sauce producers are using traditional methods and located at craft villages. The research also reveals that the operation of most fish sauce producers is fragment and small-scale with difficulties. This article proposes solutions to develop the brand of Phan Thiet fish sauce by analyzing core values of the brand, the history and the typical production method of Phan Thiet fish sauce. Local marketing, green and natural product consumption trend and protected geographical indications could be exploited to build community strengths to protect the Phan Thiet fish sauce brand, helping consumers know that Phan Thiet fish sauce products are produced from natural ingredients with controlled food safety conditions.  

Keywords: Fish sauce, traditional fish sauce, Phan Thiet fish sauce, Phan Thiet’s province craft village.