Một số vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh từ hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

TS. PHẠM VĂN TUẤN (Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội (MXH) đã, đang và sẽ làm thay đổi mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh online phát triển trong bối cảnh ra đời của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã khiến cho những thay đổi về kinh tế - xã hội ngày càng sâu rộng hơn bao giờ hết. Bài viết tập trung phân tích những vấn đề kinh tế xã hội phát sinh từ hoạt động kinh doanh trên MXH trong bối cảnh kỷ nguyên công nghiệp 4.0 như thay đổi thói quen tiêu dùng, thuế, chuyển đổi lao động và việc làm, báo chí và truyền thông,…

Từ khóa: Kinh doanh, mạng xã hội, tiêu dùng, dịch vụ, cách mạng công nghiệp 4.0

1. Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng

Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, năm 2018, hoạt động mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, thì chỉ sau một năm, năm 2019 số người tiêu dùng (NTD) chọn hình thức mua bán online đã tăng gấp 3 lần (2,7%).

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… khiến hoạt động mua bán online đã không còn xa lạ với NTD Việt, đặc biệt là NTD trẻ. Ngoài ra, thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi NTD trẻ tham gia vào việc mua bán trên MXH ngày càng nhiều, như Facebook, Zalo, một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương... đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới.

Trong một báo cáo của CBRE Việt Nam gần đây được thực hiện thông qua khảo sát ý kiến khoảng 1.000 người tại TP. HCM và Hà Nội, cho thấy: 25% số NTD được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, 45 - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn trong tương lai. Kết quả khảo sát còn cho thấy, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được NTD lựa chọn mua online, trong đó tập chọn mua online ngày càng nhiều các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị - đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi - dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang (chiếm tỷ lệ từ 10 - 30% NTD chọn mua online). 

Mặt khác, kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng chỉ ra kênh thông tin online ngày càng được nhiều NTD tiếp cận và chọn là kênh tham khảo thông tin chính khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là NTD ở khu vực thành thị. Ðây là kênh thông tin có khả năng tương tác tốt nhất với NTD mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Xu hướng tham khảo thông tin qua online mặc dù mới xuất hiện gần đây, nhưng sẽ là kênh thông tin ngày càng phổ biến và là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn thông tin này để quảng bá sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Có thể thấy, ít có thiết bị quảng cáo truyền thống nào như tivi, radio hay báo giấy, lại có sức ảnh hưởng lớn như kênh thông tin online. Internet đã góp phần rất lớn trong việc xóa bỏ các ranh giới trong hoạt động tiếp thị, khi mà các thiết bị như tivi, đồng hồ thông minh, máy tính bỏ túi… được nối mạng, là tiền đề tạo nên bước nhảy vọt của online marketing (hay internet marketing) nói riêng và digital marketing nói chung trong hoạt động kinh doanh.

Đây là những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm cho chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh trong thời đại công nghệ số hiện nay. Con số 2,7% là quá nhỏ, thể hiện tiềm năng của TMĐT ở Việt Nam. Các nhà kinh tế dự báo, đến năm 2020, trung bình mỗi người dân sẽ chi tiêu 350 USD cho mua sắm online, có nghĩa là tổng giá trị thị trường TMĐT ở Việt Nam đến năm 2020 là 35 tỷ USD. Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT trong những năm tới sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt.

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 30 triệu người vào năm 2020. Khi NTD giàu lên sẽ mong muốn được trải nghiệm những thương hiệu mới trước đây họ chưa có khả năng trải nghiệm. Nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng, 3/4 người Việt có khả năng chi tiêu thoải mái và sẵn sàng mua sắm khi họ cảm thấy thích. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành hàng cao cấp. Cụ thể, các loại thực phẩm cao cấp đóng góp 20% doanh số của ngành hàng này, với tốc độ tăng trưởng 11%. Ở ngành hàng chăm sóc cơ thể, tỷ lệ này là 23%, với mức tăng trưởng 22%. Các loại nước uống cao cấp dù chỉ đóng góp 3% vào tổng doanh số nhưng mức tăng trưởng đạt đến 103%.

Sự lên ngôi của Grab, Be, Uber, Airbnb... và các nền tảng chia sẻ khác cho thấy sự phát triển của xu hướng tiêu dùng chia sẻ hiện nay của người Việt. NTD cởi mở hơn và sẵn sàng tham gia vào cộng đồng chia sẻ này vừa để chia sẻ kinh nghiệm, vật dụng sẵn có của mình với người khác, vừa tạo ra lợi ích chung khi tất cả mọi người đều có thể tiết kiệm để có những trải nghiệm tốt nhất. NTD kết nối là những người trẻ, thường xuyên kết nối với internet, có thu nhập cao và sẵn sàng chi tiêu, sẽ là nguồn tăng trưởng mới đối với các nhà sản xuất.

Tại Việt Nam, số lượng NTD kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người và sẽ tăng lên 40 triệu người trong năm 2025. Chi tiêu hằng năm của NTD kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỷ USD trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính chi tiêu của NTD kết nối sẽ chiếm một nửa tổng tiêu dùng hằng năm. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng thông tin đã giúp họ "kết nối" thường xuyên hơn và chủ động hơn.

Công nghệ phát triển đã mang đến cho NTD nhiều trải nghiệm mới và nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Những thuật ngữ như kinh tế chia sẻ, thực tế ảo, tương tác thực tế, giao hàng tự động, phương tiện giao thông không người lái, máy in 3D, mua bán trực tuyến... đã trở nên quen thuộc. Bên cạnh đó, những chủ đề "nóng" luôn được dư luận quan tâm như thực phẩm sạch, sức khỏe, thực phẩm chức năng, ô nhiễm môi trường, trách nhiệm xã hội... Những yếu tố này tạo nên các hành vi tiêu dùng trong hiện tại và tương lai. Người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa họ sẽ chi tiêu không tính toán.

Thời đại "internet of things" tạo nên môi trường mà ở đó NTD tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau về cùng một sản phẩm tìm kiếm và mua sắm những sản phẩm, dịch vụ tốt với mức giá ưu đãi nhất, từ đó hình thành văn hóa mua sắm tiết kiệm trong NTD Việt. Trong thời đại mua sắm trực tuyến bùng nổ như hiện nay, NTD thường so sánh trước khi ra quyết định mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ vì họ có rất nhiều lựa chọn.

2. Vấn đề việc làm và cơ cấu thu nhập

Khi mới hình thành cách đây 3-4 năm, bán hàng trên MXH chỉ là tận dụng MXH kiếm thêm thu nhập, hiện nay kinh doanh online đã trở thành một nghề được giới trẻ lựa chọn để khởi nghiệp vì cho mức thu nhập cao. Riêng Hà Nội, theo sự thống kê của Chi cục Thuế Hà Nội đã có 13.400 shop bán hàng online, còn ở TP. HCM con số này là trên 13.500 shop, hầu hết thuộc sở hữu của giới trẻ. Bình quân, mỗi shop có từ 5-20 người có nghĩa là riêng Hà Nội đã có ít nhất 67.000 người tham gia bán hàng online chưa kể các cá nhân nhỏ lẻ khác.

Kinh doanh online khiến cơ cấu thu nhập của dân cư cũng thay đổi. Cũng theo Bizweb.vn, các shop online doanh thu 1 năm trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó có khoảng 18% các shop có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Đó là mức doanh thu không hề nhỏ, đóng góp lớn vào giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế. 

Ngoài ra, việc mua bán hàng trên MXH phát triển cùng việc ứng dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất trong thời đại CMCN 4.0 cũng kéo theo sự phát triển của các nghề phụ trợ. Theo Bizweb.com, trong các phương thức giao hàng, tỷ lệ khách đến lấy hàng tại quầy/địa điểm bán hàng nhiều nhất (87,7%) và tần suất lớn nhất (trên 1-2 lần/tuần chiếm 68%), điều đó có nghĩa là tiềm năng logictics trong mua sắm trên MXH là rất lớn.

Hoạt động kinh doanh trên MXH phát triển, kéo theo hoạt động logistic phát triển nhanh chóng. Hàng loạt các thương hiệu Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… ra đời, đáp ứng nhu cầu giao nhận. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, dịch vụ vận chuyển này vô cùng tiềm năng, sẽ có tốc độ tăng trưởng song song với sự phát triển của TMĐT.

Bên cạnh những lợi ích, dịch vụ vận chuyển vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Như đã đề cập ở trên, một trong những sự việc có thể phát sinh khi mua hàng qua MXH đó chính là việc xảy ra tranh chấp giữa các bên liên quan. Gần đây, do sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ vận chuyển hàng hỗ trợ các đơn vị kinh doanh qua mạng đã nảy sinh thêm những bất cập.

Cụ thể, lợi dụng sự tiện lợi của hình thức giao hàng tận nơi (Cash on delivery- COD), các đối tượng xấu đã sử dụng những chiêu thức yêu cầu người giao hàng ứng trước tiền hàng, khi người giao hàng đến địa chỉ của người nhận hàng thì mới biết rằng địa chỉ, người nhận cũng như số điện thoại đều là “ảo”. Để kiểm soát cũng như hạn chế hành vi trái pháp luật trên vẫn còn nhiều khó khăn bởi vẫn còn đang thiếu sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng cũng như sự thắt chặt của các đơn vị vận chuyển.

Facebook và Zalo là 2 MHX phổ biến ở Việt Nam, có 58 triệu người dùng năm 2017. Mỗi ngày mỗi người Việt dành ra 2,5 h cho MXH, những quảng cáo của các sản phẩm xuất hiện thúc đẩy nhu cầu mua sắm của toàn xã hội. Kéo theo đó là sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan như sản xuất, logictics, marketing… Một thị trường TMĐT 35 tỷ USD cùng các hoạt động dịch vụ đi kèm sẽ đóng góp vào cho GDP quốc gia khoảng 50 tỷ USD vào năm 2020 (GDP của Việt Nam năm 2017 đạt 220 tỷ USD). Hàng loạt công ăn việc làm mới được tạo ra, lợi nhuận từ kinh doanh trên MXH lại chảy vào nền kinh tế sẽ tạo ra đợt sóng mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Sẽ có thêm một loạt các ngành nghề mới được hình thành theo hướng phát triển của nền kinh tế xanh, một lượng lớn việc làm được tạo ra và những khoản thu nhập có giá trị cao đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

3. Vấn đề về thuế

Trước đặc thù cũng như tính chất phức tạp của hoạt động kinh doanh qua MXH, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nói chung, kinh doanh qua MXH nói riêng. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai của loại hình thuế mới này.

Giao dịch TMĐT, kinh doanh trên MXH có đặc điểm ảo, dựa trên nền tảng công nghệ, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Đơn cử như nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa kết hợp với bán hàng trực tuyến cho NTD là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập DN (TNDN).

Bên cạnh đó, nhiều DN, hộ và cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, chỉ sử dụng website, trang MXH để thực hiện quảng cáo sản phẩm nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại. Trong khi đó, các đơn vị cho thuê máy chủ lại chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về các DN vận hành các website bán hàng khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc thu nhập thông tin. Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng Google, Facebook, nhiều tổ chức cá nhân chưa kê khai, nộp thay thuế GTGT và thuế TNDN đối với thu nhập phát sinh của Google và Facebook tại Việt Nam. Những tồn tại trên đã khiến cho việc hoạt động quản lý thuế nói chung và thuế TMĐT hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phương thức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh qua MXH cũng đòi hỏi những yêu cầu rất khác so với thanh tra, kiểm tra theo phương thức truyền thống. Chẳng hạn, để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, cán bộ thuế cần phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ và phải giỏi về các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ để truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Trên thực tế, trình độ công nghệ và điều kiện của cán bộ thuế hiện nay chưa thể để bao quát được nhiệm vụ này.

Công tác quản lý thuế đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới cũng vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH chưa cao, các hình thức thu thuế hiện nay vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước. Lợi dụng quy định này, hầu hết các cá nhân và DN kinh doanh qua mạng internet tìm mọi cách để “lách”, tránh nộp thuế, cho dù cơ quan thuế đã có nhiều giải pháp quản lý nhằm giảm thất thu ngân sách nhà nước. Theo nhận định của chuyên gia, trong số 35% DN đang bán hàng trên MXH, với hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán, trao đổi hàng hóa trên Facebook, có nhiều trường hợp có doanh thu lớn nhưng không nộp thuế.

Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH, thời gian qua ngành Thuế đã rất nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến các đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT trên các thông tin đại chúng nhằm đảm bảo người nộp thuế nắm rõ chính sách thuế để tự thực hiện kê khai, nộp thuế.

Đồng thời, có nhiều biện pháp quản lý sát sao, nhiều đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể:

- Đối với DN hoạt động theo pháp luật Việt Nam: Về kê khai nộp thuế GTGT: Nếu doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên thì người bán hàng phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ; Trường hợp doanh thu hàng năm không quá 1 tỷ đồng thì nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (trừ trường hợp cơ sở kinh doanh có thu hàng năm không quá 1 tỷ đồng đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì nộp thuế theo GTGT theo phương pháp khấu trừ). Về thuế TNDN, DN nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai (thuế TNDN phải nộp theo mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế).

- Đối với các tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên MXH: Nếu người mua sản phẩm TMĐT, qua MXH là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp.

Nếu người mua là tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp, trong đó trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.

- Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh: Theo quy định tại Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên.

Cùng với đó, cơ quan thuế còn có các văn bản hướng dẫn các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải qua mạng như: Uber, Grab… thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhà thầu và kê khai nộp thuế thay cho các cá nhân là đối tác cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam.

Đặc biệt, đã có văn bản hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến (Agoda.com, Traveloka.com, Booking.com, Expedia.com…). Phối hợp với các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh hoặc giao hàng, phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế, xã phường rà soát để đưa các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua MXH, nhất là qua Facebook vào diện quản lý.

Định hướng chung của cơ quan thuế là yêu cầu người kinh doanh trên MXH cung cấp các thông tin cá nhân, mã số thuế… để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn hình thức kinh doanh này. Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16/6/2017 của Tổng cục Thuế đã lưu ý với Cục Thuế các tỉnh, thành phố thuộc trung ương một số trường hợp cụ thể sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp cá nhân kinh doanh có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng và việc quảng cáo trên MXH chỉ là một trong những hình thức mở rộng khách hàng: Hàng hóa được giao dịch tại địa điểm cố định hoặc giao hàng tận nơi khách hàng, trường hợp này cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định địa chỉ kinh doanh của cá nhân, phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường để đưa vào diện quản lý thuế nếu còn bỏ sót.

Đối với trường hợp đã thuộc diện quản lý, cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cơ sở kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh tăng doanh thu kinh doanh nếu phù hợp.

Thứ hai, đối với trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi: Trường hợp này, cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế TNCN.

Thứ ba, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh TMĐT có thu nhập phát sinh tại Việt Nam: Nếu người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các DN, hợp tác xã được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua hàng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế nhà thầu để nộp thuế theo quy định.

Trường hợp người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.

Bên cạnh các biện pháp trên, thời gian qua, cơ quan thuế còn đẩy mạnh việc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với các DN có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này vào nề nếp. Cơ quan thuế phải tổ chức hệ thống thông tin điện tử để thực hiện giao dịch điện tử với người nộp thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện giao dịch điện tử, xây dựng được “Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử” với vai trò tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ thuế và kiểm tra tự động, trả thông báo tự động cho người nộp thuế.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế để quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT... Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp, đề nghị các tổ chức Google, Facebook… lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam thiết lập đầu mối đại diện chính thức tại Việt Nam, quản lý chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ, đặc biệt là khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với dịch vụ các tổ chức này cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng.

Bên cạnh đó, cần tập trung tham gia triển khai các chương trình hợp tác về quản lý và trao đổi thông tin về thuế, trọng tâm là triển khai Chương trình Chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận theo lộ trình cam kết; Nghiên cứu áp dụng các hiệp định thuế song phương, đa phương… để quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới.  

4. Báo chí và truyền thông

Xã hội thông tin Việt Nam chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi thực trạng và xu hướng phát triển của thị trường truyền thông. Trước đây, báo chí là kênh thông tin chính của quốc gia. Báo giấy, tạp chí là nơi duy nhất công chúng có thể tiếp cận được với thông tin và NTD có thể tiếp cận với thông tin doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế truyền thông Việt Nam trong giai đoạn gần đây có những biến đổi mang tính gốc rễ, bao gồm cả chủ sở hữu, công chúng truyền thông, phân khúc thị trường và phương thức tổ chức.

Báo chí là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất của MXH, bởi lẽ đó có không ít các đề tài đi sâu vào nghiên cứu mối quan hệ tương tác qua lại của MXH và báo chí. Sách chuyên khảo “Báo chí và mạng xã hội” (2014) của Đỗ Chí Nghĩa và Đinh Thị Thu Hằng đã trả lời cho câu hỏi về sự khác biệt giữa báo chí và MXH, cho thấy đặc điểm, bản chất mối quan hệ giữa báo chí và MXH là vừa tác động qua lại vừa tương tác, tận dụng lẫn nhau, đặc biệt là tính cạnh tranh thể hiện rất mạnh: cạnh tranh về thông tin thời sự, cạnh tranh về tính công khai, nhiều chiều, hơn cả là tính tương tác.

Các tác giả chỉ ra rằng, đối với báo chí, MXH: (i) là một trong những địa hạt không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay, cung cấp thông tin, đề tài một cách rộng rãi, hiệu quả, sát thực cho báo chí; (ii) giúp thông tin báo chí được quảng bá rộng rãi thông qua các chia sẻ của các thành viên tham gia MXH; (iii) là một kênh phản biện của báo chí, kênh tương tác giữa báo chí và độc giả, tác động đến cách thức làm việc của nhà báo, làm thay đổi cách làm báo truyền thống. Ngược lại, đối với MXH, báo chí: (1) là nguồn tư liệu, đề tài cho thông tin trên MXH; (2) tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin trên MXH; (3) ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của thông tin sai lệch nảy sinh trên MXH và định hướng hướng thông tin trên MXH.

MXH đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ về mọi khía cạnh của ngành Báo chí. Đầu tiên là thay đổi về công chúng và hành vi tiêu dùng của công chúng. Công chúng Việt Nam có xu thế thích nghi nhanh với công nghệ truyền thông. Năm 2011, khảo sát về phương thức xem truyền hình qua internet đạt tỉ lệ rất thấp: 1,5% tại Hà Nội, 0% tại Đà Nẵng, 0,4% tại Tp. Hồ Chí Minh và 0% tại Cần Thơ. Hiện nay, có hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng Internet (chiếm 35,49% dân số), trong đó 50% có hành vi mua hàng trực tuyến.

Bốn loại hình thông tin đại chúng cơ bản nhất phục vụ công chúng bao gồm: báo in, phát thanh - truyền thanh, truyền hình và thông tin trực tuyến trên môi trường Internet. Số lượng thuê bao Internet băng thông rộng hiện đạt trên 4 triệu thuê bao. Internet đã phủ sóng khắp nơi trong lãnh thổ. Cho tới nay, tại Việt Nam có khoảng 28 triệu người sử dụng MXH, thông qua MXH để mua sắm tăng 53% từ năm 2014. Số lượng người dùng MXH thông qua điện thoại di động là 24 triệu người.

Ngành Báo chí thay đổi từ khi Internet phát triển ở Việt Nam. Kèm theo đó là sự lên ngôi của báo điện tử. Internet mở ra một xã hội thông tin, nơi mà thông tin được đưa đến công chúng một cách nhanh nhất, sinh động nhất, trực quan nhất thông qua báo điện tử. Ngành Báo chí trước đây sở hữu 80% doanh thu đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất chuyển hướng sang quảng cáo trực tuyến vừa hiệu quả, chi phí thấp đã và đang khiến báo chí truyền thống điêu đứng.

Không khó để nhận ra, các hình thức quảng cáo sơ sài trên báo giấy khó có thể cạnh tranh với những đoạn quảng cáo trực quan, sinh động được thực hiện bài bản bởi các chuyên gia web trên báo điện tử, MXH và những trang rao vặt tiện dụng. Hậu quả tất yếu của xu hướng này, khiến doanh thu từ quảng cáo của các tờ nhật báo giảm xấp xỉ 50% kể từ năm 2005 đến nay. Trên thực tế, mọi hình thức quảng cáo trên thế giới đều ghi nhận doanh thu sụt giảm ngoại trừ quảng cáo qua mạng, tính từ năm 2009 đến nay. Thói quen của NTD cũng thay đổi hoàn toàn. Trước đây, NTD có thói quen sử dụng báo giấy, tạp chí để cập nhật thông tin. Hơn một thập kỉ gần đây, báo điện tử với lợi thế cập nhật tin tức nhanh, mang tính thời sự cao, thông tin đa chiều và linh động đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chí mà độc giả hiện đại cần.

5. Kết luận

MXH trong giai đoạn cách mạng 4.0 dẫn đến một giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong việc làm: tổng số việc làm không thay đổi đáng kể song bản chất việc làm thay đổi sâu sắc, lợi suất ý tưởng và lợi suất kỹ năng chiếm vị trí quan trọng. Điều này tạo nên những xáo trộn quan trọng trong thị trường lao động, từ đó ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực khác trong đời sống. Cũng chính từ đây, cuộc CMCN 4.0 có thể tạo ra những động năng mới phá vỡ hoặc khiến các định chế kinh tế, chuẩn mực xã hội truyền thống phải định hình lại.

Tại Việt Nam, một mặt MXH trong tạo ra nhiều cơ hội để thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm xã hội và giải quyết các vấn đề nan giải như thất nghiệp, già hóa dân số hay phát triển con người. Mặt khác, MXH cũng có thể khiến Việt Nam bị tụt hậu nếu không tận dụng được trong bối cảnh của một quốc gia vẫn chưa hoàn thành các tiêu chí cơ bản của cách mạng 3.0. Do vậy, Việt Nam cần có một lộ trình chính sách để tiếp tục giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay, vừa để tận dụng các cơ hội và vượt lên các thách thức của cuộc CMCN 4.0.

Những nghiên cứu về cuộc CMCN 4.0 cho đến nay chủ yếu tập trung vào sự thay đổi của tiến bộ khoa học và công nghệ. Trong khi đó, những biến đổi quan trọng khác như cấu trúc xã hội và văn hóa, cách thức tương tác, vấn đề bình đẳng giới, định dạng nhân cách của cá nhân và cộng đồng… lại chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Những động năng xã hội mới xuất hiện trong kỷ nguyên CMCN 4.0 có thể làm thay đổi hầu hết các định chế xã hội quan trọng từ bộ máy nhà nước cho đến gia đình, quá trình xã hội hóa và chính cách chúng ta đang sống. Đây là cơ hội lớn đối với các phân môn khoa học xã hội để khám phá, lí giải và dự báo những biến đổi kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Văn Tuấn, 2019 “Một số giải pháp quản lý kinh doanh hàng hóa và dịch trên MXH”, đề tài cấp Thành phố Hà Nội.
  2. Sách trắng TMĐT 2018.
  3. Chỉ số TMĐT 2018.
  4. Báo cáo nghiên cứu của Vinaresearch 2017.
  5. Luật Quản lý ngoại thương.
  6. Bộ luật Dân sự.
  7. Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ thông tin, Giao dịch điện tử, Thương mại, Thuế, An ninh mạng.
  8. Nghị định số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012
  9. Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013
  10. Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014
  11. Nghị đính số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013
  12. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013
  13. Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 156/2013/TT-BTC
  14. http://thoibaokinhtevietnam.vn
  15. http://www.sciencedirect.com
  16. tapchitaichinh.vn.
  17. https://www.statista.com.
  18. www.nhandan.com.vn.
  19. http://hanoi.gdt.gov.vn/
  20. http://www.congthuong.hochiminhcity.gov.vn/
  21. http://www.abei.gov.vn/

Some socio-economic issues arising from business activities on social networks in the context of Industry 4.0

Ph.D Pham Van Tuan

National Economics University

ABSTRACT:

Business activities on social networks has been changed all socio-economic aspects. In particular, the online business is booming in the context of Industry 4.0 which has made profound socio-economic changes. This study analyses the socio-economic issues arising from business activities on social networks in the context of Industry 4.0 such as the change in consumption habits, taxes, labor and employment transition, journalism. and media issues.

Keywords: Business, social networks, consumption, services, Indusytr 4.0.