Nam Định: Khởi công cụm công nghiệp hơn 600 tỷ đồng tại huyện Giao Thủy

Cụm công nghiệp Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được định hướng xây dựng để cung ứng hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề: Công nghiệp hỗ trợ; cơ khí chế tạo máy; sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác...

Ngày 15/3/2024, UBND huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định và Công ty cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ phối hợp tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Giao Thiện.

Nam Định
Lãnh đạo tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy và Nhà đầu tư thực hiện nghi thức khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Giao Thiện. (Ảnh: giaothuy.namdinh.gov.vn)

Được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 2479/QĐ-UBND ngày 16/11/2021, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Giao Thiện có quy mô giai đoạn 1 khoảng 50ha trên địa bàn xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy).

Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ làm Chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 609 tỷ đồng, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; đặc biệt mạng lưới giao thông của cụm công nghiệp được thiết kế theo dạng ô bàn cờ với các trục đường song song và vuông góc với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.

Cụm công nghiệp được định hướng xây dựng để cung ứng hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề: Công nghiệp phụ trợ; cơ khí chế tạo máy; sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (dệt may, da giày, sản xuất đồ chơi).

Dự kiến, khi được đưa vào hoạt động từ tháng 01/2025, Dự án sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch tích cực kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ, du lịch, sản xuất; thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Giao Thủy nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung.

Đặc biệt, Dự án nằm trong khu vực là một trong 4 cực tăng trưởng, một trong 5 hành lang kinh tế của tỉnh Nam Định theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. 

Bên cạnh đó, vị trí Cụm công nghiệp Giao Thiện còn tiếp giáp tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định, thuộc xã Giao Thiện. Khi cầu vượt sông Hồng do tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư hoàn thành sẽ kết nối toàn tuyến giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh ven biển trong vùng đồng bằng sông Hồng, rút ngắn thời gian đến Cảng Hải Phòng và sân bay Cát Bi, TP. Hải Phòng.

Đây là những điều kiện thuận lợi thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp Giao Thiện nói riêng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định nói chung trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tỉnh tập trung phát triển 5 hành lang kinh tế động lực bao gồm:

(1) Hành lang quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ): Đi từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - thành phố Nam Định - thị trấn Gôi (Vụ Bản) - thị trấn Lâm (Ý Yên) - đến thành phố Ninh Bình, là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

(2) Hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông): Đi từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) - thị trấn Liễu Đề - thị trấn Quỹ Nhất - thị trấn Rạng Đông; là hành lang phát triển động lực chủ đạo của tỉnh. Tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan.

(3) Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy): Đi từ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - đô thị Đại Đồng - thị trấn Quất Lâm - thị trấn Cồn - thị trấn Thịnh Long - thị trấn Rạng Đông - đến huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình); là hành lang phát triển động lực chủ đạo. Ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ cảng và logistics.

(4) Hành lang quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy: Đi từ huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) - thành phố Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm; là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch.

(5) Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng): Đi từ huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Liễu Đề - đến huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình); là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Đối với ngành công nghiệp, Nam Định sẽ chú trọng phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%. 

Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày; cơ khí, điện tử; hoá dược, dược phẩm,…) theo hướng tập trung vào các sản phẩm có đặc thù riêng, sản phẩm cao cấp, tham gia vào chuỗi giá trị. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, có tiềm năng (như công nghiệp luyện thép và sản phẩm sau thép; năng lượng tái tạo; chế biến khí,...), công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Thanh Hà