Nâng cao năng lực tư duy chiến lược về kinh tế của người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước

ThS. NGUYỄN TRỌNG NHÃ (Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Kinh tế thế giới đang vận động và phát triển, chứa đựng trong nó những cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam. Tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi mỗi nhà lãnh đạo cần không ngừng nâng cao tư duy chiến lược nói chung và tư duy chiến lược về kinh tế nói riêng. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các cơ quan nhà nước không ngừng thích ứng với những điều kiện mới, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các tổ chức và công dân. Bài viết phân tích nội dung nâng cao tư duy chiến lược về kinh tế đối với người lãnh đạo cơ quan nhà nước trong môi trường không ngừng thay đổi như hiện nay.

Từ khóa: Tư duy chiến lược, cơ quan nhà nước, người lãnh đạo, kinh tế.

1. Khái quát về tư duy chiến lược về kinh tế

Chiến lược là một từ có nguồn gốc từ lĩnh vực quân sự, đó là phương cách để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Có nhiều định nghĩa khác nhau về chiến lược nhưng có thể hiểu chiến lược là chương trình hành động, kế hoạch hành động được thiết kế để đạt được một mục tiêu cụ thể, là tổ hợp các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Chiến lược được áp dụng ngày càng rộng rãi trong kinh doanh và trở thành nhân tố quyết định cho sự thành công.

Hoạt động trong môi trường càng bấp bênh, phức tạp càng khó dự đoán thì tổ chức càng cần phải quan tâm xây dựng chiến lược. Để tạo lập một chiến lược có khả năng hướng dẫn tổ chức đến thành công, người lãnh đạo cần biết cách tư duy chiến lược.

Tư duy chiến lược là một loại hình của tư duy ở cấp độ cao của con người. Heracleous mô tả mục đích của tư duy chiến lược là “khám phá ra chiến lược mới lạ, giàu trí tưởng tượng để có thể viết lại các quy tắc của trò chơi cạnh tranh và hình dung ra tương lai tiềm năng khác đáng kể so với hiện tại”(1). Tư duy chiến lược về kinh tế là một quá trình sáng tạo và đa dạng, thể hiện tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về tính hiệu quả, đòi hỏi họ gắn kết các hoạt động hàng ngày với mục tiêu chiến lược dài hạn về lợi ích của tổ chức. Đây là một quá trình mang tính trí tuệ và nhận thức để xem xét cách thức đổi mới hoặc tái tạo lại tổ chức nhằm đáp ứng sự thay đổi to lớn của môi trường.

Tư duy chiến lược về kinh tế phản ánh được bản chất, quy luật, xu hướng vận động của hiện thực khách quan, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sâu sắc, có tính sáng tạo, từ đó đưa ra những dự báo, định hướng đúng để đạt mục tiêu chiến lược về tính hiệu quả, lợi ích trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển của khách quan. Tư duy rộng về kinh tế là cách nhìn nhận toàn diện và có hệ thống về tính hiệu quả (chi phí - lợi ích), về môi trường mà tổ chức đang tồn tại, thấy được xu hướng biến đổi của các yếu tố tác động đến môi trường và vị trí mà tổ chức phải đạt tới trong môi trường thay đổi đó. Tư duy sâu về kinh tế là sự phân tích một cách sâu sắc về các cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, nhìn thấy điểm tựa làm tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức. Tư duy dài hạn về kinh tế là khả năng nhìn thấy mục tiêu phía trước, nhận thức được các xu hướng thay đổi các yếu tố tác động và không ngừng làm cho tổ chức thích nghi với môi trường để đạt tới mục tiêu mong muốn với hiệu quả cao nhất, lợi ích lớn nhất. Tư duy sáng tạo về kinh tế đòi hỏi chủ thể cần gạt bỏ, vượt qua và khắc phục một số lối tư duy cũ, những yếu tố lạc hậu, lực cản của tư duy sáng tạo. Trong bối cảnh xã hội, thời đại đang vận động, biến đổi, phát triển nhanh chóng hiện nay thì tính sáng tạo là linh hồn cho sự tiến bộ của một dân tộc, là động lực để kinh tế mỗi quốc gia phát triển.

Sự kết hợp bốn đặc trưng nói trên trong tư duy chiến lược về kinh tế đòi hỏi gắn tầm nhìn dài hạn với mục tiêu mong muốn và xử lý các vấn đề trong một tổng thể để đạt được mục tiêu đó.

2. Sự cần thiết nâng cao tư duy chiến lược về kinh tế đối với người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước

Quốc gia hưng thịnh hay suy vong, phụ thuộc đáng kể vào đường lối lãnh đạo, vào tầng lớp tinh hoa của quốc gia đó có tìm được phương thức đúng đắn để chấn hưng đất nước, thực sự vì dân, vì nước hay không. Đường lối lãnh đạo, chất lượng của tầng lớp tinh hoa ở mỗi quốc gia lại phụ thuộc đáng kể vào trình độ tư duy chiến lược, đặc biệt là tư duy chiến lược về kinh tế của mỗi người cán bộ lãnh đạo. Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém". Để cán bộ lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi phải có những tố chất ưu trội cả về mặt trình độ tư duy và hành động. Tư duy con người có nhiều cấp độ khác nhau, người cán bộ lãnh đạo dù ở cương vị nào không thể chỉ có tư duy thông thường mà cần phải có tư duy chiến lược nói chung và có tư duy chiến lược về kinh tế nói riêng.

Các cơ quan nhà nước là những mắt xích đặc biệt quan trọng, trực tiếp vận hành các công việc của bộ máy nhà nước. Người lãnh đạo các cơ quan nhà nước là người có vai trò chỉ đạo, quản lý cơ quan trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công, có vai trò quyết định trong sự thành công của tổ chức. Họ có trách nhiệm tham mưu hoạch định chính sách công ở lĩnh vực hoạt động của tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách đó, đồng thời họ là người quản lý các công việc nội bộ trong tổ chức của mình(2).

Dưới góc độ kinh tế, yêu cầu cơ bản đối với người lãnh đạo trong cơ quan nhà nước là khả năng nhìn thấy tương lai của tổ chức, trong đó xác định rõ: Cơ quan chúng ta là ai? Cơ quan chúng ta đang ở đâu? Cơ quan chúng ta mong muốn hoàn thành những gì? Làm thế nào để hoàn thành tốt những mong muốn đó với chi phí thấp nhất. Khả năng hình dung ra bức tranh tương lai và thiết kế con đường đi đến tương lai đó với chi phí nhân vật lực thấp nhất chính là khả năng tư duy chiến lược về kinh tế của người lãnh đạo.

Trên bình diện vĩ mô, hội nhập quốc tế và khu vực vừa là thời cơ, thuận lợi, vừa đặt ra thách thức mới về kinh tế đối với nhà nước Việt Nam.

Về thời cơ, thuận lợi, Việt Nam đang là điểm đến có sức hút đầu tư mạnh ở khu vực do hiện đứng ở vị trí thứ 8 (tăng 15 bậc, từ vị trí 23 năm 2018) trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019 theo báo cáo của U.S. News & World Report; có những tiến bộ về tăng trưởng, lạm phát, thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối và gia tăng tổng cầu nội địa của nền kinh tế gần 100 triệu dân. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng từ B1 (tích cực) lên B3 (ổn định). Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 lan rộng và sự “góp mặt” của các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam, giảm phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế lớn, tạo công ăn việc làm, tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi như: Kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh...

Về thách thức, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới. Nhiều nước lớn nới lỏng tiền tệ, gắn với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công các nước tăng cao,... Đồng thời, tiếp tục chịu tác động của các xu thế đa cực địa chính trị, xu thế già hóa của dân số, cách mạng công nghệ 4.0, xu thế hình thành các mega - FTA và gia tăng tính kết nối khu vực, xu thế dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới, tác động của biến đổi khí hậu, sự nổi lên của châu Á với 2 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, trong khi đồng USD sẽ giảm dần sức mạnh vốn có.

Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục đối diện với nhiều áp lực về kiểm soát độc quyền kinh tế (nhà nước và tư nhân); bảo vệ quyền lợi người lao động; tăng cường bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; tình trạng chuyển giá, né và trốn thuế; sản xuất hàng giả, nhái, kém chất lượng; tội phạm buôn lậu núp bóng công ty trong cho vay nặng lãi và buôn ma túy, động vật quý hiếm;… Việc tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%). Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ, trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới(3). Ngoài ra, Việt Nam cũng phải có phương án để phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên Covid-19.

Bối cảnh trên đòi hỏi Nhà nước phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới; phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, cộng đồng khu vực. Đồng thời, người lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải có tư duy chiến lược về kinh tế để tham gia hoạch định các chính sách công đúng đắn, phù hợp, đồng thời quản lý tốt tổ chức để bảo đảm thực thi có hiệu quả các chính sách đề ra.

3. Nội dung nâng cao tư duy chiến lược về kinh tế đối với người lãnh đạo cơ quan nhà nước trong môi trường không ngừng thay đổi

Trong bối cảnh môi trường trong nước và thế giới không ngừng thay đổi, nội dung nâng cao tư duy chiến lược về kinh tế đối với người lãnh đạo cơ quan nhà nước, bao gồm:

Thứ nhất, nâng cao tầm nhìn xa trông rộng, sâu sắc của tư duy. Nâng cao tầm nhìn xa, trông rộng của tư duy để không mắc phải lối tư duy nhiệm kỳ, chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà không thấy được cái lợi lâu dài. Điều này đòi hỏi chủ thể phải có được khả năng nhìn xa, trông rộng trong cả không gian và thời gian, tức là phải có được cái nhìn mang tính toàn diện trước mọi vấn đề.

Để nhìn nhận, đánh giá sâu sắc một vấn đề, nhà lãnh đạo cần tách mình ra khỏi tổ chức để nhìn từ ngoài vào và từ trên xuống, phải nhận thức đúng về các cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, nhìn thấy điểm tựa làm tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức xem xét, phải so sánh trong mối quan hệ tương quan cả với quá khứ và tương lai. Từ đó có thể thấy rõ những gì đang diễn ra trong môi trường mà tổ chức là một bộ phận cấu thành, tác động của môi trường đó đến tổ chức của mình và đến các tổ chức khác để tìm ra phương án có hiệu quả nhất.

Thực hiện điều này sẽ giúp chủ thể tránh được hoặc hạn chế về sự phiến diện, siêu hình, máy móc, một chiều trong nhận thức cũng như trong giải quyết các tình huống thực tiễn. Nhờ đó tạo ra khả năng nhận thức đúng được sự vật, hiện tượng như nó vốn có trong thực tế. Đây là cơ sở, là căn cứ để có thể xử lý chính xác, có hiệu quả đối với những vấn đề của thực tiễn.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các cơ quan nhà nước phải đổi mới cách thức hoạt động, quản lý lĩnh vực được phân công một cách thực sự có hiệu lực và hiệu quả. Từ sự định vị cơ quan của mình trong tương lai với môi trường thay đổi, người lãnh đạo quay trở về với thực tại của cơ quan mình và hiểu được khoảng cách mà cơ quan mình cần phải vượt qua để đạt đến vị trí mong muốn trong tương lai với chi phí nhân vật lực thấp nhất. Việc vượt qua khoảng cách đó phải được cụ thể hóa thành các mục tiêu, bao gồm mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể.

Thứ hai, nâng cao tính sáng tạo của tư duy. Tư duy chiến lược về kinh tế phải được thể hiện bằng tư duy mang tính sáng tạo, vượt trước. Sự sáng tạo của con người là vô hạn, nhưng không phải ai cũng dám hiện thức hóa những ý tưởng sáng tạo của mình vào thực tế vì nhiều lý do khác nhau. Để có được tư duy sáng tạo, người lãnh đạo trong cơ quan nhà nước cần gạt bỏ, vượt qua và khắc phục một số lối tư duy cũ, là những yếu tố lạc hậu, lực cản của tư duy sáng tạo.

Trong bối cảnh xã hội, thời đại đang vận động, biến đổi, phát triển nhanh chóng hiện nay, thì tính sáng tạo là linh hồn cho sự tiến bộ của một dân tộc, là động lực để quốc gia phát triển. Người lãnh đạo trong cơ quan nhà nước cần sáng tạo trong đề xuất chính sách, xây dựng chính sách theo thẩm quyền, sáng tạo trong ứng dụng khoa học, công nghệ, phân công, bố trí, sắp xếp công việc, kiểm tra thực hiện công việc trên cơ sở đưa lại hiệu quả hoặc có khả năng đưa lại hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, nâng cao khả năng tư duy dự báo xu hướng vận động của sự vật, hiện tượng. Tư duy chiến lược về kinh tế phải được thể hiện bằng khả năng tư duy dự báo đúng xu hướng vận động, phát triển của sự vật hiện tượng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kinh tế trong nước, khu vực và trên thế giới, phải đưa ra được những phán đoán, những dự báo, từ đó có những định hướng đúng cho sự vận động, phát triển trong tương lai, khẳng định được tầm nhìn dài hạn. Người có tầm nhìn sẽ biết cách vạch ra những kế hoạch dài hạn và có hướng khả thi giải quyết cho kế hoạch đó với chi phí thấp nhất.

Có được tư duy dự báo tốt giúp cho chủ thể nắm bắt được những thời cơ, chủ động vạch ra những hướng đi tắt, đón đầu một cách hiệu quả, đúng quy luật sẽ đưa đất nước nhanh chóng phát triển, hòa nhập kịp với sự phát triển chung của thế giới hiện đại.

Thứ tư, nâng cao khả năng kiếm con đường để đưa cơ quan nhà nước đạt tới các mục tiêu và vị thế mong muốn. Đối với các cơ quan nhà nước, các cơ hội thường gắn với các chính sách mới ban hành, xu hướng phát triển trong lĩnh vực chuyên môn, nhu cầu của xã hội về dịch vụ do tổ chức cung ứng, các triển vọng trong hợp tác quốc tế và tiến bộ trong khoa học quản lý, trong công nghệ,... liên quan đến hoạt động của tổ chức. Các thách thức của cơ quan nhà nước thường xuất phát từ sự thay đổi trong môi trường chính sách, những yếu kém trong cơ chế phân công và phối hợp giữa các bộ phận của tổ chức, yêu cầu ứng dụng công nghệ mới, đòi hỏi của khách hàng về chất lượng dịch vụ công, các khó khăn từ quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế,...

Để làm được điều này, kỹ thuật phân tích SWOT (Strengths - điểm mạnh, Weaknesses - điểm yếu, Opportunities - cơ hội và Threats - thách thức) cần được vận dụng một cách nghiêm túc. Người lãnh đạo cần phân tích rõ những yếu tố bên ngoài và bên trong tổ chức để tìm ra được con đường tối ưu đưa tổ chức đi đến mục tiêu. Đặc biệt, các yếu tố bên ngoài cần được thường quyên quan tâm trong bối cảnh luôn thay đổi để người lãnh đạo có thể tận dụng các cơ hội một cách kịp thời và có biện pháp ứng phó hợp lý trước các thách thức. Người lãnh đạo phải biết rõ về các điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức mình, kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn khi hình thành các phương án và giải pháp đi đến mục tiêu với chi phí thấp nhất.

Đồng thời, người lãnh đạo cũng phải có khả năng huy động sự tham gia của các thành viên trong tổ chức để phát triển tư duy chiến lược và thúc đẩy việc hình thành văn hóa tổ chức phù hợp với tầm nhìn mong muốn. Huy động trí tuệ của các thành viên trong tổ chức là điều kiện hết sức quan trọng để tập hợp được những ý tưởng hay nhất hỗ trợ cho việc phát triển tư duy chiến lược, để đưa ra tầm nhìn, sứ mệnh và các mục tiêu then chốt của tổ chức một cách rõ ràng, hiệu quả, hợp lý.

4. Các trở ngại cần khắc phục để nâng cao tư duy chiến lược về kinh tế của người lãnh đạo cơ quan nhà nước

Tư duy chiến lược về kinh tế là hết sức cần thiết để người lãnh đạo có thể phát triển tổ chức của mình một cách hiệu quả, bền vững trong môi trường thay đổi. Tuy nhiên, việc phát triển tư duy chiến lược về kinh tế đối với người lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước thường gặp phải các trở ngại sau đây:

- Còn nhiều nhà lãnh đạo các cấp có tầm nhìn hạn hẹp, thiển cận theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa; chưa nắm bắt được những quy luật khách quan dẫn đến việc đặt ra những mục tiêu dài hạn chưa phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Một số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thường chỉ giới hạn tầm nhìn về mục tiêu của tổ chức trong nhiệm kỳ mà mình phụ trách, coi những gì xa hơn là công việc của người phía sau. Cách nhìn hạn hẹp này, làm cho cơ quan nhà nước không thể đổi mới một cách mạnh mẽ trước những đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều nhà lãnh đạo bị sa vào những vấn đề cụ thể của tổ chức và tìm cách giải quyết vấn đề trong khuôn khổ các điều kiện hiện tại của tổ chức. Không ít lãnh đạo cho rằng việc suy nghĩ đến một tương lai xa là không cần thiết.

- Môi trường trong nước và thế giới thay đổi nhanh chóng, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của nước ta còn thiếu tư duy sáng tạo, nhạy bén với cái mới, chưa lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá.

- Phương pháp tư duy ở một bộ phận cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý còn siêu hình, bảo thủ, giáo điều, nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm, máy móc, xơ cứng. Một số nhà lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến các ý kiến phản hồi và đánh giá của bên ngoài (các cơ quan có liên quan, các đối tác, các tổ chức và công dân) đối với tổ chức của mình.

- Năng lực dự báo của các cơ quan tham mưu chiến lược và một bộ phận trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo nước ta còn hạn chế nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp, chưa thiết thực và chưa hiệu quả.

Tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng, khó lường. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi nhà lãnh đạo cần phát triển tư duy chiến lược, đặc biệt là tư duy chiến lược về kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy các cơ quan nhà nước không ngừng thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các tổ chức và công dân, làm cho Nhà nước ta tiến nhanh và vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Loizos Heraculous. (1998). Strategic Thinking or Strategic Planning? Long Range Planning, 31(3), 482.
  2. Lê Chi Mai (2015), Phát triển tư duy chiến lược của người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 11/2015.
  3. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Trần Minh Trí (2020), Cơ hội, thách thức và triển vọng kinh tế - tài chính Việt Nam năm 2020, Tạp chí Ngân hàng, số 3/2020.  

 

ENHANCING THE STRATEGIC ECONOMIC THINKING FOR THE LEADERS

OF STATE AGENCIES

Master. NGUYEN TRONG NHA

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

The development of global economy brings Vietnam’s economy both opportunities and challenges. The process of international integration and socio-economic development requires leaders to constantly improve their strategic thinking in general and strategic economic thinking in particular. This is an important factor to motivate state agencies to constantly adapt to new conditions, take advantage of opportunities, overcome challenges, improve their competencies and operations to better meet expectations from organizations and citizens. This paper analyzes the enhancement of strategic economic thinking for the leaders of state agencies in the current constantly changing environment.

Keywords: Strategic thinking, state agencies, leaders, economics.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]