Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Công nghiệp - Sức lan tỏa của một chương trình

Cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ đã cho thấy những kết quả của Dự án trong giai đoạn qua cũng như những giải pháp ưu tiên của Bộ Công Thương trong thời gian tới.
KHCN
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ

Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp". Cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ đã cho thấy những kết quả của Dự án trong giai đoạn qua cũng như những giải pháp ưu tiên của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

PV: Nhìn lại một thập kỷ năng suất chất lượng ngành Công Thương, theo ông điều quan trọng Dự án đạt được là gì?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Dự án của Bộ Công Thương được phê duyệt vào giữa năm 2012. Để thực hiện Dự án, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, điều hành và cơ quan giúp việc đặt tại Vụ Khoa học và Công nghệ để tổ chức, thực hiện. Việc triển khai Dự án trong giai đoạn 2012 - 2020 của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có thể tóm lược lại thành 3 thành tựu.

Thứ nhất, Dự án đã xây dựng được các điển hình thành công thực hiện hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên; tạo nền tảng cho việc duy trì, phát triển các hoạt động trong nội tại doanh nghiệp và từng bước tạo các hiệu ứng lan tỏa. Tính đến hết giai đoạn Dự án, Bộ Công Thương triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên được phê duyệt tại Quyết định 604/QĐ-TTg. Trong năm 2019 - 2020, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, xây dựng các công cụ số hóa để hỗ trợ triển khai mở rộng các công cụ truyền thống.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và năng lực thực thiện các hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Ngoài các khóa tập huấn được triển khai độc lập, hoạt động đào tạo được triển khai đồng thời trong quá trình xây dựng các mô hình điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiến hành đào tạo để hình thành mạng lưới các chuyên gia tư vấn cải tiến tại các đơn vị cung cấp tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ tại doanh nghiệp.

Thứ ba, góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và nâng cao năng lực của hệ thống các phòng thí nghiệm, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ Công Thương.

Tính đến hết năm 2019, số lượng TCVN liên quan đến ngành Công Thương khoảng 6.387 TCVN (chiếm 53% tổng số TCVN), số lượng QCVN của Bộ Công Thương là 46 QCVN, chiếm khoảng 7%. Từ thực hiện Dự án, đã triển khai xây dựng 71 dự thảo/tiêu chuẩn TCVN, 62 dự thảo/ QCVN; triển khai xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025; theo đó, đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng 70 QCVN và 17 TCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương với mục tiêu bao quát và điều tiết đầy đủ các hoạt động của ngành Công Thương, đồng bộ về bố cục và nội dung, có tính hội nhập quốc tế cao.

Trong năm 2019 - 2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực cho Phòng thử nghiệm trong lĩnh vực giấy, bao bì; hỗ trợ 15 Phòng thí nghiệm triển khai, áp dụng mới/chuyển đổi theo tiêu chuẩn ISO 17025:2016, góp phần tăng cường năng lực cho hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp, từ đó phục vụ tốt hơn mục tiêu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự lan tỏa của Dự án. Những tác động mà Dự án mang lại cho doanh nghiệp?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Đối tượng trung tâm trong triển khai tất cả các hoạt động Dự án của Bộ Công Thương chính là doanh nghiệp cũng như mục tiêu thúc đẩy triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công nghiệp 2012-2020 cho thấy, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động mang lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu, 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng…

Hỗ trợ của Dự án cũng giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Theo báo cáo của các doanh nghiệp điểm, hiện có 94,8% mô hình tiếp tục duy trì sau khi kết thức dự án, trong đó 22,2% mô hình được mở rộng.

Đáng chú ý là, trước khi triển khai Dự án, trong phạm vi khảo sát chuyên đề 2.450 doanh nghiệp trong 10 nhóm ngành thuộc 61/63 tỉnh, thành trên cả nước, có đến 62% doanh nghiệp hoàn toàn không biết đến Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012 – 2020 của Bộ Công Thương, chỉ có 38% doanh nghiệp có hiểu biết về các hoạt động của Dự án này.

Trong số đó, nguồn thông tin tiếp cận chủ yếu đến từ Bộ Công Thương, tiếp đến Sở Công Thương, và từ các nguồn khác. Kênh thông tin được nhiều DN biết đến nhiều nhất là thông qua báo đài, áp phích, kế đến là thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn, chương trình của Trung ương, còn lại các kênh thông tin khác như chương trình địa phương, tờ rơi, áp phích chiếm tỷ lệ không đáng kể.

cnht
Caption

PV: Như vậy, trong giai đoạn 2 của Dự án, Bộ Công Thương sẽ chú trọng vào những lĩnh vực nào để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, thưa ông?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Xây dựng giai đoạn 2 của Dự án này sẽ được thực hiện trên cơ sở phát huy những thành công, đồng thời khắc phục những hạn chế trong tiếp cận và triển khai ở giai đoạn 1.

Theo đó, ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, bao gồm tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tư vấn, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực.

Mặt khác, tập trung xây dựng các mô hình tổng thể triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số. Đồng thời, lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đang trong quá trình triển khai xây dựng Dự án giai đoạn 2 và nhận được sự tham gia hết sức tích cực của các chuyên gia, cán bộ đến từ các đơn vị tư vấn, viện, trường, đơn vị cung cấp giải pháp, công nghệ, các hiệp hội và đặc biệt từ bản thân các doanh nghiệp. Tổ công tác soạn thảo Dự án đang gấp rút hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để triển khai Chương trình trong giai đoạn 2.

Rất hy vọng Dự án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả và đột phá đối với vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp ngành Công Thương.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.                     

 

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" giai đoạn 2012-2020

  1. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp: Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thiết lập trang tin điện tử cập nhật thông tin tình hình và kết quả thực hiện Dự án;
  2. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
  3. Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ: Phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng và Ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ;
  4. Xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực, gồm: hàng dệt may, hàng da giầy, sản phẩm nhựa, ngành thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin;
  5. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực: Xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý chất lượng; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và Xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng.

Dự kiến một số nội dung chính của Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030

- Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh: các nội dung trong nhiệm vụ này tập trung vào việc nghiên cứu, xác định các ngành, lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách nhằm tạo lập môi trường kinh doanh, môi trường phát triển cho các doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp theo không gian, lãnh thổ; hoàn thiện và hài hòa hệ thống TCVN, QCVN; hoàn thiện công cụ, phương pháp và hệ thống chỉ tiêu đánh giá năng suất.

- Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, công nghệ và ứng dụng hệ thống quản trị tiên tiến, tập trung vào các nội dung: thực hiện chương trình đánh giá năng lực, trình độ công nghệ của doanh nghiệp; xác định công nghệ ưu tiên đầu tư phát triển, xây dựng và triển khai lộ trình đổi mới công; xác định sản phẩm công nghiệp ưu tiên đầu tư, phát triển; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, thử nghiệm và chứng nhận theo yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị; từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số; tiếp tục nhân rộng áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến, mô hình tổng thể các hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp ...

CNHT a
Caption

- Nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ, sản phẩm, cải tiến năng suất và chất lượng, tập trung vào các nhiệm vụ: tiếp tục triển khai, đa dạng hóa các phương thức, công cụ tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về hoạt động đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm và cải tiến năng suất, chất lượng; tuyên truyền, phổ biến về hệ thống rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế (TBT, SPS); phát động các cuộc thi, giải thưởng về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ, thiết kế và đổi mới sản phẩm công nghiệp và nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo cho các đối tượng;...

- Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp, tập trung vào các nhiệm vụ: tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan; hình thành, phát triển các trung tâm đổi mới, phát triển sản phẩm công nghiệp và chuyển giao công nghệ; tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới cho tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp ngành Công Thương; hỗ trợ đầu tư trung tâm thiết kế, mô phỏng, chế thử và thử nghiệm sản phẩm, công nghệ và giải pháp hữu ích; đầu tư, phát triển năng lực thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp; ...

Những con số ấn tượng 10  năm thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" giai đoạn 2012-2020

- 468 mô hình điểm trong khuôn khổ Chương trình. Các mô hình điểm đã có tính đại diện ở trên các khía cạnh về quy mô, ngành/lĩnh vực ưu tiên, địa bàn, thành phần sở hữu.

- 62 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), 71 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được hoàn thành xây dựng

- 1155 tin và 2467 bài viết tuyên truyền về hoạt động cải tiến năng suất chất lượng nói chung và hoạt động của Dự án (bao gồm trên trang thông tin điện tử của Dự án và các Báo, Tạp chí),

- 219 bản tin chuyên đề

- 94 chương trình, phim

-  32 tài liệu hướng dẫn

- 189 trường hợp báo cáo về các trường hợp nghiên cứu điển hình

- 55 cuộc hội thảo được tổ chức

- 91 khóa tập huấn (không bao gồm các khóa tập tuấn hướng dẫn triển khai áp dụng các công cụ, hệ thống tại doanh nghiệp; thông thường, số lượng khóa tập huấn tại doanh nghiệp tối thiểu là 01 đợt tập huấn, thường ở mức 02 đợt/doanh nghiệp).

- 66 đơn vị tham gia triển khai các nhiệm vụ của Dự án đã góp phần tăng cường năng lực của bản thân các đơn vị tư vấn, đồng thời phát triển mạng lưới, gắn kết các tổ chức có liên quan.

+ 15 Phòng thử nghiệp được hỗ trợ xây dựng, cập nhật hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025: 2017; 01 Phòng thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng về giấy thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã được đầu tư trang thiết bị có khả năng thử nghiệm nhiều chỉ tiêu kỹ thuật đặc thù của các sản phẩm mới

Minh Thủy (thực hiện)