Ngân hàng Quân đội (MBB): Nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém sẽ tạo động lực tăng trưởng mới

Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) vừa cho biết đã hoàn thành đề án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và sẵn sàng triển khai quá trình tiếp nhận.
Ngân hàng Quân đội
Ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Trong đó, chia sẻ tại Đại hội, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội cho biết, Ngân hàng đã hoàn thành đề án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và gửi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét. Quá trình nhận chuyển giao này được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm nay hoặc năm 2025 nếu Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, ông Phạm Như Ánh nhấn mạnh, thương vụ này sẽ "mở ra không gian phát triển mới cho Ngân hàng Quân đội, nhất là tăng trưởng tín dụng".

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) từng cho biết Ngân hàng Quân đội đã sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt các thủ tục trong quý 1/2024.

Ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội không đề cập đến tên ngân hàng yếu kém dự kiến sẽ được chuyển giao tại Đại hội. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2023, Ngân hàng Quân đội từng cho biết, ngân hàng được chuyển giao có lỗ luỹ kế khoảng 20.000 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu 47%.

Trong số 4 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt hiện nay, Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) - ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm thông tin về lộ trình tiếp nhận ngân hàng yếu kém, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội cho biết: “Ngân hàng Quân đội không sáp nhập mà nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Sau khi nhận về, ngân hàng này vẫn là ngân hàng độc lập và tiếp tục được thực hiện tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu thành công mới tính đến việc sáp nhập vào Ngân hàng Quân đội hay không”.

Về chiến lược kinh doanh năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố chất lượng, nguồn lực nền tảng cho dài hạn cùng mục tiêu top 3 các chỉ số về hiệu quả và an toàn. Ngân hàng Quân đội cũng đặt mục tiêu chinh phục 30 triệu khách hàng nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Ngân hàng Quân đội cổ phiếu MBB
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Ngân hàng Quân đội (MBB): Đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, chia cổ tức tỷ lệ 20%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong năm 2024, ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng.

Ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, Ngân hàng Quân đội sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến quý 2/2025.

Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của Ngân hàng Quân đội dự kiến sẽ tăng lên mức 61.643 tỷ đồng.

Trước đó, ngân hàng này đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là lớn là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Với giá chào bán riêng lẻ là 15.959 đồng/cổ phiếu, Ngân hàng Quân đội đã huy động thành công 1.165 tỷ đồng; nâng vốn điều lệ lên 52.871 tỷ đồng, cao thứ 5 toàn ngành ngân hàng, chỉ sau Ngân hàng VPBank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, và Ngân hàng VietinBank.

Mạnh Hùng