Ngân hàng Sacombank: Dự kiến hoàn tất đề án tái cơ cấu vào cuối năm nay, lợi nhuận ước tính tăng 67%

Mặc dù tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của Ngân hàng Sacombank diễn ra chậm trong quý 1/2023 nhưng dự kiến ngân hàng này sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu vào cuối năm nay. Lợi nhuận từ việc thanh lý các tài sản thế chấp tồn đọng của Sacombank có thể lên đến 19.000 tỷ đồng.

Đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Sacombank

Tiến độ xử lý tài sản tồn đọng còn lại của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã cổ phiếu: STB - sàn: HoSE) diễn ra khá chậm trong quý 1/2023 vừa qua. Giá trị của các tài sản thế chấp và khoản nợ khá lớn trong khi tình hình vĩ mô bất lợi khiến Ngân hàng Sacombank chưa thể xử lý thành công các khoản nợ tồn đọng này.

Theo nhận định mới nhất của ACB Securities (ACBS), Ngân hàng Sacombank sẽ phải tiếp tục sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình để trích lập dự phòng cho 5.800 tỷ đồng trái phiếu VAMC còn lại từ nay cho đến hết năm 2023 để hoàn tất đề án tái cơ cấu của ngân hàng này. Dựa trên giá thị trường và giá đấu khởi điểm, các tài sản đang được Ngân hàng Sacombank thanh lý có giá trị vào khoảng 25.000 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị tài sản thế chấp đang cao hơn đáng kể so với giá trị tài sản tồn đọng tính đến cuối quý 1/2023. Lợi nhuận tiềm năng từ việc thanh lý các tài sản đảm bảo này ước tính vào khoảng 19.000 tỷ đồng, theo ACBS.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết có một số nhà đầu tư đang quan tâm đến khoản nợ đảm bảo bằng Khu công nghiệp Phong Phú và kỳ vọng có thể thanh lý thành công khoản tài sản thế chấp này trong năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của nền kinh tế và mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao có thể cản trở tiến độ thanh lý khoản nợ này.

Hiện Khu công nghiệp Phong Phú có giá chào bán khởi điểm là 7.934 tỷ đồng. Trước đó, giá chào bán khởi điểm của Ngân hàng Sacombank đối với khu công nghiệp này là 14.577 tỷ đồng, nhưng sau đó đã phải hạ xuống và giữ nguyên như mức giá hiện nay kể từ hồi tháng 10/2022. Dư nợ gốc của khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú là 5.134 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu Ngân hàng Sacombank
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đạt 30.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với lô 32,5% cổ phần STB, dự kiến Ngân hàng Sacombank có thể tiến hành thanh lý khoản thế chấp này vào cuối năm 2023. Thị trường chứng khoán vào thời điểm này có thể sẽ thuận lợi hơn và giá trị thanh lý nhiều khả năng sẽ cao hơn so với giá thị trường hiện tại. Lô cổ phần này hiện ước tính có giá 17.014 tỷ đồng. Ngân hàng Sacombank đã trình phương án đấu giá lô cổ phần này lên Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ phê duyệt.

Do tiến độ thanh lý các tài sản thế chấp diễn ra chậm khiến Ngân hàng Sacombank vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC còn lại, ACBS dự kiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sacombank này trong năm nay có thể chỉ đạt 10.612 tỷ đồng, tăng 67,4% so với năm 2022.

Tuy nhiên, mức dự phóng này cũng cao hơn đáng kể so với mục tiêu 9.500 tỷ đồng (tăng 50%) được Ngân hàng Sacombank đề ra trong năm nay.

Đáng chú ý, sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng, dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Ngân hàng Sacombank sẽ tăng vọt lên mức khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương với các ngân hàng có cùng quy mô khác.

Ngoài ra, dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) và thu nợ ngoại bàng của ngân hàng này có thể tăng đột biến trong những năm tới khi các tài sản thế chấp được xử lý thành công.

Duy Quang