Ngành Công Thương Hải Phòng với giải pháp nâng cao chất lượng khuyến công

Hoạt động khuyến công thành phố Hải Phòng là cầu nối, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), góp phần tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Chính sách khuyến công tác động đến các cơ sở CNNT

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT (đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công) đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải thiện việc làm, duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế nông thôn, mặt khác, đối tượng này hầu hết là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, nguồn lực sản suất, kinh doanh còn thiếu và yếu.

Trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các cơ sở CNNT, nhằm cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế chính sách ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển CNNT, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều công văn, quyết định,...để triển khai các hoạt động khuyến công địa phương.

Hoạt động khuyến công thành phố đã tích cực hướng các nội dung hoạt động vào góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở CNNT và góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển.

Nhờ các chính sách từ hoạt động khuyến công, năm 2021 được Bộ Công Thương phê duyệt 01 Đề án KCQG, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt thực hiện 07 đề án và 01 dự toán khuyến công địa phương (KCĐP) với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.108,129 triệu đồng, trong đó: KCQG hỗ trợ 600 triệu đồng, KCĐP hỗ trợ 986,629 triệu đồng; Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố năm 2021 với 15 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và lựa chọn đề xuất 12 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022.

hoạt động khuyến công
Nghiệm thu đề án ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến trong đánh đảo chượp trong sản xuất nước mắm

Trong nền kinh tế hội nhập, tự do hóa toàn cầu thì cạnh tranh là một cơ chế kinh tế tốt khi nền kinh tế sử dụng đầy đủ, hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, về trung hạn, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, mức độ phá sản và thất nghiệp tăng cao. Trước bối cảnh đó, cần xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nhỏ và vừa là điều cần thiết để giảm thiểu những thiệt hại do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra cũng như giúp các doanh nghiệp thích ứng với “trạng thái bình thường mới”.

Đối với việc triển khai thực hiện các chính sách khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn địa bàn thành phố trước tình hình nền kinh tế tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức bởi hậu đại dịch Covid-19, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của tổ chức hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương nhằm hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch KCQG, KCĐP năm 2022 và đạt được các mục tiêu của Chương trình KCQG tại Quyết định 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 18/01/2021 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025.

Giải pháp hỗ trợ các cơ sở CNNT

Trên cơ sở phân tích những tác động của đại dịch Covid đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa, để góp phần đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các cơ sở CNNT trong ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đưa ra một số giải pháp như sau:

Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương và Ủy ban nhân dân thành phố triển khai chương trình khuyến công ngay sau khi các đề án khuyến công năm 2022 có quyết định phê duyệt. Tích cực đôn đốc, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và địa phương năm 2022.

Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng, các tổ chức dịch vụ khuyến công, các đơn vị xây dựng kế hoạch Khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hàng năm đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các qui định khác về quản lý hoạt động khuyến công.

Ngoài ra, đẩy mạnh và mở rộng phương thức các hoạt động thông tin tuyên truyền, cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT. Tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công hàng năm nhằm tăng sức lan tỏa của chính sách khuyến công, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; bảo đảm cân đối bố trí kinh phí khuyến công hàng năm đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công để triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.

khuyến công thành phố Hải Phòng
Ban giám khảo chấm điểm sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện hoạt động khuyến công; tăng cường công tác phối hợp khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, năng lực và có nhu cầu thực sự cần thiết để lập và xây dựng đề án khuyến công hỗ trợ phù hợp định hướng phát triển thông qua việc tăng cường đánh giá nội dung và giải pháp xây dựng thực hiện các đề án phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển tiềm năng lợi thế của thành phố so với yêu cầu đặt ra.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công địa phương theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng hỗ trợ các ngành nghề có lợi thế của địa phương. Tăng cường thiết lập mối quan hệ để thu hút thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công. Quán triệt chấp hành nghiêm những quy định của Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân thành phố về hoạt động khuyến công trong công tác xây dựng kế hoạch kinh phí và tổ chức thực hiện đề án khuyến công.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, các đơn vị thụ hưởng và đơn vị liên quan đánh giá khả năng thực hiện các đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thụ hưởng, tạo điều kiện để Đề án được triển khai thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm khuyến công và các phòng chuyên môn, hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng.

Hoàng Dương