Ngành Dệt May Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. Đỗ Khắc Dũng (Tập đoàn Dệt May Việt Nam)

Tóm tắt:
Sự tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam gắn liền với các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là ngành Dệt May. Đầu tiên có thể kể đến Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, sau 5 năm đàm phán, Hiệp định đã đi vào hiệu lực từ tháng 12/2001. Nhờ đó từ mức kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam đạt 2 tỷ USD trong năm 2001, trong các năm sau đó, kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 1 tỷ USD/năm, đạt hơn 7 tỷ USD vào năm 2006. Tiếp đó, nhờ có việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, tham gia vào các FTA ASEAN - Nhật Bản năm 2008, ASEAN - Hàn Quốc năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trung bình 2 tỷ USD/năm, kể cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2008 - 2009, đạt mức 24,7 tỷ USD vào năm 2014. Ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước thách thức và cơ hội lớn khi các FTA liên tục được ký kết, là tiền đề cho ngành Dệt May tăng trưởng mạnh tại thị trường quốc tế. Bài viết phân tích về nội dung ngành Dệt May Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khóa: Dệt may Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế, CPTPP, xuất khẩu.

1. Đặt vấn đề
Thúc đẩy thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu thế tất yếu. Nó có tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới, tuy nhiên sự bế tắc của vòng đàm phán DOHA đã phản ánh những mâu thuẫn căn bản và sâu sắc nhất giữa quyền lợi của các nước phát triển và đang phát triển trong hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong khi các nước phát triển muốn các nước kém phát triển mở cửa các thị trường để hàng hóa, dịch vụ của họ được tự do lưu thông, thì tại chính thị trường nội địa của họ, họ lại đang tạo ra các loại rào cản để bảo hộ và cản trở hàng hóa, dịch vụ từ các nước kém phát triển vào nước họ, chủ yếu là những mặt hàng mang lại giá trị gia tăng thấp như nông, thủy, hải sản, dệt may.
Đối với Việt Nam, đã 5 năm kể từ ngày gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam đã phản chiếu những mặt sáng - tối rất khác nhau trong bức tranh toàn cầu hóa. Bài học hội nhập kinh tế quốc tế là rất bổ ích, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi Việt Nam là nước tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu với những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Trong những năm qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại luôn luôn bị áp đặt những rào cản thương mại không hợp lý, làm suy giảm việc sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng này vào thị trường các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản. Trước tình hình như vậy, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại khu vực, song phương là điều tất yếu, do đây là xu thế phát triển lâu dài, ổn định, tạo nhiều cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu như Dệt May. Để có thể tận dụng tối đa các hiệp định hiện tại, sẵn sàng cho các hiệp định trong tương lai, việc nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các hiệp định tới ngành Dệt May Việt Nam, đặc biệt là hiệp định CPTPP, là công tác cấp thiết. Từ đó đưa ra được định hướng phát triển, giúp ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam ngày càng phát triển tốt hơn.
2. Tổng quan về ngành Dệt May Việt Nam
Ngành Dệt May Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành Dệt May Việt Nam đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc, tạo công ăn việc làm cho 2,7 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 25% tổng số lao động trong ngành Công nghiệp, chiếm 5% tổng số lao động. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tính đến năm 2017, tổng số doanh nghiệp Dệt May cả nước đạt xấp xỉ 6.000 doanh nghiệp, trong đó số lượng các doanh nghiệp gia công hàng may mặc là 5.101 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 85%; số lượng doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm hoàn tất là 780 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 13%; số lượng doanh nghiệp sản xuất chế biến bông, sản xuất xơ, sợi, là 119 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 2%. Có thể thấy, ngành Dệt May Việt Nam tập trung phần lớn vào khâu gia công, do vốn bỏ ra không nhiều, trình độ công nhân may của Việt Nam có tay nghề tiên tiến. Còn các khâu liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ dệt may như kéo sợi, dệt vải, vẫn chưa thu hút được đầu tư do cần vốn lớn, công nghệ máy móc hiện đại, công nhân tay nghề cao.
3. Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc
Nói đến dệt may là nói đến sự đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2017 đạt 31,3 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 14,5% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu sau xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện.
Trong các năm gần đây, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được mở rộng với việc Việt Nam liên tục tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế như Việt Nam - Hàn Quốc ký kết tháng 05/2015 và đã đi vào hiệu lực từ tháng 12/2015; Hiệp định Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu ký kết tháng 05/2015 và đi vào hiệu lực tháng 10/2016; Hiệp định Việt Nam - Liên minh Châu Âu - kết thúc đàm phán tháng 12/2015 và dự kiến đi vào hiệu lực trong năm 2019; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP - ký kết tháng 02/2016, tuy nhiên đến tháng 01/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP khiến Hiệp định không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu. Đến tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ). CPTPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất 6 nước hoặc một nửa số thành viên CPTPP phê chuẩn hiệp định này.
Với sự hỗ trợ từ các Hiệp định, tổng kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt: năm 2015 đạt 26,78 tỷ USD tăng 8,5% so với năm 2014; năm 2016 đạt 28,2 tỷ USD tăng 5,42% so với năm 2015; năm 2017 đạt 31 tỷ USD tăng 10% so với năm 2016 (Bảng 1).  Kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000, thị trường Mỹ là thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam với tỷ trọng năm 2017 đạt trên 40%, tiếp theo đó là các thị trường châu Âu (tỷ trọng xấp xỉ 13%), Nhật Bản (tỷ trọng 10,38%), Hàn Quốc (tỷ trọng 9,58%), Trung Quốc (tỷ trọng 10,41%). Sự tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do càng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường lớn. Với Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực vào cuối năm 2015, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 2,67 tỷ USD tăng 9,5%, năm 2017 đạt gần 3 tỷ USD tăng 11,8%. Ngoài ra, các hiệp định cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam mở rộng, phát triển thêm các thị trường mới. Đối với Hiệp định Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu có hiệu lực tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga từ mức còn thấp, đã có mức tăng trưởng đáng kể: năm 2016 tăng 29,4% so với cùng kỳ và năm 2017 tăng 53,6% so với cùng kỳ. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga còn chưa cao, nhưng với mức tăng trưởng cao như vậy, thị trường Nga hứa hẹn sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và gia tăng thị phần xuất khẩu.
4. Tăng lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ nước ngoài
Trên thị trường thế giới, dệt may Việt Nam luôn gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Campuchia, Myanmar (Bảng 2, 3, 4, 5).     Trong các năm trở lại đây, tình hình kinh tế thế giới biến động: Ảnh hưởng từ sự kiện Brexit, Mỹ có tân Tổng thống và một loạt các chính sách kinh tế, tài chính từ Mỹ đã đảo lộn tình hình kinh tế thế giới, căng thẳng leo thang giữa các quốc gia Mỹ - Bắc Triều Tiên, Mỹ - Syria, Liên minh châu Âu - Nga, đã gây ra động thái tiêu cực từ các quốc gia phát triển, dẫn đến tổng cầu chung giảm, trong đó có tổng cầu dệt may thế giới. Trước những ảnh hưởng trên, các quốc gia xuất khẩu dệt may đều chịu thiệt hại khi các đơn hàng ngày càng khan hiếm, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, áp lực giảm giá trong khi các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn. Để ứng phó với hiện trạng trên, trong những năm gần đây, nhằm thu hút đơn hàng, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam đều đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nội địa bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, gây khó khăn cho doanh nghiệp Dệt May Việt Nam.
Dưới sức ép rất lớn từ đối thủ, cũng như các tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế chính trị thế giới, việc tham gia các hiệp định thương mại là điều tất yếu để dệt may Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh. Kết quả, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn có dấu hiệu tích cực, với mức tăng trưởng 2015-2017 đều là tăng trưởng dương, đặc biệt năm 2017 là tăng trưởng 2 con số (10,01% so với 2016), trong khi đó các quốc gia cạnh tranh khác đều chật vật với mức tăng trưởng không cao, thậm chí là âm. Có thể kể đến Trung Quốc với mức tăng trưởng -7,44% và -1,2% cho 2 năm 2016-2017, Ấn Độ là -4,7% và 3%, Bangladesh là 6,21% và -1,3%, Indonesia là -5,3% và 2,4%.
5. Tham gia Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức
Trong số các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia gần đây, có thể coi Hiệp định CPTPP là hiệp định mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho Dệt May Việt Nam. Sáng ngày 9/03/2018, lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago, Chile. Tham gia lễ ký kết có đại diện 11 quốc gia gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đối với ngành Dệt May Việt Nam, CPTPP là Hiệp định quan trọng hứa hẹn sẽ mang đến cho doanh nghiệp Dệt May trong nước nhiều cơ hội và thách thức trong ngắn hạn và dài hạn.
5.1. Ưu đãi về thuế quan
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một trong những lợi ích quan trọng nhất của một Hiệp định thương mại tự do là lợi ích về cắt giảm thuế suất. Đối với Hiệp định CPTPP, ngành Dệt May là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất do cắt giảm thuế quan. Thực tế, trong văn kiện Hiệp định, đã dành riêng 1 chương quy định về Dệt May để thấy rõ được tầm quan trọng của Dệt May trong Hiệp định. Trong cơ cấu 11 nước thành viên CPTPP, hiện chỉ có Nhật Bản là thị trường truyền thống của Dệt May Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định trong các năm gần đây, xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang Nhật Bản năm 2017 đạt 3,2 tỷ USD tăng 6,12% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 10,38% trên tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đối với các thị trường khác thuộc Hiệp định, xuất khẩu Dệt May từ Việt Nam chỉ ở mức vài chục vài trăm triệu USD. (Bảng 6)
Về thị phần, thị phần của Dệt May Việt Nam tại Nhật Bản là 9,2% do Nhật Bản là thị trường truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, thị phần của Việt Nam tại 9 quốc gia còn lại là rất khiêm tốn, cao nhất có thể kể đến là Canada với thị phần chỉ là 4,14%, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam năm 2017 đạt 574 triệu USD trong khi nhu cầu của thị trường là 13,8 tỷ USD. Tương tự như vậy với Úc, Mexico, 3 năm trở lại đây kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của 2 thị trường này trung bình đạt 9-10 tỷ USD, trong khi xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang cả 2 thị trường này chỉ đạt trên dưới 250 triệu USD. Có thể thấy, dư địa dành cho hàng Dệt May tới những quốc gia tham gia hiệp định là rất cao. Đây có thể nói là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu thâm nhập thị trường, kết nối khách hàng, phát triển bán hàng với những thị trường tiềm năng này, sẵn sàng khi Hiệp định đi vào hiệu lực. Về khía cạnh lợi ích từ cắt giảm thuế, có thể lấy ví dụ từ 2 thị trường nổi bật là Canada và Mexico như sau. Khi xuất khẩu hàng dệt may sang Canada từ Việt Nam, mức thuế tối huệ quốc MFN hiện tại là 17-18%. Khi Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực, căn cứ biểu thuế thuộc văn kiện CPTPP, mức thuế được cắt giảm theo lộ trình như sau: Đối với thị trường Mexico, đây là trường hợp đặc biệt do họ bảo hộ ngành dệt may vì Mexico cũng là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới, đặc biệt xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện tại, khi CPTPP chưa đi vào hiệu lực, hàng xuất khẩu Dệt May từ Việt Nam vào Mexico sẽ chịu thuế tối huệ quốc MFN như sau: trung bình 15% với các dòng thuế thuộc chương HS50-60 (hàng xơ, sợi, vải), trung bình 30% với các dòng thuế thuộc chương HS 61, 62 (hàng quần áo may mặc). Khi Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực, mức thuế được cắt giảm theo lộ trình như sau:  Có thể thấy rằng khi Hiệp định đi vào hiệu lực, doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Hiệp định sẽ được hưởng lợi ích rất lớn từ thuế. Ví dụ đối với thị trường Canada, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thêm 17-18% vào chi phí, đối với Mexico thì con số là 15-30%. Đây là lợi thế lớn của doanh nghiệp Dệt May Việt Nam trong công tác đàm phán giá, thu hút đơn hàng, khách hàng. Đối với các thị trường khác tham gia Hiệp định, mức giảm thuế cũng tương tự.
5.2. Thúc đẩy đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
Khi tham gia hiệp định CPTPP, một trong những rào cản lớn nhất đối với Dệt May Việt Nam là yêu cầu về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward), hay còn gọi là quy tắc ba công đoạn. Quy tắc này được hiểu một cách chung nhất là tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm kéo sợi, dệt và nhuộm vải, cắt và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu như trên thì hàng hóa dệt may xuất khẩu trong nội khối mới được hưởng ưu đãi về thuế quan.
Với việc tham gia CPTPP của Việt Nam, đây có thể coi là cú hích để doanh nghiệp dệt may Việt Nam mạnh tay đầu tư vào các khâu còn yếu, còn kém để đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, sẽ có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh mẽ vào khâu sợi, vải tại Việt Nam nhằm hưởng lợi ích. Có thể lấy ví dụ thực tế như sau: để đón đầu hiệp TPP được ký kết năm 2016, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thành lập nhà máy tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015. Căn cứ số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2014 số lượng dự án là 83 dự án với tổng mức đầu tư 1,64 tỷ USD; năm 2015 là 110 dự án với tổng mức đầu tư là 2,03 tỷ USD. Về cơ cấu, số dự án nhà máy sợi là 20 dự án, dự án dệt nhuộm là 30 dự án, dự án nhà máy may là 125 dự án. Các công ty FDI điển hình như Công ty TNHH Lishin (Hàn Quốc), Công ty TNHH Lu Thai (Hồng Kông), Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư mỗi công ty từ 300 triệu USD trở lên. Với xu thế như vậy, có thể thấy, trong thời gian tới các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rót vốn, công nghệ vào Việt Nam nhằm đón đầu hiệp định CPTPP. Nhìn về mặt tổng thể thì xu thế này khá có lợi cho ngành, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi, học hỏi từ các doanh nghiệp FDI, đồng thời nguồn cung sợi, vải tại Việt Nam sẽ dồi dào hơn.
5.3. Vẫn còn nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP
Thách thức đầu tiên có thể kể đến là nút thắt cổ chai của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, cụ thể là khâu kéo sơi, dệt nhuộm vải. Đây là bài toán hóc búa đối với ngành Dệt May Việt Nam do hơn 85% doanh nghiệp dệt may tập trung vào khâu cắt và may quần áo, doanh nghiệp kéo sợi và dệt vải tại Việt Nam chiếm chưa đến 15% tổng số doanh nghiệp Dệt May, nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các doanh nghiệp may. Thực tế, 90% vải để sản xuất là nhập khẩu từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, 80% sợi để sản xuất là nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ. Các quốc gia này đều không tham gia Hiệp định CPTPP, vì vậy nếu kéo dài tình hình như hiện nay thì doanh nghiệp Dệt May rất khó được hưởng lợi từ hiệp định. Tình trạng này là vấn đề nhức nhối của ngành Dệt May trong nhiều năm nay do doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, về công nghệ cũng như nhân công kỹ thuật cao. Có thể lấy ví dụ như sau: để thành lập 1 nhà máy may với quy mô 1000 công nhân cần số vốn là 100 tỷ đồng, thành lập 1 nhà máy sợi cần số vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, còn thành lập 1 nhà máy dệt nhuộm vải cần tối thiểu 600 tỷ đồng. Đồng thời, xu hướng thị hiếu về vải của khách hàng thay đổi liên tục, đầu tư máy móc công nghệ dệt nhuộm rất nhanh bị lỗi thời, nếu không thể sản xuất được với quy mô lớn thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp Dệt May Việt Nam trong công tác đầu tư.
Thách thức thứ hai là, các yêu cầu đảm bảo tuân thủ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tham gia CPTPP nghĩa là doanh nghiệp dệt may có nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ nghiêm ngặt, cũng như khai báo, chứng minh xuất xứ. Các khách hàng có thể đi kiểm tra bất cứ lúc nào và doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đảm bảo cung cấp đầy đủ hồ sơ cần thiết để được hưởng lợi từ Hiệp định.
Thách thức thứ ba là, làn sóng FDI vào Việt Nam để hưởng lợi ích là rất lớn. Bên cạnh lợi ích cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi được học hỏi công nghệ, quy trình quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu sức ép rất lớn từ sự cạnh tranh về quy mô sản xuất, giá thành, tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đều là doanh nghiệp lớn, có vốn, kinh nghiệm và mô hình sẵn có, việc áp dụng vào Việt Nam với quy mô lớn, chuyên nghiệp là rất dễ dàng. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI sẵn sàng trả lương cao hơn cho công nhân để thu hút lực lượng lao động có tay nghề tốt.
6. Định hướng, giải pháp cho doanh nghiệp Dệt May Việt Nam để tận dụng Hiệp định CPTPP
Thứ nhất, doanh nghiệp Dệt May cần nghiên cứu kỹ toàn văn Hiệp định, đặc biệt là những chương riêng biệt về quy tắc xuất xứ dệt may. Trong Hiệp định có quy định rất rõ về các dòng thuế được áp dụng, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần quan tâm đến danh mục “nguồn cung thiếu hụt”, đây có thể nói là cứu cánh cho doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn cung vải, sợi trong nước còn yếu. Danh mục này được quy định trong Phụ lục 1 của Phụ lục 4-A của Chương 4 Hiệp định TPP. Đây là danh mục các loại sợi và vải được phép nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP để sản xuất hàng dệt may mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Danh mục này gồm 2 loại: (1) Danh mục nguồn cung thiếu hụt tạm thời: Danh mục này bao gồm 08 loại nguyên liệu được phép nhập khẩu từ các nước ngoài TPP mà vẫn được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng chỉ được trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. (2) Danh mục nguồn cung thiếu hụt vĩnh viễn: bao gồm 186 loại nguyên liệu được phép nhập khẩu từ các nước ngoài TPP mà vẫn được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ TPP để hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, không hạn chế về thời gian. Với danh mục này, áp lực đáp ứng quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp Dệt May Việt Nam phần nào được giảm bớt nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may vẫn là vấn đề sống còn để ổn định trong dài hạn.
Thứ hai, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể theo từng mặt hàng để có định hướng phát triển hợp lý. Với hàng trăm dòng thuế được giảm sau khi hiệp định có hiệu lực, doanh nghiệp cần xác định mặt hàng nào là mặt hàng ưu tiên cho doanh nghiệp mình. Có thể kể đến một số tiêu chí như sau. Một, tiêu chí giảm thuế là yếu tố then chốt, cần xác định rõ dòng thuế nào có tốc độ giảm thuế cao, phù hợp với năng lực sản xuất hiện có cũng như tiềm năng để phát triển. Hai, dung lượng thị trường, cần tập trung vào các mặt hàng tại các thị trường có nhu cầu nhập khẩu dệt may lớn, thị phần dệt may của Việt Nam tại các thị trường đó còn khiêm tốn, là cơ hội để tiếp cận khách hàng. Ba, năng lực sản xuất và mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp, cần ưu tiên các mặt hàng mà doanh nghiệp đang có thế mạnh, có năng lực sản xuất đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Thứ ba, doanh nghiệp cần đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất cốt lõi, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý hồ sơ, chứng từ liên quan đến chứng minh xuất xứ. Với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dệt may trong nước cần nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm, chấp nhận đầu tư để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí con người, chi phí khấu hao, quản lý chặt chẽ đầu vào đầu ra, giúp doanh nghiệp có cơ sở giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh. Đồng thời, quy trình quản lý hồ sơ, chứng từ về xuất xứ sản phẩm là rất quan trọng để đáp ứng được yêu cầu mà khách hàng cũng như Hiệp định đưa ra.
Thứ tư, doanh nghiệp Dệt may Việt Nam cần chủ động trong công tác phát triển các thị trường mới thuộc Hiệp định CPTPP. Ngoại trừ Nhật Bản, các thị trường khác thuộc Hiệp định đều rất tiềm năng, thị phần dệt may của Việt Nam đều dưới 5%. Đặc biệt, thị trường Canada rất gần thị trường Mỹ, tiếp cận thị trường Canada có thể là tiềm năng để tiếp cận thị trường Mỹ được sâu rộng hơn, nâng cao thị phần tại thị trường rộng lớn này cũng như mở rộng thị phần tại Canada.
7. Kết luận
Là một mũi nhọn của xuất khẩu Việt Nam, các doanh nghiệp Dệt May cần ngày một chủ động hơn, cần có chiến lược dài hạn để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội phát triển sâu và rộng, là bước chuyển mình cho ngành Dệt May ngày càng phát triển, từng bước chiếm thị phần của các ông lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Việc đầu tư máy móc thiết bị, con người ngành Dệt May để đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP sẽ là tiền đề cho ngành để tiếp tục nâng cao vị thế, sẵn sàng cho các Hiệp định thương mại tự do khác trong tương lai.Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tiếng Việt
1. Hồ Tùng Dụng, Biểu thuế xuất khẩu - nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, 2016, Nhà xuất bản Thế giới.
2. Cao Thiểm, Chú giải chi tiết mã HS trong biểu thuế xuất khẩu - nhập khẩu 2016, 2016, Nhà xuất bản Lao động.
3. Vũ Anh Dũng, Chiến lược kinh doanh quốc tế: Thực tiễn Việt Nam, Châu Á và thế giới, 2012, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
4. Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, Bản tin kinh tế - Dệt May, 2017.
Tài liệu tiếng Anh
1 Miroslav N.Jovanovic, The economics of International Integration 2nd edition, 2016.
2. Luthans, F. and Doh, J.P.International Management: Culture, Strategy, and Behavior, 7th Ed., McGraw-Hill Irwin, 2009.
Tài liệu internet
1. Website Hải quan Việt Nam:
https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/SoLieuDinhKy.aspx?Group=S%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA
2. Website Trademap:
https://www.trademap.org/Country_SelProduct_TS.aspx?nvpm=1||||||20912||2|1|1|1|2|1|2|1|1
3. Website Tổng cục Thống kê Việt Nam:
https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=629&ItemID=18772
4. Website Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
http://fia.mpi.gov.vn/Home

VIETNAM TEXTILE AND GARMENT INDUSTRY IN THE PERIOD OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION

MA. Do Khac Dung

The Vietnam National Textile and Garment Group

ABSTRACT:

Vietnam's export growth is associated with Free Trade Agreement (FTA), especially for Vietnam Textile & Garment industry. The first example is the Vietnam - US Bilateral Trade Agreement which has been valid since December 2001, after 5 years of negotiation. Since then, Vietnam Textile & Garment export grew approximately 1 billion USD annually in the next 5 years, reached 7 billion USD of Textile & Garment export in 2006. After that, Vietnam have joined WTO in 2007, continuously participated in other FTAs such as FTA ASEAN - Japan in 2008, ASEAN - Korea in 2009. These activities pushed Vietnam Textile & Garment export increase of 2 billion USD/year, even in period of global economic recession 2008 - 2009. The Textile & Garment export eventually reached 24.7 billion USD in 2014. In this period of international economic integration, we can say that Vietnam Textile & Garment industry have faced many opportunities as well as challenges since Vietnam would join many other FTAs in the future. It is the foundation for Vietnam Textile & Garment industry to grow rapidly in international market.

Keywords: Vietnam Textile & Garment, international economic integration, CPTPP, export.