Nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

ThS. TĂNG THANH PHƯƠNG (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng là một trong các nghĩa vụ cơ bản của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nhà làm luật Việt Nam yêu cầu người tiêu dùng phải được thông tin trước khi giao kết hợp đồng. Bài viết sẽ lần lượt phân tích các quy định có liên quan về nghĩa vụ này, chủ yếu theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Luật BVQLNTD), đồng thời đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện nghĩa vụ này.

Từ khóa: Nghĩa vụ cung cấp thông tin, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng, hợp đồng.

1. Đặt vấn đề

Trong thực tế, trước khi giao kết hợp đồng mua bán hay hợp đồng dịch vụ, người tiêu dùng có nhu cầu được thông tin về hàng hóa, dịch vụ đó. Thông thường, người tiêu dùng mong muốn nắm được thông tin về chủng loại, đặc tính, chất lượng, khuyết tật, giá, xuất xứ của hàng hóa, các tiêu chuẩn của dịch vụ. Họ cũng muốn được biết các thông tin về năng lực, uy tín của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ. Nếu không được cung cấp các thông tin này, người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn, bị lừa dối khi giao kết hợp đồng tiêu dùng. Sau khi hợp đồng được giao kết, người tiêu dùng vẫn cần được thông tin về việc bảo hành hàng hóa, về khuyết tật hàng hóa mà sau khi bán nhà sản xuất mới phát hiện… Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp các thông tin này cho người tiêu dùng cả theo quy định của luật chung và của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD).

2. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên cùng giao kết hợp đồng theo luật chung

Theo quy định của luật chung, một trong các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực là các bên giao kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện trong việc giao kết hợp đồng (điểm b khoản 1 Điều 117 BLDS). Nếu thiếu điều kiện này, hợp đồng có thể bị vô hiệu (Điều 122 BLDS). Đó chính là một lý do cơ bản để Bộ luật Dân sự năm 2015 cho ra đời một quy định mới ở khoản 1 Điều 387: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết”. Thông tin ảnh hưởng đến việc giao kết hợp đồng có thể hiểu là thông tin về nội dung hợp đồng hoặc về chủ thể giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ cung cấp thông tin này phải được thực hiện trên cơ sở của nguyên tắc thiện chí và trung thực là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (khoản 3 Điều 3 BLDS). Với tư cách là bên cùng giao kết hợp đồng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nào không thực hiện đúng nghĩa vụ này sẽ bị xem là không có thiện chí và có thể là đã thực hiện hành vi lừa dối người tiêu dùng (là bên cùng giao kết hợp đồng còn lại). Ví dụ, doanh nghiệp X sản xuất bánh trung thu có sử dụng tỷ lệ 0,5% phụ gia A là chất có khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng (theo quy định không được sử dụng phụ gia A tỷ lệ từ 0,6% trở lên) nhưng X đã không ghi phụ gia này trong thành phần phụ gia trên nhãn hàng hóa của sản phẩm để tránh làm người tiêu dùng e ngại khi mua sản phẩm. Đây là một hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có tính chất ảnh hưởng đến quyết định giao kết hợp đồng của người tiêu dùng, dù việc X sử dụng phụ gia này vẫn trong phạm vi luật cho phép. Một ví dụ khác, nhằm vào tâm lý của người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng của lụa tơ tằm Việt Nam, doanh nghiệp Y thông tin sản phẩm của mình được tạo ra bằng nguyên liệu này nhưng thực chất được tạo ra bằng lụa tơ tằm của nước khác. Đây là một hành vi lừa dối về đối tượng hợp đồng. Trong các tình huống trên, người tiêu dùng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố các hợp đồng trên là vô hiệu do bị lừa dối (Điều 127 BLDS). Hệ quả của hợp đồng vô hiệu là người tiêu dùng có quyền trả lại hàng hóa đã mua, lấy lại tiền và yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh (Điều 131 BLDS). Nghĩa vụ cung cấp thông tin này cũng được quy định trong một số hợp đồng thông dụng khác: Trong hợp đồng thuê tài sản, khoản 1 Điều 476 BLDS quy định bên cho thuê phải có nghĩa vụ “cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó cho bên thuê”. Trong hợp đồng vay tài sản, khoản 2 Điều 465 BLDS quy định bên cho vay “có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó”. Các quy định này cho thấy nghĩa vụ thông tin cho người cùng giao kết hợp đồng phải được thực hiện trước và trong khi giao kết hợp đồng. 

Bên cạnh đó, luật chung còn quy định cả nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên cùng giao kết hợp đồng cả khi hợp đồng đã được xác lập. Cụ thể, đối với hợp đồng mua bán, Điều 443 BLDS quy định: “Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý; nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Ví dụ thứ nhất, Công ty X kinh doanh két sắt điện tử nhập khẩu từ nước ngoài, loại két sắt này có rất nhiều yêu cầu về cách sử dụng và dễ bị lỗi nếu không sử dụng đúng cách. Công ty X sợ thông tin chi tiết thì ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của người mua nên chỉ cung cấp bản hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài và hướng dẫn bằng lời nói về cách sử dụng cơ bản cho người mua. Khi người mua A thấy két sắt thường xuyên bị lỗi và nhờ người đọc bản hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài mới phát hiện rằng nếu được thông tin chi tiết về cách sử dụng bằng tiếng Việt thì két sắt đã không bị hỏng; trường hợp này người mua có quyền yêu cầu hủy hợp đồng, trả lại két sắt và lấy lại tiền. Ví dụ thứ hai, Công ty Y bán phần mềm do công ty thiết kế từ năm 2012, thời hạn bảo hành lỗi phần mềm là 3 năm. Đến năm 2018, Công ty Y phát hiện có kẽ hở bảo mật trên phần mềm khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, Công ty Y có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho khách hàng và tìm cách khắc phục lỗi đó. Như vậy, nghĩa vụ thông tin của tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vẫn phải được tiếp tục thực hiện sau khi hợp đồng đã hoàn thành. Cũng cần lưu ý rằng hợp đồng dịch vụ là một trong các hợp đồng giao kết phổ biến với người tiêu dùng nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên cung ứng dịch vụ như là một nghĩa vụ cần phải tiếp tục được thực hiện sau khi hợp đồng đã được xác lập. Khoản 1 Điều 515 BLDS chỉ quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên sử dụng dịch vụ. Ở góc độ hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, thương nhân mới là bên cung ứng dịch vụ và họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thông tin cho bên sử dụng dịch vụ cả sau khi hợp đồng đã được giao kết. Ví dụ, doanh nghiệp xây dựng có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan việc bảo trì công trình mà họ đã xây dựng. Có thể nói, quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng dịch vụ của BLDS năm 2015 vẫn chưa có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội tiêu dùng hiện đại.

Chế tài đối với việc vi phạm nghĩa vụ thông tin cho bên cùng giao kết hợp đồng: Nếu việc vi phạm nghĩa vụ thông tin phát sinh trước và trong khi giao kết hợp đồng, chế tài dân sự luật định là hợp đồng bị vô hiệu (nếu người tiêu dùng có yêu cầu); chế tài này được quy định trong Phần về Giao dịch dân sự từ Điều 116 đến Điều 133 BLDS. Nếu việc vi phạm phát sinh sau khi hợp đồng đã giao kết thì chế tài dân sự luật định là hợp đồng bị hủy bỏ từ Điều 423 đến Điều 427 BLDS. Thêm vào đó, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bồi thường thiệt hại.

Đề xuất: Do khoản 1 Điều 387 BLDS 2015 quy định bên giao kết hợp đồng phải cung cấp thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng cho bên cùng giao kết nên nghĩa vụ này mang tính chất nghĩa vụ tiền hợp đồng. Vì thế, việc bổ sung một quy định chung về nghĩa vụ thông tin của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng là việc làm cần thiết, bảo đảm được sự bình đẳng của các bên giao kết hợp đồng về nghĩa vụ cung cấp thông tin và phù hợp với nguyên tắc thiện chí. 

3. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đối với các hợp đồng được giao kết một cách bình đẳng giữa các chủ thể, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng của BLDS năm 2015 xem như đã hoàn thiện hơn so với các Bộ luật trước đó sau khi có sự bổ sung khoản 1 Điều 387. Tuy nhiên, để điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng thì các quy định này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng do các thương nhân, với kiến thức chuyên nghiệp, thường ở vị thế ưu việt hơn người tiêu dùng về phương diện nắm giữ thông tin đối với hàng hóa, dịch vụ mà họ cung cấp. Chính vì thế, nghĩa vụ cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng còn được Luật BVQLNTD 2010 quy định thêm ở Điều 12 của Luật này, bao gồm nội dung: ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa; cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Sau đây là một số phân tích về nghĩa vụ thông tin này:

Ghi nhãn hàng hóa. Việc ghi nhãn hàng hóa được quy định chi tiết trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017. Theo Nghị định, nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Ý nghĩa của việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng. Để người tiêu dùng Việt Nam hiểu được nội dung nhãn thì phải sử dụng tiếng Việt (trừ một số ngoại lệ) để ghi nhãn hàng hóa. Nhãn phải chứa đựng các thông tin cơ bản về hàng hóa như số lượng, định lượng, thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng… Ngoài ra, trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện nghiêm túc quy định về ghi nhãn hàng hóa thì họ đã cung cấp được những thông tin cơ bản hàng hóa cho người tiêu dùng trước khi giao kết hợp đồng. Do đó, việc ghi nhãn hàng hóa có thể xem là một phần của nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng.

Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ. Theo khoản 6 Điều 4 Luật Giá năm 2012, “Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Trong thực tiễn, các doanh nghiệp lớn như siêu thị, doanh nghiệp vận chuyển, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông… thường thực hiện đúng nghĩa vụ này. Trái lại, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cá nhân hoạt động độc lập, không thường xuyên có thể không thực hiện đúng quy định khi chỉ thông tin về giá bằng lời nói và thương lượng giá trực tiếp với người tiêu dùng. Trong thực tiễn, để thu hút khách hàng và để cạnh tranh, các doanh nghiệp thường gửi các thông tin báo giá trước cho khách hàng là người tiêu dùng để họ so sánh, lựa chọn mua hàng hóa với mức giá tốt nhất (ví dụ các tờ tin tức về hàng hóa của siêu thị, bảng báo giá về các mặt hàng điện tử của các công ty kinh doanh thương mại,…) Đối với việc ghi giá bằng đồng Việt Nam, đa số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn có một số trường hợp vi phạm khi ghi giá bằng ngoại tệ (thường xảy ra ở các doanh nghiệp mua bán tại các tỉnh biên giới hoặc tại một số cửa hàng chuyên bán hàng cho khách du lịch nước ngoài) dù việc niêm yết, ghi giá bằng ngoại tệ bị cấm ở Việt Nam, trừ trường hợp được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Nhìn chung, việc niêm yết giá cũng là một phần của nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng.

Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. Nghĩa vụ thông tin về khả năng hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng được quy định trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 về nhãn hàng hóa và một số văn bản dưới luật khác. Nghĩa vụ thông tin cảnh báo này phải được ghi nhận trên nhãn hàng hóa. Nghĩa vụ này còn được ghi nhận trong các tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm với sản phẩm hoặc trong chính hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo. Ví dụ, đối với thực phẩm, Nghị định số 43CP quy định doanh nghiệp phải ghi thành phần hoặc chất trong thành phần phức hợp của hàng hóa thuộc loại đặc biệt có sử dụng chất bảo quản mà đã quy định liều lượng sử dụng và xếp trong danh sách gây kích ứng, độc hại đối với người, động vật và môi trường, phải ghi tên chất bảo quản kèm theo các thành phần này. Một ví dụ khác, Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 quy định bệnh nhân phải được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để bệnh nhân thực hiện quyền lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị (xem Điều 10). Nghĩa vụ này có tác dụng phòng ngừa tác động xấu của hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Đây cũng là nghĩa vụ tiền hợp đồng: quyền tự do lựa chọn giao kết hợp đồng của người tiêu dùng sẽ được thực hiện hiệu quả hơn khi họ nắm được thông tin cảnh báo về loại hàng hóa, dịch vụ mà họ muốn mua hay sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả sau khi hợp đồng đã hoàn thành, nếu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát hiện khuyết tật của hàng hóa hay những tác động không tốt của dịch vụ đối với người tiêu dùng thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thông tin cảnh báo.

Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành và cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa. Nghĩa vụ cung cấp hướng dẫn, sử dụng được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng (ví dụ ghi trên nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm), trong và cả sau khi hợp đồng được giao kết (theo quy định ở Điều 443 BLDS đã nêu trên). Nghĩa vụ thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành được quy định trong Luật BVQLNTD, không quy định trong Luật Dân sự mặc dù Bộ luật có quy định nghĩa vụ bảo hành. Trong thực tiễn, để cạnh tranh, các doanh nghiệp thường nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thông tin về bảo hành cho người tiêu dùng để đánh vào tâm lý người tiêu dùng tin tưởng vào hàng hóa nào được bảo hành dài hạn hơn khi so sánh giữa các hàng hóa cùng loại. Đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa thì các doanh nghiệp có uy tín sẽ thực hiện tương đối tốt nghĩa vụ này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm có thời gian bảo hành linh kiện, phụ kiện khác với thời gian bảo hành của sản phẩm chính cũng thường xuyên thực hiện nghĩa vụ này. Ví dụ, đối với các loại xe cơ giới, thời gian bảo hành thiết bị sạc pin hoặc ắc-quy khác với thời gian bảo hành xe nên các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này sẽ phải thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế. Qua phân tích, có thể thấy nghĩa vụ thông tin ở nhóm này được thực hiện chủ yếu trước khi hợp đồng được giao kết, nhưng vẫn phải tiếp tục được thực hiện cả sau khi hợp đồng đã được giao kết.

Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Nghĩa vụ này cũng được quy định ở Điều 405 và Điều 406 BLDS. Nghĩa vụ công bố, công khai thông tin về nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có thể được thực hiện tại trụ sở doanh nghiệp hay trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc bằng tài liệu gửi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, đối với 10 loại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bắt buộc phải đăng ký do có đối tượng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (như điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, vận chuyển bằng đường hàng không…) thì doanh nghiệp còn thực hiện nghĩa vụ đăng ký tại Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương (xem Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 02/2012/QĐ-TTG, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg). Để nắm được thông tin về nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, người tiêu dùng phải được quyền đọc trước các tài liệu này. Tuy nhiên, trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng cho phép người tiêu dùng có thời gian nghiên cứu trước về hợp đồng, nhiều trường hợp, doanh nghiệp chỉ đưa hợp đồng để người tiêu dùng ký mà không dành cho họ thời gian đọc trước.

Chế tài đối với việc vi phạm nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm nghĩa vụ thông tin theo quy định của Luật BVQLNTD 2010 có thể bị chế tài dân sự khi người tiêu dùng yêu cầu (vô hiệu hợp đồng hay hủy hợp đồng và bồi thường thiệt hại). Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có quyền áp dụng chế tài hành chính theo quy định từ Điều 66 đến Điều 69 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động… bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bằng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP). Ví dụ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với thương nhân có hành vi không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa theo quy định; không cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa theo quy định; không cung cấp hướng dẫn sử dụng hoặc không cung cấp thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành theo quy định; không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định; che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định. Mức phạt tiền cao nhất là 50 triệu đồng, ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tước giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động đến 6 tháng. Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, lợi ích mà họ đạt được lớn hơn rất nhiều lần mức phạt tiền do luật định nên chế tài hành chính vẫn chưa có tính răn đe cao. 

Đề xuất: Mặc dù Điều 12 Luật BVQLNTD 2010có tên gọi là Trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nhưng thực chất quy định này đề cập đến nghĩa vụ cung cấp thông tin chứ không phải về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Để tránh hiểu nhầm, tên của điều luật nên sửa đổi chính xác là Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng liên quan đến nghĩa vụ thông tin, Luật cũng chưa quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh bản thân đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng. Việc đưa ra bằng chứng để chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng cùng giao kết hợp đồng phải được xem là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là một giải pháp đã được ghi nhận trong Bộ luật Tiêu dùng mới của Pháp ở Điều 111-5. Luật Việt Nam cũng nên thừa nhận giải pháp tương tự.

4. Kết luận

Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng là một nghĩa vụ thiết yếu để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ này phải được thực hiện cả trước, trong và sau khi giao kết hợp đồng (nhưng phần lớn phải được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng). Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, bài viết đã đề xuất một số giải pháp, như: bổ sung thêm nghĩa vụ thông tin của bên cùng giao kết trong quá trình thực hiện hợp đồng vào BLDS, sửa đổi tên gọi chính xác cho Điều 12 Luật BVQLNTD 2010 từ “trách nhiệm cung cấp thông tin” sang “nghĩa vụ cung cấp thông tin”, nâng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc vi phạm nghĩa vụ thông tin cũng như quy trách nhiệm chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ này cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Bộ luật Tiêu dùng của Pháp: Code de la consommation, https://www.legifrance.gouv.fr
  3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản quy định chi tiết luật này.
  4. Luật Giá năm 2012.
  5. Luật Khám, chữa bệnh năm 2009.

TRADERS’ OBLIGATION TO PROVIDE CONSUMERS WITH INFORMATION ON GOODS AND SERVICES

LLM. TANG THANH PHUONG

Lecturer, Faculty of Law,

Can Tho University

ABSTRACT:

The obligation to provide consumers with information is one of the basic obligations of good and service traders. Vietnam’s law requires the consumer to be informed before entering into a contract. This article analyzes regulations of the Civil Code in 2015 and the Law of Consumer Protection in 2010 related to this obligation and gives some recommendations to improve this obligation.

Keywords: Obligation to provide information, goods and service traders, consumer, contract.