Nghiên cứu lý thuyết quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao ở địa phương

THS. BÙI THỊ ÁNH TUYẾT  (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La)

TÓM TẮT:

Nguồn nhân lực y tế trình độ cao (NNLYTTĐC) là nguồn lực đặc biệt bởi trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến sức khỏe nhân dân, tính mạng người bệnh; có đặc thù riêng về đạo đức nghề nghiệp; đòi hỏi nhiều lao động; nhiều rủi ro và sự không chắc chắn... Do đó, phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao cần sự đầu tư lớn của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch trong giáo dục và đào tạo.

"Quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế" là chủ đề đã được một số tác giả trong và ngoài nước thực hiện một cách đơn lẻ. Trong bài nghiên cứu này, trên cơ sở kế thừa và phát triển các nghiên cứu trước, tác giả đã hình thành khung lý thuyết quản lý nhà nước về phát triển NNLYTTĐC ở địa phương một cách hệ thống, phù hợp với điều kiện chính trị xã hội Việt Nam.

Từ khóa: Nguồn nhân lực, y tế, trình độ cao, địa phương, quản lý nhà nước.

1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Các nghiên cứu liên quan đến Quản lý nhà nước (QLNN) về phát triển nguồn nhân lực y tế (PTNNLYT) tập trung vào chính sách cách thức QLNN với PTNNLYT và các yếu tố tác động. Cuốn tài liệu của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) dành cho Bộ Y tế của các quốc gia châu Phi về hướng dẫn PTNNLYT, Policies and Plans for Human Resources for Health - Guidelines for Countries in the WHO African Region - của tác giả Jennifer Nyoni, Akpa Gbary, Magda Awases, Prosper Ndecki và Rufaro Chatora (2006), đã đưa ra các hướng dẫn quá trình xây dựng các đề án về PTNNLYT, gồm có: phân tích vấn đề, xây dựng chính sách và thiết lập chiến lược nguồn nhân lực y tế (NNLYT).

Theo đó, quy trình hoạch định NNLYT gồm các bước: Chuẩn bị, phát triển các thuật ngữ có liên quan và chuẩn bị các tài liệu, xây dựng bản thảo kế hoạch lần đầu, tham vấn các bên liên quan, dự trù kinh phí và xây dựng bản thảo cuối cùng, chỉnh sửa lần cuối và in ấn, phát triển kế hoạch triển khai hàng năm, giám sát và đánh giá kế hoạch. Một nghiên cứu khác của Gilles Dussault and Carl-Ardy Dubois (2003), Human resources for health policies: a critical component in health policies, Human Resources for Health, đã tranh luận về sự cần thiết cho các chính sách lực lượng lao động hợp lý hơn bởi đây là lý do khiến không thực hiện thành công các chính sách y tế. Sự phát triển của lực lượng lao động dường như là một phần quan trọng trong quá trình phát triển chính sách y tế và phải đối mặt với những áp lực bên ngoài.

Fleming Fllon Jr, Charles R. Mc Connell trong cuốn sách Human Resource Management in Health Care: Principles and Practices (Quản lý nguồn nhân lực trong ngành y tế: nguyên tắc và thực hành) đã giới thiệu các chủ đề quan trọng như tuyển dụng, đào tạo, chấm dứt hợp đồng, vấn đề pháp lý. Mỗi chương của cuốn sách đã giới thiệu một nghiên cứu trường hợp điển hình trong quản lý NNLYT, trong đó xác định vai trò của việc phân tích vị trí việc làm, các yếu tố để xác định (Chương 6), đào tạo nguồn nhân lực (Chương 10).

Walter J Flynn, Robert L. mathis, John H Jackson trong: "Quản lý nguồn nhân lực y tế" (Healthcare Human Resource Management), đã nghiên cứu bản chất và các thách thức trong quản lý NNLYT; năng lực, cơ cấu và tiêu chuẩn nhân lực y tế; quản lý chiến lược NNLYT; các nhân tố pháp lý tác động đến NNLYT; thiết kế và phân tích công việc; tuyển dụng và lựa chọn nhân sự; Đào tạo và phát triển NLYT; quản lý theo kết quả thực thi trong ngành y tế; chế độ đãi ngộ đối với NNLYT. Các vấn đề trên được trình bày như những gợi ý về nguyên tắc đối với việc quản trị NNLYT.

Tại Việt Nam, một trong các nghiên cứu tiêu biểu là luận án tiến sĩ của Nguyễn Minh Lợi (2017), QLNN về đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu đã đưa ra các nội dung QLNN về đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng được xem xét ở cả 3 khía cạnh: đào tạo, nghề nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực điều dưỡng.

Như vậy, qua nghiên cứu các công trình liên quan ở nhiều cấp độ khác nhau cả trong nước và ngoài nước ta thấy sự cần thiết của các thành tố, nội dung, công cụ, hình thức QLNN đối với PTNNLYT một cách đơn lẻ. Chưa có công trình nào phân tích, đánh giá một cách hệ thống về QLNN đối với PTNNLYT trình độ cao ở địa phương. Đây chính là khoảng trống tác giả có mong muốn được tìm hiểu, trong điều kiện bối cảnh Việt Nam.

2. Khung lý thuyết về phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao ở địa phương

2.1. Khái niệm

NNLYT là 1 trong 6 yếu tố đầu vào quan trọng nhất (cung ứng dịch vụ; nhân lực y tế; thông tin y tế; các sản phẩm y tế, vắc xin, dược phẩm và công nghệ; cấp tài chính; quản lý điều hành) của hệ thống y tế trong một quốc gia (WHO, 2007). NNLYT là nguồn nhân lực được tạo ra một cách đặc biệt với quá trình đào tạo dài và phức tạp ở nhiều trình độ khác nhau. Quan điểm phổ biến cho rằng trình độ cao được xác định là "trình độ từ cao đẳng trở lên". Do đó có thể hiểu, NNLYT trình độ cao là tổng thể những người có trình độ cao đẳng trở lên; có năng lực chuyên môn, y đức và thể lực phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp; đang và sẽ tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Vận dụng kết hợp giữa học thuyết quản lý hành chính công, lý thuyết phân cấp QLNN và lý thuyết về kết hợp QLNN theo ngành và lãnh thổ, tác giả xác định khái niệm và cách tiếp cận như sau: QLNN về PTNNLYT trình độ cao ở địa phương là việc sử dụng quyền lực của Nhà nước để điều chỉnh quá trình làm tăng lên số lượng, chất lượng, tạo ra một cách hợp lý cơ cấu NNLYT có trình độ cao đẳng trở lên từ việc nâng cao năng lực chuyên môn, y đức và thể lực của những người đang và sẽ tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân địa phương.

QLNN về PTNNLYT trình độ cao ở địa phương với tư cách là bộ phận quan trọng của QLNN về kinh tế hàm chứa một số đặc điểm cơ bản sau (xem Hình 1):

Mục tiêu của QLNN: Đối với PTNNLYT trình độ cao là nhằm tạo ra một đội ngũ NLYT có đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu trên cơ sở năng lực chuyên môn, y đức và thể lực đáp ứng yêu cầu khi tham gia vào hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương.

Chủ thể quản lý: Tùy theo thể chế chính trị của mỗi quốc gia, cơ quan lập pháp của quốc gia có thể là Quốc hội hoặc Nghị viện ban hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về PTNNL quốc gia; PTNNLYT và PTNNLYT trình độ cao. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động PTNNLYT trình độ cao. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý trực tiếp ngành y tế của quốc gia đó.

Ở Việt Nam, theo lý thuyết về phân cấp QLNN, tại địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) mô hình quản lý là sự kết hợp chặt chẽ bởi 2 cơ chế: Một là quản lý đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo ngành (Bộ Y tế là cơ quan QLNN ngành cấp trung ương); Hai là QLNN được thực hiện theo cấp hành chính (HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Sở Y tế cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng QLNN về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố nói chung và QLNN đối với PTNNLYT trình độ cao trên địa bản tỉnh, thành phố nói riêng.

Đối tượng quản lý: Đối tượng QLNN là các hoạt động thực thi chính sách PTNNLYT trình độ cao bao gồm: thu hút, tuyển dụng, bố trí và sử dụng; đào tạo, bồi dưỡng; tạo động lực đối với NNLYT trình độ cao tại các cơ sở y tế ở địa phương. 

Phương pháp quản lý: Chủ thể quản lý tác động lên đối tượng quản lý thông qua một số phương pháp, như: Phương pháp kinh tế, phương pháp hành chính, phương pháp giáo dục. Trong khi thực hiện cơ quan quản lý kết hợp linh hoạt các phương pháp này đối với hoạt động QLNN về PTNNLYT trình độ cao ở địa phương.

Hình 1: Đề xuất khung lý thuyết QLNN  về PTNNLYT trình độ cao ở địa phương

Công cụ quản lý: Chủ thể QLNN sử dụng 4 nhóm công cụ đối với đối tượng QLNN về PTNNLYT trình độ cao bao gồm: (i) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chươngtrình phát triển ngành Y tế; Kế hoạch, chiến lược phát triển ngành, phát triển NNLYT hàng năm của Bộ chủ quản; Quy hoạch, kế hoạch PTNNLYT của địa phương; (ii) Chính sách PTNNLYT quốc gia; Chính sách PTNNLYT trình độ cao của địa phương; (iii) Hiến pháp của quốc gia và các văn bản luật và dưới luật để điều QLNN về PTNNLYT trình độ cao; (iv) Tài sản: gồm cơ sở vật chất, vốn, trang thiết bị, KHCN, hệ thống thông tin nhà nước trung ương và địa phương trong PTNNLYT trình độ cao...

2.2. Nội dung cốt yếu của QLNN về PTNNYT trình độ cao ở địa phương

2.2.1. Ban hành chiến lược, quy hoạch và chính sách PTNNLYT trình độ cao

(i) Ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao

Về thực chất, chiến lược, quy hoạch PTNNLYT trình độ cao chính là bản kế hoạch mô tả trạng thái mong muốn đạt tới của đội ngũ NNLYT trong thời kỳ chiến lược với những cách thức và giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước, địa phương và tổ chức. Thông thường một bản kế hoạch chiến lược có tầm nhìn 5 - 10 năm. Chiến lược PTNNL có vị trí, vai trò quan trọng, là bộ phận cấu thành nên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, còn chiến lược PTNNLYT trình độ cao là bộ phận cấu thành chiến lược phát triển ngành Y tế.

Chiến lược được xây dựng dựa trên những cơ sở thực tiễn về NNLYT trình độ cao với những dự báo về nhu cầu của đất nước trong tương lai và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của tình hình phát triển ngành cũng như nhu cầu dịch vụ y tế. Chủ thể ban hành chiến lược PTNNLYT trình độ cao trên phạm vi cả nước được giao cho chính phủ, trên lĩnh vực ngành được giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ và ở địa phương được giao cho UBND cấp tỉnh. Nhà nước sử dụng chức năng hoạch định chiến lược và thực hiện kế hoạch hóa nguồn nhân lực để đảm bảo khả năng cung cấp NNLYT trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, y tế qua các thời kỳ, giai đoạn của đất nước.

Cùng với việc cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch về PTNNLYT trình độ cao của Nhà nước trung ương, chính quyền địa phương còn ban hành kế hoạch PTNNLYT trình độ cao của chính địa phương. Công tác lập kế hoạch là một trong những chức năng cơ bản, thông qua công tác kế hoạch địa phương xác định được mục tiêu và những cách thức - con đường để hướng tới những mục tiêu với những điều kiện cụ thể - các nguồn lực thực hiện. Công tác kế hoạch hóa PTNNLYT trình độ cao của địa phương được thực hiện tốt, cần phải đảm bảo các căn cứ mấu chốt sau: Thông tin, số liệu, dữ liệu về thực trạng về số lượng, chất lượng, cơ cấu NNYT trình độ cao; Sự thay đổi sứ mệnh, mục tiêu của ngành Y tế địa phương trong tương lai; Tình hình và xu hướng biến động của đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; Khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng NNLYT của các cơ sở đào tạo; Nguồn lực trong PTNNLYT trình độ cao ở địa phương.

(ii) Ban hành chính sách phát triển NNLYT trình độ cao

Chính sách PTNNLYT trình độ cao là tập hợp các quyết định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, bao gồm các mục tiêu và các giải pháp nhằm gia tăng số lượng, chất lượng và thay đổi cơ cấu nhân lực hợp lý, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Có thể kể đến các chính sách PTNNLYT trình độ cao như: chính sách thu hút, tuyển dụng và sử dụng NNLYT trình độ cao; chính sách đãi ngộ NNLYT trình độ cao; chính sách đào tạo, bồi dưỡng NNLYT trình độ cao. Chính sách PTNNLYT trình độ cao có vai trò thúc đẩy, khuyến khích hoặc định hướng hoạt động phát triển ngành Y tế.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chức năng cần ban hành những văn bản cụ thể hóa để thực thi chính sách PTNNLYT của Nhà nước sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Cùng với việc cụ thể hóa chính sách về PTNNLYT trình độ cao của Nhà nước, chính quyền địa phương còn ban hành chính sách trình độ cao của chính địa phương sau khi xem xét đến điều kiện và tính đặc thù của địa phương mình (điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội), bao gồm: thu hút và tuyển dụng; đào tạo và bồi dưỡng; đãi ngộ NNLYT trình độ cao.

2.2.2. Tổ chức triển khai chiến lược, quy hoạch, chính sách PTNNLYT trình độ cao

(i) Tổ chức bộ máy QLNN về PTNNLYT trình độ cao

Tổ chức bộ máy QNLNN về PTNNYT trình độ cao ở địa phương là việc thiết lập hệ thống các cơ quan nhà nước địa phương, được tổ chức theo nguyên tắc chung thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ QLNN về PTNNLYT trình độ cao. Tổ chức bộ máy QLNN giữ vai trò then chốt trong đảm bảo hiệu lực đối với PTNNLYT. Nguyên tắc tổ chức bộ máy QLNN về PTNNLYT tại địa phương cần được xây dựng một cách phù hợp với điều kiện và đặc điểm ở từng quốc gia.

Trong bộ máy này, cần mô tả rõ quyền hạn, nhiệm vụ của từng cấp quản lý, từng đơn vị và từng cá nhân đảm nhận các vị trí công việc trong bộ máy; đồng thời cần thiết lập các chế độ báo cáo, mối quan hệ giữa các đơn vị, cá nhân trong triển khai QLNN về PTNNLYT. Trong từng cấp quản lý địa phương các cơ quan nhà nước cần định biên đủ nhân lực cần thiết. Nếu bộ máy phù hợp và hoàn thiện sẽ giúp công tác QLNN đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý các cấp có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả QLNN về PTNNLYT.

Ở Việt Nam, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan giúp việc QLNN về PTNNLYT trình độ cao được tổ chức thống nhất là các Sở Y tế địa phương. Sở Y tế có cơ cấu tổ chức bao gồm: Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Các chi cục trực thuộc; Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các trung tâm y tế dự phòng. Về lĩnh vực đào tạo NNLYT mỗi tỉnh đều có trường cao đẳng hoặc trung học y tế. Tại tuyến huyện, phòng Y tế là cơ quan QLNN trực thuộc và giúp việc UBND cấp huyện thực hiện chức năng QLNN về chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Tuyến huyện có đơn vị sự nghiệp là bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế huyện nhưng do Sở Y tế quản lý. Các xã, phường, thị trấn có trạm Y tế là đơn vị chuyên môn kỹ thuật do trung tâm Y tế huyện quản lý.

(ii) Tổ chức thực thi chiến lược, quy hoạch, chính sách PTNNLYT trình độ cao

Tổ chức thu hút, tuyển dụng, bố trí và sử dụng NNLYT trình độ cao: Trên cơ sở chính sách thu hút, tuyển dụng, bố trí và sử dụng NNLYT trình độ cao đã được ban hành, bộ máy QLNN về PTNNLYT ở địa phương triển khai các hoạt động cụ thể theo sự phân công, đồng thời phối hợp để đạt kết quả tổng thể. Công tác thu hút, tuyển dụng, bố trí và sử dụng NNLYT trình độ cao bao giờ cũng theo một quy trình gồm nhiều công việc khác nhau, nhằm lựa chọn được những người phù hợp nhất đối với tổ chức dựa vào những chính sách, quy định của pháp luật, chế độ, tiêu chuẩn và các bước tiến hành được Nhà nước ban hành.

Để đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra, các cơ quan QLNN phải tập trung vào các trọng tâm: Xây dựng đề án vị trí việc làm trong hệ thống y tế địa phương; Dự báo nhu cầu NNLYT trình độ cao phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe; Xác định chính xác nguồn thu hút, tuyển dụng NLYT trình độ cao; Thiết kế và thực hiện quy trình thu hút, tuyển dụng NNLYT trình độ cao khoa học và đúng quy định; Bố trí và sử dụng NNLYT trình độ cao một cách phù hợp. Đây thực chất là hoạt động bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, điều động, biệt phái NNLYT trình độ cao dựa trên nguyên tắc: Phù hợp với những khả năng, thế mạnh của NLYT; Đảm bảo logic hiệu suất; Đảm bảo logic tâm lý; Phải trù tính trước (theo quy hoạch).

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng NNLYT trình độ cao: Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình truyền đạt và rèn luyện những kiến thức và kỹ năng thực hành, đạo đức nghề y. Đây cũng là nội dung rất quan trọng trong QLNN về PTNNLYT trình độ cao với các khía cạnh chính: Nội dung đào tạo, bồi dưỡng: Với ngành y tế, mỗi chuyên khoa khác nhau đều có những yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng, phương pháp làm việc khác nhau, nhưng một số nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp là: Kiến thức chuyên môn và chuyên môn sâu theo từng vị trí chức danh, chuyên khoa; Kỹ năng, phương pháp làm việc theo yêu cầu chuyên môn; Lý luận chính trị và pháp luật; Kỹ năng mềm khác cho NNLYT; Kiến thức quản lý hành chính nhà nước; Tin học, ngoại ngữ, khoa học và công nghệ...;

Hình thức đào tạo, bồi dưỡng: Đào tạo tập trung và đào tạo phi tập trung; Đào tạo dài hạn, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng theo chuyên đề; Tự bồi dưỡng... Ở nước ta, đào tạo NNLYT trình độ cao đang duy trì các hình thức: Đào tạo chính quy hoặc vừa làm vừa học (trình độ cao đẳng, đại học, chuyên khoa, nội trú bệnh viện, sau đại học, đào tạo liên thông từ trình độ thấp lên trình độ cao...); Đào tạo, bồi dưỡng liên tục đối với NNLYT.

Tổ chức đãi ngộ NNLYT trình độ cao: Chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực quy định cách đối đãi, đối xử thực tế của tổ chức đối với người lao động trong quá trình họ làm việc. Để đảm bảo thu hút, duy trì và sử dụng có hiệu quả NNLYT trình độ cao ở địa phương cơ quan QLNN cần chú trọng tổ chức triển khai 2 nhóm công cụ cơ bản: Đãi ngộ tài chính như: tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, phụ cấp, dịch vụ và phúc lợi; Đãi ngộ phi tài chính như: công việc phù hợp; công việc đa dạng, hấp dẫn, thú vị; công việc an toàn; công việc có cơ hội thăng tiến; công việc có cơ hội được đào tạo; môi trường làm việc, điều kiện làm việc; các hoạt động văn thể, thể dục, thể thao,… Đãi ngộ NNLYT cần chú ý đảm bảo một số nguyên tắc và yêu cầu nhất định. Một số nguyên tắc được kể đến như: tập trung dân chủ, khoa học thực tiễn, hài hòa. Một số yêu cầu như: công bằng, công khai, kịp thời, có lý có tình, rõ ràng dễ hiểu. Việc triển khai thực hiện đãi ngộ NNLYT cần được thực hiện một cách đặc biệt và có sự khác biệt đối với từng chức danh, vị trí việc làm, địa điểm công tác khác nhau.

2.2.3. Kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển NNLYT trình độ cao

(i) Kiểm tra, giám sát là một chức năng của QLNN nói chung và QLNN về PTNNLYT nói riêng. Mục đích của kiểm tra là nhằm giúp cho nhà quản lý có được những thông tin chính xác về thực trạng vận hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, qua đó phát hiện những sai sót, những lệch lạc trong quá trình vận động của tổ chức và có những biện pháp điều chỉnh kịp thời. Về nội dung: kiểm tra, giám sát nguồn lực; kiểm tra, giám sát quá trình; kiểm tra, giám sát đầu vào và đầu ra của hoạt động PTNNLYT trình độ cao. Về hình thức kiểm tra, giám sát có: thường xuyên theo kế hoạch; đột xuất; đầu vào, đầu ra của quá trình hoạt động; việc bố trí, khai thác và sử dụng nguồn lực; việc chấp hành và thực hiện các quy định của Nhà nước và của tổ chức về PTNNLYT trình độ cao.

(ii) Đánh giá PTNNLYT trình độ cao thực chất là việc so sánh giữa kết quả đạt được của mục tiêu PTNNLYT trình độ cao đã đề ra của địa phương. Thông qua đánh giá cơ quan QLNN có thể nhìn nhận và xem xét kỹ lại quá trình thu hút, tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; đãi ngộ NNLYT trình độ cao từ đó có những kết luận khách quan về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đánh giá việc PTNNLYT trình độ cao thường tập trung vào các nội dung: Đánh giá về số lượng, chất lượng NNLYT trình độ cao; đánh giá về cơ cấu NNLYT trình độ cao; Đánh giá về cung cầu NNLYT trình độ cao đã đạt được từ việc triển khai PTNNLYT trình độ cao. Để đánh giá PTNNLYT trình độ cao cần dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá phải đo lường được, phản ánh được mục tiêu, phù hợp với đối tượng đánh giá. Các tiêu chuẩn này phản ánh tính hiệu lực, khả thi, phù hợp, hiệu quả của QLNN về PT NNLYT trình độ cao.

Tóm lại, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ PTNNLYT trình độ cao cần được quan tâm đặc biệt. Điều này cũng được khẳng định trong Chiến lược PTNNLYT cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á do WHO hỗ trợ xây dựng. Đây là cơ sở khoa học quan trọng cho những nghiên cứu thực chứng về QLNN về PTNNLYT trình độ cao ở địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Fleming Fllon Jr, Charles R. McConnell (2013), Human Resource Management in Health Care.
  2. Gilles Dussault and Carl-Ardy Dubois (2003), Human resources for health policies: a critical component in health policies, Human Resources for Health.
  3. Jennifer Nyoni, Akpa Gbary, Magda Awases, Prosper Ndecki và Rufaro Chatora (2006), Policies and Plans for Human Resources for Health – Guidelines for Countries in the WHO African Region, WHO Regional Office for Africa.
  4. Nguyễn Minh Lợi (2017), QLNN về đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam hiện nay, luận án tiến sĩ.
  5. Walter J Flynn, Robert L. Mathis, John H Jackson (2006), Healthcare Human Resource Management.

A theoretical research on state management of local high quality human resource development for health 

   Master. Bui Thi Anh Tuyet

General Hospital of Son La Province

ABSTRACT:

Medical profession is a specific profession and high-quality human resources for health are special resources as they directly perform tasks related to people's health and the lives of patients. Medical profession has its specific characteristics with professional ethics. The healthcare sector has a high demands for labours but it has many risks and uncertainties. As a result, the development and training of high-quality human resources for health require a great investment and attention from the government.

This research on “State management of human resource development in the healthcare sector" is a topic that has been done by some domestic and foreign authors. On the basis of inheriting and developing a step to formulate a theoretical framework of state management on the development of high quality local health human resources in a systematic manner in order to be suitable to Vietnam's socio-political conditions.

Keywords: Human resources, health, high skill, locality, state management.