Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói gì về giá thép tăng?

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép liên tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp sử dụng thép làm nguyên liệu. Tạp chí Công Thương đã có trao đổi nhanh với ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam về một số giải pháp có thể triển khai trong tình huống thị trường này.
pham chi cuong
 Ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

TCCT: Theo ông tại sao giá thép gần đây lại tăng đến vậy, thưa ông?

Ông Phạm Chí Cường: Chuyện giá thép tăng cao những tháng gần đây nhắc tôi nhớ đến nhiều chuyện của “ngày xưa”. Nhưng dù xưa đến đâu thì cũng chung nhau một quy luật, đó là giá thép trong nước tăng vì giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng. Chúng ta phụ thuộc vào nguyên vật liệu của thế giới, một cách dễ hiểu là khi thế giới tăng giá nguyên nhiên liệu thì mình buộc phải tăng giá sắt thép.

Bên cạnh đó, chúng ta là láng giềng của Trung Quốc, một thị trường có tầm cỡ lấn át cả thế giới bởi chiếm già nửa tổng lượng thép toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ nên chú trọng thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước. Ngoài ra, theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021, thì riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.

Khi Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ đất nước này thì việc họ tăng mình cũng phải tăng, họ hạ mình cũng phải hạ là điều không tránh khỏi, vì mình mua nguyên liệu chính là của họ. Việt Nam cũng giống như các nước Nam Á thôi, như Hàn Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản, khi nhập gần như tất cả nguyên liệu của luyện thép thì lúc nó tăng lên như thế làm sao có thể sản xuất được giá rẻ, cho nên cũng phải tăng theo thôi!

bieu do
Biểu đồ sản lượng và trị giá nhập khẩu thép Việt Nam năm 2019, năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021 (theo Hiệp hội Thép Việt Nam)

TCCT: Vậy ông nhận định gì về cách xử trí tình huống thị trường như thế này?

Ông Phạm Chí Cường: Tôi theo dõi thì thấy đồng ý với cách xử trí đầu tiên của Bộ Công Thương đó là thực hiện công tác kiểm tra giá thành có hợp lý không, có hiện tượng đầu cơ, tích trữ thép, ép người tiêu dùng…  

Ngay bây giờ, tôi cho rằng việc cần làm là tránh những nguy cơ có thể xảy ra. Đó là Hiệp hội Thép Việt Nam phải thống nhất với Nhà nước là không bao giờ để thiếu thép ở Việt Nam, các doanh nghiệp đừng có ham xuất quá để đến lúc các doanh nghiệp thép trong nước không đủ thép lại phải mua với giá cao.

Bên cạnh đó là có thể là bớt xuất khẩu phôi, ví dụ như với vai trò điều hòa của Hiệp Hội Thép, cần điều chỉnh, yêu cầu các doanh nghiệp ngoài việc chống đầu cơ tích trữ, găm hàng chờ sốt giá, hãy điều hòa hàng hóa, tránh gây sốt hoặc những hiệu ứng nhất thời, đột biến, ảnh hưởng đến lợi ích chung của thị trường.

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ ngày 20/5/2021 về tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai một số nhiệm vụ nhằm ổn định cung cầu, giá thép trong thời gian tới, bao gồm:

- Nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

- Chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

- Theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

- Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. 

 

Minh Thủy (thực hiện)