Nhân lực công nghệ cao - Bao giờ hết thiếu?

Nhân lực công nghệ cao (NLCNC) là một nguồn lực vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Không thể có công nghệ cao khi chưa có đội ngũ NLCNC có đủ trình độ, tay nghề và tâm huyết, gắn bó vớ

Việt Nam chưa sở hữu hoặc làm chủ được bất kì công nghệ nguồn nào thuộc lĩnh vực CNC, đó là nhận định của nhiều chuyên gia về thực trạng phát triển CNC ở nước ta hiện nay và một trong những nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này là đội ngũ nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chất lượng. Giải quyết bài toán nguồn NLCNC đang là yêu cầu bức thiết để Việt Nam phát triển CNC, từ đó làm chủ và có được công nghệ cốt lõi cho riêng mình. Hiện nay, Việt nam có 321 trường đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành công nghệ cao như Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ tự động hóa và Công nghệ vật liệu, chỉ tính riêng trong lĩnh vực thông tin, hàng năm có khoảng 110.000 kỹ sư ra trường… Nếu chỉ nhìn vào những con số trên, nhiều người sẽ cho rằng chúng ta đang có NLCNC dồi dào, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, thực tế lại không như thế. Theo số liệu thống kê, trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, hiện chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp có thể phục vụ tốt ngành này. Trong các lĩnh vực Công nghệ sinh học, Công nghệ tự động hóa, Công nghệ vật liệu mới, nguồn nhân lực "làm được việc" luôn ở trong tình trạng "cung không đủ cầu". Theo TS. Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: thực tế này cũng đã và đang diễn ra tại hai khu công nghệ cao của cả nước. Và vấn đề tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu thì đây là điểm yếu của Việt Nam. Ngay như ở 2 khu công nghệ cao thì vơí công nghệ thường chúng ta cũng đã thiếu và yếu chứ chưa nói gì đến CNC. Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì một trong những nguyên nhân lớn nhất là do hệ thống đào tạo của nước ta còn nhiều bất cập. Đầu tư cho đào tạo NLCNC cao chưa được chú trọng đúng mức, thiếu sự kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo, sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành còn chưa được quan tâm. 

Trong những thành quả mà khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, có sự đóng góp không nhỏ của CNC và tất nhiên, nhân tố con người đóng một vai trò to lớn trong thành công này. Vì thế, để khoa học công nghệ, nhất là CNC là động lực cho các ngành kinh tế - xã hội phát triển, cần thiết phải giải cho được bài toán về nguồn nhân lực. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những chính sách, mô hình liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp để hình thành mạng lưới nghiên cứu, đào tạo và sản xuất sản phẩm CNC, cũng như cần phải có một số chính sách và những ưu đãi cụ thể để phát triển nguồn NLCNC tại Việt Nam trong thời gian tới. Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng nói: chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, nhưng để đào tạo bài bản nguồn nhân lực này thì chúng ta còn thiếu. Vì vậy, mô hình gắn kết viện - trường - doanh nghiệp sẽ tạo được nguồn nhân lực cho các khu CNC và một số khu khác. Nhu cầu về nhân lực là rất cần thiết, vấn đề còn lại là sự bắt tay mật thiết của các đơn vị có liên quan và vai trò quan trọng của Nhà nước để từng bước tìm ra lời giải cho bài toán đào tạo NLCNC theo nhu cầu của xã hội trong thời gian tới. Với hơn 60% dân số trẻ, nước ta được đánh giá có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, hơn nữa lại nắm bắt khoa học kỹ thuật nhanh. Tuy nhiên, để có thể có được NLCNC cao đủ cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thì một chính sách phát triển NLCNC rõ ràng và nhất quán sẽ là động lực đưa CNC nước nhà phát triển theo kịp khu vực và thế giới. Đây là một vấn đề then chốt nữa để tiếp cận với công nghệ và nguồn nhân lực. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có những chương trình đào tạo ráo riết, nhưng để có được đội ngũ này đủ đáp ứng yêu cầu thì cũng phải mất 5 - 7 năm. Hiện nay, ngoài hai khu CNC đa chức năng là khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) và khu CNC TP. HCM, còn có 10 khu công viên phần mềm, 19 khu công nghiệp, nông nghiệp CNC đang hiện hữu. Do đó, xây dựng các khu CNC, cùng với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút những dự án đầu tư, nhân lực từ bên ngoài vào làm việc, từ đó tranh thủ đào tạo đội ngũ NLCNC đó là con đường "đi tắt đón đầu", phù hợp với hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam. 

Mục tiêu từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ có được số lượng lớn NLCNC đạt trình độ khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Công nghệ cao cũng cho thấy Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho đào tạo NLCNC cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia phát triển NLCNC.