Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết tại Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ KIM CÚC (Khoa Kế toán - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và PHẠM THỊ MỸ LINH (Học viên Cao học K26 - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm xem xét mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, là phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp nghiên cứu định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố như tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập, kiểm toán độc lập, quy mô công ty, đòn bẩy tài chính, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn không thuộc ban điều hành đều tác động đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra hàm ý với từng nhân tố tác động nhằm hạn chế hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý, nâng cao tính trung thực và hợp lý trên Báo cáo tài chính (BCTC), giúp nhà đầu tư có cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.

Từ khoá: Hành vi điều chỉnh lợi nhuận, phát hành thêm cổ phiếu, công ty niêm yết.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển mạnh mẽ vào những năm gần đây đã thu hút rất nhiều người tham gia vào TTCK. Việc quyết định danh mục đầu tư của các nhà đầu tư dựa vào nhiều yếu tố, một trong số đó nhà đầu tư chú trọng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành thêm cổ phiếu để thu hút nguồn vốn đầu tư, nhà quản lý sẽ có khả năng điều chỉnh lợi nhuận tăng lên làm cho nhà đầu tư thấy rằng doanh nghiệp đang hoạt động thực sự hiệu quả và sẽ có triển vọng phát triển trong tương lai. Nhà quản lý sẽ dựa vào tính linh hoạt của chuẩn mực và chế độ kế toán, để thực hiện điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp theo ý muốn chủ quan của mình. Từ đó làm cho nhà đầu tư có cái nhìn không chuẩn xác về thực trạng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết tại Việt Nam là vấn đề cần thiết, kết quả nghiên cứu là cơ sở đề xuất các giải pháp hạn chế hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Điều chỉnh lợi nhuận

Healy và Wahlen (1999) định nghĩa, hành vi điều chỉnh lợi nhuận là việc nhà quản lý sử dụng các đánh giá chủ quan của mình thông qua các ước tính kế toán, lựa chọn phương pháp kế toán hoặc giao dịch nội bộ để tác động đến BCTC, nhằm đánh lừa các bên liên quan nhất định hoặc làm ảnh hưởng đến các hợp đồng mà có cam kết dựa trên chỉ tiêu lợi nhuận kế toán. Ngược lại với quan điểm trên, Beneish (2001) cho rằng, điều chỉnh lợi nhuận là sự can thiệp có cân nhắc nhằm cung cấp thông tin tài chính hữu ích, trung thực về tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cho nhà đầu tư và các bên liên quan, nhằm giúp họ đưa ra các quyết định tài chính liên quan đến doanh nghiệp. Nhìn chung, có nhiều quan điểm khác nhau về hành vi điều chỉnh lợi nhuận dựa trên cách nhìn nhận về đặc điểm cũng như cách thức thực hiện, theo đó bài nghiên cứu này tác giả sẽ xem xét điều chỉnh lợi nhuận dưới góc độ là hành vi của nhà quản lý, làm cho lợi nhuận tăng hoặc giảm tùy thuộc vào mục tiêu mà nhà quản lý đặt ra, bằng việc vận dụng linh hoạt các chính sách kế toán trong khuôn khổ chuẩn mực kế toán hoặc sử dụng xét đoán chủ quan, dàn xếp một số giao dịch thực nhằm tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, mặc dù các giao dịch đó có thể không có lợi cho công ty trong dài hạn.

2.2. Xây dựng giả thuyết nghiên cứu

2.2.1. Nhân tố tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập

Trong các công ty cổ phần, cổ đông công ty là những người đầu tư góp vốn vào công ty, là những người sở hữu vốn, còn người quản lý có thể sở hữu một phần vốn hoặc không sở hữu nhưng trực tiếp sử dụng vốn và điều hành mọi hoạt động công ty. Hai thành phần này đôi lúc có sự mâu thuẫn về mặt lợi ích. HĐQT là bộ phận quan trọng trong cơ chế quản lý của các công ty cổ phần, nó đóng vai trò lớn trong việc giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa nhà quản trị và chủ sở hữu doanh nghiệp. Nghiên cứu Klein (2002) sử dụng mẫu nghiên cứu là 687 công ty Mỹ trong giai đoạn nghiên cứu từ năm 1991-1993, vận dụng mô hình của Jones (1991) kết luận rằng, tồn tại mối quan hệ nghịch giữa tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT và điều chỉnh lợi nhuận. Từ những lập luận trên, giả thuyết sau được đặt ra:

H1: Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập của doanh nghiệp càng cao thì khả năng điều chỉnh lợi nhuận trên BCTC của công ty niêm yết khi phát hành thêm cổ phiếu càng ít.

2.2.2. Nhân tố kiểm toán độc lập

Theo lý thuyết đại diện, các cổ đông có thể sử dụng cơ chế giám sát thông qua kiểm toán độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình. Những công ty kiểm toán quốc tế như nhóm Big Four thường được xem là có uy tín trong ngành và chất lượng kiểm toán cao, họ có nguồn lực tài chính dồi dào, đội ngũ kiểm toán viên độc lập chuyên nghiệp, kiến thức vững, được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, những công ty niêm yết được các công ty Big Four thực hiện kiểm toán thì BCTC được xem là có chất lượng cao. Becker và cộng sự (1998) sử dụng mô hình Jones (1991) với 10.379 quan sát những công ty được kiểm toán bởi nhóm Big Four và 2.179 quan sát những công ty được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán khác trên TTCK Mỹ trong giai đoạn từ năm 1989-1992, rút ra kết luận rằng, những khách hàng của công ty kiểm toán khác có biến kế toán dồn tích có thể điều chỉnh (discretinonary accruals - DA) cao hơn từ 1,5% - 2,1% so với các khách hàng của các công ty kiểm toán Big Four. Dựa trên lý thuyết đại diện và từ những lập luận ở trên, nghiên cứu này đặt ra giả thuyết sau.

H2: Những công ty được kiểm toán bởi Big Four thì điều chỉnh lợi nhuận thấp hơn.

2.2.3. Nhân tố quy mô doanh nghiệp

Cổ đông của một doanh nghiệp lớn thường không tập trung một nơi, rải rác ở nhiều vùng của một quốc gia và các quốc gia khác nhau. Vì vậy, những cổ đông của doanh nghiệp chính là những người chủ sở hữu sẽ ủy quyền cho các nhà quản lý điều hành công ty, điều này tạo nên khoảng cách giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, khoảng cách này càng lớn. Lobo, Zhou (2006) và Shen, Chih (2007) đã kết luận trong nghiên cứu của họ, doanh nghiệp có quy mô lớn thì cơ hội và động cơ điều chỉnh lợi nhuận theo hướng san bằng lợi nhuận và khai khống lợi nhuận lớn, do sự linh hoạt trong hoạt động của các doanh nghiệp và người sử dụng thông tin rất khó khăn để phát hiện ra điều đó. Dựa trên kết quả của các nghiên cứu thực nghiệm của một số tác giả và xem xét trường hợp của các công ty niêm yết ở Việt Nam, nghiên cứu này đặt ra giả thuyết sau:

H3: Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì điều chỉnh doanh nghiệp càng cao.

2.2.4. Nhân tố đòn bẩy tài chính

Tỷ số nợ trên tài sản được tính bằng tổng nợ chia cho tổng tài sản và đại diện cho khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp. Tỷ số này càng thấp, tức là nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp là do sự góp vốn từ các cổ đông chứ không phải đi vay là chủ yếu, thì khoản nợ vay càng được đảm bảo trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản và nếu tỷ lệ nợ quá cao thì doanh nghiệp dễ bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, do đó sẽ dẫn đến rủi ro tranh chấp, khả năng sai phạm càng xảy ra. Các chủ sở hữu thích tỷ số này cao vì họ không phải bỏ vốn góp nhiều mà muốn lợi nhuận tăng. Theo nghiên cứu của Watts và Zimmerman (1990) cho thấy có tỷ lệ nợ phải trả trong cấu trúc vốn của công ty cao thì nhà quản lý có khả năng điều chỉnh tăng lợi nhuận để loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực khi đòn bẩy tài chính cao và tránh những rắc rối liên quan đến chủ nợ. Dựa vào những lập luận trên, nghiên cứu này đặt ra giả thuyết sau:

H4: Những công ty có đòn bẩy tài chính càng lớn thì điều chỉnh lợi nhuận càng cao.

2.2.5. Nhân tố tỷ lệ sở hữu công ty được đại diện là các tổ chức

Quyền sở hữu tổ chức được định nghĩa là sở hữu cổ phần của các tổ chức tài chính và các công ty phi tài chính. Quyền sở hữu tổ chức được coi là tốt cho thực hành quản trị tổng thể. Vì các nhà đầu tư tổ chức được khuyến khích nhiều hơn và có nhiều nguồn lực hơn để kiểm soát các nhà quản lý so với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, hiệu quả hơn và thực hiện tốt hơn. Wong (2006) đã chọn mẫu 613 công ty từ ngành xây dựng, sản phẩm công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng, tại Malaysia, giai đoạn 2001-2003, kết quả của ông cho thấy không tồn tại mối quan hệ giữa mức độ quản lý thu nhập và quyền sở hữu tổ chức. Dựa trên kết quả của các nghiên cứu trước và những lập luận ở trên, nghiên cứu này đặt ra giả thuyết sau:

H5: Tỷ lệ sở hữu công ty đại diện tổ chức càng lớn thì điều chỉnh lợi nhuận càng thấp.

2.2.6. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn không nằm trong ban điều hành của công ty

Các tài liệu về quản trị doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò của các cổ đông lớn trong quản lý giám sát (ví dụ: Shleifer và Vishny, 1986). Việc tăng cường sức mạnh của cổ đông lớn nhằm giảm bớt xung đột giữa các cổ đông và quản lý. Sự căng thẳng này liên quan đến chính sách về việc tăng quyền kiểm soát cổ đông đối với các quyết định của công ty. Kết quả nghiên cứu của Guthrie và Sokolowsky (2010) cho thấy công ty điều chỉnh tăng lợi nhuận càng lớn quanh thời điểm phát hành thêm cổ phiếu nếu công ty có những cổ đông lớn không nằm trong ban điều hành của công ty chiếm tỷ lệ cao. Dựa trên kết quả của các nghiên cứu trước và những lập luận ở trên, nghiên cứu này đặt ra giả thuyết sau:

H6: Tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn không nằm trong ban điều hành công ty càng lớn thì điều chỉnh lợi nhuận càng cao.

2.3. Mô hình nghiên cứu

Tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp:

- Phương pháp định tính: Qua việc thu thập thông tin, dùng phương pháp thống kê mô tả, so sánh để phân tích, đánh giá một số biểu hiện điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết có phát hành thêm cổ phiếu trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017.

- Phương pháp định lượng: Sử dụng phần mềm SPSS 20 để xác định hệ số hồi quy, trên cơ sở đó xây dựng phương trình các nhân tố tác động đến điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết có phát hành thêm cổ phiếu. Từ đó, kiểm định sự tác động của các nhân tố đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty trên. Khi quá trình kiểm định hoàn tất, tác giả tiến hành phân tích kết quả và đưa ra một số kiến nghị phù hợp.

3.2. Dữ liệu nghiên cứu

Mẫu được chọn từ tổng thể nghiên cứu ban đầu là các công ty cổ phần niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) và sàn UPCOM có phát hành thêm cổ phiếu từ năm 2010 đến năm 2017 với hình thức phát hành thêm cổ phiếu. Các công ty bị loại do (i) phát hành lần hai, lần ba, lần bốn (bởi vì có bằng chứng cho rằng, những công ty phát hành thêm có hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm mạnh sau thời điểm phát hành); (ii) công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, ngân hàng (do những công ty này hạch toán kế toán theo chế độ kế toán riêng); (iii) BCTC không đầy đủ bốn báo cáo. Mẫu nghiên cứu cuối cùng là 197 công ty, BCTC của các công ty này đã được kiểm toán; BCTC phải có đủ bốn báo cáo; BCTC dưới dạng file PDF hoặc word được thu thập trực tiếp từ website của công ty hay sàn giao dịch chứng khoán.

4. Kết quả nghiên cứu

Theo như mô hình, biến phụ thuộc là biến dồn tích có thể điều chỉnh được (DA). Kết quả thống kê chỉ ra rằng giá trị trung bình của biến dồn tích có thể điều chỉnh được đó là 1.832 với độ lệch chuẩn 1.9850, với giá trị lớn nhất 15.4 và giá trị nhỏ nhất là -0.7. Điều này có nghĩa là các công ty đang có xu hướng thực hiện điều chỉnh lợi nhuận tăng lên vào thời điểm trước khi doanh nghiệp chuẩn bị phát hành thêm cổ phiếu, nhằm nỗ lực tạo ra một BCTC tốt, thu hút nhà đầu tư trong ngắn và dài hạn. 

Theo Bảng 4.2 qua các chỉ số sig<0.05 ta nhận thấy có sự tương quan giữa các biến phụ thuộc và các biến độc lập với nhau, đồng thời giữa các biến độc lập không thì không tương quan. Đây chính là cơ sở đủ điều kiện để thực hiện các phân tích tiếp theo.

1. Biến phụ thuộc: DA

2. Tất cả các biến đều được đưa vào

Dựa vào Bảng 4.3, ta thấy được cả sáu biến độc lập đều được đưa vào mô hình, không có biến nào bị loại bỏ.

Hệ số xác định R2 và R2 hiệu chỉnh (Adjust R square) được dùng để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình. Vì R2 sẽ tăng khi đưa thêm biến độc lập vào mô hình nên dùng hiệu chỉnh sẽ an toàn hơn khi đánh giá độ phù hợp của mô hình. R2 hiệu chỉnh của mô hình này là 0.449, có nghĩa là 44.90% sự biến thiên của hành vi điều chỉnh lợi nhuận được giải thích bởi các biến độc lập.

Về mức độ phù hợp của mô hình thống kê qua phân tích phương sai với sig<0.05, ta có thể nhận xét rằng các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc.

Bảng 4.5 là bảng tổng hợp về việc phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Dựa vào chỉ số VIF, tất cả các biến đều nhỏ hơn 2, chứng tỏ các biến độc lập đều không bị hiện tượng đa cộng tuyến.

Vì thế, phương trình hồi quy tuyến tính được thể hiện mức độ tác động của các nhân tố theo hệ số Beta chuẩn hóa như sau:

DA = -0.147HĐQT – 0.125KTĐLĐL+ 0.150QMDN – 0.532ĐBTC + 0.237SHCĐL

Dựa vào kết quả hồi quy đa biến, cho thấy cột ý nghĩa sig < 0.05, như vậy các biến độc lập tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập (HĐQT), kiểm toán độc lập (KTĐL), quy mô doanh nghiệp (QMDN), đòn bẩy tài chính (ĐBTC) và tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn (SHCĐL) có tác động tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết. Nhân tố đòn bẩy tài chính có tác động mạnh nhất với β = -0.532, tiếp đó đến nhân tố tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập và cuối cùng nhân tố kiểm toán độc lập có ảnh hưởng thấp nhất với  β = 0.125.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Tác giả khuyến nghị một số đề xuất như sau:

- Đối với Nhà nước: Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam theo hướng coi trọng tính thống nhất trong ước tính kế toán để lập BCTC, hướng dẫn đối với việc áp dụng các ước tính kế toán một cách cụ thể và kiểm tra chặt chẽ các ước tính kế toán. Từ đó làm cho nhà quản lý khó khăn hơn trong việc thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Bên cạnh đó là phải tiến hành kiểm soát chất lượng kiểm toán, đó là sự tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của các kiểm toán viên và công ty kiểm toán, thể hiện ở tính chuyên nghiệp như trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp.

- Đối với ngân hàng: Cần thắt chặt vấn đề xem xét khả năng chi trả và tình hình hoạt động của công ty một cách chính xác khi đó mới quyết định cho doanh nghiệp vay hay là không.

- Đối với nhà đầu tư: Trong bối cảnh kinh tế phát triển như hiện nay, sức ép đối với các công ty niêm yết có phát hành thêm cổ phiếu để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch là rất lớn. Các doanh nghiệp này có thể sẽ vận dụng nhiều thủ thuật kế toán để thổi phồng lợi nhuận, làm đẹp BCTC nhằm giữ giá cổ phiếu, tránh sức ép của cổ đông, phát hành thêm vốn thu hút nhà đầu tư để chống đỡ lại những khó khăn tài chính. Vì vậy, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc tìm hiểu thông tin và đưa ra quyết định đầu tư vào các công ty niêm yết có phát hành thêm cổ phiếu ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Thị Bích Vân (2017), “Điều chỉnh lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam”, Luận án tiến sĩ kế toán, Đại học Đà Nẵng.

2. Phan Nguyễn Thùy Uyên (2015), “Các nhân tố quản trị công ty ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết trong trường hợp có phát hành thêm cổ phiếu”, Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.

3. Thái Thị Hằng (2014),“Nghiên cứu việc điều chỉnh lợi nhuận lợi nhuận trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM”, Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.

4. Becker, C. M. Defond J. Jiambalvo and K. Subramanyam (1998), “The effect of audit quality on earnings management”, Contemporary Accounting Research, Vol. 15, pp 1-24.

5. Beneish, M (2001), “Earnings Management: A Perspective”, Managerial Finance, Vol. 27, No. 12, pp 3-17.

6. Guthrie, Katherine and Jan Sokolowsky (2010), “Large Shareholders and the Pressure to Manage Earnings”, Journalof Corporate Finance, Vol 6, No 3, pp 302-319.

7. Healy, P, Wahlen, J (1999), “A review of the earnings management literature and its implications for standard setting”, Accounting Horizons, Vol 13, pp 365-383.

8. Klein, A (2002), “Audit Committee, Board of Director Characteristics, and Earnings Management”, Journal of Accounting and Economics, Vol. 33, No. 3, pp 375-401.

9. Lobo, G. J., and Zhou, J (2006), “Did conservatism in financial reporting increase after the Sarbanes-Oxley Act? Initial evidence”, Accounting Horizon, Vol. 20, No.1, pp 57-73.

10. Wong, Shi Yang, (2006), “The Effect of Board Structure and Institutional Ownership on Earnings Management”, Masters thesis, University Putra Malaysia.

FACTORS IMPACTING ON THE PROFIT-ADJUSTMENT BEHAVIOR OF LISTED COMPANIES IN VIETNAM WHEN THEY ISSUE NEW STOCKS

● Ph.D. NGUYEN THI KIM CUC

Faculty of Accounting, University of Economics - Ho Chi Minh City

PHAM THI MY LINH

K26 Post-graduate student, University of Economics - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study is to examine the relations among factors impacting on the profit-adjustment behavior of listed companies in Vietnam when they issue new stocks. This study was conducted by using the mixed method which includes both qualitative and quantitative approaches. The results indicate that (1) the proportion of independent members in the Board of Directors, (2) the independent auditing, (3) the companys size, (4) the level of financial leverage and (5) the proportion of shares held by major non-executive shareholders affect the profit-adjustment behavior of listed companies in Vietnam when they issue new stocks. Based on results, the author proposes some implications for each influencing factors to minimize the profit-adjustment behavior of companies in order to improve the transparency and reasonability of their financial statements, helping investors to make more accurate investment decisions.

Keywords: Profit-adjustment behavior, new share issuance, listed companies.