Nhộn nhịp du khách thập phương dâng hương Đền thờ Ông Hoàng Bảy

Từ nhiều năm nay, Đền Bảo Hà nơi thờ Ông Hoàng Bảy đã trở thành địa điểm du Xuân vô cùng hấp dẫn với du khách thập phương.

Trong những ngày đầu Xuân năm mới 2024 này, Đền Bảo Hà đã đón hàng vạn du khách đến dâng hương Ông Hoàng Bảy với mong muốn một năm mới bình an, may mắn, việc làm ăn buôn bán được thuận lợi hanh thông.

Đây là ngôi đền cổ gắn với lịch sử của danh tướng Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy - thường gọi là Ông Hoàng Bảy, danh tướng thứ bảy họ Nguyễn. Ông đã có công lớn trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc.

Ông Hoàng Bảy là ai?

Ông Hoàng Bảy là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ được người dân tôn kính trong tín ngưỡng đạo Mẫu. Tên húy của ông là Nguyễn Hoàng Bảy, thuộc hàng vị thứ Bảy trong Thập Vị Quan Hoàng.

Tương truyền, khi còn sống, Ông Hoàng Bảy là vị quan triều đình được giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê.

Ông Hoàng Bảy là vị quan triều đình được giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê
Ông Hoàng Bảy là vị quan triều đình được giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê

Với trí tuệ cao siêu và tài năng thao lược, Ông Hoàng Bảy đã có nhiều công lao to lớn trong việc đánh đuổi quân giặc, hộ quốc, an dân, sau này vị quan lỗi lạc này cũng đã hy sinh vì dân trong một lần chiến đấu. Sau khi hóa, lại hiển linh phù giúp nước nhà. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc - Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng… ông luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu.

Ông Hoàng Bảy là vị quan triều đình được giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê
Ông Hoàng Bảy đã có công lớn trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc.

Vì sao Đền Bảo Hà được chọn là nơi thờ ông Hoàng Bảy

Bảo Hà là vùng đất được Ông Hoàng Bảy giải phóng năm xưa và tương truyền cũng là nơi chôn cất ông. Đền Bảo Hà nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đền cách Thành phố Lào Cai khoảng 60 km về phía Nam, cách Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc.

Đền Bảo Hà có lưng tựa vào núi, mặt hướng theo dòng nước sông Hồng và nơi đây còn có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam theo thuyết phong thủy. Đền có quang cảnh thiên nhiên “trên bến dưới thuyền”.

Ông đã có công lớn trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc.
Toàn cảnh Đền Bảo Hà nơi thờ Ông Hoàng Bảy

Phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuộn chảy, phía hữu ngạn là một hồ rộng, tôn thêm vẻ đẹp cho nhà đền. Đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng). Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh mặc. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây cũng thật hữu tình: trên bến, dưới thuyền, xung quanh là núi rừng bao la, xanh mướt một màu.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.

Ông Hoàng Bảy
Đền thờ Ông Hoàng Bảy không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn mang lại giá trị về tâm linh rất lớn.

Đền Bảo Hà đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1997, sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nay được hiện hữu uy linh gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, Cung chúa Sơn Trang, Toà đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc không cầu kỳ. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đôi, Quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, …

Ông Hoàng Bảy
Ông Hoàng Bảy
Ông Hoàng Bảy khi hiển linh trong các giá hầu đồng thường mặc áo màu lam tím vì vậy Lễ dâng lên Ông Hoàng Bảy thường có màu tím

Khi đi lễ đền Ông Hoàng Bảy du khách thường cầu mong cho việc làm ăn buôn bán được thuận lợi hanh thông. Những người làm kinh doanh… cũng thường đến đền dâng lễ xin lộc. Ngoài ra, cũng có nhiều người đi lễ cầu an, cầu lộc, mong cho cuộc sống được yên ổn, bình an.

Hầu đồng Ông Hoàng Bảy - Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam

Ông Hoàng Bảy là vị thần thường về ngự đồng nhất trong Thập Vị Ông Hoàng. Các cô đồng/cậu đồng có căn quả sẽ mặc áo khoác xanh lam hoặc tím chàm, bên trên thêu hình rồng uốn lượn tạo thành chữ Thọ, trên đầu đội chiếc khăn xếp màu lam và sử dụng kim lệch có màu ngọc khi thực hiện nghi lễ hầu đồng Ông Hoàng Bảy. Lúc nhập vào cô đồng/cậu đồng, ông sẽ sử dụng cây hèo để múa đồng và chấm vào người xung quanh. Ông thường sẽ uống ba lần trà tàu và dùng thuốc lá khi ngự giá.

Ông Hoàng Bảy
Ông Hoàng Bảy
Nghi lễ hầu đồng Ông Hoàng Bảy là nghi lễ không thể thiếu tại đền Bảo Hà

Nhiều người tham dự nghi lễ hầu đồng Ông Hoàng Bảy với hi vọng về sự bình an, tài lộc và thành công trong công việc và cuộc sống. Đó cũng là lí do thu hút đông đảo du khách thập phương đến các ngôi đền vào dịp 17/7 Âm Lịch hàng năm.

Ông Hoàng Bảy
Ngày giỗ Ông Hoàng Bảy được tổ chức vào ngày 17/7 âm lịch hàng năm

Đền thờ Ông Hoàng Bảy không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn mang lại giá trị về tâm linh rất lớn. Đền Bảo Hà hiện nay có rất nhiều ngày lễ hội và trong đó có những ngày lễ chính như: Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch), đặc biệt là lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch), và lễ Tết muộn (Tết tất niên).

 

Nguyên Vỵ