Ngày 28 tháng 6 năm 2018, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo để công bố Lệnh của Chủ tịch nước số 02/2018/L-CTN ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2018 về công bố Luật Cạnh tranh. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh những điểm sửa đổi, bổ sung của Luật Cạnh tranh mới. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.
Ngày 12 tháng 6 năm 2018, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 với 95,28% đại biểu biểu quyết tán thành. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh mới được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả thực thi. Luật Cạnh tranh mới có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng như sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Luật cũng quy định bổ sung đối tượng áp dụng bao gồm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan nhằm bao quát mọi chủ thể có khả năng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh để tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử cho mọi chủ thể.
Thứ hai, sửa đổi và bổ sung hành vi cấm đối với cơ quan nhà nước
Kế thừa quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật tiếp tục bổ sung và làm rõ các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm đối với cơ quan nhà nước nhằm ngăn ngừa việc can thiệp của các cơ quan này có thể gây ra sai lệch trong quan hệ cạnh tranh bình đằng, lành mạnh trên thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ ba, thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế
Luật Cạnh tranh mới đã thay đổi căn bản về tư duy lập pháp, theo đó Luật thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Do đó, Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách máy móc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như qui định tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Ngược lại, Luật chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Thứ tư, tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi
Luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh năm 2004 bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh). Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, vì vậy, để Luật có thể được thực thi ngay sau khi có hiệu lực, Bộ Công Thương đang nhanh chóng bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Ngoài ra,trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, cơ quan truyền thông báo chí và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật.
Đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh cần hệ thống và rà soát lại toàn bộ nội dung các văn bản do mình ban hành để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không phù hợp hoặc trái với quy định của Luật Cạnh tranh.