Những vấn đề về Luật Cạnh tranh.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI, Chính phủ mới trình Dự án Luật cạnh tranh để Quốc hội cho ý kiến, như vậy là quá chậm so với gần 20 năm đổi mới, như nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định. Theo đán

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật cạnh tranh (LCT), chúng ta thấy 2 nội dung hết sức rõ ràng:

-          Một là quy định điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh.

-          Hai là quy định trình tự, thủ tục giải quyết các vụ, việc cạnh tranh.

Rất tiếc tại Điều 1 của Dự thảo lại chỉ đề cập đến quy định điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh…mà không đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc canh. Trong khi đó, có đến 50 trên 100 điều của Dự thảo đề cập đến điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, hoặc hạn chế cạnh tranh.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phảI cân nhắc kỹ hơn phạm vi của Luật này. Tuy là Luật cạnh tranh, nhưng trên thực tế lại thiên về chống độc quyền, chống cạnh tranh bất hợp pháp. Có ý kiến cho rằng, 100 điều của Luật cạnh tranh không thể bao quát hết các hành vi bị cấm trong cạnh tranh và việc thực hiện tố tụng xử lý vi phạm...và đề nghị nên xem xét lại tên của LCT.

Một trong những điểm yếu của những nhà soạn thảo văn bản pháp luật của Việt Nam hay mắc phải là thường chồng chéo, đưa ra nhiều quy định vừa thưà, vừa thiếu. Ví dụ, Tại Điều 5 của Dự thảo LCT quy định, trong trường hợp các văn bản quy phạm khác của quy định về LCT mà có nội dung khác với LCT thì áp dụng luật ban hành sau. Trong khi đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua và đang có hiệu lực đã quy định nếu có mâu thuẫn giữa các luật thì thi hành theo luật ban hành sau.

Tiếp đó, nhiều văn bản pháp luật của chúng ta khi soạn thảo và ban hành thường mắc lỗi về câu văn, từ ngữ mang nặng tính nghị quyết hoặc định tính, khó cho việc thực hiên và tạo điều kiện cho việc thực thi thế nào cũng đúng luật. Ví dụ: tại Điều 12, Khoản 1 quy định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường liên quan, nếu doanh nghiệp đó có thị phần từ 30% trở lên liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Thế nào là hạn chế cạnh tranh “đáng kể”. Tương tự, ở khoản 4, Điều 26 lại đưa khái niệm “dèm pha doanh nghiệp khác". Vâỵ thế nào là "dèm pha" và quy định này lại thuộc vào hàng định tính, không thuộc về định lượng, thì không ai hiểu chính xác và thực thi được. Nhưng kiểu tương tự như thế này thường xuyên xảy ra trong các văn bản pháp lụât, vì công chức của chúng ta ở các cấp đã quen nói chung chung, không cụ thể (vì thiếu hiểu biết), thường hô hào, luôn đưa mục tiêu, ước nguyện thay thế cho các biện pháp giải quyết cụ thể.

Một vấn đề nữa là khi soạn thảo các văn bản luật, chúng ta đều tham khảo luật tương tự của các nước tiên tiến (điều này không sai), nhưng nhiều khi lại tiếp thu thiếu chọn lọc, thiếu đi tính thực tiễn và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Do đó đã không ít những quy định pháp luật của chúng ta không thể thực thi được, thậm chí có những quy định chặt chẽ quá mà nhiều nước tiến tiến cũng không thể thực hiện được. 

Một hiện tượng khá phổ biến là khi soạn thảo các văn bản pháp luật, thì các cơ quan của Nhà nước thường không nằm trong đó. Và ở LCT này cũng không ngoại trừ. Cho nên nhiều ý kiến đề nghị phải bổ sung cơ quan quản lý nhà nước vào trong đối tượng áp dụng của LCT. Nhiều người cũng thắc mắc là tại sao ở Điều 97 chỉ quy định xử lý cán bộ, công chức vi phạm LCT, mà không thấy quy định xử lý các tổ chức, cơ quan vi phạm? 

Một vấn đề nữa mà lâu nay chúng ta quen nói và trong nhiều văn bản pháp luật cũng đề cập đến như ở LCT, đó là, trừng trị những kẻ lợi dụng kẽ hở pháp luật. Nói như vậy nghe rất thuận tai và có lý, nhưng thế nào là kẽ hở pháp luật? Phải chăng những gì Nhà nước không cấm là kẽ hở pháp luật? Nhưng chính luật pháp của chúng ta và các nước trên thế giới lại quy định mọi người có quyền làm những gì mà Nhà nước không cấm. Một nền dân chủ thực sự thì không thể trừng trị ai, nếu người đó không vi phạm pháp luật. Nhiều người đã khẳng định, một sự cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh những gì mà LCT không cấm.

Tóm lại, chúng ta cũng phải thừa nhận cạnh tranh là một quy luật tất yếu và là động lực phát triển nền kinh tế thị trường. Đối với các nước tư bản có 2 dạng nền kinh tế, đó là, nền kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế thị trường xã hội. Còn ở Việt Nam lại là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vì vậy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, một trong nhưng việc làm quan trọng nhất là xây dựng các văn bản pháp luật, cần cẩn trọng và đầu tư một cách hợp lý để có những người đủ kiến thức xây dựng luật.

  • Tags: