Những vướng mắc khi áp dụng pháp luật về ly hôn có yếu tố nước ngoài và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

ThS. NCS. Nguyễn Trường Thọ (Giảng viên Trường Đại học Kiên Giang), Lâm Tố Trinh (Học viên cao học, Trường Đại học Trà Vinh)

Tóm tắt:

Qua bài viết này, tác giả phân tích những quy định của pháp luật xung quanh vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề này.

Từ khóa: ly hôn, yếu tố nước ngoài, vướng mắc, kiến nghị, hoàn thiện pháp luật.

1. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài

1.1. Việc xác định pháp luật áp dụng giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án

Trong trường hợp không có điều ước quốc tế, áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc đượcTòa án Việt Nam xác định thuộc thẩm quyền và đưa ra phán quyết, nhưng do các quốc gia khác cũng cho rằng thẩm quyền giải quyết cũng thuộc thẩm quyền của nước họ, điều này dẫn đến xung đột pháp luật giữa Việt Nam và các nước đó.

Đối với trường hợp trên, có 2 hệ thống pháp luật điều chỉnh, đó là pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (Ví dụ: Việt Nam và Hoa Kỳ). Ở đây, có khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đó là giữa 2 nước lại chưa ký kết (không có Hiệp định tương trợ tư pháp) về giải quyết vấn đề này, đó là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột pháp luật giữa 2 quốc gia. Theo quy định của pháp luật Việt Nam,trường hợp này thuộc thẩm quyền riêng biệt chỉ Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết. Do đó, Tòa án Việt Nam không chấp nhận và cho thi hành đối với bất kỳ phán quyết của cơ quan tài phán của các nước khác.

1.2. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền của tòa án Việt Nam trong vụ việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài là tổng hợp các quyền mà Tòa án Việt Nam được giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài và ra quyết định pháp lý của vụ việc, thủ tục tố tụng dân sự do pháp luật Việt Nam quy định. Về nguyên tắc, khi giải quyết xung đột thẩm quyền đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài - cụ thể xác định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền hay không đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thì phải đảm bảo các quy tắc. Khi có điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó ghi nhận thẩm quyền giải quyết thì cần tuân theo quy định đó. Trường hợp không có điều ước quốc tế, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam được xác định theo quy định của pháp luật Việt Nam và được quy định tại Điều 469, 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS năm 2015); tại Điều 123,127 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tuy nhiên, khi tiến hành giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xuất hiện rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt là trong hoạt động ủy thác tư pháp trong một số công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định. Để giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự ở nước ngoài), hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên, hiện nay, việc ủy thác tư pháp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ở đây có những bất cập đó là: 

- Về xác định thẩm quyền của Tòa án: Theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008,“người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 quy định: “ Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt nam”.[1] Tại điểm b, khoản 1 Điều 470 BLTTDS năm 2015 quy định: “Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam”.[2] Tuy nhiên, thời gian để xác định “lâu dài” không được quy định cụ thể trong một văn bản nào. Trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng khi hết thời hạn họ ở lại nước sở tại thì có được xem là người Việt Nam định cư nước ngoài hay không? Vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án. Xét thấy dấu hiệu quốc tịch và nơi cư trú của đương sự là 2 dấu hiệu để Tòa án xác định thẩm quyền đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Theo đó, có thể chia làm 03 nhóm vụ việc căn cứ chủ thể đó là: Vụ việc ly hôn có một bên là công dân Việt Nam; Vụ việc ly hôn giữa 2 người không phải là công dân Việt Nam và vụ việc ly hôn giữa 2 người đều là công dân Việt Nam. Kết hợp với dấu hiệu “nơi cư trú”, có thể chia mỗi nhóm thành các trường hợp khác nhau với căn cứ xác định thẩm quyền.

- Về nơi cư trú của một bên đương sự ở nước ngoài: Không ít trường hợp công dân Việt Nam không tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài; không yêu cầu người nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi mà họ đang sinh sống, dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích bị xâm phạm. Khi khởi kiện đến tòa án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến tòa án rất khó khăn trong xác định địa chỉ. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện tại tòa án luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ nên Tòa án không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.

- Về thời hạn giải quyết, theo quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015, thời gian giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và 28 của BLTTDS năm 2015 là 04 tháng (nếu phức tạp thì 06 tháng), đối với các vụ án quy định tại Điều 30, 32 của BLTTDS là 02 tháng (nếu có tính chất phức tạp, bất khả kháng thì 03 tháng). Tuy nhiên, đối với những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thời hạn giải quyết theo quy định tại Điều 476 BLTTDS năm 2015 là phải mở phiên tòa sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, nếu hoãn thì thời hạn là 01 tháng kể từ ngày thông báo thụ lý. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng (có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng), kể từ ngày thụ lý tòa án ra quyết định sau mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.[3]

 Như vậy, trên thực tế, khi giải quyết các vụ án có đương sự ở nước ngoài, Tòa án không thể đảm bảo đúng thời hạn này. Bởi Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài mà phải thông qua đường bưu điện hoặc thông qua ủy thác tư pháp. Trong đó, nếu tống đạt qua đường bưu điện thì thời gian để một văn bản tố tụng cụ thể đến tay người nhận và phản hồi cho Tòa án nhanh nhất cũng mất 02 tháng, chưa kể đến việc đương sự ở nước ngoài phải sắp xếp thời gian để về Việt Nam.

Trường hợp “mập mờ” về địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Không ít trường hợp công dân Việt Nam không tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài; không yêu cầu người nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi mà họ đang sinh sống... dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích bị xâm phạm. Khi khởi kiện đến Tòa án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến Tòa án rất khó khăn trong xác định địa chỉ. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ (thường rơi vào diện lao động tự do, bất hợp pháp) nên Tòa án không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.

Một số trường hợp khi kết hôn với người nước ngoài, có yếu tố nước ngoài địa chỉ theo hồ sơ kết hôn là đúng, nhưng hồ sơ gửi ủy thác sang lại không tới (do thời gian dài không liên lạc được nay đã thay đổi sang địa chỉ khác hoặc do né tránh), mà Tòa án yêu cầu phải bổ sung địa chỉ theo luật, nếu không bổ sung được thì phải đình chỉ giải quyết vụ án. Nguyên tắc là vậy, nhưng nhiều đương sự không hiểu và cho rằng Tòa án gây khó khăn trong việc thụ lý, giải quyết vụ án. Đối với việc ủy thác tư pháp, nhiều trường hợp thời gian từ khi Tòa án gửi hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp đến khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhận được hồ sơ khá dài, chưa nói đến việc tống đạt phải thực hiện theo quy định của pháp luật nước có đương sự đang cư trú.

Qua sự việc điển hình nêu trên, nhận thấy những bất cập đó là vấn đề khó khăn trong thực hiện ủy thác tư pháp. Khi tiến hành giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đã xảy ra rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt là hoạt động ủy thác tư pháp đối với một số công việc cụ thể như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định,… Việc ủy thác tư pháp để ghi lời khai của những cá nhân đang ở những nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp thì hầu như không có kết quả. Những việc mà Tòa án Việt Nam ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài thì kết quả trả lời thường rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không nhận được trả lời. Chính vì vậy, việc lấy lời khai, tống đạt các văn bản của Tòa án hoặc xác định tài sản ở nước ngoài là không thực hiện được làm cho vụ án bị kéo dài, vi phạm thời hạn xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Nhiều vụ không thể thụ lý giải quyết do công dân Việt Nam xin ly hôn chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn có địa chỉ của bên kia, ngoài ra thì không có một thông tin nào khác của bị đơn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều cuộc hôn nhân chỉ mang tính hình thức, bị kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của nguyên đơn.

Bên cạnh đó, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với các việc mà Tòa án Việt Nam yêu cầu thì nhiều Tòa án nước ngoài chưa đáp ứng kịp thời, do vậy cũng gây khó khăn cho việc xét xử. Trình độ, kiến thức chuyên môn về tư pháp quốc tế chưa được sâu, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ Thẩm phán còn rất hạn chế, từ đó gây khó khăn trong việc tiếp cận với pháp luật nước ngoài cũng như khi tiến hành tố tụng trong những vụ án có công dân nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài.

Tại Điều 469 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong khi Điều 470 quy định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định trên, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của BLTTDS để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.[4] Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 35 Chương III BLTTDS năm 2015 thì: Những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Trừ trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn quy định tại Điều 35 BLTTDS năm 2015 nhưng khi giải quyết Tòa án vẫn vận dụng quy định tại phần I, mục 4 Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP TANDTC và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP TANDTC hướng dẫn về khoản 3 Điều 33 của BLTTDS năm 2011 để xác định đương sự ở nước ngoài.

Do quan hệ ly hôn là quan hệ đặc biệt nên ngoài tuân thủ các thủ tục tố tụng chung thì thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự: TAND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. Đây là một quy định kế thừa Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, xuất phát từ thực tế đặc thù một số khu vực biên giới nước ta để giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, khi giải quyết ly hôn không máy móc phải giải quyết ở Tòa án cấp tỉnh.

Qua thực tiễn công tác xét xử của hệ thống Tòa án trong thời gian qua cho thấy, việc quy định TAND cấp huyện khu vực biên giới có thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới như trên là hoàn toàn phù hợp với công tác xét xử của hệ thống Tòa án, đồng thời còn tạo điều kiện cho việc giải quyết một số các vụ án ly hôn được nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, giảm nhẹ gánh nặng công việc cho TAND cấp tỉnh, tạo điều kiện để TAND cấp tỉnh tập trung vào giải quyết phúc thẩm các vụ án.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc TAND cấp tỉnh trừ trường hợp đã nêu tại khoản 3 Điều 123 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì TAND cấp huyện có thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết theo quy định về thẩm quyền của BLTTDS năm 2015, phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết, mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài[5].

2. Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật về ly hôn có yếu tố nước ngoài

Từ thực trạng áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài tại TAND tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang,… cũng là những vấn đề chung mà các Tòa án trong hệ thống TAND còn gặp phải vướng mắc. Ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công chức trong hệ thống TAND rất cần sự quan tâm của các cơ quan có chức năng xây dựng pháp luật nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, tránh gây bức xúc cho người dân.

Về nguyên tắc nơi cư trú của bị đơn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015, Điểm b khoản 1 Điều 470 BLTTDS năm 2015 quy định tòa án Việt Nam. Dưới góc độ so sánh, quy định này khá tương đồng với pháp luật các nước trên thế giới, đều sử dụng nguyên tắc nơi cư trú của bị đơn để làm căn cứ xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 còn bộc lộ điểm hạn chế sau: theo nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 không chỉ đưa ra tiêu chí “cư trú” mà còn “làm ăn, sinh sống”. Vấn đề đặt ra là tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền nếu bị đơn chỉ cần tiêu chí là “cư trú” hoặc “làm ăn hoặc “sinh sống” tại Việt Nam hay bị đơn cần phải thỏa mãn cả 3 tiêu chí “cư trú”, “làm ăn” và “sinh sống” tại Việt Nam? Về tiêu chícư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài” tại Việt Nam cần phải xác định như thế nào? Cá nhân cư trú, sinh sống thời gian bao lâu thì được xem là cư trú, sinh sống lâu dài tại Việt Nam? Trong khi đó, Luật Cư trú chỉ quy định về “nơi cư trú của công dân” là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi “thường trú” hoặc “nơi tạm trú”.[6] Như vậy, quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn chỉ đề cập đến các khái niệm “nơi cư trú” hoặc “nơi thường trú” hoặc “nơi tạm trú” mà không có quy định nào về nơi “cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài”.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:

- Đối với BLTTDS năm 2015 và các văn bản có liên quan: Giải pháp trước mắt BLTTDS năm 2015 cần phải có là hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định “cư trú, làm ăn, sinh sống” lâu dài tại Việt Nam để tạo sự thống nhất cho việc áp dụng pháp luật tại các tòa án của quốc gia. Về lâu dài, tác giả kiến nghị chỉ nên đưa ra tiêu chí “nơi cư trú” của bị đơn để xác minh thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Cụ thể, sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 như sau: “Bị đơn là cá nhân có nơi cư trú tại Việt Nam”.

- Cần hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp người chồng khởi kiện xin ly hôn với người vợ mang thai hoặc con dưới 12 tháng tuổi khi họ chứng minh được đứa trẻ không phải là con của họ (như kết luận giám định ADN, giấy tờ chứng minh người chồng ở nước ngoài liên tục nhiều năm còn người vợ ở trong nước), để thể hiện đứa con do người vợ mang thai hoặc con dưới 12 tháng tuổi đó không phải là con của họ và được Tòa án xác định theo khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Đây là quyền lợi chính đáng của đương sự cần được pháp luật bảo vệ, tránh sự lợi dụng quy định này để gây khó khăn cho người chồng.

- Về việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài là Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả ủy thác tư pháp đối với đương sự ở nước ngoài. Đề nghị quy định theo hướng trong trường hợp Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả ủy thác tư pháp đối với đương sự ở nước ngoài thì Tòa án không phải ủy thác tư pháp để tống đạt Quyết định tạm đình chỉ đó cho đương sự ở nước ngoài đó nữa; mà trường hợp này sau khi nhận được kết quả ủy thác tư pháp hay hết thời hạn ủy thác tư pháp thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định chung.

- Đối với thủ tục tống đạt Thông báo thụ lý vụ án theo khoản 1 Điều 476 BLTTDS năm 2015 đề nghị ngoài việc phải tống đạt cho đương sự ở nước ngoài thông báo thụ lý vụ án phải gửi kèm theo bản sao tài liệu, chứng cứ bên kia nộp cho Tòa án hoặc tài liệu không sao được thì gửi thông báo bằng văn bản cho đương sự đó biết. Ngoài việc gửi cho đương sự ở nước ngoài, thông báo thụ lý vụ án cũng cần được gửi cho các đương sự khác để họ thực hiện quyền của mình trong khoảng thời gian mà Tòa án đã ấn định.

- Cần thống nhất xác định thế nào là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài", cụ thể về thời hạn xác định bao lâu là lâu dài hay trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập, du lịch với hình thức như thế nào, thời hạn hợp đồng bao lâu. Trường hợp người Việt Nam sinh sống bất hợp pháp ở nước ngoài và vẫn có liên lạc về với người thân ở trong nước thì trong trường hợp nào được coi là vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Vấn đề này nếu không được thống nhất, giải thích rõ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân, cũng như ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Cần bổ sung quy định đối với trường hợp người bị khởi kiện ở nước ngoài không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú ở nước ngoài, làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện. Tại Tòa án thường xuyên gặp phải trường hợp này nhưng phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung, điều này dẫn đến nhiều khó khăn vì việc ủy thác tư pháp hoàn toàn không có kết quả. Trong trường hợp này cần phải quy định rõ thủ tục thông báo, niêm yết, xác minh tại địa phương và các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi cho người bị khởi kiện ở nước ngoài, quyền được ly hôn của người khởi kiện.

- Sớm sửa đổi quy định của pháp luật, theo hướng tăng thẩm quyền xét xử mới cho Tòa án cấp huyện trong giải quyết một số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc tăng thẩm quyền là phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan tố tụng cấp tỉnh, để cơ quan tố tụng cấp tỉnh làm tốt hơn chức năng xét xử phúc thẩm các vụ án, để giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài nhanh chóng, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích cho đương sự.

Tham gia ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp liên quan đến ly hôn có yếu tố nước ngoài

Hoàn thiện việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có công dân kết hôn số lượng nhiều với công dân Việt Nam, để làm cơ sở cho việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài một cách có hiệu quả. Nhưng trên hết, chẳng một biện pháp pháp lý nào có ý nghĩa hơn việc tuyên truyền giáo dục về tác hại của hôn nhân có yếu tố nước ngoài khi không có sự tự nguyện thực sự và hệ lụy của việc ly hôn đối với đất nước, xã hội, gia đình và bản thân người tham gia quan hệ.

Tài liệu trích dẫn:

1điểm a, khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

2điểm b, khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

3Điều 437, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

4Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

5Điều 471 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

6Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội (2008), Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Hồi (2009), Áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Nga (2016). Áp dụng pháp luật trong giải quyết ly hôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
  4. Đỗ Thị Vân Anh (2014). Giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài qua thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

SHORTCOMINGS IN THE RESOLVE OF DIVORCE INVOLVING FOREIGN ELEMENTS AND RECOMMENDATIONS

Ph.D’s student, Master. Nguyen Truong Tho 1

Lam To Trinh 2

Lecturer, Kien Giang University 1

Master’s student, Tra Vinh University 2

Abstract:

This paper analyzes Vietnam’s legal provisions of divorce involving foreign elements. The paper points out  shortcomings, difficulties and problems in the resolve of divorce involving foreign elements cases ann proposes some recommendations to improve these provisions.

Keywords: divorce, foreign elements, problems, recommendations, legal improvement.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 8, tháng 4 năm 2021]