Những xu hướng lớn trong ngành May mặc thế giới hiện nay và hàm ý chính sách đối với Việt Nam trong việc nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu hàng may mặc

NGUYỄN VĂN QUANG (Viện Đại học Mở Hà Nội)

Tóm tắt:
Bài viết này bàn về những xu hướng lớn trong ngành May mặc thế giới hiện nay, phân tích thực trạng tham gia chuỗi giá trị toàn cần hàng may mặc của ngành May mặc Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp đồng bộ về chiến lược phát triển, chính sách đầu tư, chính sách khoa học - công nghệ và chính sách thị trường cho ngành May mặc Việt Nam.
Từ khóa: Ngành May mặc thế giới, chuỗi giá trị toàn cần hàng may mặc, xu hướng, hàm ý chính sách, Việt Nam.

1. Dẫn nhập
Ở Việt Nam, ngành May mặc là một ngành có lịch sử phát triển lâu đời và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay ngành may mặc đang bộc lộ nhiều yếu điểm, trong đó yếu điểm lớn nhất mức độ thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu hàng may mặc ở các khâu thâm dụng tri thức và công nghệ còn rất thấp. Song song với đó, ngành May mặc cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh trên các thị trường ngày càng quyết liệt, giá sản phẩm may mặc của Việt Nam tăng chậm hoặc không tăng, các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu có xu hướng ngày càng gia tăng, v.v. Bên cạnh đó, trong tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài việc tạo ra các cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường với mức độ ưu đãi cao, giúp nền kinh tế tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu, cũng sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức mới cho ngành may mặc, nhất là trong việc thực hiện các cam kết quốc tế sâu rộng hơn và ở mức cao hơn.
Hiện nay trong ngành May mặc thế giới đã và đang xuất hiện một số những xu hướng lớn như rào cản gia nhập chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, cơ cấu cung-cầu và cơ cấu quyền lực trong chuỗi giá trị ngày càng bất cân xứng, cạnh tranh về tiền lương và tiêu chuẩn lao động ngày càng gia tăng, các thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch lớn và vai trò của quyền sở hữu nội địa và các liên kết nội địa ngày càng gia tăng. Những xu hướng này sẽ có những tác động sâu rộng tới ngành May mặc của Việt Nam. Để có thể nâng cấp thành công chuỗi giá trị toàn cầu hàng may mặc của Việt Nam, cần phải có những chính sách phù hợp để nắm bắt và/hoặc khắc phục các xu hướng này.
2. Những xu hướng lớn trong ngành May mặc thế giới hiện nay
2.1. Khái quát về thương mại quốc tế hàng may mặc
Thương mại quốc tế hàng may mặc chịu ảnh hưởng lớn bởi chế độ hạn ngạch và các hiệp định thương mại ưu đãi. Chế độ hạn ngạch được bắt đầu bằng Hiệp định dài hạn về thương mại quốc tế hàng dệt bông và các sản phẩm thay thế (Long-Term Arrangement Regarding International Trade in Cotton Textiles and Substitutes), được thực thi vào năm 1962. Hiệp định Đa sợi (Multi-Fiber Agreement - MFA), được thực thi vào năm 1974, đã mở rộng chế độ hạn ngạch để bao hàm những nguyên liệu khác ngoài bông. Nhiều quốc gia đang phát triển và kém phát triển đã được hưởng lợi từ khuôn khổ thương mại này, do khuôn khổ này cung cấp hạn ngạch cho họ trong việc xuất khẩu miễn thuế vào các thị trường lớn và bảo vệ ngành May mặc non trẻ của họ trước các đối thủ cạnh tranh giá thấp như Trung Quốc. Hiệp định Đa sợi được thay thế bằng Hiệp định về hàng Dệt May (Agreement on Textiles and Clothing - ATC) trong khuôn khổ của WTO vào năm 1995 và hết hiệu lực vào năm 2005. Từ năm 2005, thương mại hàng may mặc quay về áp dụng theo các quy định chung của GATT 1994. Chế độhạn ngạchđối với hàng may mặc chấm dứt từ đó và các nước nhập khẩu không được phép áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử đối với hàng may mặc từ các nước xuất khẩu khác nhau.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của việc xóa bỏ Hiệp định về hàng Dệt May đối với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, nhiều hiệp định thương mại đơn phương và các chương trình ưu đãi với những điều khoản riêng về hàng may mặc đã được thực thi như: Hiệp định Thương mại Tự do Trung Mỹ - Cộng hòa Đô-mi-ni-ca (The Central America-Dominican Republic Free Trade Agreement) giữa Hoa Kỳ với Costa Rica, Cộng hòa Đô-mi-ni-ca, El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua, theo đó Hoa Kỳ áp dụng mức thuế suất nhập khẩu bằng 0% cho hàng may mặc từ các quốc gia này (hết hiệu lực năm 2014); Luật Cơ hội và Phát triển cho Châu Phi (African Growth and Opportunity Act), theo đó Hoa Kỳ cung cấp sự trợ giúp tạm thời cho các nhà sản xuất tại các quốc gia vùng cận sa mạc Xa-ha-ra (hết hiệu lực vào năm 2012) và chương trình ưu đãi Mọi thứ trừ vũ khí (Every Things But Arms - EBA) của EU dành cho một số quốc gia kém phát triển, theo đó EU cho phép các quốc gia này xuất khẩu miễn thuế vào EU (được gia hạn 10 năm một lần, lần gia hạn gần đây nhất là năm 2015), v.v. Các hiệp định và các chương trình ưu đãi như vậy đem lại lợi ích ngắn hạn cho những quốc gia hưởng lợi nhưng cũng khiến ngành may mặc của các quốc gia hưởng lợi phải đối mặt với một tương lai bấp bênh do thiếu các lợi thế cạnh tranh khác ngoài sự ưu đãi và do việc tiếp cận thị trường ưu đãi thường được điều chỉnh bởi những quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt. Với hàng may mặc, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ thường là “một công đoạn” (single transformation), tức là công đoạn sản xuất phải được thực hiện tại quốc gia thụ hưởng; hoặc là “hai công đoạn” (double transformation), tức là ngoài công đoạn sản xuất, việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào cũng phải được thực hiện tại quốc gia thụ hưởng; hoặc là “ba công đoạn” (triple transformation), tức là ngoài công đoạn sản xuất và việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào, việc sản xuất nguyên liệu thô cũng phải được thực hiện tại quốc gia thụ hưởng.
Sự đa dạng của các hiệp định thương mại về hàng may mặc đã dẫn đến những mô hình tăng trưởng khác nhau của ngành may mặc tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Việc Hiệp định Đa sợi được bãi bỏ và khủng hoảng kinh tế thế giới đã dẫn đến việc hợp nhất các quốc gia xuất khẩu. Các quốc gia xuất khẩu ở châu Á như Trung Quốc, Băng-la-đét, Ấn Độ, Việt Nam và ở một mức độ nào đó In-đô-nê-xia và Cam-pu-chia đang có xu hướng tăng dần thị phần. Trái lại, thị phần của các quốc gia xuất khẩu hàng đầu trước kia như Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ma-lai-xia và Phi-líp-pin đang có xu hướng giảm dần. Thị phần của các nhà cung cấp khu vực như Mê-hi-cô, các quốc gia Trung Mỹ và các quốc gia vùng vịnh Ca-ri-bê (cho thị trường Mỹ), các quốc gia Bắc Phi, Đông Âu và Trung Âu (cho thị trường EU) cũng như một số quốc gia vùng cận sa mạc Xa-ha-ra thuộc châu Phi và nhiều quốc gia kém phát triển tại những khu vực khác cũng suy giảm mạnh [2, 14].
Ở một khía cạnh khác, sau khi chứng kiến sụt giảm vào năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành may mặc hiện nay đang trên đà phục hồi. Nhu cầu về hàng may mặc của thế giới luôn ở mức cao và liên tục gia tăng nhanh chóng trong những năm qua. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của thế giới đạt mức xấp xỉ 390 tỷ đô-la, với tốc độ tăng trưởng thường niên giai đoạn 2006-2016 là 2,64% (Bảng 1). 2.2. Những xu hướng lớn trong ngành May mặc thế giới hiện nay
Thực tiễn ngành May mặc thế giới hiện nay cho thấy những xu hướng lớn sau đây:
Thứ nhất, rào cản gia nhập chuỗi giá trị ngày càng gia tăng.
Ngành May mặc được chọn làm điểm xuất phát cho việc đa dạng hóa xuất khẩu và phát triển công nghiệp tại nhiều quốc gia trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa do rào cản gia nhập thấp và các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ dồi dào có thể nhanh chóng tham gia vào khâu sản xuất, đồng thời việc sản xuất hàng may mặc có thể là điểm tựa cho việc nâng cấp lên các hoạt động có giá trị gia tăng (GTGT) và mức độ thâm dụng tri thức và công nghệ cao hơn trong chính ngành May mặc cũng như trong các ngành khác. Tuy nhiên, sự thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế về hàng may mặc hiện nay đã dẫn đến những thay đổi trong chiến lược của người mua toàn cầu. Chính sách lựa chọn nguồn hàng của người mua toàn cầu hiện nay là hợp lý hóa chuỗi cung ứng, tập trung vào các nhà cung cấp cốt lõi, đưa ra những yêu cầu cao đối với các nhà cung cấp, giám sát chất lượng một cách chặt chẽ và áp dụng các tiêu chí khắt khe trong việc lựa chọn các nhà cung cấp mới [14].
Ở khía cạnh tích cực, điều này sẽ tạo cơ hội cho những nhà cung cấp có năng lực xây dựng và củng cố các mối quan hệ chiến lược với người mua toàn cầu. Ở khía cạnh tiêu cực, người mua toàn cầu chỉ “cho phép” nhà cung cấp thực hiện nâng cấp khi việc nâng cấp không “lấn sân” các năng lực cốt lõi của họ, là những khâu đem lại GTGT cao. Do vậy, việc nâng cấp trong ngành May mặc ở các quốc gia đang phát triển hiện nay thường chỉ hạn chế trong việc nâng cấp quy trình và nâng cấp sản phẩm vì việc nâng cấp này được các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, cũng chính là những doanh nghiệp đặt ra các chuẩn quy trình và chuẩn sản phẩm, khuyến khích. Việc nâng cấp chức năng sang các lĩnh vực quan trọng như thiết kế, nghiên cứu và phát triển, marketing và phân phối, tạo thương hiệu, vốn là những năng lực lõi của người mua, thường bị cản trở [12].
Thứ hai, cơ cấu cung-cầu và cơ cấu quyền lực trong chuỗi giá trị ngày càng bất cân xứng.
Chuỗi giá trị (CGT) toàn cầu hàng may mặc hiện nay đang đối mặt với sự bất cân xứng nghiêm trọng trong cơ cấu cung-cầu và cơ cấu quyền lực. Từ giữa thế kỷ 20, nhu cầu đối với hàng may mặc gia tăng mạnh và các quốc gia phát triển bắt đầu giảm dần việc sản xuất, đồng thời gia tăng việc nhập khẩu. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, tại các thị trường lớn nhu cầu gần như không tăng và mức độ thâm nhập của hàng may mặc nhập khẩu đã ở mức rất cao [10]. Sự tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của các quốc gia công nghiệp mới trước kia như Hàn Quốc chủ yếu dựa vào việc các nhà sản xuất tại các quốc gia phát triển giảm sản lượng sản xuất trong nước, và tất cả các quốc gia công nghiệp mới đều có thể đồng loạt đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU và thị trường Mỹ. Trái lại, ngày nay sự tăng trưởng xuất khẩu của một quốc gia đang phát triển nào đó chủ yếu dựa trên cái giá mà những quốc gia đang phát triển khác phải gánh chịu [8]. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh cao trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc giữa các quốc gia đang phát triển ngày càng gia tăng do cung vượt cầu khi Hiệp định Đa sợi được bãi bỏ [6]. Những yếu tố trên khiến các nhà cung cấp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận và nâng cấp thông qua việc gia nhập CGT toàn cầu hàng may mặc [10].
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp còn gặp áp lực từ sự bất cân xứng của cấu trúc quyền lực trong CGT toàn cầu hàng may mặc. Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, các hoạt động đã được chuẩn hóa và phổ biến như hoạt động sản xuất ít đem lại lợi nhuận mà lợi nhuận chủ yếu thu được từ các khâu thiết kế, nghiên cứu và phát triển, marketing và phân phối, và tạo thương hiệu, vốn cũng là những năng lực lõi của người mua toàn cầu và được người mua toàn cầu bảo vệ bằng những rào cản gia nhập cao [3]. Qua việc kiểm soát những hoạt động này, người mua toàn cầu có quyền lực rất lớn đối với các chủ thể khác trong CGT. Quyền lực của người mua toàn cầu càng được củng cố hơn nữa do sự hợp nhất của các nhà bán lẻ xuất phát từ các hoạt động sát nhập và thâu tóm và sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng giảm giá lớn cũng như các cửa hàng chuyên về hàng may mặc [9]. Sự bất cân xứng trong cơ cấu cung-cầu và cơ cấu quyền lực khiến các nhà cung cấp ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận và nâng cấp trong CGT toàn cầu hàng may mặc.
Thứ ba, cạnh tranh về tiền lương và tiêu chuẩn lao động ngày càng gia tăng.
Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng và những đòi hỏi bắt nguồn từ các chính sách lựa chọn nguồn hàng của người mua toàn cầu đã tạo nên những áp lực lớn đối với nhà cung cấp. Người lao động là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trước những áp lực này; họ phải chấp nhận mức lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, những điều khoản bất lợi trong các hợp đồng lao động, v.v. Đặc biệt, áp lực về thời hạn thực hiện đơn hàng cũng như sự thay đổi thường xuyên về dung lượng của các đơn hàng thường dẫn đến việc người lao động phải làm việc quá sức, theo những giờ giấc thất thường, với công việc không ổn định [11]. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các cuộc biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc đang gia tăng tại hầu hết các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc như Trung Quốc, Băng-la-đét, Cam-pu-chia, v.v [13].
Bên cạnh đó, nhiều người mua hàng toàn cầu đã xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, trong đó bao hàm các tiêu chuẩn lao động, và việc tuân thủ các quy tắc ứng xử mà người mua hàng đặt ra thường là yêu cầu tối thiểu đối với nhà cung cấp.
Thứ tư, các thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch lớn.
Hiện nay, xuất khẩu hàng may mặc của thế giới chủ yếu hướng tới ba thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả ba thị trường này chỉ chiếm khoảng 10% dân số thế giới. Bên cạnh đó, sức mua của ba thị trường này gia tăng chậm và ngày càng giảm tương đối so với sức mua của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đang nổi. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu hàng may mặc tại các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đang nổi sẽ tăng trưởng mạnh (Hình 1). Trong bối cảnh đó, ngành May mặc ở những quốc gia đang nổi có quy mô dân số lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin… ngày càng tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa; trái lại, ngành may mặc ở những quốc gia nhỏ ngày càng chú ý nhiều hơn tới việc xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực hoặc các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đang nổi có quy mô dân số lớn [15].
Sự chuyển dời thị trường tiêu thụ có thể dẫn đến việc vai trò của người mua từ các quốc gia phát triển sẽ suy giảm và vai trò của người mua từ các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đang nổi có quy mô dân số lớn sẽ gia tăng, với những yêu cầu cũng như cách thức lựa chọn nguồn cung cấp khác với người mua từ các quốc gia phát triển. Người mua từ các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đang nổi có thể sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho việc nâng cấp chức năng, đặc biệt là tại các thị trường nội địa và các thị trường khu vực [2], do nhu cầu tại các thị trường này thường là những sản phẩm ít tinh tế hơn và các tiêu chuẩn về sản phẩm cũng như về quy trình ít được chú ý hơn [7]. Tuy nhiên, ở những thị trường này, sự cạnh tranh về giá có xu hướng ngày càng khốc liệt hơn và việc nâng cấp quy trình cũng như nâng cấp sản phẩm có thể bị tác động tiêu cực [15].
Thứ năm, vai trò của quyền sở hữu nội địa và các liên kết nội địa ngày càng gia tăng.
Các quốc gia đang phát triển và kém phát triển thường dựa vào nguồn vốn FDI cho hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, việc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua FDI một mặt giúp thúc đẩy việc tiếp cận các mạng lưới cung ứng toàn cầu và tạo thuận lợi cho việc tham gia xuất khẩu, nhưng mặt khác làm hạn chế khả năng nâng cấp do các quyết định quan trọng và các chức năng có giá trị gia tăng cao đều nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, việc lựa chọn nguồn cung ứng thường do các nhà đầu tư thực hiện, làm hạn chế các cơ hội thiết lập mạng lưới cung ứng nội địa và các quan hệ liên kết kinh tế nội địa của nước chủ nhà. Thực tế cho thấy rất nhiều quốc gia đang phát triển và kém phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sử dụng FDI làm nền tảng để xây dựng một ngành may mặc có liên kết chặt chẽ với nền kinh tế trong nước. Việc gia nhập CGT toàn cầu hàng may mặc thông qua các mạng lưới sản xuất tay ba của các nhà sản xuất xuyên quốc gia đã cột chân các nhà cung cấp ở những quốc gia đang phát triển và kém phát triển vào vị trí nhà thầu phụ, làm hạn chế việc phát triển kỹ năng của người lao động cũng như hạn chế việc phát triển các chức năng có giá trị gia tăng cao và các mối liên kết kinh tế [12].
3. Tổng quan về ngành May mặc của Việt Nam
Thời gian qua, ngành may mặc của Việt Nam đã liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam cũng liên tục gia tăng với mức tăng trưởng cao (Bảng 2). Cho tới nay, hàng May mặc của Việt Nam đã thâm nhập hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhìn chung, Việt Nam đứng thứ hạng cao trong số những quốc gia xuất khẩu hàng may mặc tại tất cả các thị trường lớn (Bảng 3). Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp một số vấn đề về thị trường xuất khẩu hàng may mặc. Thứ nhất, Việt Nam lệ thuộc vào các thị trường lớn, bao gồm EU, Mỹ và Nhật Bản. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có sự biến động tại các thị trường này. Thứ hai, mức độ thâm nhập tại một số thị trường lớn còn thấp.
Một điều đáng chú ý là yếu tố gần gũi về mặt địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Chẳng hạn tại thị trường EU, ngoài Trung Quốc và Băng-la-đét, Việt Nam còn phải cạnh tranh với Thổ-Nhĩ-Kỳ, Đức, Ý, Pháp và Hà Lan; tại thị trường ASEAN, ngoài Trung Quốc và Băng-la-đét, Việt Nam còn phải cạnh tranh với Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Hồng Kông và In-đô-nê-xi-a (Bảng 4). Thời gian qua, ngành May mặc của Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành công trong việc nâng cấp sản phẩm. Hầu hết các mã sản phẩm đều đã thâm nhập các thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ các sản phẩm xuất khẩu có giá trị thấp như áo jacket còn ở mức cao và có xu hướng gia tăng (Hình 2), điều này cho thấy sự tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam chủ yếu đi vào số lượng.
Về thực trạng tham gia CGT toàn cầu hàng may mặc của Việt Nam, thực tế cho thấy đa số các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu gia công CMT (Cut, Make, Trim - Cắt, May, Gia công) trong CGT toàn cầu hàng may mặc. Có rất ít các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam có thể thực hiện những phương thức sản xuất cao hơn như OEM (Original Equipment Manufacturing - Sản xuất thiết bị gốc), ODM (Original Design Manufacturing - Sản xuất thiết kế gốc) hay OBM (Original Brand Manufacturing - Sản xuất thương hiệu gốc (Hình 3). Đối với khâu sản xuất nguyên liệu, Việt Nam hiện nay vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 6,5 tỷ m2 vải, chiếm khoảng 62% tổng nhập khẩu nguyên liệu cho toàn ngành Dệt may, tương đương gần 80% tổng nhu cầu vải của toàn ngành May mặc, trong đó đa phần là phục vụ xuất khẩu (Hình 4). Đối với khâu nghiên cứu và phát triển và khâu thiết kế, những khâu này được thực hiện chủ yếu ở những quốc gia và vùng lãnh thổ có ngành công nghiệp thời trang phát triển như Mỹ, Ý, Pháp, v.v. Chỉ có một số ít doanh nghiệp may mặc của Việt Nam có thể thực hiện được những khâu này, nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở việc phục vụ thị trường nội địa.
Đối với khâu marketing và phân phối và khâu tạo thương hiệu, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không tham gia vào các khâu này và do đó không có các mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Việc xuất khẩu hàng may mặc chủ yếu được thực hiện qua các khâu trung gian như các văn phòng đại diện của người mua toàn cầu hoặc các nhà sản xuất khu vực (Hình 5). 4. Hàm ý chính sách đối với ngành May mặc của Việt Nam
4.1. Về chiến lược phát triển
Về cơ bản có hai chiến lược phát triển chính đối với ngành may mặc. Chiến lược thứ nhất là “Nâng đáy”, tức là giữ nguyên cấu trúc hiện có của CGT và tập trung đầu tư làm gia tăng các hoạt động hiện có. Chiến lược thứ hai là “Mở rộng” chiều dài của CGT sang các khâu thâm dụng tri thức và công nghệ.
Chiến lược “Nâng đáy” ít có tác động tới việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp hay tích lũy vốn do được thực hiện chủ yếu thông qua việc tăng quy mô của các hoạt động hiện có, tập trung vào khâu sản xuất theo hình thức CMT; thu ngân sách cũng sẽ không gia tăng nhiều bởi vì nguồn thu phải bù đắp cho các khoản ưu đãi. Tuy nhiên, chiến lược này giúp tận dụng được lợi thế về nguồn lao động giá rẻ. Với việc Trung Quốc đang dần rút khỏi các hoạt động sản xuất trong ngành may mặc xuất khẩu, đặc biệt là ở công đoạn gia công, lao động giá rẻ sẽ vẫn tiếp tục là lợi thế của Việt Nam và lợi thế này còn có thể gia tăng trong tương lai gần, nhất là khi tiền lương ở Việt Nam vẫn vào hàng thấp trên thế giới (Hình 6). Chiến lược “Mở rộng” chiều dài CGT có hai hướng đi chính. Hướng đi thứ nhất là đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu trong nước. Việc thực thi chiến lược này sẽ làm giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, giảm thời gian thực hiện đơn hàng và đặc biệt là giúp đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA. Về lâu dài, lợi ích thu được, bao gồm tích lũy vốn, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, tăng thu ngân sách,… sẽ rất lớn. Hướng đi thứ hai là tập trung vào công tác nghiên cứu và phát triển, thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm. Lợi ích của hướng đi này là lợi nhuận thu về rất cao.
Để có thể nâng cấp thành công trong CGT toàn cầu hàng may mặc, Việt Nam cần thực hiện một chiến lược hỗn hợp, vừa “Nâng đáy”, vừa “Mở rộng” chiều dài chuỗi giá trị. Một chiến lược hỗn hợp như vậy nếu thành công sẽ đem lại lợi ích rất lớn, nhưng cần đầu tư nhiều nguồn lực và đặc biệt là phải có các giải pháp đồng bộ.
4.2. Các giải pháp về đầu tư
4.2.1. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư
Thứ nhất, ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành May mặc.
Như đã phân tích ở các nội dung trước, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến ngành May mặc của Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ dừng lại ở việc gia công xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp là do Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Vì vậy trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu.
Thứ hai, ưu tiên đầu tư nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến cho ngành may mặc.
Việc nâng cấp kinh tế, đặc biệt là nâng cấp quy trình và nâng cấp sản phẩm trong ngành may mặc đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị hiện đại. Mặc dù Việt Nam đã chú trọng đến vấn đề này, nhưng việc đầu tư cho việc sản xuất máy móc, thiết bị của ngành May mặc đã không đem lại hiệu quả như mong muốn, do ngành cơ khí chế tạo nói chung của Việt Nam còn kém phát triển. Nhiều khả năng là đến khi Việt Nam có thể chủ động trong việc sản xuất máy móc, thiết bị tiên tiến cho ngành May mặc thì chúng ta đã mất đi lợi thế trong ngành này và với sự phát triển của các ngành kinh tế khác, ngành May mặc sẽ không còn là một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước như hiện nay. Vì vậy, song song với việc phát triển mạnh ngành Cơ khí chế tạo để phục vụ chung cho nền kinh tế, chúng ta nên đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị của ngành May mặc theo hướng nhập khẩu những máy móc, thiết bị tiên tiến nhất của các quốc gia có lợi thế trong việc sản xuất máy móc, thiết bị cho ngành May mặc như Anh Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc thực hiện việc nâng cấp thông qua việc mở rộng các ưu đãi về tín dụng và thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị dành cho các doanh nghiệp thực hiện việc nâng cấp.
Thứ ba, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành May mặc.
Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nền kinh tế nói chung và của ngành may mặc nói riêng. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa giúp phát huy lợi thế của Việt Nam với nguồn laođộng dồi dào, giá rẻ.
Thứ tư, ưu tiên đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp dệt may.
Liên kết giữa các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam với nhau và với những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực như thiết kế, sản xuất nguyên liệu, sản xuất máy móc thiết bị... cần được xem xét và bố trí lại theo hướng tăng cường mức độ kết nối để giảm thiểu chi phí, tăng cường các quan hệ liên kết, củng cố chuỗi cung ứng và giảm thiểu các vấn đề về môi trường.
4.2.2. Các giải pháp thu hút đầu tư
Để thu hút đầu tư vào ngành May mặc, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong ngành.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong ngành một mặt sẽ giúp Nhà nước thu về một nguồn vốn lớn để tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng của ngành và của nền kinh tế, đồng thời lại giúp thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp này, do doanh nghiệp sẽ làm ăn hiệu quả hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành.
Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tới việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong ngành để các doanh nghiệp này có thể dẫn dắt và điều hợp việc sản xuất trong nước.
Thứ ba, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành.
Trong điều kiện ngành may mặc của Việt Nam hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài là đặc biệt cần thiết, nhất là đối với các dự án đầu tư vào các khâu thâm dụng vốn và công nghệ.
Thứ tư, thực hiện đầu tư mồi cho ngành.
Hiện tại, các nhà đầu tư chỉ chú trọng đầu tư vào khâu sản xuất gia công cho nước ngoài mà không đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi phải có vốn lớn. Vì vậy đầu tư mồi có hiệu quả của Nhà nước là một giải pháp quan trọng để thu hút các nhà đầu tư.
4.3. Các giải pháp về khoa học-công nghệ
Thứ nhất, đẩy mạnh việc đổi mới máy móc, thiết bị trong ngành.
Để thực hiện việc nâng cấp CGT, đặc biệt là nâng cấp quy trình và nâng cấp sản phẩm, đòi hỏi phải có các máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ cho khâu sản xuất sản phẩm.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển trong ngành.
Như đã thảo luận ở trên, hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam không thể thực hiện những phương thức sản xuất đem lại GTGT cao.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp trong nước, do các doanh nghiệp dẫn dắt trong CGT toàn cầu thường không muốn chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp, như đã thảo luận ở trên.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học-công nghệ nói chung và trong ngành nói riêng.
Thị trường khoa học-công nghệ có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực khoa học-công nghệ quốc gia nói chung, trong đó có ngành May mặc.
4.4. Các giải pháp về thị trường
Các xu hướng lớn trong ngành May mặc thế giới cho thấy thị trường hàng may mặc nhìn chung vẫn còn nhiều tiềm năng, cả ở các thị trường truyền thống lẫn các thị trường mới nổi và các thị trường khu vực. Để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng may mặc, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại, tăng cường việc ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và ngành may mặc nói riêng. Thực tế cho thấy các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành may mặc là những quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt là các FTA với nước ta. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán các FTA đang trong quá trình đàm phán và tìm kiếm cơ hội đàm phán FTA với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường truyền thống và các thị trường mới nổi gần gũi về địa lý. Trong thời gian tới, cần tiếp tục giữ vững và mở rộng thị trường tại các thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường tại các thị trường mới nổi gần gũi về địa lý là Trung Quốc, ASEAN và Ấn Độ.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu. Cần không chỉ ổn định và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm mà còn cần ổn định thị trường đầu vào nguồn nguyên phụ liệu. Trong thời gian tới, cần kết hợp cả ba hướng đi, bao gồm: gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa, tăng cường nhập khẩu nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia tham gia các FTA với Việt Nam, và nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ từ các quốc gia hàng đầu về sản xuất nguyên liệu cũng như gần gũi với Việt Nam cả về mặt địa lý, văn hóa cũng như trong quan hệ kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường. Trong thời gian tới cần phải xây dựng được hệ thống an toàn vệ sinh chất lượng sản phẩm đến đầu nguồn nguyên liệu một cách có hệ thống, bảo đảm mọi khâu đều đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm… theo yêu cầu của các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm gồm EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản và các thị trường mới nổi có quy mô dân số lớn và gần gũi về địa lý với Việt Nam gồm Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Thứ năm, tạo lập hệ thống phân phối cho hàng may mặc tại các thị trường. Nhà nước cần thông qua Cục Xúc tiến Thương mại, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đại diện thương mại Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ để cung cấp thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp và tạo thương hiệu.
Để thực hiện thành công một chiến lược hỗn hợp như vậy, cần phải có các giải pháp đồng bộ. Về đầu tư, cần ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên liệu, nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực cho ngành may mặc và ưu tiên đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp dệt may. Cần đẩy mạnh cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành và thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành. Về khoa học-công nghệ, cần đẩy mạnh việc đổi mới máy móc, thiết bị; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học-công nghệ nói chung và trong ngành nói riêng. Về phát triển thị trường, cần tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại, tăng cường việc ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nói chung. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của ngành, tập trung vào các thị trường truyền thống và các thị trường mới nổi gần gũi về địa lý, thông qua việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường, tạo lập hệ thống phân phối cho hàng may mặc tại các thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. đặc biệt là các thị trường trọng điểm và các thị trường mới nổi có quy mô dân số lớn và gần gũi về địa lý với Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần đa dạng hóa các thị trường đầu vào.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Ánh Nguyệt (2015), Báo cáo ngành Dệt May Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương.
2. Gereffi, G. & Frederick, S. (2010), “The Global Apparel Value Chain, Trade, and the Crisis: Challenges and Opportunities for Developing Countries,” in Cattaneo, C., Gereffi, G., & Startitz, C. (eds.), Global Value Chains in a Postcrisis World: A Development Perspective, World Bank.
3. Gereffi, G. (1994), “The Organisation of Buyer-driven Global Commodity Chains: How U.S. Retailers Shape Overseas Production Networks”, in Gereffi, G., & Korzeniewicz, M. (eds), Commodity Chains and Global Capitalism, Westport, CT: Praeger, pp. 95-122.
4. International Trade Center (2016), Online World Trade Data,
At: http://www.trademap.org/Index.aspx.
5. International Labour Organization (2014), Wages and Working Hours in the Textiles, Clothing, Leather and Footwear Industries, Issues Paper for discussion at the Global Dialogue Forum on Wages and Working Hours in the Textiles, Clothing, Leather and Footwear Industries.
6. Kaplinsky, R. & Morris, M. (2008), “Do the Asian drivers undermine export-oriented industrialization in SSA?”, World Development, 36(2), pp. 254-273.
7. Kaplinsky, R. & Wamae, W. (2010), “The determinants of upgrading and value added in the African clothing sector: the contrasting experiences of Kenya and Madagascar”, World Development, 72(1), pp. 128-140.
8. Kaplinsky, R. (2005), Globalization, Poverty and Inequality, London: Polity Press.
9. Morris, M., Staritz, C. & Barnes, J. (2011), “Value Chain Dynamics, Local Embeddedness, and Upgrading in the Clothing Sectors of Lesotho and Swaziland”, International Journal of Technological Learning, Innovation and Development, 4, pp. 96-119.
10. Palpacuer, F., Gibbon, P., & Thomsen, L. (2005), “New Challenges for Developing Country Suppliers in Global Clothing Chains: A Comparative European Perspective”, World Development, 33(3), pp. 409-430.
11. Plank, L., Rossi, A. & Staritz, C. (2012), Workers and Social Upgrading in Fast Fashion: The Case of the Apparel Industry in Morocco and Romania, OFSE Working Paper No. 33, Vienna.
At: http://www.oefse.at/Downloads/publikationen/WP33 fast fashion.pdf;
accessed: 19/5/2017
12. Staritz, C. (2012), Apparel exports – still a path for industrial development?, Working paper No. 34, Research Department, Austrian Research Foundation for International Development.
13. Staritz, C. & Frederick, S. (2012a), “Summaries of the Country Case Studies on Apparel Industry Development, Structure, and Policies”, In Lopez-Acevedo/Robertson (eds), Sewing Success? Employment, Wages, and Poverty following the End of the Multi-fibre Arrangement, World Bank.
14. Staritz, C. (2011), Making the cut? Low-income countries and the global clothing value chain in a post-quota and post-crisis world, World Bank.
15. Staritz, C., Gereffi, G., & Cattaneo, O. (2011), “Shifting end markets and upgrading prospects in global value chains”, International Journal of Technological Learning, Innovation and Development, 4, pp. 258-276.
16. Statista (2016), Global apparel market size projections from 2012 to 2025,
At: www.statista.com/statistics; accessed: 19/5/2017.

MAJOR TRENDS IN THE GOLBAL APPAREL INDUSTRY AND POLICY IMPLICATIONS FOR VIETNAM IN UPGRADING GLOBAL APPAREL VALUE CHAIN

NGUYEN VAN QUANG

Hanoi Open University

Abstract:

This article discusses major trends in the global apparel industry, analyses the apparel value chain of Vietnam, and thereby suggesting some solutions for upgrading the apparel value chain of Vietnam, focusing on development strategies, investment, science and technology, and market policies for the industry.

Keywords: Global apparel industry, global apparel value chain, trends, policy implications, Vietnam.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây