Phát triển 5G ở Việt Nam: Cơ hội có dành cho người đến sau?

Trong những năm 1990, Việt Nam đã từng lọt top 20 thế giới đối với mạng 2G, nhưng khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G, do đi sau về công nghệ và thiếu yếu tố cạnh tranh mà chỉ số phát triển CNTT và Truyền thông (IDI) của Việt Nam năm 2017 vẫn chỉ ở mức trung bình của thế giới (xếp thứ 108/176) theo đánh giá, xếp hạng của ITU-R.
Phát triển 5G ở Việt Nam
Trong cuộc đua 5G của thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định về thị trường, chính sách, hạ tầng công nghệ...

Thực tế Việt Nam hiện nay cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng công nghệ 3G vẫn còn lớn, trong khi mạng 4G do mới được triển khai đầu năm 2017 và dung lượng vẫn chưa khai thác hết, nên thông tin về việc Việt Nam sẽ triển khai mạng 5G đã tạo ra ít nhiều sự hoài nghi về triển vọng của 5G tại thị trường nước ta.

5G là “chìa khóa” để kinh tế cất cánh

5G đã được xác định là trụ cột và là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. Với 5G, mục tiêu của Việt Nam là sẽ nhanh chóng bắt kịp với xu hướng chung của các quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ để tiến tới xây dựng nền kinh tế số, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy vậy, trong cuộc đua 5G của thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định về thị trường, chính sách, hạ tầng công nghệ… và hoàn toàn có thể là một trong những quốc gia tận dụng thành công công nghệ 5G như là “chìa khóa” để kinh tế Việt Nam cất cánh.

Cũng giống như các nước ASEAN, trong thời kì phát triển của công nghệ 2G, 3G và 4G, Việt Nam gần như chỉ là các đối tác thụ hưởng công nghệ nên khá chậm trễ khi triển khai, còn với 5G, mục tiêu của Việt Nam là sẽ nhanh chóng bắt kịp với xu hướng chung của các quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ để tiến tới xây dựng nền kinh tế số.

Vì 5G đã được xác định là trụ cột và là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số và chỉ có phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, Việt Nam mới có thể thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do đó, bên cạnh ý nghĩa về khoa học - công nghệ, phát triển mạng 5G còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 5G không chỉ là cơ hội để thay đổi thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn là nhân tố kích hoạt đổi mới sáng tạo quốc gia, là nền tảng cho chuyển đổi số, xây dựng Việt Nam số trong tương lai cũng như góp phần tạo nên làn sóng phát triển kinh tế - xã hội mới.

Là nước đi sau khi triển khai 3G, 4G nhưng với 5G, Việt Nam sẽ đi cùng với thế giới và cơ hội để nước ta vươn lên khẳng định cũng như giành lại vị thế như đã từng làm với 2G trước kia đang rất rộng mở. Việc nắm bắt và tận dụng cơ hội này để biến nó trở thành động lực cho sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời kì mới đang được thể hiện rất tốt với vai trò tiên phong của các công ty viễn thông.

5g kinh te so
5G được xác định là trụ cột và là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số

Những điểm tựa để phát triển mạng 5G

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế về công nghệ, Việt Nam hiện đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để thúc đẩy mạng 5G. Dù ở thời điểm hiện tại Việt Nam mới đang khai thác dịch vụ 4G được hai năm và vẫn đang dư thừa dung lượng nhưng không có nghĩa là chúng ta không triển khai 5G bởi vì mô hình kinh doanh 5G hoàn toàn khác với các thế hệ đi trước.

Với 5G, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc từ việc nhanh chóng tiếp cận tới xây dựng quan điểm phát triển và chủ động trong công tác sản xuất các thiết bị 5G. 5G phát triển là xu thế công nghệ tất yếu của thế giới nhưng những yếu tố nội tại có khả năng kích hoạt, thúc đẩy cho sự hình thành của 5G tại Việt Nam lại bắt nguồn từ chính nhu cầu của chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Cụ thể, những điểm tựa để phát triển mạng 5G ở Việt Nam như sau:

Quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và các ban, ngành: Chính phủ và ngành thông tin - truyền thông đã có những cam kết và bước đi vô cùng mạnh mẽ và hiệu quả nhằm đưa Việt Nam vào top các quốc gia đầu tiên trên thế giới thí điểm triển khai 5G. Bằng chứng là việc Bộ TT&TT đãthành lập Nhóm công tác về hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 5 (Nhóm công tác 5G) và triển khai xây dựng nghiên cứu đề xuất lộ trình, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng dịch vụ 5G tại Việt Nam. Tiếp đến, Bộ đã thực hiện việc cấp giấy phép triển khai thí điểm mạng và dịch vụ mạng viễn thông 5G trong vòng 6 tháng đầu năm 2019 để các doanh nghiệp viễn thông có cơ sở thực hiện. Đây là các bước đi nhằm cụ thể hóa yêu cầu đã được nêu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9/2018 của Chính phủ trong đó nhấn mạnh: “Bộ TT&TT chú trọng phát triển công nghệ 4G/5G, tăng tỷ lệ sử dụng smartphone, mạng IoT để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế số”.

thu nghiem 5G
Với 5G, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc từ việc nhanh chóng tiếp cận tới xây dựng quan điểm phát triển và chủ động trong công tác sản xuất các thiết bị 5G.

Để tham gia vào cuộc đua công nghệ cùng các quốc gia hàng đầu thế giới, Bộ TT&TT về cơ bản đã xây dựng được kế hoạch phát triển 5G với thời gian thực hiện là một năm và chia làm ba giai đoạn: giai đoạn thử nghiệm (2019), hoạch định băng tần (2019-2020) và cấp phép triển khai 5G thương mại (2020).

Nhu cầu trong nước đối với 5G đã đủ lớn, gồm nhu cầu người tiêu dùng, nhu cầu các doanh nghiệp và nhu cầu của quốc gia.

Xét ở cấp độ người tiêu dùng: Việt Nam hiện có 36,37 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), và tỷ lệ thâm nhập của smartphone chiếm 37,7% dân số, đứng thứ 13/50 quốc gia xếp hạng, theo Báo cáo thị trường di động toàn cầu của Newzoo năm 2018 (NewZoo Global Mobile Market Report 2018). Bên cạnh việc truy cập internet bằng máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng…người Việt đã dần làm quen và bắt đầu sử dụng nhiều hơn các thiết bị thông minh có kết nối mạng (IoT). Cùng với sự bùng nổ của các ứng dụng di động đặc biệt là các ứng dụng OTT như Facebook, Messenger, Viber, Zalo,…

Với lợi thế dân số đông (94,66 triệu người theo số liệu thống kê năm 2018 của Tổng cục Thống kê), trong đó tỷ lệ người dân sử dụng internet năm 2018 chiếm 70,38% tổng dân số, cao hơn mức trung bình chung của thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (tương ứng lần lượt là 51,2% và 47%) (theo số liệu trên trang web của ITU) nên cơ hội để 5G bứt phá tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Xét ở cấp độ các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong nước cũng đang dần thử nghiệm nhiều ứng dụng công nghệphát triển dựa trên hạ tầng kết nối và nền tảng IoT như đỗ xe thông minh(smart parking), giám sát chất lượng không khí (airmonitoring), giám sát vị trí (location tracking), thiết bị đo lường (metering devices)…

Xét ở cấp độ quốc gia: Nhu cầu về việc xây dựng các khu công nghệ cao, các thành phố thông minh cũng như chính phủ điện tử,… đang là nhu cầu bức thiết của Chính phủ nhằm hướng Việt Nam tới một nền kinh tế số vững mạnh trong khi khả năng đáp ứng các nhu cầu này của mạng 4G hiện còn nhiều hạn chế.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành - các doanh nghiệp và doanh nghiệp - doanh nghiệp trong phát triển 5G: Tuy các doanh nghiệp viễn thông mới được cấp giấy phép thí điểm triển khai mạng 5G trong quý I/2019 và bắt đầu triển khai thực địa trong quý II/2019 nhưng việc hợp tác giữa các cơ quan chủ quản với các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau để nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm và phát triển hệ sinh thái 5G đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Chẳng hạn, (1) Trung tâm đổi mới sáng tạo về IoT (IoT Innovation Hub) do Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác cùng Công ty Ericsson (Thụy Điển) thành lập ngày 10/4/2019 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên cơ sở biên bản ghi nhớ được ký kết từ ngày 28/11/2018; (2) Tập đoàn VNPT đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác với Nokia (Phần Lan) trong đó thỏa thuận thứ nhất là cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứuvề công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G và công nghệ IoT và thỏa thuận thứ hai là hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT đều được ký kết từ tháng 10/2018…

phat trien 5g tai viet nam
Các doanh nghiệp viễn thông mới được cấp giấy phép thí điểm triển khai mạng 5G trong quý I/2019 và bắt đầu triển khai thực địa trong quý II/2019

Một số thách thức cần vượt qua

Tuy nhiên,bên cạnh các “điểm tựa” thuận lợi nêu trên, việc phát triển công nghệ 5G ở Việt Nam đang đối mặt một số khó khăn dưới đây.

Về phân bổ tần số: Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, ITU mới đưa ra chuẩn 5G nhưng nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ mới này đồng thời cũng xác định băng tần tiềm năng để triển khai dịch vụ gồm 700MHz, 3.400-3.800MHz, 24.000-27.000MHz. Qua tham khảo các nước, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT)nhận thấy băng tần được phổ biến nhất là băng tần 3.500MHz và 26.000MHz, riêng băng tần 3.400-3.800MHz được nhiều nước đưa vào quy hoạch và thử nghiệm 5G nhưng ở Việt Nam băng tần này đang được sử dụng cho vệ tinh viễn thông Vinasat-1 nên chưa thể sử dụng được.

Về cơ sở hạ tầng và khả năng liên thông thiết bị: Có một thực tế hiện nay làviệc quản lý, đầu tư hạ tầng mạng lưới các trạm BTS tại Việt Nam đang bị phân mảnh bởi 10 nhà đầu tư, trong đó lớn nhất là Southeast Asia Telecomunication Holdings Pte. Ltd (SEATH) sở hữu 1.938 trạm, Golden Tower sở hữu 350 trạm, JTOWER có 120 trạm; số lượng còn lại thuộc sở hữu các nhà mạng. Việc chia sẻ hạ tầng (tỷ lệ dùng chung) giữa các nhà mạng thấp (khoảng 1,2-1,3 nhà mạng/cột) và chủ yếu dừng ở việc trao đổi hơn là kinh doanh hạ tầng, vì vậy các nhà mạng vẫn xây dựng hạ tầng riêng để đáp ứng nhu cầu của mình. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện việc san sẻ linh hoạt giữa các khu vực thu phát sóng, các nhà mạng phải tiến hành sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị (cống bể tráp, cột anten, nhà trạm…), thực hiện roaming (chuyển giao cuộc gọi) giữa các hệ thống, triển khai các giải pháp trạm lặp, trạm khuyếch đại tín hiệu loại nhỏ…

Bên cạnh đó, do vùng phủ sóng 5G nhỏ nên cần số lượng cực lớn các trạm BTS 5G và để phát triển mạng 5G thì cần phải xây mới,không thểtận dụng, kế thừa từ mạng 4G, trừ cơ sở hạ tầng như mặt bằng, vị trí… nên khả năng về việc dùng chung hạ tầng viễn thông hoặc tích hợp hạ tầng viễn thông vào hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị là giải pháp hợp lý, hiệu quả của hầu hết các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Với Việt Nam, đây là nhiệm vụ không dễ dàng.

Để hoàn thành kế hoạch triển khai mạng 5G tại Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng các mặt sau:

Thứ nhất: Cần sớm ban hành các chiến lược, chính sách quản lý phát triển băng thông rộng và lộ trình triển khai 5G bao gồm công nghệ, chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng, tần số, tiêu chuẩn, an toàn thông tin, ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G… Cần xây dựng và lựa chọn các thứ tự ưu tiên riêng để ứng dụng 5G trở nên phổ biến trong các ngành, lĩnh vực.

Thứ hai: Hình thành một hệ sinh thái mạng di động với sự tham gia của các đơn vị quản lý băng tần, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, đơn vị làm nội dung… tạo tiền đề cho sự hình thành hệ sinh thái số. Kế thừa và khai thác hết dung lượng mạng 3G và 4G song song với phát triển mạng 5G.

Thứ ba: Cần sớm xây dựng được các tiêu chuẩn bảo mật cho mạng 5G, ban hành quy định về việc các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, dịch vụ, ứng dụng phải có các biện pháp bảo đảm an ninh và quyền riêng tư, tạo ra một môi trường internet lành mạnh nhằm hướng tới sự phát triển của nền kinh tế số.

Thứ tư: Có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, sử dụng các dịch vụ, ứng dụng 5G, góp phần giảm thiểu các chi phí đầu tư ban đầu cho các nhà mạng.Chính phủ phải có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong phát triển mạng 5G.

Thứ năm: Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực để triển khai 5G và thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới thúc đẩyhợp tác khu vực trong mọi lĩnh vực gồm kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

ThS. Phạm Hoa Quỳnh

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư