Phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng ưu tiên

Bộ Công Thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập.

Giải pháp hàng đầu trong phát triển công nghiệp là triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng thích ứng, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Theo đó, tiếp tục tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

Đồng thời, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

Tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập, gồm:

+ Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, năng lượng, hóa chất, thép, thiết bị điện…; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp khai khoáng (dầu khí và khoáng sản) theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.

+ Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

+ Cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước, bảo đảm cho nhu cầu phát triển của đất nước trong dài hạn theo hướng bền vững và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước; đầu tư, nâng cấp mở rộng hệ thống lưới điện, từng bước chuẩn hóa lưới điện nông thôn; đảm bảo mở rộng lưới điện tới các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, đồng thời đảm bảo an toàn và chống thất thoát điện; thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm tổn thất điện năng, thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất, truyền tải và phân phối để phát triển bền vững.

Đối với việc hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.

Trong phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.

Giao Thủy