Phát triển kinh tế Đông Nam bộ: Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị vùng

Đông Nam bộ là một trong hai phần của Nam bộ, với dân số trên 14 triệu người, chiếm 17% dân số nước ta. Đây là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất, hàng năm đóng góp 2/3 số thu ngân sách, có tỷ
Từng địa phương năng động

Ngày 18/4 tại Bình Phước, Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ lần thứ 14 diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Phạm Văn Tòng.

Đây là sự kiện lớn của ngành Công Thương được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong vùng có cơ hội tiếp xúc, trao đổi. Đây cũng là diễn đàn ghi nhận những kiến nghị, đóng góp của địa phương đối với sự phát triển công nghiệp và thương mại trong cả vùng.

Điều đáng mừng là trong bối cảnh khó khăn chung, những năm qua Đông Nam bộ vẫn giữ vững danh hiệu là vùng kinh tế đầu tàu cả nước, với mức tăng trưởng GDP bình quân 11%/năm. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm hơn 60%, số thu ngân sách chiếm 2/3 của cả nước.

Đặc biệt, 4 tỉnh thành được coi là hạt nhân của vùng kinh tế đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh tăng 5,1%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 6,7%, Bình Dương 10,5% và Đồng Nai 7,4%. Trong đó, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát huy được thế mạnh theo cơ cấu kinh tế mở, liên kết kinh tế góp phần thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ theo hướng tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

Tính năng động của từng địa phương được phát huy cao độ trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế. Trong năm vừa qua, các tỉnh thành trong vùng đã tổ chức hàng trăm buổi đối thoại, gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn cho hàng ngàn doanh nghiệp về vốn vay, giãn nợ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, xuất khẩu, giải phóng hàng tồn kho, đẩy mạnh triển khai các đề án khuyến công cấp quốc gia và địa phương.

Năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vùng Đông Nam bộ đạt 853.994 tỷ đồng, tăng 19,18% so với năm 2011 và chiếm tỉ trọng 36,7% so với cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 69.668 triệu USD, tăng 10,5%, chiếm hơn 60%; kim ngạch nhập khẩu đạt 51.534 triệu USD, chiếm 45,1% so với cả nước.Xúc tiến đầu tư chung

Nhờ những điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử, miền Đông Nam bộ nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với miền Tây Nam bộ, lấy TP. Hồ Chí Minh làm trung tâm kết nối, đã dần hình thành sự liên kết phát triển một cách tự nhiên, tạo nên vùng kinh tế như một sản phẩm tự nhiên vốn có. Đây là xu hướng nội tại, một lợi thế riêng có của Đông Nam bộ.

Trên thực tế, Đông Nam bộ là vùng tạo được sự liên kết rõ ràng hơn cả so với các vùng kinh tế khác. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, Chương trình liên kết vùng Đông Nam bộ trong năm qua đã đạt được 5 kết quả đáng khích lệ: Công nghiệp của vùng tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho nền kinh tế; thương mại phát triển ổn định; khuyến công ngày càng phát triển, giải quyết được nhiều việc làm; xúc tiến thương mại được khai thông; đầu tư được giữ vững và phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế từng tỉnh phát triển chưa thật sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số tỉnh còn chậm; sự phối hợp giữa các địa phương với nhau và với các bộ, ngành còn nhiều mặt chưa tốt. Bên cạnh đó, còn có một số hạn chế gây khó khăn nhất định đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tình hình thị trường còn nhiều bất ổn, quá trình nâng cao giá trị sản phẩm của vùng chưa có chiều sâu, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sự đa dạng mẫu mã, dịch vụ bán hàng chưa đáp ứng nhu cầu của người thị trường thế giới.

Và, nếu so với vị thế của một vùng nằm giữa khu vực Đông Nam Á, có hệ thống giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không thuận lợi cho sự giao lưu hợp tác quốc tế thì sự liên kết ấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.

Theo ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, giải quyết những yếu kém trong liên kết vùng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư công nghiệp chung cho cả vùng là điều quan trọng nhất. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành trong vùng đều tăng, nhưng sự chênh lệch về giá trị sản xuất công nghiệp giữa các tỉnh trong vùng cũng rất lớn. Để thu hẹp khoảng cách này, cần phát huy lợi thế của từng địa phương để tăng cường phối hợp xúc tiến đầu tư công nghiệp. Trong đó, cần ưu tiên trước hết cho định hướng và phân công sản xuất lại giữa các tỉnh trong vùng.

Định vị trong chuỗi giá trị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, để liên kết vùng phát triển bền vững, vấn đề đặt ra cho ngành Công Thương từng địa phương là phải sàng lọc, lựa chọn cho trúng những lĩnh vực, ngành nghề nào cần liên kết hợp tác, trong đó nên ưu tiên liên kết trong những ngành nghề đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tính liên kết của các địa phương có vùng nguyên liệu nông sản tập trung như Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương đã cho kết quả khá tốt đẹp, giảm thiểu được một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Song sự liên kết trên bình diện tiêu thụ sản phẩm thì chưa đạt như kỳ vọng. Các địa phương này đang bàn thảo với nhau chương trình liên kết trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với phát triển vùng nguyên liệu; phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch; phát triển công nghiệp chế biến sau mía đường, sau bột mỳ.

Qua Hội nghị có thể thấy, để sự liên kết vùng mang lại hiệu quả thiết thực, cần có 3 yếu tố: sự năng động của từng địa phương trong phát huy lợi thế của mình; sàng lọc, ưu tiên những lĩnh vực ngành nghề cần sự hợp tác liên kết; và muốn vậy thì điều căn bản trước nhất là từng địa phương, từng doanh nghiệp tự định vị chỗ của mình nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn vùng.

Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo là còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các chỉ tiêu ngành công thương, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ vẫn đặt ra khá cao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn mức trung bình chung của cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,9% so với năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10,63%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 13,55%, chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn mức bình quân 8% của cả nước...

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành công thương các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã đề ra các giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành và lĩnh vực để định hướng sản xuất kinh doanh cho từng địa phương và toàn vùng; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu; tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường phối hợp, tiếp xúc giữa cơ quan quản lí nhà nước và doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tăng cường sự hợp tác, liên kết vùng...
Nguyễn Văn - TCCT