Phát triển ngành du lịch tại Bình Dương trong bối cảnh hội nhập: thực trạng và giải pháp

Phát triển ngành du lịch tại Bình Dương trong bối cảnh hội nhập: thực trạng và giải pháp của ThS. NGUYỄN KIỀU OANH (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương)

TÓM TẮT:

Du lịch là một ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động, tận dụng được nhiều nguồn lực sẵn có của tự nhiên, xã hội, đặc biệt là mang lại giá trị lớn và không ngừng phát triển. Trong quá trình hội nhập nền kinh tế hiện nay, tỉnh Bình Dương đang dần định hình được tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch địa phương. Bài viết này khái quát lại tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Bình Dương, để làm cơ sở đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển ngành Du lịch tỉnh Bình Dương phù hợp với mục tiêu Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Từ khóa: du lịch, hội nhập, giải pháp phát triển, tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Năm 2020 và năm 2021 là những năm ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Bình Dương nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Các chỉ số tăng trưởng của ngành Du lịch trong năm 2021 đều sụt giảm nghiêm trọng, kết quả thực hiện các chỉ tiêu giảm mạnh. Trong đó, lượt khách chỉ đạt 21,3% kế hoạch năm, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch đạt khoảng 59,52% kế hoạch năm, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong vòng hơn 5 tháng hoạt động, du lịch trên địa bàn tỉnh gần như “đóng băng”. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Nhiều người lao động của ngành thất nghiệp hoặc chuyển sang nghề khác để mưu sinh. (Tổng kết Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Dương, 2022).

Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã “tranh thủ thời cơ” xây dựng những chương trình du lịch hấp dẫn, an toàn, phục vụ du khách trong trạng thái “bình thường mới”. Vì vậy, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương từ năm 2020 đến năm 2025, Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2020) xác định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, quan tâm đầu tư các loại hình du lịch công nghiệp, du lịch đường sông, du lịch tham quan làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch MICE… nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế để thu hút du khách đến Bình Dương”.

Trong bài viết này, tác giả khái quát lại tiềm năng, thế mạnh du lịch mà nhiều bài viết, bài báo và công trình đã công bố, để làm cơ sở đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển ngành Du lịch tỉnh Bình Dương phù hợp với mục tiêu Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra, cũng như giúp cho ngành Du lịch tại Bình Dương phát triển trong bối cảnh hội nhập.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Tiềm năng và thế mạnh du lịch Bình Dương

Tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Dương tương đối đa dạng. Đó là hệ thống vườn cây ăn trái Lái Thiêu ven sông Sài Gòn với thương hiệu “miệt vườn Lái Thiêu” nổi tiếng từ lâu, gắn với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, mít tố nữ,… Trong đó, “măng cụt Lái Thiêu” được vinh danh trong TOP 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Các cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội trên sông Đồng Nai gắn với các sản phẩm nông nghiệp như bưởi, rau. Bình Dương còn có các làng nghề rất đặc biệt, như: làng mây tre đan Tân Uyên, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, làng guốc mộc Thuận An, làng nhang Dĩ An, làng mộc, chạm khắc gỗ Chánh Nghĩa, Phú Thọ… Các di tích lịch sử - văn hóa độc đáo được phân bố khắp 9 huyện, thị, thành phố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 41 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã được công nhận. Tiềm năng này có thể tạo ra các sản phẩm: du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh - văn hóa…

Về thắng cảnh, Bình Dương có hai ngọn núi (Núi Cậu và núi Châu Thới) có cảnh quan đẹp và giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo có khả năng phát triển các loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, Bình Dương còn là vùng đất mang đậm nét văn hóa với nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc và nghề mây tre lá… với các sản phẩm có thương hiệu như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, lò lu Đại Hưng, mây tre lá Thành Lộc, trong đó nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và nghề gốm sứ Bình Dương được ông nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia”,… Với lịch sử hình thành lâu đời, Bình Dương có khá nhiều và đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa có khả năng khai thác phát triển du lịch. Hiện toàn tỉnh có 65 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng (trong đó có 13 di tích cấp quốc gia) bao gồm các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc tôn giáo, các công trình kiến trúc nhà cổ như nhà cổ Đốc Phủ Đẩu, nhà cổ ông Trần Công Vàng… là những di tích lịch sử in đậm bản sắc văn hóa địa phương Bình Dương.

Về các lễ hội truyền thống, Bình Dương có nhiều lễ hội như Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, lễ hội Kỳ Yên,... Hàng năm, lễ hội “Chùa Bà Thiên Hậu” đón hơn 1 triệu lượt khách đến viếng vào dịp rằm tháng Giêng. Trong đó đáng quan tâm là Khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam, với quy mô 450 ha, đây là một quần thể du lịch, văn hóa, thể thao theo mô hình công viên chuyên đề với nhiều loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn.

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức vị ngon đặc trưng của ẩm thực vùng Đông Nam Bộ với các món ăn hấp dẫn như: bánh bèo bì Bình Dương, nem Lái Thiêu, gà nướng sầu riêng… Trong năm 2021-2022, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chọn gỏi gà măng cụt Lái Thiêu và lẩu bò nhúng mắm ruốc vào top món ăn đặc sản Việt Nam, nem Lái Thiêu và mứt gừng Bình Nhâm được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Ngoài ra Bình Dương có lợi thế phát triển du lịch thể thao cao cấp với 4 sân golf được công nhận đạt chuẩn quốc tế đã và đang hoạt động phục vụ khách.

Vị trí địa lý cũng là một lợi thế đối với Bình Dương trong việc liên kết với các địa phương khác, như nằm sát TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước, gần sân bay quốc tế, thuận lợi để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; có trục đường nối tiếp với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh - Bình Phước và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ… Bình Dương nằm trong lưu vực của 3 con sông lớn là: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, có thể tạo thành các sản phẩm du lịch sông nước với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bình Phước, hay phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, những khu du lịch sinh thái vườn, các tour du lịch mạo hiểm trên sông.

Tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Dương khá đa dạng, nhưng quy mô không lớn và phân bố rải rác. Tiềm năng đó vẫn có thể khai thác được tốt, nếu các địa phương, các cơ sở dịch vụ du lịch liên kết lại sẽ tạo được nhiều sản phẩm hấp dẫn đối với du khách và mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Sự quan tâm của du khách

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương (2017), tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng. Năm 2019, Bình Dương đã thu hút được trên 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 1.440 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành Du lịch Bình Dương mới chỉ đạt 2,07% về số lượng lượt khách và 4,24% về doanh thu du lịch. (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, 2019).

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, trong dịp Tết Nhâm Dần (2022), các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn đã phục vụ 52.438 lượt khách, với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, Bình Dương đang là một trong những điểm đến hấp dẫn, được nhiều du khách quan tâm.

2.3. Chính sách của tỉnh Bình Dương về phát triển ngành Du lịch

Ngày 21 tháng 10 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 5165/KH-UBND, về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kế hoạch đã khái quát được tiềm năng, lợi thế và một số bước triển khai quan trọng.

Đến ngày 09 tháng 12 năm 2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 2823), nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Hành động của Tỉnh ủy Bình Dương tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Đề án này là sự tiếp nối Kế hoạch số 5165/KH-UBND, thể hiện hoàn chỉnh và quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị của tỉnh đối với sự nghiệp du lịch.

3. Một số giải pháp phát triển ngành Du lịch tỉnh Bình Dương

Để đánh thức tiềm năng, phát huy hết thế mạnh và hiện thực hóa khát vọng phát triển ngành Du lịch tỉnh Bình Dương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể sau đây:

3.1. Đổi mới nhận thức về phát triển du lịch

Xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có tính nhân văn sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có cơ chế, chính sách đột phá. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch, góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao uy tín và thương hiệu du lịch Bình Dương.

3.2. Tích cực quảng bá nhằm thúc đẩy thu hút du khách và mời gọi các nhà đầu tư

Tận dụng và phát huy tối đa các phương tiện truyền thông sẵn có của tỉnh như: phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử… để giới thiệu, chuyển tải các hình ảnh, sản phẩm du lịch hấp dẫn của Bình Dương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch: xây dựng ứng dụng điện thoại di động về du lịch Bình Dương; thiết lập các sản phẩm hình ảnh, video clip 3D về các không gian di tích lịch sử, văn hóa, địa danh du lịch… nhằm tạo thông tin hấp dẫn đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Dương.

Duy trì việc tổ chức cuộc thi, festival, hội chợ, triển lãm quảng bá các sản phẩm, các thế mạnh, đặc sản của Bình Dương. Chủ động đăng cai tổ chức, tham gia các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bình Dương với bạn bè đến từ các vùng miền của đất nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước để thu hút du khách đến Bình Dương.

3.3. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển bền vững

Bình Dương là một tỉnh công nghiệp với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề truyền thống. Do đó, phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp là một hướng đi hợp lý. Vì vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương (tham quan làng nghề truyền thống), nhóm sản phẩm du lịch chính (du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan tìm hiểu các di tích, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, quy trình sản xuất, tìm kiếm cơ hội đầu tư…). Sản phẩm này đòi hỏi cơ quan quản lý cần chủ động tạo sự liên kết, kết nối tour, tuyến tham quan các nhà máy, công ty, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp với các khu, điểm du lịch, các đơn vị dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách.

Tiếp tục hỗ trợ củng cố duy trì các sản phẩm, dịch vụ hiện có như: vui chơi giải trí; du lịch thể thao golf; du lịch nghỉ dưỡng; tham quan các bảo tàng, di tích; du lịch dã ngoại, giáo dục cộng đồng, nghiên cứu khoa học; du lịch tâm linh;...

Bình Dương cũng có những món ăn tạo nên sự cuốn hút đối với nhiều người và nhiều món ăn dân dã khác, tạo nên hương sắc ẩm thực riêng của tỉnh Bình Dương đang còn tiềm ẩn, chưa được khám phá và khai thác hết.

3.4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch

Bình Dương cần ưu tiên nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch theo hướng phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các khu, điểm du lịch, khu dịch vụ phức hợp, khu vui chơi giải trí, các khách sạn có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Hình thành khu chợ đêm, phố đi bộ ở một số huyện, thị, thành phố có điều kiện, phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện để đưa vào khai thác các công trình di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng các bến đỗ, nhà chờ đạt chất lượng để phát triển tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh,...

3.5. Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch của tỉnh

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được Đề án 2823 (UBND tỉnh Bình Dương, 2021) xác định: “Lao động ngành du lịch đến năm 2025 thu hút khoảng 7.500 lao động (trong đó 60% lao động đã qua đào tạo); đến năm 2030 thu hút khoảng 8.500 lao động (trong đó 70% lao động đã qua đào tạo)”. Trong khi đó, Bình Dương có số lao động phục vụ trong ngành Du lịch trên địa bàn khoảng 5.000 người (trong đó có khoảng 2.500 lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ). Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Du lịch, tỉnh nên đặt hàng để các trường học có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tốt được trang bị kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của tỉnh. Bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, lao động ngành Du lịch còn phải có những kiến thức về phòng chống dịch bệnhtrong điều kiện mới, hoặc những kiến thức, kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thích ứng công nghệ 4.0 cho ngành Du lịch thông minh.

3.6. Bảo tồn các hoạt động lễ hội và phát huy vai trò các câu lạc bộ nghệ thuật trong hoạt động du lịch

Hiện nay, Bình Dương có các lễ hội như lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, lễ hội đua thuyền trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, lễ hội Kỳ Yên… Cần phải xem các lễ hội của Bình Dương là giá trị văn hóa phi vật thể, là văn hóa đặc sắc của tỉnh. Do đó, cần bảo tồn và phát huy, kết hợp với các hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch gắn với các lễ hội cũng là dịp để hình ảnh văn hóa, con người Bình Dương lan tỏa. Ngược lại, du khách cũng sẽ xem Bình Dương là một trong những điểm đến hấp dẫn về tâm linh, văn hóa.

Bên cạnh đó, cần phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ sinh vật cảnh,… trên địa bàn Bình Dương, vừa góp phần bảo tồn các di sản văn hóa phí vật thể của dân tộc, vừa góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương.

3.7. Thực hiện tốt việc quản lý để du lịch phát triển

Các địa phương và các cơ quan quản lý du lịch của tỉnh cần tiếp tục khuyến khích người dân Bình Dương tạo sự thân thiện, thu hút khách du lịch gần xa vào những ngày rằm tháng giêng với lễ hội 0 đồng và tạo dựng thương hiệu “độc - lạ Bình Dương”. Đây là cơ hội truyền thông rất hữu ích về con người và du lịch Bình Dương.

Muốn phát triển du lịch tốt, công tác quản lý thị trường cần được quan tâm chú trọng. Cơ quan quản lý thị trường cần kiểm soát tốt giá cả trên địa bàn, yêu cầu mọi cơ sở dịch vụ du lịch phải niêm yết giá, hàng hóa có giá cả phải chăng, không chặt chém khách, để tạo niềm tin cho du khách, thu hút du khách đến Bình Dương.

Các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ tích cực cho du khách về an ninh, về thông tin, về dịch vụ… Riêng ngành Du lịch, nên có các cẩm nang du lịch Bình Dương để chia sẻ cho du khách. Du khách có thể tìm thấy cẩm nang du lịch ở bất cứ nơi đâu: từ bến xe, bến tàu, cơ sở lưu trú, cửa hàng ăn uống… đến các trang thông tin về du lịch và cổng thông tin của địa phương.

4. Kết luận

Tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Bình Dương về du lịch rất lớn. Để trong tương lai, du lịch Bình Dương trở thành thương hiệu ấn tượng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị phải nỗ lực thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch Bình Dương, vận động nhân dân tham gia vào quá trình tạo dựng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, vận hành dịch vụ du lịch. Mọi tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương cùng chung tay thúc đẩy thì du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, có những đóng góp lớn vào cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2020). Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh Bình Dương.
  2. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (2020). Sách hướng dẫn cho người lao động du lịch. Truy cập tại https://images.vietnamtourism.gov.vn/vn/dmdocuments/SachHDchoNguoiLaodong.pdf
  3. Hồng Thuận (2022). Bình Dương từng bước khôi phục ngành Du lịch. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-duong-tung-buoc-khoi-phuc-nganh-du-lich-604287.html
  4. Thùy Linh (2021). Bình Dương: Nguồn nhân lực - Yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Truy cập tại https://dulichvn.org.vn/index.php/item/binh-duong-nguon-nhan-luc---yeu-to-quan-trong-trong-phat-trien-du-lich-46225.
  5. Trịnh Bình (2019). Bình Dương hướng tới du lịch bền vững. Báo Nhân dân. Truy cập tại https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/binh-duong-huong-toi-du-lich-ben-vung-352271.
  6. UBND tỉnh Bình Dương (2021). Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2021 Phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

DEVELOPING THE TOURISM INDUSTRY

OF BINH DUONG PROVINCE IN THE INTEGRATION PROCESS:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. NGUYEN KIEU OANH

Binh Duong Economics and Technology University  

ABSTRACT:

Tourism is a labor-intensive service industry, taking advantage of many available natural and social resources. Tourism also brings great values and constantly grow. In the context of the country’s current economic integration process, the potential and advantages of Binh Duong province’s tourism industry are gradually shaped. By reviewing published articles and works about Binh Duong province’s tourism industry, this paper presents an overview on the development potential and strengths of the province’s tourism sector. The paper also proposes some solutions to promote the province’s tourism development to meet the goals set by the 11th Congress of Binh Duong Province’s Provincial Party Committee.

Keywords: tourism, integration, development solutions, Binh Duong province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]

TCCT