Quan điểm triết học Mác - Lênin về tự do và tất yếu trong phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

ThS. TRẦN THỊ TƯƠI (Trường Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT:

Cùng với những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề văn hóa cũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Bài viết phân tích quan điểm của triết học Mác - Lênin về tự do và tất yếu, trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như quan điểm của triết học Mác - Lênin về tự do và tất yếu trong việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ khóa: Triết học Mác - Lênin, tự do, tất yếu, văn hóa, bản sắc dân tộc.

1. Quan điểm của triết học Mác - Lênin về tự do và tất yếu

Ở mỗi thời kỳ lịch sử, vấn đề tìm hiểu xem con người có quyền lực như thế nào đối với tự nhiên và xã hội luôn thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học nói chung, trong đó có triết học. Trong số đó, tự do và tất yếu cũng là một vấn đề luôn được triết học quan tâm nghiên cứu.

Trong triết học mác xít, phạm trù tất yếu và tự do dùng để chỉ mối quan hệ qua lại giữa hoạt động vật chất và tinh thần có định hướng của con người với các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Liên quan đến vấn đề này, Ăngghen viết: Người ta không thể bàn bạc đúng đắn về đạo đức và pháp quyền mà lại không nói đến cái gọi là tự do ý chí, đến trách nhiệm của con người, đến quan hệ giữa tất yếu và tự do.

Trên cơ sở nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, cũng như quan điểm về tự do và tất yếu nói riêng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có sự nhìn nhận đúng đắn trong quá trình xây dựng và kiến thiết đất ngày càng giàu mạnh. Đó là, chỉ có ở chủ nghĩa cộng sản, con người mới phát huy được quyền tự do của mình, đưa con người “nhảy vọt từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do”. Cùng với những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề văn hóa cũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việc vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như quan điểm của triết học Mác về tự do và tất yếu trong việc phát triển nền văn hóa ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề mang tính thời sự.

Trong lịch sử triết học trước Mác, phải kể đến Hôn-bách với “Hệ thống của tự nhiên”, bàn về mối quan hệ tất yếu và tự do, chống lại thuyết định mệnh. Can- tơ với “Phê phán lý tính thực tiễn”,phân tích mối quan hệ giữa tự do và quy luật đạo đức, được thể hiện trong khái niệm mệnh lệnh tuyệt đối. Hay Hê-ghen với “Bách khoa toàn thư các khoa học triết học”. Hốp-xơ với “Leviathan”, cho tự do - tất yếu là vấn đề nhận thức. Ông viết trong Leviathan:Nói đến tự do… ta ngầm hiểu là không có những chướng ngại bên ngoài, những cản trở không ít lần có thể tước đi của con người một phần quyền lực của anh ta muốn làm gì tùy thích, nhưng không thể cản trở sử dụng quyền lực còn lại dành cho con người, phù hợp với cái mà phán đoán và lý trí của anh ta chấp nhận”. [5; 163]

Trong triết học Mác – Lênin, phải kể đến các tác phẩm “Chống Đuyrinh” của Ăngghen. Ông đã đưa ra cách hiểu cô đọng mà sâu sắc về tự do và tất yếu. “Bút ký triết học” đã tổng kết phép biện chứng. “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Lênin. Triết học Mác - Lênin thừa nhận các quy luật của giới tự nhiên bên ngoài, các quy luật đó là hình thức biểu hiện của tính tất yếu trong giới tự nhiên. Tính tất yếu trong giới tự nhiên phản ánh khuynh hướng vận động, phát triển chủ yếu của các quá trình tự nhiên. Tính tất yếu đó thể hiện dưới hình thức các quy luật khách quan. Các quy luật đó tự mở cho mình một đường đi, dưới hình thức tất yếu bên ngoài, giữa vô số những ngẫu nhiên bên ngoài.

Tuy nhiên, sự đối lập giữa tất yếu và ngẫu nhiên chỉ là tương đối. Bởi lẽ, như Ph. Ăngghen nói: “Cái mà người ta quả quyết cho là tất yếu lại hoàn toàn do những ngẫu nhiên thuần túy cấu thành, và cái được coi là ngẫu nhiên lại coi là hình thức, dưới đó ẩn nấp cái tất yếu” [1; 435 - 436]. Với việc thừa nhận các quy luật của giới tự nhiên bên ngoài, triết học Mác - Lênin đã đem lại cơ sở khoa học cho việc nhận thức đúng đắn tính tất yếu của giới tự nhiên. Trong chỉnh thể thống nhất của thế giới, hệ thống con người - xã hội - tự nhiên là không thể chia cắt được; giới tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong lịch sử con người. Con người có khả năng cải tạo, biến đổi và chinh phục giới tự nhiên.

Theo C.Mác, “Mỗi giai đoạn của lịch sử đều gặp một kết quả vật chất nhất định, một tổng số nhất định những lực lượng sản xuất, một quan hệ - được tạo ra từ trong quá trình lịch sử - của cá nhân với tự nhiên và với những người khác, quan hệ mà mỗi thế hệ nhận được của những tiền bối của mình, một khối lượng lớn những lực lượng sản xuất, những tư bản và những điều kiện. Tức là những thứ một mặt bị thế hệ mới làm cho biến đổi đi, song mặt khác lại quy định cho thế hệ mới những điều kiện sinh hoạt của chính thế hệ mới và làm cho thế hệ mới có một sự phát triển nhất định, một tính chất riêng biệt.” [2; 54 - 55].

Như vậy, tính tất yếu xã hội được sinh ra từ hoạt động của con người trải qua nhiều thế hệ, là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử, nó bao gồm: Tính tất yếu của sự phát triển các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội; Tính tất yếu của những hành động tích cực, tự giác và sáng tạo của con người.

Con người được tự do chính là vì ngày càng chi phối được tự nhiên và xã hội một cách tự giác. Lênin viết: “Chừng nào chúng ta chưa biết được một quy luật của giới tự nhiên thì quy luật đó, trong khi tồn tại và tác động độc lập và ở ngoài nhận thức của ta, biến ta thành những nô lệ của “tính tất yếu mù quáng”.  Khi chúng ta đã biết được quy luật đó, quy luật tác động (như Mác đã nhắc lại hàng ngàn lần) không lệ thuộc vào ý chí của chúng ta và vào ý thức của chúng ta, thì chúng ta trở thành người chủ của giới tự nhiên” [4; 228 -229].

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tự do không phải chỉ là tự do tư tưởng của một cá nhân muốn nghĩ thế nào tùy ý, bất chấp quy luật khách quan bên ngoài, mà tự do phải là sự nhận thức tính tất yếu và làm theo tính tất yếu đó.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tự do không phải chỉ là tự do của cá nhân, mà tự do còn là vấn đề xã hội. Chúng ta phản đối quan điểm của giai cấp tư sản chỉ nói đến tự do cá nhân một cách tuyệt đối, tách rời cá nhân khỏi xã hội. Tất nhiên, một người có tự do khi người đó hiểu biết quy luật khách quan và tự quy định hành động của mình phù hợp với quy luật khách quan. Song con người không phải sống cô độc một mình (như Rô-bin-sơn sống trên hoang đảo) mà bao giờ cũng là con người xã hội, cho nên một người muốn làm gì, muốn tự do lựa chọn cái gì cũng không thể tách rời khỏi các quan hệ xã hội mà người đó đang sống. Bởi như Mác nói: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” [3;257].

Từ chiều sâu tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về tự do và tất yếu, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, xã hội Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải thực hiện công cuộc giải phóng toàn diện con người và xã hội về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tinh thần, ý thức cá nhân và xã hội… Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã hiện thực hóa nhận thức trên bằng con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bằng học thuyết giải phóng - đổi mới - phát triển đầy tính sáng tạo để thực hiện chủ nghĩa xã hội hướng đến mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ công bằng và văn minh.

Là một phần không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, vấn đề văn hóa cũng mang trong mình một tầm quan trọng to lớn, đặc biệt là đối với Việt Nam - một quốc gia đa dân tộc và có một nền văn hóa lâu đời, đã được vun đắp từ mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Do đó, việc vận dụng có hiệu quả lý luận mác xít về tự do và tất yếu trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam vừa đa dạng vừa mang đậm bản sắc dân tộc là một vấn đề mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức và vận dụng quan điểm mác xít về tự do và tất yếu, Việt Nam xác định cho mình một hướng đi đúng trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Tự do và tất yếu trong phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả của giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc lên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Mặt khác, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 tộc người thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ trong ba ngữ hệ chính: Ngữ hệ Nam Á với nhóm Việt - Mường, nhóm Môn Khơme, nhóm Tày - Thái, nhóm Mông - Dao, nhóm ngôn ngữ hỗn hợp với các dân tộc La Chí, La Ha, Cơlao, Pupéo; Ngữ hệ Nam Đảo với các dân tộc Giarai, Êđê, Chăm, Raglai, Churu; Ngữ hệ Hán - Tạng, với nhóm Hán và nhóm Tạng - Miến.

Các dân tộc thuộc các ngữ hệ trên đây đều có nền văn hóa của mình. Nếu các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên có một truyền thống làm tượng mồ, nhà mồ nổi tiếng, có một dàn cồng chiêng thật phong phú và độc đáo, có những áng sử thi hùng tráng, … thì người Chăm ở duyên hải miền Trung lại có những đền tháp, tác phẩm điêu khắc đá, những bia ký trên đá. Nếu người Khơme Nam Bộ có một kho tàng văn học phật giáo, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc phật giáo khá lớn, có những ngôi chùa là một trung tâm văn hóa và nhiều lễ hội độc đáo thì người Tày - Thái ở vùng núi cao phía Bắc lại có những nếp nhà sàn xinh xắn, có một kho tàng văn học dân gian đa dạng, phong phú về thể loại, giàu có về trữ lượng tác phẩm.

Văn hóa cổ truyền, tưởng như rất vững chắc, trở nên mong manh trước sức ép của nền văn hóa công nghiệp mang tính toàn cầu mà những siêu cường đang tranh đua nhau tác động lên bằng văn hóa của mình. Phải làm sao để Việt Nam hội nhập được với thế giới mà không hòa tan bản sắc của mình. Phải làm sao xây dựng một nền văn hóa đa tộc người như một vườn hoa muôn sắc ngàn hương, một nền văn hóa dân tộc thống nhất mà đa dạng, trong đó sự phát triển của Tổ quốc gắn liền với sự phát triển của từng tộc người. Và điều này đã được các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định và kiên quyết giữ vững. Sự thống nhất của văn hóa Việt Nam có cơ sở tự nhiên và con người. Tính chất nhiệt đới gió mùa quy định hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước. Nguồn gốc và lịch sử tộc người, lịch sử đất nước quy định những xu hướng phát triển chung của lịch sử văn hóa. Và ở giai đoạn hiện nay, với tư cách là một thực thể văn hóa của quốc gia, văn hóa Việt Nam mang những đặc trưng chung về ý thức hệ, về đạo đức, hệ thống giáo dục, ngôn ngữ và chữ viết phổ thông.

Nếu coi thống nhất văn hóa từ đa dạng, thì muốn củng cố sự thống nhất ấy, phải trên cơ sở sự bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa mà ở đây thể hiện rõ nhất là đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa địa phương (văn hóa vùng). Sẽ không có sự thống nhất văn hóa vững chắc và lành mạnh mà lại dựa trên cơ sở thuần nhất hóa hay đơn nhất hóa. Tuy nhiên, rất tiếc là quá trình đơn nhất hóa này, vô tình hay hữu ý (vô thức hay có ý thức) đang là thực tế diễn ra ở nhiều tộc người hay địa phương của Việt Nam.

Việc bảo tồn và làm giàu sắc thái văn hóa tộc người và địa phương hiện còn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, thời gian qua, tính đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa vùng ở nước ta có nguy cơ bị giảm sút. Tuy mức độ và tính chất của sự giảm sút đó ở các tộc người và các vùng là không đồng đều, nhưng mang tính phổ biến và đáng báo động. Cũng không thể để cho sự đồng hóa về văn hóa, dù đó là sự “đồng hóa tự nhiên”, diễn ra một cách “tự nhiên” như hiện nay.

Giao lưu văn hóa và sự hội nhập giữa các cộng đồng vốn là quy luật chung của sự phát triển văn hóa nhân loại. Nói đến sự hội nhập ở đây là sự hội nhập giữa các tộc người trong một quốc gia, hội nhập quốc gia với quốc tế. Đó cũng là biểu hiện của mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể trong một hệ thống. Một cộng đồng nào tách mình ra khỏi hệ thống tức là sẽ tự làm mất đi những khả năng, động lực của xu hướng phát triển chung.

Tất cả các dân tộc trong quốc gia Việt Nam, không kể dân tộc thiểu số hay đa số cũng không thể tự phát triển riêng rẽ, mà phải hòa vào một xu hướng phát triển chung của cả quốc gia. Đó là bài học rút ra từ sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn với Việt Nam.

Cần thấy rằng, mỗi cộng đồng người dù lớn hay nhỏ, đã phát triển hay còn ở trạng thái lạc hậu, hay chậm phát triển, đều có một lịch sử truyền thống lâu đời, tích lũy vốn tri thức và thể hiện qua nền văn hóa của mình. Đó là một nhân tố rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, cần phải tính đến trong việc tìm kiếm con đường và khả năng phát triển của cộng đồng đó. Bởi vì, không thể có một cộng đồng nào từ số “không”, từ “hư vô” mà phát triển, nó đều xuất phát từ một truyền thống cụ thể nào đó.

Đã có một thời, chúng ta quá nhấn mạnh đến cái chung, quy luật chung của sự phát triển của cộng đồng, ít chú ý tới truyền thống, tính đặc thù, bản sắc riêng của mỗi cộng đồng trong phát triển. Từ đó dẫn đến tình trạng dập khuôn, áp đặt, duy ý chí trong chủ trương, chính sách, trong hoạch định kế hoạch phát triển, cuối cùng là hiệu quả đạt được không như ý muốn.

Thực tế đó cho thấy, trong khi hoạch định kế hoạch và tìm kiếm các giải pháp phát triển mỗi cộng đồng thì, một mặt, không thể không chú ý tới hệ thống chung quy định xu hướng của phát triển phù hợp với quốc gia và quốc tế. Mặt khác, quan trọng hơn là từ thực tế mỗi tộc người và địa phương, từ tính đặc thù, từ truyền thống riêng, tìm kiếm cách thức và các giải pháp cụ thể cho sự phát triển của mỗi dân tộc hay địa phương ấy.

Việt Nam là một đất nước có nhiều tộc người, với sự khác biệt về quy mô dân số, hoàn cảnh sống, điều kiện lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa. Do vậy, chiến lược chung của Đảng và Nhà nước là phát triển toàn diện ở mỗi dân tộc, nhưng chúng ta không thể không đặc biệt lưu ý với tính đặc thù và bản sắc dân tộc ấy trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phải nghiên cứu, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng những mặt riêng ấy, để từ đó định ra những hình thức, bước đi, biện pháp phù hợp với mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

Như vậy, bản thân nền văn hóa Việt Nam là đa dạng, cộng thêm sự đa dạng từ nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới, đã tạo nên sự phát triển đa dạng trong nền văn hóa nhân loại nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Từ đó, Việt Nam có quyền lựa chọn cho mình một đường hướng phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện của nước mình mà lại không tách biệt khỏi nền văn minh tiến bộ của nhân loại.

3. Kết luận

Trên cơ sở nhận thức và vận dụng quan điểm mác xít về tự do và tất yếu, Việt Nam xác định cho mình một hướng đi đúng trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng nền văn hóa mang tính đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc.

Cùng với nhân loại, dân tộc Việt Nam đã bước sang một thế kỷ mới. Nhận thức của loài người về vai trò, vị trí của văn hóa đã dần thay đổi, tiếp cận được đúng bản chất của vấn đề. Thập kỷ thế giới phát triển nâng nhận thức của nhân loại về văn hóa lên tầm cao mới. văn hóa là động lực của sự phát triển, là mục tiêu của sự phát triển như lời phát biểu của ông F.Mayo tổng giám đốc UNESCO: “Hễ nhà nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều” và “Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình như một cổ súy trực tiếp cho sự phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội”.

 Chính vì vậy, đối với Việt Nam với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, hiện đang trên con đường hội nhập và hợp tác trong xu thế toàn cầu đã xác định chiến lược phát triển đất nước: cùng với phát triển kinh tế - xã hội là khẳng định vai trò, vị trí to lớn của văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quan niệm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là quan niệm đã tiếp thu được tinh hoa trí tuệ nhân loại, và là sự kế thừa, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh và điều kiện cách mạng Việt Nam hiện nay. Đó là xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam vừa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang tính đa dạng là một tất yếu và chỉ có vậy mới mang lại tự do trong lĩnh vực văn hóa nói riêng và trong sự phát triển chung của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ăngghen: Chống Đuyrinh, NXB Sự thật, Hà Nội, 1971.
  2. Mác và Ăngghen: Tuyển tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980.
  3. Mác và Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 21.
  4. Mác và Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3.
  5. Mác và Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 13.
  6. Mác và Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 37.
  7. Mác và Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1.
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VII.
  9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006.
  11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3.
  12. Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
  13. Trần Trọng Kim: “Nho giáo”, NXB Tp. Hồ Chí Minh.
  14. UBQG về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa. Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. NXB Bộ Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002.
  15. M: “Mác - Nhà tư tưởng của cái có thể”, Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, 1996. tập 1.
  16. I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, NXB Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1980, tập 18.

 

VIEWS OF MARXISM – LENINISM PHILOSOPHY ON FREEDOM

AND INDISPENSABILITY IN DEVELOPING AN ADVANCED

VIETNAMESE CULTURE IMBUED WITH NATIONAL IDENTITY

Master. TRAN THI TUOI

Sai Gon University

ABSTRACT:

Along with the country's socio-economic development strategies, cultural issues have always been of interest to the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. This article analyzes the views of Marxist - Leninist philosophy on freedom and inevitability, on that basis, creatively applying the principles and views of Marxism - Leninism philosophy on freedom and indispensability in developing an advanced Vietnamese culture imbued with national identity.

Keywords: Marxist - Leninist philosophy, freedom, inevitability, culture, national identity.