Quyền về đời sống riêng tư theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành

CAO THANH TÂM (Viện Phát triển nguồn lực, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Trong thời đại công nghệ số hóa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng để sử dụng vào những mục đích khác nhau, đã dần trở nên quen thuộc. Việc làm này một mặt giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội, nhưng mặt trái của nó là tồn tại những nguy cơ bị người khác đánh cắp thông tin để thực hiện những hành vi trái pháp luật như giả mạo bạn bè, người thân để lừa đảo, làm giả thẻ ngân hàng… Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày lịch sử phát triển quyền về đời sống riêng tư trên thế giới và quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về quyền về đời sống riêng tư.

Từ khóa: Quyền đời sống riêng tư, bí mật đời tư.

1. Đặt vấn đề

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Việc bảo vệ nó tưởng chừng như đơn giản, nhưng trên thực tế, sự vi phạm trong thời gian qua có thể nói là đang tràn lan, trở thành mối lo cho xã hội. Việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thực sự khó khăn trong kỷ nguyên internet này, khi mà thông tin được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái "nhấp" chuột máy tính, rất nhiều thông tin đời tư cá nhân đáng ra phải được bảo vệ bị phơi bày. Những người có thông tin cá nhân, hoặc người thân của họ bị tiết lộ đôi khi gặp quá nhiều rắc rối trong cuộc sống, khi kẻ xấu sử dụng thông tin của họ nhằm thực hiện hành vi phi pháp…

Trong thời đại công nghệ số hóa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng để sử dụng vào những mục đích khác nhau đã dần trở nên quen thuộc. Việc làm này một mặt giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội, nhưng mặt trái của nó là tồn tại những nguy cơ bị người khác đánh cắp thông tin để thực hiện những hành vi trái pháp luật như giả mạo bạn bè, người thân để lừa đảo, làm giả thẻ ngân hàng…

Bên cạnh đó, không khó để tìm kiếm được trên mạng thông tin cá nhân, những bí mật gia đình, đời sống tình cảm riêng tư của một số chính trị gia, diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng, thậm chí là những ồn ào xung quanh vụ scandal trong giới showbiz. Chưa bàn tới việc những thông tin này khi đăng tải có được sự cho phép của người trong cuộc hay không, việc công khai những thông tin đó có thể dẫn đến tổn hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân người đó. Chính vì thế, việc biết được những thông tin cá nhân của mình có được pháp luật bảo vệ hay không, phạm vi thông tin cá nhân được bảo vệ như thế nào, mức độ bảo vệ ra sao… là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Đây chính là những quy định của pháp luật “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, một trong những quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được pháp luật dân sự bảo vệ.

2. Lịch sử phát triển quyền về đời sống riêng tư trên thế giới.

Trong tác phẩm "Bàn về tự do", Stuard Mill (1806 - 1873) đề cập tới sự tồn tại của 2 không gian đối lập, một thuộc về chính quyền quản lý, một dành cho cá nhân tự quản. Trước đó, sự phân biệt giữa không gian riêng và chung cũng đã được John Locke (1632 - 1704) đề cập gián tiếp trong tác phẩm "chuyên luận số hai về chính quyền", khi bàn về tài sản, Locke cho rằng trong trạng thái tự nhiên của cải xã hội được giữ như là tài sản chung. Một cá nhân có quyền sở hữu đương nhiên đối với thân thể và tinh thần, thông qua lao động một cá nhân có thể sở hữu tài sản thông qua việc kết tinh lao động vào trong tài sản đó, biến nó thành tài sản cá nhân.

Những tư tưởng về quyền về đời sống riêng tư phát triển cực thịnh cùng với sự phát triển của tư tưởng về các quyền cơ bản của con người trong những năm 40 của thế kỷ 20. Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền. Trong đó, Điều 12 Tuyên ngôn này có ghi nhận về quyền riêng tư của cá nhân: "Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy".

Để cụ thể hóa các quy định về quyền con người trong hiến chương Liên Hiệp quốc, hai công ước quốc tế đã ra đời vào ngày 16/12/1966: Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Tại Điều 17 Công ước về các quyền dân sự chính trị, Quyền riêng tư tiếp tục được đề cập: "1. Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín; 2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy".

Thập kỷ 70 và khoảng thời gian sau nay là thời kỳ nở rộ của quyền riêng tư trên bình diện quốc tế, rất nhiều quốc gia ban hành những đạo luật nhằm bảo vệ dữ liệu điện tử và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, có thể kể đến như: năm 1974, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật về quyền riêng tư The Privacy Act; Năm 1977, nước Đức cho ban hành đạo luật Liên bang về bảo vệ thông tin (Federal data Protection act); Năm 1978, tại Pháp, Đạo luật bảo vệ thông tin dữ liệu ra đời; Năm 1981, Isarel ban hành Luật về quyền riêng tư; năm 1988 đến lượt Australia ban hành Đạo luật về quyền riêng tư; năm 1992 là Thụy Sỹ và năm 1998 và Vương quốc Anh.

Trong quá trình khảo cứu quy định về quyền về đời sống riêng tư thì thấy tại nhiều quốc gia trong họ luật Civil law, các quy định về quyền về đời sống riêng tư, các quy định về quyền về đời sống riêng tư được ghi nhận trong hiến pháp, luật dân sự và các luật chuyên ngành. Còn trong họ luật Common law, quy định định về quyền riêng tư được xây dựng thông qua các án lệ cũng như pháp luật thành văn, do đó bao quát được những lỗ hổng nhưng thiếu sót mà nhà nước chưa kịp ban hành quy định để giải quyết. Trong các quốc gia thuộc dòng họ Common law, Hoa kỳ là quốc gia có nền pháp lý phát triển nhất, hệ thống quy định của pháp luật Hoa Kỳ về về đời sống quyền riêng cũng rất phong phú đa dạng do đó rất cần phải quan tâm nghiên cứu.

Tại Hoa Kỳ, nguồn luật bao gồm cả pháp luật thành văn và án lệ, án lệ sử dụng chủ yếu trong hoạt động xét xử. Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, khi giải quyết những tranh chấp bồi thường thiệt hại về dân sự, hệ thống các quy định về trách nhiệm dân sự (tort, civil wrong) được áp dụng. Những quy định này được ghi nhận thông qua án lệ. Ngoài ra để làm sáng tỏ thêm về những án lệ đã có cũng như tập hợp, pháp điển hóa những nguyên tắc chung trong giải quyết tranh chấp mà Viện Khoa học pháp lý Hoa Kỳ đã ban hành những tuyển tập bình luận về các vấn đề pháp lý khác nhau gọi là Reastatement of law. Bộ Reastatement of law đề cập tới nhiều lĩnh vực như Đại diện (Agency), Xung đột pháp luật (Conflict of the law), Hợp đồng (Contract), Tài sản (Property)…

Khi xét xử, bên cạnh việc viện dẫn các án lệ, các thẩm phán cũng dựa trên những nguyên tắc được ghi nhận trong các tuyển tập này để lập luận và đưa ra phán quyết.

Mục 652 tuyển tập số 02 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Reastatement of the law, second, Torts 652) có quy định về các dạng hành vi xâm phạm quyền riêng tư phải chịu trách nhiệm dân sự bao gồm:

- Xâm phạm không gian riêng tư (Instruction upon seclusion).

- Hành vi sử dụng tên tuổi và hình ảnh của người khác (Approriation of name or Likeeness).

- Hành vi công khai đời sống riêng tư (Publicity Given to Private Life).

- Công bố thông tin không có cơ sở đặt người khác vào tình huống gây hiểu lầm (Publicity that unreasonably places the other in a false light before the public).

Như vậy với 4 hành vi nêu trên có thể thấy rằng, nội dung của quyền riêng tư trong pháp luật dân sự Hoa Kỳ không chỉ đơn thuần là sự bảo vệ về khía cạnh thông tin cá nhân mà nó còn có sự giao thoa với các quyền dân sự khác: đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và nơi cư trú, quyền bất khả xâm phạm đối với thư tín, quyền của cá nhân đối với tên tuổi hình ảnh. Việc xây dựng các quy định về quyền riêng tư tại Hoa Kỳ, không xuất phát trên cơ sở lý luận pháp lý mà được thể hiện thông qua thực tiễn. Thông qua các cuộc trao đổi, bàn luận về quyền riêng tư xuyên suốt từ đầu thế kỷ 20, năm 1960, học giả William Prosser đã đưa ra hệ thống 4 hành vi xâm phạm tới quyền riêng tư (đã nêu trong chương I) làm tiền đề cho công tác xét xử của các tòa án, từ đó đúc kết kinh nghiệm thực tiễn cho sự ra đời cho quy định về 04 hành vi xâm phạm riêng tư đã nêu ở trên. Trong 04 hành vi xâm phạm riêng tư theo pháp luật Mỹ thì hành vi đầu tiên (Instrusion upon seclusion) và hành vi thứ ba - Hành vi công khai đời sống riêng tư (Publicity Given to Private Life) là dễ dàng nhận thấy nó đúng là sự xâm phạm vào không gian riêng, phù hợp với những quan niệm của Việt Nam. Tuy nhiên, dạng hành vi thứ hai thì có vẻ giống với hành vi xâm phạm về hình ảnh, còn dạng hành vi thứ tư thì giống với hành vi xâm phạm về danh dự nhân phẩm. Như vậy có thể thấy, pháp luật Mỹ xây dựng, định hình các hành vi xâm phạm riêng tư thông qua hình thức (mặt khách quan) của hành vi mà hướng tới giá trị (khách thể) mà hành vi xâm hại. Sử dụng hình ảnh thì đối tượng tác động là hình ảnh, nhưng về bản chất là làm tổn thương tới đời sống tinh thần, sự riêng tư của cá nhân.

Mỗi quốc gia có quan niệm khác nhau về quyền về đời sống riêng tư đó là vấn đề về truyền thống pháp lý, tuy nhiên có một điểm đáng ghi nhận của hệ thống Hoa Kỳ là môi trường lý luận và học thuật phát triển có sự tương tác với đời sống pháp lý, từ đó cho ra đời những quy định rất thiết thực phản ánh đúng bản chất của hành vi chứ không viễn vong xa vời. Hệ thống án lệ của Hoa Kỳ thực sự có giá trị trong việc xác định các hành vi khách quan xâm phạm riêng tư và đường lối xử lý, sao cho đảm bảo nguyên tắc stare decisis khỏa lấp được những thiết sót của pháp luật thành văn.

3. Quyền về đời sống riêng tư trong Luật Dân sự Việt Nam

Từ trước khi Bộ luật Dân sự 2015 được thông qua, hệ thống pháp lý của nước ta chỉ ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về nơi cư trú và thư tín, trong hiến pháp 1992 và quyền bí mật đời tư trong Luật Dân sự 1995 và Luật Dân sự 2005 chưa có quy định trực tiếp về quyền về đời sống riêng tư.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Năm 2015, Bộ luật Dân sự 2015 với nhiều thay đổi, trong đó có sửa đổi về quyền bí mật đời tư trước đây trong Luật Dân sự 2005, cụ thể điều 38 BLDS 2015 quy đình rằng: "Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình".

BLDS năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một quy định cần thiết, quan trọng và là một điểm nhấn phản ánh quan điểm lập pháp và trình độ lập pháp ở Việt Nam hiện nay. Nhân tố con người được bảo đảm thực hiện có hiệu quả và thể hiện rõ nhất bản chất của nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều 12 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc quy định: "Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân".

Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy. Quyền con người được bảo đảm thực hiện đối với mỗi cá nhân cư trú trong phạm vi lãnh thổ đất nước mình, mà còn được bảo vệ trong trường hợp lưu trú tại một quốc gia khác.

Tại Điều 14 Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc quy định: "Không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác"… Điều 44 Công ước này quy định: "Thừa nhận gia đình là một tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ…".

Như vậy, Luật Dân sự 2015 thay đổi về mặt thuật ngữ, sửa đổi từ "bí mật đời tư" sang "quyền đối với đời sống riêng tư" bổ sung thêm cụm từ bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Về mặt nội dung, khoản 1 của hai quy định năm 2005 và 2015 vẫn là thiết lập nguyên tắc bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ cho quyền nhân thân được quy định. Khoản 2 điều 38 BLDS 2015 bãi bỏ quy định tiết lộ thông tin trong trường hợp chủ thể của thông tin đã chết, mất năng lực hành vi, chưa đủ tuổi có năng lực hành vi dân sự. Khoản 3 điều 38 BLDS 2015 so với quy định của BLDS 2005, không có nhiều thay đổi. Khoản 4 quy định thêm về quyền riêng tư của các bên trong quan hệ hợp đồng (một quan hệ đặc trưng trong lĩnh vực dân sự).

Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 chỉ có sự đổi mới về hình thức chứ chưa có sự đổi mới nhiều về mặt nội dung. Quy định về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có 4 điểm mới là: thay đổi về mặt thuật ngữ để tránh khỏi những khúc mắc về khái niệm bí mật đời tư trước đây; bổ sung thêm dữ liệu điện tử tại khoản 3 cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin; bổ sung thêm quy định về bảo vệ thông tin trong giao dịch hợp đồng và cuối cùng là bổ sung nội dung quyền đối với bí mật gia đình.

Do những quan niệm pháp lý khác nhau cũng như đặc thù của hệ thống pháp lý mà pháp luật nước ta không có quy định ghi nhận trực tiếp quyền về đời sống riêng tư. Điều này không phải vấn đề lớn bởi lẽ quyền về đời sống riêng tư là một quyền năng mang tính ứng dụng rất cao có thể được quy định trong các trường hợp cụ thể, các điều luật cụ thể chứ không nhất thiết phải có một quy định trực tiếp về quyền riêng tư trong luật dân sự.

Quyền về bí mật đời tư trước đây hay quyền về đời sống riêng tư hiên nay đều chưa thể hiện hết các khía cạnh của quyền riêng tư, hai quyền này mới chỉ đảm bảo sự riêng tư về thông tin, bản chất của quyền riêng tư còn bao gồm sự riêng tư về thân thể, hình ảnh, nơi cư trú, và tự do hành động. Nếu đưa quyền về đời sống riêng tư vào trong Luật Dân sự, vô hình chung sẽ chồng chéo lên các quyền năng khác, cụ thể quyền riêng tư sẽ chồng chéo quyền đối với hình ảnh (mặc dù khách thể bảo vệ là khác nhau, nhưng đối tượng bảo vệ lại giống nhau), quyền về đời sống riêng tư sẽ chồng chéo với quyền tự do đi lại, quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú.

Nhìn sang pháp luật Mỹ thì thấy rằng, việc đưa ra định nghĩa cụ thể về quyền về đời sống riêng tư không quá quan trọng mà quan trọng là xác định được các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và thiết lập những nguyên tắc pháp lý để bảo vệ sự riêng tư. Tu chính án số 4 được coi là gốc của quyền riêng tư tại Mỹ, nó quy định về việc bảo vệ thân thể, tài sản, thư tín trước những cuộc lục soát và tịch thu vô căn cứ. Trong tu chính án số 4 không hề có một từ nào liên quan tới quyền riêng tư “privacy”. Quyền về đời sống riêng tư và các quy định về quyền riêng tư trong pháp luật Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở pháp điển hóa, tập trung hóa những tranh luận, quan điểm học thuật, thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng án lệ và ban hành những đạo luật để giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong xã hội. Như vậy, những quy định về quyền riêng tư ra đời là để đáp ứng nhu cầu của thời đại, việc xây dựng hệ thống quy định về quyền riêng tư trong pháp luật Mỹ rất linh hoạt và mang tính thực tiễn cao chứ không đòi hỏi những quy định khung, quy định cứng trong các đạo luật gốc. Đây là điểm mà những nhà làm luật Việt Nam cần lưu tâm nghiên cứu học hỏi quyền riêng tư: Thứ nhất dựa vào quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong  pháp luật dân sự; thứ hai là dựa vào vào việc xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm thông tin riêng tư trong từng lĩnh vực cụ thể; thứ ba là xử lý hình sự về các tội phạm hình sự nếu hành vi cấu thành các tội phạm như làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015), tội xâm phạm chỗ ở người khác (Điều 158 BLHS 2015), tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (điều 159 BLHS 2015). Cơ chế thì đã có những việc xử lý trên thực tế thì khó bởi các phương thức xử lý thì chưa rõ ràng đôi khi chồng chéo lẫn lộn, hơn nữa cũng là một phần là do nhận thức của xã hội, của các cơ quan công quyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự riêng tư và thông tin là chưa cao.

4. Kết luận

Với những phân tích trên có thể thấy pháp luật dân sự nước ta quy định về quyền về đời sống riêng tư là khác so với quyền về đời sống riêng tư của một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, quyền về đời sống riêng tư là một lĩnh vực mang tính thực tiễn cao, những quy định về quyền về đời sống riêng tư được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế của xã hội, chứ không phải là thông qua quy định khung trong các đạo luật gốc như Hiến pháp, Luật Dân sự. Vấn đề hiện tại của Việt Nam không phải là sửa đổi Hiến pháp hay Bộ luật Dân sự để đưa quyền riêng tư vào, mà là xây dựng các đạo luật, các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định bảo vệ đời sống riêng tư cho cá nhân. Hiện nay, Nhà nước ta cũng đã rất tích cực chủ động để sửa đổi các bộ luật hiện hành, bổ sung các quy định về riêng tư, ban hành những quy định mới bảo vệ sự riêng tư trong các lĩnh vực như thông tin mạng, báo chí truyền thông, tố tụng hình sự. Hơn nữa, với sự ra đời của nguồn luật mới là Án Lệ (theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014, Nghị quyết 03/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng thẩm phán TANDTC), hy vọng rằng quá trình xây dựng và áp dụng các quy định để bảo vệ sự riêng tư sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 11/12/2015).

2. Thái Thị Tuyết Dung (2012), ‘‘Quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư ở Việt Nam và một số quốc gia’’, Sách chuyên khảo, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

3. Vũ Công Giao, Phạm Thị Hậu, ‘‘Pháp luật bảo vệ quyền bí mật dữ liệu cá nhân trên thế giới và Việt Nam’’, Tạp chí khoa học Nhà nước và Pháp luật số 2/2017, trang 67;

4. Phùng Trung Tập, ‘‘Bí mật đời tư bất khả xâm phạm’’, Tạp chí Luật học số 6/1996, trang 41;

5. ThS. Lê Văn Sua, ‘‘Quyền bí mật đời tư cần được hướng dẫn cụ thể’’, Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2016, trang 27.

THE RIGHT TO A PRIVATE LIFE UNDER CURRENT VIETNAMESE CIVIL LAW

CAO THANH TAM

Institute of Resource Development, Tra Vinh University

ABSTRACT:

In the era of a rapid developed digital technology, the publishing your personal information on the Internet for different purposes has gradually become familiar. On the one hand, this activity makes it more convenient for us to use social services. On the other hand, this activity increases risks that our personal information could be stolen to commit illegal acts, such as impostures to commit frauds and making fake bank cards. This article is to propose the history of developing the right to a private life in the world and regulations of Vietnam of this legal issue.

Keywords: The right to a private life, private life.